Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Statins và cảm cúm

Statins là một nhóm thuốc giảm cholesterol trong máu. Statins rất phổ biến trong cộng đồng, vì có ước tính chỉ riêng ở Mĩ có hơn 10 triệu người đang dùng thuốc này. Cơ chế sinh học của statins là nó ức chế một enzyme có tên là 3-hydroxy-3-methylglutaryl coenzyme A reductase (gọi tắt HMG-CoA reductase). Nhưng trong vài năm gần đây có nhiều nghiên cứu cho thấy statins còn có nhiều hiệu quả khác. Năm ngoái, tôi và đồng nghiệp có công bố một nghiên cứu cho thấy statins có thể giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi. Mới đây, người ta phát hiện rằng statins có vẻ thay đổi hệ thống miễn dịch, cụ thể là nó ngăn chận sự kích hoạt của NF-kappaB (một transcription factor), và qua đó statins có ảnh hưởng chống viêm. Do đó, statins còn được giới miễn dịch học gọi là “immunomodulator”.

Một số trường hợp bệnh cảm cúm là do rối loạn hệ miễn dịch (còn gọi là “cytokine storm”). Vì thế, có ý tưởng cho rằng các immunomodulator có thể sử dụng để điều trị cảm cúm. Ý tưởng này được xuất hiện từ 2004 qua một bài báo trên tập san Circulation. Bài báo này báo cáo rằng trong số những bệnh nhân nhập viện vì bệnh cúm nhưng trước đó có uống statins hơn 1 tháng thì tỉ lệ nhiễm trùng huyết (sepsis) loại nặng giảm đến gần 90% (2.2% so với 19%)! Một nghiên cứu khác cho thấy trong số trên 700 bệnh nh6n nhập viện vì viêm phổi, có khoảng 100 người từng dùng statins. Sau đó, họ so sánh thấy nguy cơ tử vong trong nhóm dùng statins giảm gần 64% (OR 0.36; 95% CI: 0.14 – 0.92). Tuy kết quả hết sức đáng khích lệ, nhưng lúc đó, những phát hiện này chẳng gây chú ý, vì ít ai nghĩ statins có ảnh hưởng đến bệnh nhiễm.

Năm 2007, dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy statins có thể có hiệu quả giảm nguy cơ COPD, viêm phổi và cảm cúm. Trong số ~76,000 bệnh nhân dùng statins ít nhất 3 tháng. Tỉ lệ tử vong vì COPD giảm một cách đáng kể. Năm 2008, hai tác giả Meredith và Vandermeer truy tìm hồ sơ bệnh lí của 2800 bệnh nhân nhập viện vì cúm mùa trong thời gian 2007-2008, và họ phát hiện rằng trong số này có 801 người dùng statins và 1999 người không dùng statins. Nhóm dùng statins có tỉ lệ tử vong là 2.1% (17/801), còn nhóm không dùng statins thì tỉ lệ tử vong là 3.2% (64/1999). Nói cách khác, statins giảm nguy cơ tử vong từ bệnh cúm mùa.

Các dữ liệu nghiên cứu mới nhất này cho thấy statins có thể là một “vũ khí” quan trọng chống cúm và hệ quả của bệnh cúm. Đương nhiên, các dữ liệu trên đây có giá trị khoa học không mấy cao bởi vì tất cả nghiên cứu và phân tích trên đều xuất phát từ những nghiên cứu quan sát chứ không phải can thiệp. Nhưng giả thuyết về statins, hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh viêm phổi, COPD và cúm thì rất đáng được kiểm định bằng một nghiên cứu mới ở nước ta.

NVT

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

“Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” [qua bình luận dưới đây của NVP] thật sự làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì hai lí do: thứ nhất, cơ quan Nhà nước có vẻ rất quan tâm đến mấy chuyện nhỏ nhặt như thông cáo báo chí của các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân; thứ hai, cũng như NVP, tôi ngạc nhiên là tại sao phải phân biệt giữa doanh nghiệp / cơ quan nước ngoài và trong nước. Tôi không hiểu ”cơ quan, tổ chức nước ngoài” ở đây có bao gồm các tòa đại sứ không? Chẳng lẽ tòa đại sứ Mĩ hay Úc cũng phải xin phép giới chức Việt Nam để ra thông cáo báo chí?

Thông cáo báo chí (press release) là hình thức quảng bá việc làm, sản phẩm của một cơ quan hay công ti. Ở Úc, hầu như đại học, viện nghiên cứu, công ti lớn, cơ quan chính quyền nào cũng có bộ phận lo về “public relation” phụ trách phần này. Ngay cả cơ quan an ninh như cảnh sát cũng ra thông cáo báo chí. Ở viện Garvan nơi tôi làm việc, họ có một chuyên gia chuyên phát hành các thông cáo báo chí về những công trình nghiên cứu và khám phát xuất phát từ viện. Tôi có cơ hội làm việc với người này (một phụ nữ), và thấy bà làm việc cực kì chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Bà rất giỏi trong việc soạn thảo các thông cáo báo chí, chuyển dịch các thuật ngữ khoa học sang từ ngữ phổ thông để ai cũng có thể hiểu được, và nhất là sử dụng từ ngữ sao cho “chiến lược” để thu hút chú ý của giới truyền thông đại chúng. Nhưng điều quan trọng là thông cáo báo chí phải phản ảnh chính xác sự việc, không được nói quá và thổi phồng, vì làm như thế là sẽ chịu búa rìu dư luận. Chẳng hạn như thông cáo báo chí về công trình nghiên cứu ăn chay và loãng xương của chúng tôi và đồng nghiệp thuộc trường y Phạm Ngọc Thạch bên Việt Nam gần đây, phải xem đi sửa lại cả chục lần mới phổ biến trên website của Viện. Tôi nói như thế để thấy rằng những cá nhân, tổ chức ra thông cáo báo chí họ cũng làm nghiêm chỉnh, chứ không phải muốn nói gì thì nói đâu. Kiểm soát những thông cáo báo chí đối với những tổ chức như thế tôi e rằng hơi … thừa.

Ở Úc, cơ quan ra thông cáo báo chí chẳng xin phép ai cả. Như ở Viện tôi làm, chỉ có 2 người duyệt nội dung thông cáo báo chí: đó là tôi (hay người chủ trì nghiên cứu) và viện trưởng. Khi hai người này ok, thông cáo báo chí liền được xuất bản trên website, và giới truyền thông liên lạc tôi (hay người chủ trì nghiên cứu) để phỏng vấn.

Điều đặt biệt là tính thời gian rất căng thẳng. Chúng tôi chỉ có quyền công bố thông cáo báo chí khi tập san đã công bố bài báo của chúng tôi online. Nếu tập san chưa công bố thì chúng tôi không được ra thông cáo báo chí. Ngược lại, nếu tập san đã công bố bài báo qua 2 ngày thì viện không thèm ra thông cáo báo chí nữa vì … mất tính thời gian. Thông thường, chỉ cần 5 phút hay cao lắm là 12 giờ sau khi tập san công bố bài báo, thì Viện tôi ra thông cáo báo chí ngay trên website của mình. Thời giờ bất kể đêm hay ngày! Nếu theo qui định của Việt Nam là Viện phải nộp thông cáo báo chí cho Bộ TT&TT 48 giờ trước khi công bố, rồi còn phải chờ được phê chuẩn, thì nó mất tính thời gian hết rồi, đâu có ai quan tâm nữa! Thật ra, ở Úc mà nói đến việc xin phép bộ để ra thông cáo báo chí tôi nghĩ các trường đại học và doanh nghiệp sẽ nhao nhao lên nói là họ bị xúc phạm!

Đó là “luật chơi” ở Úc. Đương nhiên, không nhất thiết Việt Nam phải làm theo Úc hay theo bất cứ nước nào; Việt Nam phải có qui định phù hợp với tình hình của Việt Nam. Nhưng qui định phải làm sao đơn giản, nhẹ nhàng, văn minh, và nhất là tránh cái “air” của thời bao cấp hay phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Kinh nghiệm làm việc của tôi ở ngoài này cho thấy nếu Úc mà làm như Việt Nam (phải xin phép bộ ở tận Canberra trước 48 giờ) thì chắc chắn chẳng có cơ quan nào có thể ra thông cáo báo chí theo thời gian tính.

NVT

http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/10/en-thong-cao-bao-chi-cung-phai-xin-phep.html

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đã có khá nhiều góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” từ các nhà báo và nhà quản lý. Tuy nhiên có một đối tượng bất ngờ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hành vi bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo dự thảo Nghị định, cũng bất ngờ không kém: Phát hành thông cáo báo chí mà không có giấy phép.

Bất ngờ là bởi hỏi thăm một vòng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhất là các công ty chuyên lo chuyện quan hệ đối ngoại cho các doanh nghiệp này, họ đều trả lời trước nay soạn, gởi các thông cáo báo chí họ đều không nghĩ phải xin phép. Tất cả đều ngạc nhiên, hỏi lại là xin phép ở đâu, thủ tục như thế nào, thời hạn ra sao… Hằng ngày có cả chục đến cả trăm thông cáo báo chí được phát ra, trong đó nhiều nhất vẫn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ chuyện thay đổi nhân sự, giới thiệu sản phẩm mới đến chuyện công bố kết quả khuyến mãi, giảm giá hay những vấn đề cấp bách hơn như giải thích một sự cố sản phẩm đang được dư luận quan tâm… Không lẽ tất cả những thông cáo báo chí này đều phải xin phép?

Nguyên văn dự thảo Nghị định ghi rõ chuyện phát hành thông cáo báo chí không có giấy phép bị phạt tiền là dành cho “cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”. Điều đó có nghĩa ngay cả những tổ chức như Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP… mỗi khi muốn công bố đều gì đó cho báo chí qua hình thức thông báo đều phải xin phép nếu không muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Thật ra, quy định phát hành thông cáo báo chí đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài phải xin giấy phép nằm ở “Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành vào tháng 11-2002. Quy chế này nói rõ hồ sơ xin phép phát hành thông cáo báo chí nộp ở Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông), phải nộp hồ sơ “ít nhất trước 48 tiếng đồng hồ so với thời gian dự định phát hành thông cáo báo chí”…

Điều đáng nói là từ năm 2002 đến nay, Bộ là nơi nắm rõ nhất có bao nhiêu hồ sơ gởi đến để xin phát hành thông cáo báo chí, so với thực tế thì con số tuân thủ chiếm chừng bao nhiêu phần trăm. Bộ cũng là nơi hiểu rõ nhất quy chế xin phép này có mang tính thực tiễn không hay chỉ là quy định hình thức bởi thực tế ít ai phát hành một thông cáo báo chí đơn giản một trang giấy mà phải làm hồ sơ xin phép cả. Thông cáo báo chí là cầu nối cung cấp thông tin từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng – không có lý do gì phải ràng buộc bằng giấy phép. Còn nếu lo ngại nội dung thông cáo báo chí có những vấn đề gì nhạy cảm hay mang tính sai trái như vu khống đối thủ chẳng hạn thì cơ quan báo chí, nơi nhận thông báo, sẽ phải xử lý thông tin như một nguồn tin bình thường.

Quan trọng hơn, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta đã cam kết không phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài. Chắc chắn về mặt pháp lý quy chế đòi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin phép khi phát hành thông cáo báo chí trong khi doanh nghiệp trong nước thì không đã bị vô hiệu hóa bởi các văn bản triển khai việc gia nhập WTO.

Quy chế nói trên (phần liên quan đến thông cáo báo chí) có mặt trong đời sống doanh nghiệp từ năm 2002 nhưng không thấy triển khai thực thi. Nay dự thảo Nghị định nêu lại. Thiết nghĩ việc đầu tiên là nên cập nhật lại Quy chế và sau đó đưa nội dung xử phạt nói trên ra khỏi dự thảo Nghị định. Làm như thế chính là đem lại sự nghiêm minh cho pháp luật vì không nên để tồn tại một quy định mà không ai thực hiện cả.

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Vài kỉ niệm với Tạp chí Tia Sáng

Bộ Khoa học và Công nghệ có hai tạp chí: đó là tờ Hoạt động Khoa họcTia Sáng. Tôi có cơ duyên đóng góp bài vở cho cả hai tạp chí, nhưng hình như số bài tôi viết cho Tia Sáng nhiều hơn cho Hoạt động Khoa học. Tôi thích cả hai tạp chí vì tính bổ sung cho nhau. Một bên (Hoạt động Khoa học) là tiếng nói chính thức của Bộ KHCN, còn một bên mang tính phản biện. Cả hai tạp chí đều ra hàng tháng, nhưng chất lượng in của Tia Sáng thì nghèo nàn hơn HĐKH rất nhiều. Tuy vậy, hàm lượng tri thức và thông tin của Tia Sáng theo tôi thì cao hẳn hơn so với HĐKH. Một giám đốc nhà xuất bản phía Nam có lần hỏi tôi về chuyện nhuận bút của Tia Sáng, tôi nói chỉ là “tiền cà phê” thôi (vì lâu lâu tôi mới ra Hà Nội) chứ có nhuận bút gì đâu, và vị giám đốc mới nói với tôi rằng Tia Sáng nghèo lắm, mỗi lần in là họ chạy xin quảng cáo. Do đó, không ngạc nhiên khi có người (không phải biên tập của hai tờ tạp chí) nói đùa với tôi rằng Tia Sáng là “con ghẻ”, còn HĐKH là “con ruột” của Bộ.

Tôi có lẽ là người đầu tiên đề nghị website cho Tia Sáng. Cách đây vài năm tôi có dịp đi công tác ngoài Hà Nội và ghé qua văn phòng tòa soạn Tia Sáng trên đường Trần Hưng Đạo. Nói là tòa soạn cho oai, chứ đường vào văn phòng quanh co rất khó đi, và phía trong chỉ vài cái phòng nhỏ, có phòng ánh điện leo lét, còn hành lang thì bề bộn với sách vở, trông rất lượm thượm, và rất … Việt Nam. Hôm đó, sau một lúc trò chuyện, tôi đề nghị rằng Tia Sáng nên ra website, vì những anh em cộng tác ở ngoài Việt Nam đâu có cơ hội đọc báo giấy, mà nếu gửi ra ngoài thì cước phí đắt quá. Nhưng đề nghị của tôi không được đón nhận. Anh VT lịch sự nói rằng đó là một đề nghị hay, anh chưa nghĩ đến nó, vả lại Tia Sáng không có kinh phí và cũng chẳng có người chăm lo website. Tôi hăng hái nói chi phí website thật ra rất thấp, vấn đề là kĩ thuật, mà ở Việt Nam thì chuyên gia kĩ thuật website nhiều lắm. Nhưng nói gì thì nói, lúc đó đề nghị về website của tôi coi như không được tiếp nhận.

Bẵng đi một thời gian, tôi thấy Tia Sáng có website! Tuy website không “hoành tráng” nhưng giao diện cũng xem được. Website Tia Sáng lúc đó chạy chậm lắm, chậm đến nỗi có lúc tôi không buồn ghé vào xem nội dung ra sao. Sau này website được thiết kế lại và chạy nhanh hơn, nhưng vẫn còn chậm so với các website báo chí phổ thông. Mới mấy hôm trước vào website Tia Sáng thì thấy có dòng chữ thông báo là website đang được cải tiến. Nhưng chỉ 2 ngày sau, tên miền tiasang.com.vn bị mất!

Tại sao website Tia Sáng biến mất trên không gian internet? Chẳng ai biết lí do. Hỏi người phụ trách thì anh ta nói là lí do “kĩ thuật” thôi. Nhưng blogger Bút Lông thì nói rằng Tia Sáng online bị đình bản, vì bài viết “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng” của Gs Hoàng Tụy. Nhưng đương nhiên, đó cũng chỉ là tin đồn trên mạng thôi, chứ chẳng có thông tin gì chính thức từ tòa soạn Tia Sáng hay Bộ KHCN. Theo tôi, bài viết đó của Gs Hoàng Tụy là những ý kiến và nhận xét mà ông đã nói bấy lâu nay, chí tình chí nghĩa, chẳng có gì đụng chạm. Nếu quả thật vì bài đó mà Tia Sáng bị đình bản thì có lẽ có người quá nhạy cảm chăng? Tiếp theo sau IDS tự giải thể, nay đến Tia Sáng bị đình bản, và cả hai đều có chung đặc điểm là phản biện xã hội. Do đó, sự trống vắng của hai cơ quan này có thể là một tín hiệu thiếu lành mạnh.

Tia Sáng là một tạp chí khác thường so với các tạp chí khác ở Việt Nam. Người ta thường nói Tia Sáng là diễn đàn của giới trí thức, và chắc điều đó cũng chẳng sai. Nó không hẳn là một tạp chí khoa học dù những người viết bài toàn là những người làm khoa học, nên họ viết nghiêm chỉnh có bằng chứng và lí giải. Nội dung Tia Sáng thì đủ chủ đề, từ khoa học đến văn hóa và nghệ thuật. Nhiều bài viết trên Tia Sáng mang tính phản biện cao, và cũng đôi lúc gây căng thẳng cho tòa soạn. Có lẩn bài viết về đạo văn trong khoa học của tôi được đăng tải thì có người gọi điện vào đề nghị rút bài đó xuống vì nó đụng chạm đến một vài chuyên gia trong công ti Vinashin, nhưng tòa soạn kiên quyết giữ bài đó trên mạng. Nói như thế để thấy ban biên tập Tia Sáng cũng can đảm lắm.

Người đầu tiên giới thiệu tôi (thật ra là gửi bài viết của tôi) với Tia Sáng không phải là nhà khoa học mà một người làm về văn học. Anh là ĐMT, nhà thơ, đạo diễn phim, viết văn rất hay và giàu ý tưởng. (Anh cũng là người giới thiệu và gửi bài viết của tôi cho báo Nhân Dân trước đó). Tôi không nhớ anh gửi bài nào, nhưng có lần thấy Tia Sáng đăng 2 bài của tôi trong một số báo, anh nói đùa rằng “vinh dự lắm đó nhé”! Có lẽ vì đăng hai bài nên họ phải đổi tác giả một bài thành “Nguyễn Văn” mà chẳng báo cho tôi biết. Tôi đọc bài của mình mà cười một mình rằng từ này mình có bút danh rồi!

Tia Sáng có những biên tập viên rất tốt. Tôi có cơ duyên quen với các anh NDP, PH, VT trong ban biên tập, và sau này mỗi lần ra Hà Nội là có dịp đàm đạo nhiều giờ. Có hôm tôi, P và H gặp nhau ở một quán cà phê gần khách sạn Melia nơi tôi lưu trú mà nói chuyện một mạch hơn 4 giờ đồng hồ! Toàn chuyện làm sao đưa khoa học Việt Nam mạnh hơn. Sau này, P và H sang làm cho một đại học nên chúng tôi không có dịp liên lạc nhau nữa, dù tôi nhớ hoài cái quán cà phê nho nhỏ đó, vì nó rất … Hà Nội, nghe nói là quán của sinh viên. Mỗi lần nghĩ đến Hà Nội, tôi nghĩ đến cái quán cà phê đó!

Hầu hết các biên tập viên của Tia Sáng đều xuất thân khoa học mà ra, nên họ “biết chuyện”, và cũng biết văn hóa khoa học. Họ ít khi nào cắt xén bài vở của cộng tác viên, nhưng khi lên đến lãnh đạo cao hơn thì nhiều bài cũng bị gọt dũa riết thành một bài báo ngô nghê. Một anh bạn trẻ trong ban biên tập "khen" tôi là một cộng tác viên dễ tính, vì tôi không khi nào phàn nàn bài của mình bị biên tập "thô bạo". Thật ra, tôi chỉ tham gia viết bài cho vui chứ không xem đó là những bài khoa học khoa hiếc gì, nên cũng chẳng quan tâm cắt xén ra sao, miễn ý chính vẫn còn tồn tại thì ok rồi. Tôi còn nghe một biên tập viên thuật lại rằng có một cộng tác viên và giáo sư ở Nhật vì bài của anh bị cắt xén nhiều quá, anh nổi nóng và quyết định không cộng tác với Tia Sáng nữa. Lại có một cộng tác viên ở Hà Nội khi thấy bài của mình bị biên tập nhiều quá, ông gọi điện “xài xể” ban biên tập thậm tệ, nhưng anh em trong ban biên tập cắn răng chịu đựng. Ấy thế mà nay thì Tia Sáng bị đình bản.

Vắng một người thế giới trở nên hoang vu. Vắng một tờ báo mình từng cộng tác tôi cũng thấy có cái gì thiếu thốn. Cũng như là một người bạn đi đường, đột nhiên một anh vì lí do nào đó không chịu/được đi tiếp, người bạn kia cũng mất vui. Như tôi nói ở trên, tôi có cơ duyên đóng góp nhiều bài vở cho Tia Sáng, có lẽ là nhiều nhất, chỉ sau Tuổi trẻ và TBKTSG mà tôi từng cộng tác. Cho nên khi thấy Tia Sáng biến mất trên không gian xi-be một cách không kèn không trống tôi thấy cũng … buồn. Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết và lối ra. Tôi hi vọng Tia Sáng sẽ quay trở lại và tiếp tục làm diễn đàn của giới trí thức có nhiệt tâm với đất nước.

NVT

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Vedan : Sản phẩm an toàn, sản phẩm không có tội !

Vụ công ti Vedan được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế vinh dang bằng cách trao giải thưởng "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" (chỉ chữ "top" trong bằng khen do Nhà nước cấp đã khó đọc rồi, vì nó có vẻ lai căng!) đang gây ngạc nhiên và phẫn nộ trong công chúng. Chúng ta còn nhớ công ti Vedan là doanh nghiệp đã thải hóa chất giết chết sông Thị Vải. Vedan, theo chính lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng "[…] lừa dối và xảo quyệt khi đổ một tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu". Những sự việc sai trái trên chỉ xảy ra năm ngoái, và dư luận báo chí chưa ráo mực, thì hôm nay công ti được trao giải thưởng vì sức khỏe cộng đồng năm 2009 !

Trả lời câu hỏi của báo Người lao động "Có nghịch lý không khi Công ty Vedan VN gây ô nhiễm môi trường nặng nề, chưa khắc phục xong hậu quả mà sản phẩm đã được công nhận vì sức khỏe cộng đồng?", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói : "Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp (DN) mà là cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn mà công ty làm ra sản phẩm xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận. Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế thì sao không được chứng nhận. Thực chất sản phẩm Vedan vẫn có mặt trên thị trường và người dân vẫn sử dụng."

Tôi thấy lí giải "gây sốc" này của ông thứ trưởng tuy mới nghe qua thì có vẻ khách quan (tức cần phải phân biệt giữa công ti Vedan và sản phẩm của công ti Vedan), nhưng suy nghĩ kĩ thì nó có cái gì lấn cấn trong phát biểu này.

Thứ nhất, doanh nghiệp nhiều khi gắn liền với sản phẩm. Nói đến, chẳng hạn như, Mercedes thì người ta nghĩ ngay đến xe đắt tiền ; hay nói đến Nike thì không ai không nghĩ đến giày thể thao, mặc dù hai hãng này làm nhiều sản phẩm khác chứ không chỉ xe hơi đắt tiền và giầy thể thao. Trong trường hợp này, nói đến Vedan thì người ta ít nghĩ đến bột ngọt mà nghĩ ngay đến những phá hoại môi sinh sông Thị Vải. Do đó, rất khó mà phân cách rạch ròi giữa Vedan là doanh nghiệp và bột ngọt Vedan, và lí giải của ông thứ trưởng xem ra khó thuyết phục.

Thứ hai, qui trình sản xuất và con người có liên hệ với nhau. Đúng như ông thứ trưởng nói : qui trình sản xuất gây ô nhiễm, nhưng chẳng hiểu sao ông lại thêm "chứ người ăn thì không sao" ! Tuy nhiên, qui trình là do con người thiết kế nên, cho nên câu hỏi đặt ra là : ai là thiết kế và ai chịu trách nhiệm cái qui trình gây ô nhiễm đó ? Có phải ban giám đốc công ti không ? Nếu thế thì không thể nói qui trình sản xuất gây ô nhiễm mà không qui trách nhiệm cho người điều hành công ti.

Thứ ba là văn bản của giải thưởng không nhất quán với lời nói của ông thứ trưởng. Dù ông nói rằng đây không phải là giải thưởng cho doanh nghiệp, nhưng nhìn kĩ cái bằng khen dưới đây chúng ta lại thấy tên của doanh nghiệp đứng trước tên của sản phẩm.


Thứ tư, giải thưởng được trao cho một sản phẩm mà ông cho là an toàn, vậy sản phẩm đó là gì. Tôi tìm một lúc thì cũng ra kết quả : đó chính là sản phẩm bột ngọt (xem hình chụp dưới đây). Nhưng ai chứng nhận bột ngọt an toàn ? Trả lời : Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Dựa vào bằng chứng nào để cho rằng bột ngọt an toàn ? Chúng ta chưa biết câu trả lời cho câu hỏi này.
Theo tôi, phải là người can đảm lắm mới dám khẳng định một sản phẩm là an toàn cho cộng đồng. Không có một sản phẩm nào trên thế giới này, kể cả thuốc men, được xem là an toàn tuyệt đối cho cộng đồng cả. Đối với bột ngọt, vấn đề an toàn đã được đặt ra từ lâu. Bạn đọc chỉ cần gõ cụm từ "monosodium glutamate" (hay MSG) trên google thì sẽ thấy có hàng chục ngàn bài viết về bột ngọt. Người phương Tây rất kị bột ngọt vì họ nghĩ là có hại cho sức khỏe. Chính vì thế mà rất nhiều nhà hàng Tàu và Việt Nam ở nước ngoài để bảng rõ ràng rằng thức ăn ở đây không có MSG.
Nói cho công bằng, bằng chứng khoa học hiện nay có thể cho phép chúng ta kết luận rằng bột ngọt tương đối an toàn nếu dùng ở liều lượng thấp hay vừa phải. Một phân tích tổng hợp do FDA của Mĩ thực hiện năm 1995 xác định rằng dùng bột ngọt với hàm lượng thấp (như nêm nếm soup) thì tương đối an toàn. "Tương đối" là vì vẫn có những báo cáo về hội chứng MSG, mà theo đó một số người bị nhức đầu, mặt nóng bừng, nóng bừng quanh miệng, ra mồ hôi, tê tay chân, nhịp tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, và ói mửa. Những triệu chứng này chỉ xảy ra ngắn, và không đe dọa đến tính mạng.
Vinh danh một sản phẩm, nhất là sản phẩm mang danh hiệu "an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" tôi nghĩ chúng ta phải cực kì cẩn thận vì (a) nó liên quan đến một cộng đồng, và (b) chúng ta không muốn đưa ra một thông điệp hoàn toàn an toàn với ấn chứng của cơ quan y tế cao nhất nước trong khi bằng chứng khoa học còn chưa đầy đủ.
Nói đến sức khỏe cộng đồng, tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt 2 cấp : cá nhân và cộng đồng. Đối với cá nhân, dùng hay không dùng bột ngọt hay một sản phẩm nào đó là sở thích tự do của họ, nó không nằm trong sự kiểm soát của một cơ quan nào. Không một cơ quan thẩm quyền nào có thể cấm người ta hút thuốc hay ăn bột ngọt. Đối với cộng đồng, vì ảnh hưởng lớn nên bằng chứng khoa học phải hết sức thuyết phục mới có thể đưa ra một khuyến cáo về an toàn. Đi từ cá nhân lên cộng đồng, tính bảo thủ về an toàn phải gia tăng, chứ không giảm. Bột ngọt có thể an toàn, nhưng chỉ an toàn ở hàm lượng thấp, và với những triệu chứng liên quan đến bột ngọt được báo cáo trong y văn, chúng ta không thể nào xem đó là một sản phẩm an toàn tuyệt đối. Đã không an toàn tuyệt đối, tôi nghĩ không nên tuyên dương vào hàng "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009".
"Vì sức khỏe cộng đồng". Nghe qua thì rất cao thượng, nhưng với những qui trình sản xuất gây ô nhiễm, tiêu diệt môi sinh của một dòng sông, gây ảnh hưởng đển môi trường sống của hàng vạn người, thì cái câu "Vì sức khỏe cộng đồng" thật là mỉa mai làm sao! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã rất chính xác khi than rằng : "thật chẳng còn đạo lý gì nữa!".
NVT

Entry của Gs Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhờ tôi đăng entry sau đây dùm anh, vì anh ấy đang trong quá trình xây dựng lại trang blog của mình. Một entry anh ấy gửi thư cho Giáo sư Hoàng Tụy (tác giả bài "Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng" đăng trên ebsite Tia Sáng nay đã bị đình bản). Một entry khác anh trả lời thắc mắc của một sinh viên và cũng là phản biện ngắn về những đề nghị của Giáo sư Koblitz mà tôi đã có dịp bàn trong entry ngày hôm qua.

Xin giới thiệu cùng các bạn 2 entry này của Gs Hưng.

NVT

=====

Kính thưa GS Hoàng Tụy,

Tôi vốn là lớp hậu sinh nhưng, nhưng cũng là người đi dạy đại học, cũng đam mê nghiên cứu khoa học, cũng có những trăn trở về tình trạng giáo dục cùng cực hiện nay của đất nuớc chúng ta. Tôi cũng theo dõi bấy lâu nay những trăn trở tâm huyết, những phát biểu bộc trực, thẳng thắn, bến bỉ và kiên trì của giáo sư, tôi không khỏi ngậm ngùi khi đọc những dòng vừa qua cuả giáo sư (tôi xin thêm dấu cho dễ đọc) :

"Tôi quá mệt mõi rồi, tuổi đã vượt xa cái hạn "xưa nay hiếm", hơn nữa đã hơn năm naty sức khoẻ suy sụp. Ngoài việc chuyên môn, tôi đã dành phần kha lớn thời gian và tâm trí lo nghĩ vể giaó dục nước nhà mà xem ra chỉ làm cho nhiều ngưởi bị liên lụy. Vậy xin các bạn thông cảm và lượng thứ nếu thấy tôi im lặng "đáng sợ " trong thời gian tới. Xin nhường chỗ cho các bạn tâm huyềt với nước nhà và chia xẻ với tôi niềm tin : trong nhiều vấn đề nội bộ hệ thống của đất nước, trước mắt hiện nay không có vấn đề nào hệ trọng hơn giaó dục (hết trích).

Thưa giaó sư đúng vậy, những khó khăn hiện nay của đất nước ta không có gì hệ trọng hơn giáo dục và cũng từ vì nền giáo dục chệch hướng quá lâu nay đã ăn vào xương vào tủy mà mọi góp ý, kiến nghị, dự án... đều rời vào chỗ trống không, đền như nước đổ lá môn như người Quảng Nam chúng ta thường nói !

Gần đây, theo dõi thảo luận tại Quốc Hội về vụ Bauxite Tây Nguyên, đọc những chỉ thị, quyết định, xem YOU TUBE, xem báo đài chính thống, tôi lại càng thấy hậu quả khôn lường của một nền giáo dục lạc hướng !

Tuy ít tuổi hơn giáo sư, nhưng hai năm gần đây tôi cũng đã thấy mệt mỏi nhất là phải nói mãi những điều căn bản chẳng có gì mới mẻ vì người ta đã làm từ mấy thế kỷ nay rồi, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu và từ hai năm nay tôi cũng tự mình yên lặng hay làm chuyện khác xả stress!

Tôi có cảm tưởng Việt Nam ta ngày nay đã lạc vào một mê cung tư tưởng không khác nào thời Tự Đức chịu ảnh hưởng của văn hoá Tống Nho, chịu sự chi phối của nước Trung Hoa bao la khổng lồ bên cạnh, luôn luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ !

Cái khác là thời ấy Trung Hoa đang lúc thoái trào, nhà Thanh đang làm Trung Hoa suy yếu, bạc nhược ... Ngày nay việc đáng ngại là Trung Hoa đang vươn lên là đại cường quốc kinh tế và quân sự, với những tham vọng khôn cùng về chia xẻ thiên hạ để ngự trị bá quyền ...

Nhưng lịch sử vẫn còn dài và một dân tộc đã sản sinh ra những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp ... sẽ không cho phép cam phận tôi đòi !

Lịch sử sẽ ghi lại thế kỷ 21 cũng có xuất hiện những trí thức đẳng cấp Chu Văn An, Nguyễn Tường Tộ. Và lịch sử trí thức Việt Nam sẽ không quên một người sinh ra cách quê tôi có một cánh đồng : người ấy có tên là Hoàng Tụy.

Kính chúc giáo sư nhanh phục hồi sức khoẻ và sống lâu trăm tuổi.

Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự thực thụ Trường ĐH Liège, Bỉ.

PS:

1. Để GS xả stress, xin gởi cho GS theo thư này một bài hát Mỹ, tôi đặt thêm lời Việt và tự ghi âm trong Album sắp xuất bản tại Sài Gòn (25/12/2009) với hoà âm phối ký của NS Quốc Dũng.

2. Về bài viết của GS Koblitz tôi cũng có ý kiến sau đây gởi cho TS Th... một sinh viên cũ của tôi :

Em Th ...,

Tôi xem có đủ can đảm để viết một bài chính thức về suy nghĩ của mình về bài này, bài của GS Koblitz.

Tôi đã thấy quá mệt mõi vì nói mãi có kết quả nào đâu. Tôi cảm thấy thất vọng! Bây giờ nói nhanh cảm nghĩ nhanh của tôi:

Nóí chung bài viết không mấy sâu sắc, chỉ hời hợt bề ngoài, không đi sâu vào cối lõi của sự tụt hậu của VN :

* Lẫn lộn tuyên truyền với giaó dục

* Chính đây là việc khó thay đổi được đó, bởi vì đó là vấn đề nhạy cảm.

Bài viết không nói đế cái mà nay gọi là triết lý giaó dục. Chính ở chỗ này mà phương Tây trong đó có Hoa Kỳ hiện đang có một nền giáo dục nhìn chung là rất tốt. Còn đặc thù, Mỹ hay Âu hay Úc hay Nhật thì có nhiều chuyện phải bàn. Nhưng có hai nền giaó dục thành công và ít vấn đề : Phần Lan và Hàn Quốc...

Bây giờ vào một số chi tiết của bài viết, 8 đề nghị (của GS Koblitz). Tôi sẽ viết đề nghị của giáo sư Koblitz bằng chữ nghiêng và bình luận của tôi bằng chữ thường.

1. Tăng lương cho các giảng viên, giáo sư, và các nghiên cứu viên để có thể tiếp cận được với mức lương ở khu vực tư nhân.

NĐH : OK dĩ nhiên ai cũng nói, không mới !

2. Cấp học bổng cho sinh viên ở bậc cao học (Master) trong các ngành toán hoc và khoa học.

NĐH : Tại sao chỉ toán và khoa học ? Không đặt trọng công nghệ, như vậy không nắm yêu cầu hiện đại hoá nền không nghiệp VN. Điểm này là thiếu sót nặng !

3. Cấp kinh phí cho các chương trình mùa hè dành cho các sinh viên tài năng (ví dụ như những sinh viên có kết quả tốt trong các kỳ thi Olimpic toán).

NĐH : Chương trình mùa hè nào ? Ai chủ trương với mục đích gì ? Bằng cấp thế nào hay chỉ là kiểu học thêm, bổ túc? Hiệu quả xã hội rất ít vậy. Chuyện quá nhỏ !

4. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho nữ sinh, đặc biệt là tại các trường trung học và đại học, để khuyến khích nữ giới lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. (Quỹ Kovalevskaia dành những phần thưởng cho các nhà khoa học nữ có trình độ cao, nhưng lại không có một chương trình tương tự như vậy dành cho nữ giới ở trình độ thấp hơn).

NĐH : VN nào có phân biệt nam nữ đâu ? Đặt lạc đề rồi ! Khuyến khích ? OK. Nhưng đây đâu có phải là hướng giải quyết cho chánh sách giaó dục ?

5. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho các dân tộc thiểu số, để họ có thể tham gia trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Cả học sinh nữ lẫn các học sinh người dân tộc thiểu số đều cần được khuyến khích tham gia và các hoạt động như các kỳ thi Olimpic toán. (Vào năm 2007, Quỹ Kovalevskaia đã cấp kinh phí cho một cậu bé người dân tộc miền núi thiểu số ở Peru tham gia vào cuộc thi IMO tại Hà Nội, và cậu đã dành được huy chương bạc.)

NĐH : VN có làm chứ : ĐH Tây Nguyên, Việt Bắc.... Tôi không đồng ý làm riêng cho họ mà cho họ nhiêu học bổng để họ theo học nhiều hơn, và trợ cấp đặc biệt khuyến khích họ về vùng cao vùng sâu làm việc, chứ không cho thêm điểm như hiện nay. Đề nghị này cũng có phần hời hợt chứng tỏ tác giả chưa nắm nhiều thực tế VN!

6. Cố gắng vận động, gây ảnh hưởng đối với các công ty kỹ thuật cao đa quốc gia để xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (không chỉ có các công việc kinh doanh, marketing, kiểm nghiệm và sản xuất) tại Việt Nam, để từ đó có thêm nhiều công việc đòi hỏi trình độ cao trong các khu vực tư nhân, tạo thêm cơ hội cho sự sáng tạo của các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Hiện tại thì gần như tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ do nhà nước hỗ trợ chứ không có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nếu như Intel có thể xây dựng các cơ sở R&D tại Malaysia và Phillippines thì tại sao nó không thể làm như vậy tại Việt Nam?

NĐH : Đồng ý. Đây là điếm đúng. Tôi đã nhiều lần nhắc đến trên các phỏng vấn mới đây. Xem hồ sơ đính kèm (không có ở đây).

7. Đưa ra một loại thuế mới đối với các công ty ở khu vực tư nhân - kể cả với các công ty đa quốc gia - để chỉ sử dụng vào các hoạt động của chính phủ nhằm hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học.

NĐH : Đồng ý .

8. Đừng phung phí tiền của chính phủ Việt Nam bằng cách chi trả cho các cái gọi là “chuyên gia” Hoa Kỳ, hay chi trả cho các trường đại học của Mỹ để họ dựng lên một đại học ở Việt Nam.

NĐH : Cái này tùy. Không nên bài trừ tuyệt đối Mỹ như vậy Vấn đề là chọn lựa chuyên gia cho xứng đáng và nhất là trong một chương trình có tổ chức có trước có sau chuẩn bị chu đáo, không phân biệt Mỹ hay Âu hay Úc.. Đặc biệt bài không nói gì đến chuyên gia VK. Không nắm việc này đó .

Chúc em vui,

===

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Hai bản tin thú vị trên vietnamplus.vn

Mới lang thang đến một website mới có tên là vietnamplus.vn, tôi thấy được 2 bản tin dưới đây rất thú vị. Thú vị vì tính đối kháng chan chát nhau. Phía bên phải vietnamplus đăng tin "Mỹ khẳng định chưa dở bỏ cấm vận chống Cuba", còn phía bên trái thì đăng tin khẳng định của Việt Nam là "Việt Nam tiếp tục cùng quốc tế ủng hộ Cuba". Một bên là đơn phương (Mĩ), còn một bên là "cùng quốc tế" (chẳng biết có nước nào khác nữa). Tinh thần kháng Mĩ trên báo chí Việt Nam coi bộ vẫn còn lửa đó chứ! :-)

Hình "chụp" lúc 3:30 pm (giờ Sydney) ngày 29/10/09
trên website vietnamplus.vn

Về ý kiến của một người Mĩ về giáo dục ở Việt Nam

Giáo sư Neal Koblitz (Đại học Washington) mới viết một bài dài để phản bác lại những nhận xét của ông Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson trong báo cáo “Giáo dục bậc đại học ở Việt Nam: Khủng Hoảng và Phản Ứng” (bản tiếng Việt ở đây). Những ý kiến của Gs Koblitz được nhiều người chú ý và phản biện. Người ta chú ý một phần là ông đã và đang có gắn bó với Việt Nam, một phần khác là “nhân thân” của ông vốn là một nhà toán học có tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ công bằng mà nói, tất cả những phản biện của những người từng theo dõi tình hình giáo dục ở Việt Nam đều không đánh giá cao những nhận xét của Gs Koblitz. Có người khuyên thẳng rằng ông “Đừng nên ngụy biện nữa!” Lại có người tinh vi hơn với tựa đề rất hay mà chính xác: "Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế!"

Vậy ông Koblitz viết gì mà bị nhiều người phản đối như thế? Tôi đã đọc ý kiến của ông Koblitz vài lần, cố gắng tìm những điểm chính trong bài viết, nhưng tôi thất bại. Tôi chẳng tìm thấy một điểm nào đáng nói một cách nghiêm chỉnh, và cũng chẳng tìm thấy bất cứ một dữ liệu gì đáng tin cậy. Mở đầu bài viết, Koblitz mô tả sơ qua về lịch sử và bối cảnh ra đời của nền giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh đến sự thất bại của người Pháp đã để lại “một thể chế giáo dục đại học rất yếu kém để làm nền móng xây dựng”, nhưng ông cũng không quên ghi nhận rằng nền giáo dục bảo hộ của Pháp cũng đào tạo được một vài nhà khoa học (thật ra, phần lớn là nhà toán học chứ không phải “nhà khoa học”) cho Việt Nam. Ông đánh giá cao chương trình đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, và cho rằng ông Vallely và Wilkinson đã miệt thị những người được đào tạo trong hệ thống này. Ông cho rằng nền giáo dục của Mĩ chẳng có gì hay, hay nếu có những nhà khoa học tài danh cũng chỉ do thu hút nhân tài từ nơi khác! Ông đánh giá cao thành tựu của chính sách Đổi mới. Ông phản bác những nhận xét của Vallely và Wilkinson về đặt nặng chương trình dạy chính trị trong các đại học ở Việt Nam. Từ đó, ông khuyên Việt Nam không nên cải cách giáo dục theo mô hình của Mĩ, và đề ra 8 kiến nghị cho cải cách giáo dục. Nói tóm lại, Koblitz cho rằng những nhận xét của Vallely và Wilkinson về tình hình giáo dục ở Việt Nam là phiến diện, nền giáo dục của Mĩ chẳng có gì để học hỏi, và Việt Nam nên tăng cường chi tiêu cho giáo dục, đặc biệt là học toán nhiều hơn nữa, khuyến khích phụ nữ và người thiểu số đi học, đi tham gia các kì thi Olympic về … toán. Đọc qua bài "ý kiến" của Gs Koblitz tôi thấy một số điểm cần xem lại như trình bày dưới đây. Đây không phải là những gì phải tranh luận, bởi vì tôi chỉ nói chuyện thực tế.

Thứ nhất là thái độ tranh luận của ông Koblitz có vấn đề. Điều đáng chú ý trong ý kiến của gs Koblitz là ông tỏ ra thái độ rất hằn học với những nhận xét của Vallely và Wilkinson, mà ông cho là “trịch thượng”, “dạy bảo”, “miệt thị”, “kiêu căng” và “thực dân kiểu mới”. Không dừng ở những từ ngữ như thế, Koblitz còn tỏ thái độ xem thường hai tác giả Vallely và Wilkinson qua câu “Các tác giả [chỉ Vallely và Wilkinson] đã quá tự tin thái quá một cách sai lầm vào kiến thức cao cả của mình”. Rồi ông làm một kiểm tra lí lịch của Vallely và Wilkinson và “phát hiện” rằng hai người này không có học vị tiến sĩ, chưa bao giờ dạy đại học! Ở đây, chúng ta phải ngạc nhiên là một người với chức danh giáo sư đại học mà lại sử dụng đến thủ thuật ngụy biện (ad hominem hay công kích cá nhân) sơ đẳng đến như thế! Tôi tự hỏi tại sao lại đi tấn công cá nhân hai tác giả Vallely và Wilkinson trong khi chủ đề là cải cách giáo dục ở Việt Nam? Có phải vì ông muốn đánh lạc hướng vấn đề bằng cách hạ bệ cá nhân?

Hình như ông Koblitz cho rằng chỉ có những người có bằng tiến sĩ hay phải là giáo sư đại học thì mới có quyền phát biểu về cải cách giáo dục. Ông viết một cách miệt thị như sau: “Nếu một người nào đó có một tấm bằng thạc sĩ hành chính công cộng, hoặc đã từng theo các khóa học đại học về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam thì liệu anh ta có đủ trình độ để chỉ bảo cho chính phủ Việt Nam nên làm gì hay không? Liệu anh ta có đủ tư cách để đưa ra các phán xét tiêu cực về các nhà khoa học và quan chức đã từng theo học ở các nước xã hội chủ nghĩa hay không?” Tôi đoán nếu câu trả lời mà ông có trong đầu là “không”, thì người ta cũng có thể sử dụng cách lập luận đó để nhận xét kiểu [ví dụ] như: “ông Koblitz -- chỉ là một giáo sư toán – làm sao ông có đủ tư cách để nhận xét về hoạt động khoa học, về chính sách giáo dục.” Nhưng cách lập luận đó là ngụy biện. ngụy biện loại ad verecundiam. Một giáo sư toán có thể dạy toán tốt, nhưng không phải là một người lí tưởng để đánh giá hiệu quả của dạy toán; người đánh giá hiệu quả hơn và khách quan hơn là người “ngoài cuộc” như một nhà quản lí chẳng hạn. Cựu thủ tướng Pháp Georges Clemenceau có nói một câu với hàm ý rằng chiến tranh rất ư là quan trọng để có thể giao tất cho các tướng lãnh điều hành. Quan điểm này cũng có thể áp dụng cho giáo dục quá quan trọng và không thể giao cho các giáo sư toàn quyền quyết định. Tôi chợt nhớ đến đợt tổng duyệt và cải cách nền khoa học của Úc cách đây hơn chục năm, và người được chính phủ Úc giao quyền chủ trì chương trình là một ông tổng giám đốc tập đoàn khoáng sản (với văn bằng cử nhân), thay vì một nhà khoa học hay một giáo sư. Hiệu trưởng đại học UNSW hiện nay thậm chí không có bằng tiến sĩ, và xuất thân là một tổng giám đốc tập đoàn báo chí. Xin đừng nghĩ rằng chỉ vì mình làm trong một trường đại học để tự cho mình tư cách để nhận xét về đại học, và xem người ngoài đại học như là những kẻ thất học không xứng đáng để tham gia vào tranh luận.

Thứ hai là những ý kiến của ông Koblitz rất chủ quan và thiếu dữ liệu. Trái với bản báo của của Vallely và Wilkinson có những dữ liệu rõ ràng về tình trạng khoa học ở Việt Nam, Koblitz thường dựa vào cảm tính chủ quan để nhận xét. Thật vậy, ông chỉ dựa vào “ấn tượng” (“Theo ấn tượng của tôi thì nhìn chung họ được đào tạo tốt”). Bất cứ ai, kể cả tôi, cũng có ấn tượng như ông Koblitz, nếu chỉ nhìn qua những danh xưng và bằng cấp của họ. Nhưng ấn tượng là một chuyện, còn thực tế là một chuyện khác. Không ai dựa vào ấn tượng để mà đi đến kết luận. Tôi cho rằng một thái độ chủ quan như thế không nên có trong tranh luận.

Biện minh cho việc Việt Nam không có một bằng sáng chế nào được đăng kí, ông cho rằng vì Việt Nam cũng như các nước đang phát triển không có một công ti kĩ nghệ về sáng tạo kĩ thuật nên không cần đăng kí bằng sáng chế. Nếu thế thì ông giải thích sao Úc cũng tích cực và khuyến khích nhà khoa học đăng kí bằng sáng chế trong khi Úc không có một công ti sản xuất dược như Âu châu hay Mĩ; tại sao các nước như Thái Lan và Phi Luật Tân có nhiều bằng sáng chế hơn Việt Nam mà những nước này cũng đâu có các công ti công nghệ cao. Nhìn như thế để thấy rằng biện minh của ông Koblitz quá phiến diện và có phần … ngụy biện. Ấy thế mà ông nặng lời phê phán rằng Vallely và Wilkinson hiểu sai ý nghĩa của sáng chế, mà theo ông là “Mục đính của bằng sáng chế là bảo vệ sự sáng tạo trong khu vực tư nhân, nói rõ hơn, là để đảm bảo cho các công ty thu được lợi nhuận từ những cải tiến mà các nhà nghiên cứu của họ đề xuất.” Là người từng có dịp đăng kí bằng sáng chế, tôi có thể nói chính ông Koblitz mới là người chưa hiểu hết mục đích của bằng sáng chế. Bằng sáng chế đâu phải chỉ giới hạn trong các công ti tư nhân, mà còn rất phổ biến trong các đại học và viện nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu khoa học là gì nếu không là công bố bài báo khoa học và phát minh, mà phát minh thì phải đăng kí bản quyền của mình. Đăng kí bằng sáng chế để bảo vệ sản phẩm tri thức của nhà khoa học, cho phép nhà khoa học khai thác sáng chế của mình qua [chẳng hạn như] thương mại hóa, và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Bằng sáng chế và ấn phẩm khoa học là một thước đo quan trọng của một nền khoa học mà cộng đồng khoa học chấp nhận. Có thể những người làm tóan như ông Koblitz không quan tâm đến bằng sáng chế, nhưng những người làm khoa học thì bằng sáng chế là một chỉ tiêu trong sự nghiệp của họ.

Thứ ba, có lẽ vì chủ quan và thiếu dữ liệu nên ông Koblitz trở nên hời hợt, phiến diện, và thiếu thực tế trong những nhận xét của mình. Chẳng hạn như ông cho rằng những người được đào tạo trong các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu là “tốt”, nhưng thế nào là “tốt” vẫn còn là một câu hỏi lớn. Hình như ông Koblitz không hay chưa nghe đến hiện tượng “bằng hữu nghị” của thế giới xã hội chủ nghĩa cũ cấp cho nhau, mà người dân phía Bắc từng hài hước nói đại khái như dẫn một con bò sang Liên Xô, sau vài năm nó cũng có bằng phó tiến sĩ (cái bằng mà nay đã đương nhiên thành “tiến sĩ”). Tôi biết câu nói dân gian đó không công bằng chút nào cho những người có thực học, nhưng khổ nỗi đó là tình trạng vàng thau lẫn lộn, một hệ quả của những "dao động" trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Tôi không khỏi mỉm cười khi đọc được đoạn văn này: “Nó [chỉ văn bằng Master of Public Administration của ông Vallely] không có ý nghĩa như trình độ Thạc sĩ về một lĩnh vực khoa học, và tất nhiên là còn kém xa một Tiến sĩ (Ph.D.) hay là bằng Candidate của Liên Xô.” Tôi không biết ông Koblitz đã từng gặp những người phó tiến sĩ, tiến sĩ, thậm chí giáo sư được đào tạo trong các nước XHCN như Liên Xô cũ không nói và viết được tiếng Nga, không viết nổi một đề cương nghiên cứu, thậm chí không viết nổi một bài luận văn một cách nghiêm chỉnh. Tôi dám cam đoan với ông Koblitz rằng trình độ master của ông Vallely còn hơn gấp chục lần nhiều (không dám nói tất cả) những phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) được đào tạo từ các nước XHCN. Theo đánh giá của tôi, bản báo cáo của Vallely còn súc tích, chặt chẽ và logic hơn gấp 10 lần là những ý kiến trong bài của Gs Koblitz. Tôi có thể lặp lại nhận xét đó nhiều lần mà không thấy ngượng ngùng là đã ca ngợi Vallely.

Phản bác lại nhận xét về nội dung quá nặng cho các môn học chính trị ở đại học Việt Nam, Koblitz viết rằng ngay cả “Viện Ash ở Harvard của ông Vallely, người ta dễ có cảm giác rằng việc truyền bá chính trị chiếm tới 100%”. Nhưng hình như ông Koblitz không phân biệt nỗi Viện Ash ở Harvard là một trường chính trị - xã hội học, còn điều mà báo cáo Vallely đề cập đến là tất cả các ngành đại học, chứ chẳng riêng gì chính trị học. Ông Koblitz chắc chưa ghé qua các trường y lớn ở Việt Nam, trong chương trình “khoa học cơ bản” có đến 30% (chứ không phải 25%) là các môn như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v… Ông Koblitz nghĩ sao về những môn này được dạy trong trường y? Ông Koblitz có thể làm thử một điều tra xem sinh viên nghĩ gì về những môn học này, thì chắc ông sẽ có một kết quả tiêu cực. Nếu những môn học này dạy trong các học viện chính trị thì chẳng có gì phải đáng bàn, nhưng ở đây những môn học này được dạy trong tất cả các trường đại học và các ngành khoa học, làm hao tổn thời gian cho sinh viên. Nó còn làm cho chương trình đào tạo nặng nề một cách không cần thiết. Theo tôi biết, không có một trường y nào ở Mĩ hay phương Tây hay Thái Lan có những môn học chính trị như trên.

Tính phiến diện của Koblitz thể hiện rõ nét nhất qua những cái nhìn của người làm toán, mà chẳng quan tâm đến “bức tranh lớn” hơn ngoài ngành toán. Chẳng hạn như ông đề nghị “Cấp học bổng cho sinh viên ở bậc cao học (Master) trong các ngành toán hoc và khoa học”, hay “Cấp kinh phí cho các chương trình mùa hè dành cho các sinh viên tài năng (ví dụ như những sinh viên có kết quả tốt trong các kỳ thi Olympic toán)”. Hình như ông chỉ nhìn thấy toán, và chỉ toán mới đưa nền giáo dục đại học Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay. Nếu thế thì tôi e rằng ông lầm. Trong số 3456 bài báo khoa học được đăng trên các tập san quốc tế xuất phát từ Việt Nam trong thời gian 1996-2005, 25% là thuộc ngành y sinh học, chỉ có 11% là ngành toán và 12% từ ngành vật lí. Ngoài ra, phân tích của tôi cho thấy 44% công trình về toán và 31% công trình vật lí từ Việt Nam chưa bao giờ được ai trích dẫn (tỉ lệ này trong ngành y sinh học là 18%). Tuy chỉ số trích dẫn còn tùy thuộc vào văn hóa ngành, nhưng hai sự thật này nói lên rằng ngành y sinh học mới cống hiến nhiều cho hoạt động khoa học Việt Nam. Để cải tiến và nâng cao khoa học Việt Nam, theo tôi, cần phải nhấn mạnh đến các lĩnh vực như kĩ thuật (engineering), nông nghiệp, khoa học vật liệu, hóa học, công nghệ sinh học, y sinh học, dược học hơn là ngành toán. Thật vậy, đã có nghiên cứu mối tương quan giữa phát triển kinh tế và khoa học, và kết quả luôn nhất quán cho thấy phát triển khoa học ứng dụng và công nghệ (chứ không phải toán) có mối tương quan mật thiết với tỉ lệ phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế và khoa học dẫn đến phát triển toán, chứ không phải ngược lại. Một người Trung Quốc từng đoạt giải Nobel mới phát biểu ở Trung Quốc rằng tập trung tài lực vào chiếm những giải thưởng Olympic đó chẳng giúp ích gì cho khoa học. Do đó, tôi nghĩ rằng những kiến nghị của ông Koblitz chẳng những phiến diện mà còn thiếu cơ sở khoa học.

Thứ tư và có lẽ là điểm quan trọng nhất là ông Koblitz không dám nhìn thẳng vào vấn đề mà chỉ vòng vo những chuyện chẳng liên quan gì đến tình trạng giáo dục đại học hiện nay. Ông để cho đầu óc mình lang thang với những chuyện như Mĩ là thủ phạm về tệ nạn mại dâm, lối sống sa đoạ, trụy lạc ở miền Nam trước 1975; chuyện lá thư của một người bạn ông làm cho công ti Intel; chuyện Đổi mới và cái giải thưởng [rất ít người biết đến] Kovalevskaia của ông. Lang thang trong những chuyện như thế, ông quên mất những vấn đề bức xúc của giáo dục đại học mà báo cáo của Vallely và Wilkinson nêu lên. Xin nhắc lại ông những vấn đề đó là:

* Chất lượng đào tạo. Việt Nam chưa có một đại học nào được đánh giá cao trên trường quốc tế. Trong bất cứ danh sách đánh giá đại học nào trên thế giới, không có một đại học nào của Việt Nam lọt vào top 200.

* Đại học mọc lên tràn lan thiếu kiểm tra chất lượng đào tạo. Mặc cho chất lượng đào tạo kém như hiện nay, hàng trăm đại học liên tiếp được thành lập trên khắp nước. Có người mỉa mai nói đại học mọc lên như nấm sau cơn mưa! Mới đây công chúng mới “kinh hoàng” về tình trạng của Đại học Phan Thiết. “Đại học Phan Thiết” đã trở thành biểu tượng cho những đại học không đủ cơ sở vật chất mới được thành lập trong vài năm gần đây.

* Năng suất khoa học của các đại học và viện nghiên cứu Việt Nam còn quá kém. Trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Đặt mối tương quan giữa con số này với số lượng giáo sư và phó giáo sư (những người đáng lẽ phải nghiên cứu khoa học), trung bình mỗi giáo sư và phó giáo sư nước ta công bố 0,58 bài báo trong vòng 10 năm qua! Con số ấn phẩm khoa học từ Việt Nam đã ít, nhưng khi so với các nước khác trong vùng thì thuộc vào hàng thấp nhất. Thật vậy, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/5 số lượng từ Thái Lan (14.594 bài trong cùng thời gian), 1/3 Malaysia (9.742 bài), 1/14 Singapore (45.633 bài). Ngay cả so với Indonesia (4.389 bài) và Philippines (3.901 bài), con số công bố quốc tế của Việt Nam cũng thấp hơn.

* Tiêu chuẩn đánh giá hoạt động khoa học của đại học chưa dựa vào các chuẩn mực quốc tế. Những chuẩn mực cung cấp kinh phí nghiên cứu, tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu, tiêu chuẩn đề bạt giáo sư, v.v… ở Việt Nam hiện nay không phù hợp với các chuẩn mực và tiêu chuẩn của cộng đồng khoa học quốc tế. Cơ cấu tuyển chọn giáo sư và đề bạt giáo sư còn đặt nặng vào lí lịch, chưa dựa vào các tiêu chuẩn khách quan về năng lực. Chính vì những sơ hở này, những chuẩn mực chẳng giống ai đó đã và đang làm trì trệ cải cách giáo dục và làm giảm hiệu năng của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

* Tình trạng “tiến sĩ giấy”và “giáo sư dỏm” đang càng ngày càng trở thành một quốc nạn giáo dục. Trong khi quốc nạn này chưa được khắc phục, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn muốn đào tạo thêm 20 ngàn tiến sĩ! Cả nước có trên 376 trường đại học và cao đẳng (con số này vẫn còn gia tăng), nhưng chỉ có trên dưới 320 giáo sư!

* Đại học Việt Nam thiếu tự quản. Đại học Việt Nam chịu sự quản lí chặt chẽ từ trung ương, một mô hình quản lí mà phần các nước trong vùng và trên thế giới đã bỏ (vì thiếu hữu hiệu) từ những năm trong thập niên 1990s.

* Chất lượng sinh viên càng ngày càng thấp. Cộng với vấn đề thiếu thốn cơ sở đào tạo là vấn đề chất lượng đào tạo, và xuống cấp trong các trường hiện tại. Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp.

* Ngay cả “đầu ra” – sinh viên tốt nghiệp cũng kém về trình độ chuyên môn và kiến thức. Trong một cuộc hội thảo với chủ đề "Toán, lí, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" trước đây vài năm, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: "Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học".

Do đó, sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: "Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít." Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Theo nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mĩ), trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp!

Danh sách những vấn đề này thật ra là chưa đầy đủ. Nhưng chỉ bao nhiêu đó cũng để thấy rằng hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Không còn danh từ nào thích hợp hơn là “khủng hoảng” để mô tả tình trạng này. Nhưng tình trạng này ai cũng biết, từ cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng giáo dục đến người dân thường đều cho rằng Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện về giáo dục.

Trong bài “ý kiến” của Gs Koblitz, ông không có một dòng nào bàn đến các vấn đề trên. Thay vào đó ông có vẻ đổ thừa cho Mĩ. Chẳng hạn như đoạn này ( “Sự tàn phá của người Mỹ không phải chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả về mặt văn hoá, đặc biệt là ở miền nam, nơi đã chịu đựng sự chiếm đóng của quân đội Mỹ trong suốt 11 năm. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút, và tham nhũng với qui mô khủng khiếp. Giống như vũ khí của Mỹ mang lại sự tàn bạo và chết chóc, tiền bạc của Mỹ đã ăn dần ăn mòn các cơ cấu văn hoá và xã hội Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17”), rõ ràng là ông lạc đề. Nhưng cũng xin lạc đề với ông một chút: tôi và những người cùng thế hệ với tôi (và thế hệ đàn anh đàn chị của tôi) là sản phẩm của hệ thống giáo dục dưới sự bảo trợ của Mĩ đấy. Nhưng rất may là chúng tôi không trở thành những kẻ “mại dâm, nghiện hút, tham nhũng”, mà là những người có ích cho xã hội và đã đóng góp một phần cho Việt Nam. Xin nói thêm với ông rằng những người từng được đào tạo trong cái chế độ do Mĩ bảo trợ đó hiện nay là những chuyên gia, kĩ sư, bác sĩ, luật sư, giáo sư giỏi ngay tại quê hương của ông. Nếu xem đó là “outcome” thì tôi nghĩ hệ thống giáo dục ở miền Nam trước 1975 đâu đến nỗi tệ. Hệ thống giáo dục ở miền Nam trước 1975 chắc chắn là có tham ô, hối lộ, và gian lận trong thi cử, nhưng mức độ chắc chắn là không tràn lan như một quốc nạn hiện nay. Thời đó không có tiến sĩ dỏm, không có kĩ sư dỏm, không có bác sĩ dỏm, thầy cô dỏm, và những người tốt nghiệp đại học (ít lắm) đều được công chúng kính trọng (chứ không mỉa mia, dè bĩu như hiện nay).

Thú thật, đọc đoạn văn trên của ông Koblitz tôi thấy quen quen, vì những năm sau 1975 những loại tố khổ kiểu này nhan nhãn trên báo chí. Điều đáng nói là những tệ nạn xã hội mà ông gán ghép cho Mĩ đó lại xảy ra ngay hiện nay ở Việt Nam với một cường độ gấp chục lần so với trước kia. Không biết ông sẽ gán ghép những tệ nạn xã hội này cho ai?

Tóm lại, những ý kiến của Gs Koblitz tuy rất cần thiết cho những thảo luận đa chiều về cải cách giáo dục đại học, nhưng sự hữu dụng của nó chỉ dừng ở đó, bởi vì nội dung bài “phản biện” của ông quá chủ quan, thiếu dữ liệu, hời hợt và phiến diện. Điều đáng tiếc là ông không chịu nhìn thẳng vào những vấn đề và thảo luận, mà lại sử dụng những thủ thuật tấn công cá nhân và ngụy biện. Chính vì những đặc điểm này mà những lí giải và đề nghị của ông hoàn toàn thiếu tính thuyết phục.

Ông khuyên Việt Nam không nên theo mô hình đại học Mĩ vì theo ông là quá tốn kém, nhưng tôi lại thấy trên thế giới này những đại học cải tổ theo mô hình Mĩ đều thành công. Chỉ xin dẫn vài ví dụ tiêu biểu. Thái Lan theo mô hình đại học Mĩ và đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học có uy tín trong vùng như hiện nay. Năm 1998, Trung Quốc quyết tâm thực hiện “Dự án 985” mà theo đó họ tạo ra một quĩ nghiên cứu khoa học theo mô hình Mĩ cho các trường đại học nghiên cứu để nâng cao nền khoa học, và họ đã thành công mĩ mãn: số lượng ấn phẩm từ Trung Quốc qua dự án này tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 10 năm. Song song và cùng với “Dự án 985” của Trung Quốc là dự án “Brain Korea 21” của Hàn Quốc. Dự án “Brain Korea 21” chi ra 1,4 tỉ USD để xây dựng một số đại học của họ thành “world class” (đẳng cấp quốc tế). Chỉ trong vòng 10 năm sau khi dự án này được thực hiện, số lượng ấn phẩm khoa học của Hàn Quốc tăng gấp 5 lần. Như tôi nói, tất cả những nước này (và còn nhiều nước khác nữa) đều cải cách giáo dục đại học theo mô hình Mĩ và họ đã thành công. Cố nhiên, nền giáo dục đại học của Mĩ cũng có nhiều vấn đề, nhiều bất cập (như ông đã chỉ ra tuy không thuyết phục mấy), nhưng hệ thống giáo dục đại học Mĩ vẫn được xem là thuộc vào hàng tốt (hay có người nói là tốt nhất) thế giới. (Để tôi “khai báo” cái “conflict of interest” của tôi nếu có ai nghi ngờ tôi viết câu đó: tôi được đào tạo từ Việt Nam và từ Úc, chứ không phải từ Mĩ nhé). Xem ra lời khuyên của ông Koblitz đừng theo Mĩ có lẽ là một lời khuyên chí tình chí nghĩa của cá nhân ông, nhưng theo tôi là không phải lời khuyên tốt.

Phát triển giáo dục đại học đã trở thành một quốc sách của Việt Nam trong thời kì Đổi mới, nhưng cho đến nay sau hơn 20 năm Đổi mới, giáo dục vẫn chưa đổi mới theo kịp phát triển kinh tế. Thế nhưng trong thời đại kinh tế tri thức và trong môi trường cạnh tranh có tính toàn cầu, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng của trí tuệ của dân chúng, cần phải huy động nguồn nội lực trí tuệ để tránh khỏi bị lệ thuộc vào trí tuệ của người khác, hay tránh bị rơi vào tình trạng tụt hậu, nô lệ tri thức. Kinh nghiệm phát triển ở các nước trong vùng như Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái Lan, và Mã Lai cho thấy cái mẩu số chung là họ đã chú trọng vào giáo dục và đào tạo. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, chứ không nên bị ru ngủ bằng những lời đường ngọt của những người như Gs Koblitz.

Người Tây phương khi đến thăm Việt Nam đều ghi nhận một điều rằng Việt Nam là một nước có một nguồn nội lực rất lớn chưa được khai thác: con người Việt Nam. Nếu được khai thác, Seth Mydans, kí giả của tờ New York Times, cho rằng Việt Nam sẽ “làm cho các nước Á châu khác phải tủi thẹn.” Thực vậy, đức tính ham học của người Việt Nam gần như là một nét văn hóa, được chính thức ca ngợi trong các diễn đàn quốc hội ở ngoại quốc. Nhiều người ở trong nước xưa kia chỉ là những học sinh trung bình, thậm chí kém, nhưng khi ra nước ngoài, đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục trong các sân trường đại học hàng đầu ở Mĩ và các nước Tây phương khác. Nhưng cũng những con người đó mà ở Việt Nam thì sẽ khó mà phát huy được tiềm năng của mình. Do đó, Việt Nam rõ ràng cần tạo môi trường giáo dục đại học tốt cho công dân, một điều mà cho đến nay ngay cả cựu thủ tướng Phan Văn Khải cũng thú nhận là “thất bại”. Nói ra cũng bằng thừa (vì bất cứ ai quan tâm đến Việt Nam đều biết) nhưng cũng cần lặp lại ở đây rằng nền giáo dục đại học của Việt Nam cần một cuộc cách mạng, cần đổi mới tận gốc, đổi mới từ hệ thống để khai thác được tiềm năng của người Việt Nam và góp phần đưa Việt Nam lên một nấc cao hơn trên trường quốc tế.

NVT

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Tại sao người ta thích danh xưng?

Tôi khổ tâm nhất là chuyện danh xưng, hay phải nói đúng hơn là “vấn đề danh xưng”. Tôi thỉnh thoảng viết báo và không bao giờ sử dụng đến danh xưng, thế nhưng những người biên tập vẫn chêm vào những danh xưng trước tên tôi, làm tôi rất khổ với Ba tôi lúc sinh tiền. Ba tôi mỗi lần đọc được một bài báo với tên tôi tác giả và có kèm theo mấy chữ nhí nhố trước tên là ông nói xa nói gần rằng có người hám danh, thiếu tự tin, nên dùng đến những danh hiệu phù phiếm. Tôi biết Ba tôi nói ai, và tôi thấy mình oan lắm. Có nhiều người như tôi, không bao giờ dùng danh xưng trước tên mình, nhưng vì ban biên tập thêm vào để -- nói theo họ -- là tăng trọng lượng của bài báo! Tôi không hiểu tại sao ý kiến của một giáo sư hay tiến sĩ phải có trọng lượng hơn ý kiến của một người bán vé số? Thật là vô lí! Người khôn nói 100 điều cũng có ít nhất một điều dại dột, còn người dại dột nói 100 điều chắc cũng có ít nhất là 1 điều khôn. Ý kiến phải bình đẳng.

Nhưng trong thực tế thì ở Việt Nam, danh xưng đóng vai trò quan trọng, hay rất quan trọng. Có một lần, khi về làm việc ở một tỉnh thuộc vùng miền Tây, sau bài nói chuyện tôi được một vị cao tuổi ân cần trao cho một danh thiếp với dòng chữ tiếng Anh: “Senior Doctor Tran V. …”. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một danh xưng như thế trong đời. Tìm hiểu một hồi tôi mới biết ông là một cựu quan chức cao cấp trong ngành y tế của thành phố (đã nghỉ hưu), nhưng vẫn còn giữ chức vụ gì đó trong một hiệp hội chuyên môn. Tôi nghĩ danh xưng “Senior Doctor” (có lẽ nên dịch là “Bác sĩ cao cấp” hay nôm na hơn là “Bác sĩ đàn anh”). Nhưng tại sao lại cần một danh xưng phân biệt “giai cấp” như thế? Tôi đoán có lẽ vị đồng nghiệp này muốn phân biệt mình với “đám” bác sĩ đàn em chăng?

Một lần khác, khi xem qua chương trình hội nghị tôi thấy ban tổ chức viết tên diễn giả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những người có danh xưng tiếng Việt ví dụ như “TS BS Trần Thị …” được dịch sang tiếng Anh là “Dr. Dr. Tran Thi …”. Tôi không khỏi cười thầm trong bụng vì chưa thấy nơi nào trên thế giới có cách viết lạ lùng như thế. Tôi sợ nhất là trong hội nghị có đồng nghiệp ngoại quốc mà họ đọc được cái danh xưng “Dr Dr” này chắc tôi tìm lỗ mà chui xuống không kịp quá! Tôi đề nghị cách viết “đơn giản” hơn là chỉ “Dr” thôi là đủ, nhưng cũng phải vài phút thảo luận người ta mới chịu đề nghị này!

Tôi vẫn còn giữ một danh thiếp khác với dòng chữ: “Dr Specialist II Nguyễn M”. Một anh bạn người Úc tôi có lần tình cờ thấy danh thiếp trên bàn nên thắc mắc hỏi tôi “Specialist II” là gì vậy. Lúc đó tôi cũng chẳng biết, nên đành nói: “I have no idea”, nhưng tôi nói thêm rằng tôi đoán đó là bác sĩ chuyên khoa gì cấp 2 gì đó. Anh bạn đồng nghiệp cười nói mỉa mai (rất dễ ghét) rằng: ước gì tao cũng được cấp II nhỉ?

Không nghi ngờ gì nữa: người Việt rất sính dang xưng. Những gì Dạ Lan viết đều đúng, nhưng … chưa đủ. Còn nhiều chuyện cười ra nước mắt về những nhầm lẫn về danh xưng (honorific), tước hiệu, và nghề nghiệp ở Việt Nam mà tôi từng chứng kiến trong các hội nghị. Nghe những lời giới thiệu dài lòng thòng như “Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, bác sĩ Nguyễn Văn …” nó khôi hài làm sao!

Tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta thích danh xưng trước tên mình? Kinh nghiệm của tôi, khi tiếp xúc với những người hay sử dụng danh xưng cho thấy họ thường dùng danh xưng với những động cơ sau đây:

1. Người dùng danh xưng thường muốn nuôi nấng niềm kiêu hãnh của mình. Danh xưng thường có xu hướng bơm phồng “cái tôi” của một cá nhân, và do đó làm cho cá nhân đó tự đánh giá cao chính mình hơn là thực tế. Bà Jill Biden, vợ phó tổng thống Mĩ Joe Biden, từng phàn nàn rằng bà rất “bệnh” khi nhận email và thư gửi đến gia đình với dòng chữ “Sen. and Mrs Biden” (Thượng nghị sĩ và Bà Biden). Bà muốn được danh xưng là “Sen. and Dr. Biden”, và thế là bà đi học đế lấy bằng tiến sĩ Anh văn. Sau 4 năm nghiên cứu, bà được trao bằng tiến sĩ ở tuổi 55. Câu chuyện bà Biden sính danh là đề tài đàm tiếu của giới báo chí Mĩ hồi đầu năm nay.

2. Người dùng danh xưng như là một hình thức tự quảng cáo. Thật ra, một số người sử dụng danh xưng "Tiến sĩ" hay "Giáo sư" nhắm mục đích tăng giá trị, trọng lượng của ý kiến của họ. Trong thực tế, công chúng cũng có khuynh hướng xem ý kiến của một “Giáo sư tiến sĩ” có giá trị cao hơn ý kiến của một … nông dân. Bởi vì đánh giá cao ý kiến của những vị sư sĩ này, nên ít ai dám chất vấn hay phản bác lại ý kiến của họ. Nhưng không có bất cứ một lí do nào để xem ý kiến của một vị giáo sư hay tiến sĩ có giá trị hơn ý kiến của một nông dân; vấn đề là logic và bằng chứng, vì hai khía cạnh này mới chính là thước đo giá trị của ý kiến.

3. Người dùng danh xưng muốn được người khác kính trọng mình. Đây là biện minh (hay lí lẽ) của những người chức sắc tôn giáo, vì họ cho rằng họ cần những “Thượng tọa”, “Hòa thượng”, “Linh mục”, “Mục sư”, v.v… để tín đồ tỏ lòng kính trọng họ. Thế nhưng tôi lại nghĩ các Phật tử hay tín đồ Công giáo vẫn có thể gọi “thầy” và “cha” mà đâu có tỏ ra thiếu kính trọng gì đâu!

4. Những danh xưng thường gây chú ý một cách không cần thiết. Người sử dụng danh xưng ngầm nói cho người khác rằng họ là người quan trọng và đáng được kính trọng. Mặc dù họ không bao giờ thú nhận ý đồ ngầm này, nhưng nghiên cứu tâm lí cho chúng ta biết động cơ sử dụng danh xưng là để gây chú ý như ca sĩ thích làm trò khác lạ để thu hút khán giả.

5. Người dùng danh xưng có khuynh hướng khao khát quyền lực và trần tục. Một nghiên cứu ở Mexico cho thấy rất nhiều chính trị gia không có văn bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn tìm cách mua danh xưng “Dr” bằng cách tranh thủ hay vận động để được một đại học nào đó cấp cho bằng “tiến sĩ danh dự” (honour doctor). Với danh xưng này, họ rất dễ thu hút cảm tình của cử tri và có cơ may đắc cử hơn những người không có danh xưng.

6. Người dùng danh xưng hay có xu hướng quảng bá thái độ “elite”, thái độ kẻ cả, hoặc thái độ toàn trị. Những người này thường tự tô son điểm phấn cho mình bằng cách “tiêm” vào mình những danh xưng thật kêu và thật ấn tượng và bắt đầu nhiễm thói kiêu ngạo xem thiên hạ như dưới tay mình.

Ba tôi lúc sinh tiền mỗi lần nghe ai được giới thiệu như trên tivi với những danh xưng dài lê thê như “Nghệ sĩ nhân dân, tiến sĩ Vũ Đình …” thì ông thở dài nói một mình: lại một ông thiếu tự tin, lòe thiên hạ. Ba tôi tin rằng những người cần đến danh xưng phía trước tên mình là một tín hiệu cho thấy người đó hoặc là bất tài, hoặc là thiếu tự tin, nên phải lấy những danh tước đó ra để tự nâng cao giá trị cho mình. Ngẫm đi nghĩ lại tôi thấy Ba tôi cũng có lí, bởi vì ở Việt Nam những người thích dùng danh xưng là các quan chức trong chính quyền. Là quan chức, làm việc hành chính hay chính trị, họ không phải làm chuyên môn; do đó, có lẽ họ có nhu cầu phải quảng bá mình như là một nhân vật "văn võ song toàn", và để cho … oai.

Nhưng các quan chức Việt Nam có danh xưng “Dr.” coi chừng! Năm ngoái, theo tờ Washington Post, có ít nhất 7 người Mĩ với bằng tiến sĩ từ các trường danh tiếng như Cornell và Caltech bị điều tra về tội “mạo danh” (“title fraud”) vì họ đề danh xưng “Dr.” trên danh thiếp của họ và websites. Ở EU, chỉ có những người có bằng tiến sĩ từ các trường của EU mới có quyền dùng danh xưng “Dr.” Chẳng biết hư thực ra sao, nhưng nghe qua thì có vẻ ... vô lí quá!

Ở Việt Nam, vấn đề danh xưng là vấn đề “merit” (xứng đáng). Trước tình trạng tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm tràn lan ở Việt Nam như hiện nay, bất cứ ai được giới thiệu là “tiến sĩ”, người dân ngao ngán nghĩ thầm “lại một tiến sĩ giấy”. Trong bối cảnh đa số (70% hay 95%) giáo sư Việt Nam không xứng đáng với chức danh đó trên trường quốc tế, và với hệ thống phong tước danh như hiện nay thì làm sao danh xưng này củng cố lòng tin của người dân. Nhưng ở Việt Nam vẫn có những tiến sĩ, những giáo sư thật (tức là họ có học và có nghiên cứu xứng đáng với danh xưng đó), nhưng khổ nỗi vì đại đa số những tiến sĩ giấy và giáo sư dỏm kia làm cho công chúng chẳng biết ai là giả và ai là thật. Do đó, cách đánh bóng danh xưng như ở Việt Nam gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn.

Cách dùng danh xưng hiện nay lẫn lộn giữa bằng cấp, phẩm hàm danh dự, và chức vụ. Ai cũng biết cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là những học vị; phó giáo sư và giáo sư là chức danh khoa bảng trong trường đại học; những “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, “nhà giáo ưu tú” (toàn bắt chước Trung Quốc!) là những tước hiệu danh dự; còn những “giám đốc”, “đại tá”, “bộ trưởng”, v.v… là chức vụ. Ở Việt Nam, tôi thấy trong các hội nghị, những tước hiệu, chức vụ và học vị đều được liệt kê trước tên người diễn giả, chẳng khác gì một bản lí lịch bằng cấp và chức danh! Ở nước ngoài, trong các hội nghị khoa học, người ta chỉ giới thiệu diễn giả bằng một danh xưng duy nhất như “Dr” hay “Professor”, chứ rất rất hiếm ai giới thiệu thêm chức vụ, và chắc chắn chẳng có ai giới thiệu diễn giả dài lê thê như ở Việt Nam (nếu có ai giới thiệu như thế chắc chắn hội trường sẽ cười ầm lên)!

Cách dùng danh xưng như hiện nay chẳng những lẫn lộn thật giả, giữa chức vụ và học vị, mà còn làm trò cười cho đồng nghiệp quốc tế. Trường hợp mà tôi thuật lại ở trên về “Specialist II” (chắc là bác sĩ chuyên khoa II) là một ví dụ điển hình. Bởi vì chỉ có Việt Nam mới có hệ thống bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II lạ lùng như thế, nên đồng nghiệp quốc tế chẳng thể nào hiểu được. Thật ra, họ cũng chẳng cần hiểu Specialist I hay Specialist II hay “chuyên khoa II” là cái gì; họ chẳng thèm tốn thì giờ đọc danh thiếp với những chi chít “Dr”, “Professor” làm gì; họ quan tâm đến CV, đến thực tài hơn. Có liệt kê chín mười danh xưng đi nữa mà CV chẳng có gì, thì chỉ làm cho đồng nghiệp ngoại quốc cười khẩy mà thôi. Khi thực tài không tương đồng hay còn quá thấp so với học hàm và học vị, thì những danh xưng đó chỉ là trò hề cho thiên hạ mà thôi. Nên giảm các danh xưng đi, hay tốt nhất là bỏ đi tất cả danh xưng trong các dịp hội họp chẳng liên quan gì đến khoa học và chuyên môn! Đây là lời khuyên chân tình!

NVT

TB: Viết xong entry này, một bạn đọc giới thiệu bài Nghĩ về từ “nhà” rất thú vị trên blog drnikonian. Đọc bài này, tôi mỉm cười hoài. Hóa ra tôi với cái bác drnikonian này lại gặp nhau ở đề tài “nhạy cảm” này.

Có thể đọc thêm những bài sau đây:

Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị của Đinh Kim Phúc.

Danh xưng của Dạ Lan.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Lenin chết vì bệnh giang mai?

Bệnh án của các lãnh tụ chính trị luôn là đề tài nghiên cứu của giới y học. Ở Mĩ đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về cái chết của tổng thống Washington, Lincoln, Eisenhower, Reagan, v.v… Họ thậm chí còn có hẳn một website liệt kê nguyên nhân tử vong của các vị tổng thống này. Riêng các lãnh tụ trong khối xã hội chủ nghĩa cũ thì đời tư và bệnh án của họ vẫn còn nhiều bí ẩn. Một trong những lãnh tụ mà bệnh lí được đặt trên bàn “phẫu thuật” nhiều nhất là V. Lenin.

Mấy hôm nay thế giới blog rộ lên bản tin xuất phát từ một bài báo trên tờ Telegraph (Anh) “Vladimir Lenin died from syphilis, new research claims” (Nghiên cứu mới cho rằng Vladimir Lenin chết vì bệnh giang mai). Bài báo cho biết nhà sử học Helen Rappaport sau khi khảo sát qua tài liệu và hồ sơ bệnh án đi đến kết luận rằng nhà lãnh tụ phong trào Bolsevik chết vì bệnh giang mai, lây truyền từ một cô gái giang hồ ở Paris. Bà còn nói rằng giới lãnh đạo Xô-viết thời đó ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra vì cấp trên cấm không cho nói ra. Bà Rappaport dựa một phần lớn vào cuốn sách của Ivan Pavlov, trong đó ông viết “revolution was made by a madman with syphillis of the brain” (cuộc cách mạng được tạo ra bởi một người điên với bệnh giang mai trong bộ não).

Thật ra, cái gọi là “new research claims” như bài báo này nói chẳng có gì là new hay mới cả. Năm 2004, một nhóm bác sĩ Do Thái công bố một bài nghiên cứu “The egnima of Lenin (1870 – 1924) malady” (Bí ẩn về cái chết của Lenin (1870 – 1924) trên tập san thần kinh học European Journal of Neurology (bộ 11; trang 371-376), mà trong đó, các tác giả cho biết theo hồ sơ bệnh án của Liên Xô, qua giáo sư Boris Petrovskii kết luận rằng Lenin đã mắc bệnh hơn 10 năm trước khi qua đời. Trước đó, cũng đã có vài công trình nghiên cứu công phu kết luận rằng Lenin có thể chết vì bệnh giang mai. Công chúng Liên Xô đã nghi ngờ ông chết vì bệnh giang mai ngay từ những ngày ông mới qua đời vào năm 1924.

Cần nói thêm rằng theo “chính sử” thì Lenin bắt đầu mắc bệnh vào năm 1922 dù triệu chứng thì có thể đã tồn tại trước đó. Hồ sơ bệnh lí của Lenin từ năm 1900 có tên và chi tiết của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm thần người Đức mà Lenin đã được chuyển đến để điều trị. Nhật kí của bác sĩ Krupskaya viết: “Cuối năm 1902, Vladimir Il’yich bị bệnh thần kinh nghiêm trọng … Tôi kết luận rằng ông bị nhiễm trichophytosis”. Sau đó, Lenin được nhập viện 2 tuần để điều trị, nhưng bệnh trạng lúc đó vẫn chưa rõ ràng. Khi mắc bệnh, Lenin trở nên khó tính, nóng nảy, không thể nào nghe nhạc, nhất là tiếng đàn violin. Ông yêu cầu phải giảm âm lượng trong văn phòng làm việc và cho gắn những thiết bị giảm âm thanh trong những văn phòng ông làm việc.

Lenin qua đời vào ngày 24/1/1924, thọ chỉ 54 tuổi. Biến cố dẫn đến cái chết, theo hồ sơ chính thức ghi lại, là động kinh vốn xảy ra 50 phút trước khi ông ngừng thở. Ngày hôm sau khi ông chết, giáo sư Alexei Abrikosov tiến hành giảo nghiệm thi hài với sự hiện diện của ủy viên y tế của trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Theo qui ước của Liên Xô lúc đó, tất cả 27 bác sĩ tham gia điều trị Lenin phải kí giấy giảo nghiệm thi hài, nhưng chỉ có 8 người kí giấy. Trong 8 người này, 7 người lác bác sĩ Nga, 1 người là bác sĩ Đức nhưng không biết tiếng Nga. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giáo sư Vladimir Bekhterev, giám đốc viện thần kinh học và cũng là người từng khám Lenin ít nhất một lần, thì không được mời tham gia vào việc giảo nghiệm. Kết quả giảo nghiệm cho thấy một mảng động mạch bị loét và động mạch chủ bị hẹp nghiêm trọng. Bộ não cân nặng 1340 g, với thùy não bên trái nhỏ hơn thùy não bên phải. Phía bên trái của não có nhiều u nang màu vàng. Dựa vào những kết quả này và một số dấu hiệu khác, giáo sư Abrikosov chẩn đoán nguyên nhân tử vong là xơ vữa động mạch khuếch tán (diffuse atherosclerosis). Không thấy nhắc đến khả năng bệnh giang mai.

Tuy nhiên, 3 tác giả của bài nghiên cứu trên tập san European Journal of Neurology đặt giả thuyết rằng Lenin mắc bệnh giang mai thần kinh (neurosyphilis) vào những năm đầu thế kỉ 20, hoặc là sớm hơn nữa khi ông còn sống ở Zurich, Geneva (Thụy Sĩ), Munich (Đức), Prague (Tiệp), Vienna (Áo), và London (Anh). Họ dựa vào những dữ liệu sau đây:

Thứ nhất, Lenin không phải thánh thiện như Liên Xô tuyên truyền mà ông cũng “trần ai” như mọi người khác. Ngày 18/7/1895 ông được nhập viện 2 tuần ở Clinic Borhardt (Thụy Sĩ). Ông không tiết lộ lí do nhập viện, nhưng ông có viết thư cho thân nhân rằng ông có một thời gian đẹp tại đây. Khi được hỏi về bệnh trạng của Lenin, giáo sư Max Nonne (là một chuyên gia rất nổi tiếng về bệnh giang mai) trả lời rằng “Ai cũng biết tôi chuyên về bệnh gì”. Ý ông nói ông chỉ điều trị bệnh giang mai, và ông điều trị Lenin cũng chỉ vì bệnh này.

Thứ hai, nhà sinh lí học người Nga rất nổi tiếng Ivan Pavlov từng nói rằng “ông ấy là một bệnh nhân tiêu biểu của bệnh tê liệt thần kinh”. Pavlov còn quen biết nhiều nhà nghiên cứu từng phân tích bộ não của Lenin và các nhà nghiên cứu này khẳng định rằng Lenin quả thật mắc bệnh giang mai.

Thứ ba, Giáo sư Kramer, người tham gia giảo nghiệm thi hài nghĩ rằng các kết quả bệnh lí rất tương quan với bệnh giang mai thần kinh (neurosyphilis). Chữ kí của Giáo sư Kramer và của Giáo sư Kozhevnikov (người cũng nghĩ Lenin bị bệnh giang mai) bị “mất” trong hồ sơ chính thức của cuộc giảo nghiệm thi hài.

Thứ tư, Bác sĩ Hunter Hesse (người Đức), một chuyên gia về lịch sử y khoa và người từng nghiên cứu bệnh lí của Lenin cũng chỉ ra rằng tình trạng vô sinh của Lenin cho thấy ông bị nhiễm syphilis và gonorrhea. Bác sĩ Hesse còn cho biết Lenin từng được điều trị tại một clinic ở Berlin khoảng 6 tuần nhưng không biết bệnh gì, tuy nhiên vợ ông thì bị “bệnh đàn bà”.

Thứ năm, ủy viên y tế của Liên Xô lúc đó là Semashko báo cáo rằng những tổn thương trong bộ óc của Lenin rất nghiêm trọng, đến nỗi chỉ cần chạm cái kéo vào đó cũng có âm thanh như chạm vào kim loại, và mạch máu thì nhỏ hơn cọng tóc. Những tín hiệu này và sự xơ hóa động mạch được mô tả trong bệnh án của Lenin rất nhất quán với chứng giang mai thần kinh.

Thứ sáu, các triệu chứng lâm sàng như nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, khó chịu mà Lenin mắc phải cũng nhất quán với hội chứng “meningovascular syphilis”. Những triệu chứng này thường xảy ra sau khi bị nhiễm syphilis khoảng 10-20 năm, làm thay đổi tính tình của bệnh nhân giống như một người mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Có nhiều phiên bản về buổi giảo nghiệm thi hài của Lenin; có người nói rằng có ít nhất là 3 bản, lại có người nói 8 bản, nhưng không có bản nào được xem là chính đáng! Phiên bản chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô được công bố ngay sau khi Lenin qua đời là nhằm phản bác lại dư luận lúc đó cho rằng Lenin chết vì bệnh giang mai. Tuy nhiên, ngay cả phiên bản chính thức này cũng không xóa được sự nghi ngờ của công chúng Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các văn thư lưu trữ bí mật thời trước được mở ra cho các nhà nghiên cứu xem xét. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ủy viên y tế Semashko ra chỉ thị rất cụ thể cho Giáo sư Semashko chứng minh rằng Lenin không mắc bệnh giang mai.

Những bác sĩ được mời để giảo nghiệm thi hài được trả hậu hĩ. Trong số này có bác sĩ người Đức (Forster và Klemperer) mỗi người được trả 50.000 rubles bằng vàng, và Henschen được trả 25.000 Krone (tiền Thụy Điển). Những khoản tiền này cho thấy nhà cầm quyền Liên Xô lúc đó muốn họ im lặng.

Cũng qua hồ sơ được giải mật này các nhà nghiên cứu còn phát hiện một tấm hình của Lenin vào những ngày cuối đời (xem dưới đây) hoàn toàn khác với hình ảnh của Lenin mà Đảng Cộng sản Liên Xô công bố trước công chúng. Tấm hình cuối đời của Lenin cho thấy ông bị suy sụp sức khỏe nghiêm trọng, với ánh mắt lu mờ một cách lạ lùng như bị ám ảnh.

Hình chụp vào những ngày cuối đời của Lenin
(ảnh của tập san European Journal of Neurology)
Nói tóm lại, bản tin về Lenin mắc bệnh giang mai không mới, mà đã được nghi vấn từ lâu, từ ngay vào lúc ông mới qua đời. Thật ra, đứng trên phương diện khoa học, phải nói chính xác là “nghi vấn”, hay “giả thuyết” Lenin mắc bệnh giang mai, vì những bằng chứng và dữ liệu trên cũng chưa hẳng đầy đủ để “chứng minh” ông mắc bệnh đó. Chỉ có một cách chính xác nhất là lấy mẫu não của ông và tiến hành phân tích DNA thì có thể chứng minh hay phản chứng nguyên nhân tử vong của Lenin. Nhưng chưa ai phân tích DNA Lenin nên câu hỏi vẫn còn là một giả thuyết.

Qua câu chuyện này tôi chợt nghĩ: Nếu mọi việc đều minh bạch thì đâu có giả thuyết và hoài nghi.
NVT
Tham khảo: Sau đây là một số tài liệu nghiên cứu về bệnh án của Lenin:
Arutyunov A (1999). Lenin's Record without Retouch. Veche, Moscow.
Bentivoglio M. Cortical structure and mental skills: Oskar Vogt and the legacy of Lenin's brain. Brain Res Bull. 1998 Nov 1;47(4):291-6.
Danilov E (2000). [The Enigma of the Russian Sphinx]. Pravo i Zakon, Moscow.
Flerov V (1987). [Lenin's illness and death]. Grani issue no.: 146 145–174.
Henschen F (1974). Noch einmal: Das Sterben Lenins. Frankfurter Allgemeine Zeitung, Frankfurt.
Hesse H (1998). [V.I. Lenin] (translated by the author). Independent Psychiatric J 3: 83–84.
Kaplan GP, Petrikovsky BM (1992). Advanced cerebrovascular disease and the death of Vladimir Ilyich Lenin. Neurology 42: 241–245.
Krupskaya NK (1925). [Recollections about Lenin (1901–1902)]. Krasnaya Nov': 176–185.
Lerner V, Finkelstein Y, Witztum E. The enigma of Lenin's (1870-1924) malady. Eur J Neurol. 2004 Jun;11(6):371-6.
Lopukhin YM (1997). [The Illness, Death and V.I. Lenin's Embalming. The Truth and the Myths]. Respublika, Moscow.
Nikiforov AS (1986). Bekhterev. Molodaya gvardiya, Moscow.
Osipov V (1990). [V.I. Lenin's illness and death]. Ogonyek: 6–8.
Petrovskii BV (1990). [Lenin's Wounds and Illness]. Pravda, Moscow.
Post JM, Robins RS (1993). Menachem Begin's recurrent depression and terminal melanchdia In: Post JM, Robins RS, eds. When Illness Strikes the Leader. Yale University Press, New Haven, CT, pp. 46–50.
Rodionov Y (2000). [The main patient of the country]. Posev: 1–5.
Roslyakov I (1997). Was Lenin suffering from the bad illness? In: Arguments & Facts Weekly.http://www.aif.ru/aif/oldshow/php/901/illness_e.htm: Moscow.
White RJ. Lenin’s brain. J Neurosurg. 2009 Jun;110(6):1327-8.

Witztum E, Lerner V (2002). [Enigma of Lenin's illness]. Harefuah 141: 395–398, 407

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Quan quyền và án phạt

How can the life of such a man
Be in the palm of some fool’s hand …
Put in a prison cell, he could - a been
The champion of the world.
Bob Dylan (1975), Hurricane

Hiến pháp của nước nào cũng có những câu văn đại khái như mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hiến pháp Việt Nam cũng có câu "Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật," mô phỏng theo câu văn trong trong hiến pháp Mĩ mà cụ Hồ từng tuyên bố nhân ngày 2/9/1945. Nhưng trong thực tế thì sự bất bình đẳng trước luật pháp xảy ra ở mọi nơi và mọi lúc. Cái bất bình đẳng hiển nhiên nhất là cùng một bản án, nhưng hình phạt và mức phạt thì khác nhau. Câu hỏi là tại sao có những khác biệt như thế. Người xưa có câu "đa kim ngân phá luật lệ" để chỉ đồng tiền có thể chi phối đến luật pháp, hay người Việt Nam bây giờ có câu "nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế" -- không cần giải thích chắc ai cũng biết câu này nói gì. "Thế" là khiá cạnh sẽ được bàn ở đây qua vài bản tin ngắn gần đây trên báo chí phản ảnh sự khác biệt về mức độ xử phạt giữa các phạm nhân.

Hôm trước, báo Người lao động đưa một tin ngắn nhưng đáng chú ý, vì nó phản ánh một khía cạnh về tình trạng công lí ở nước ta. Giữa tháng Bảy năm ngoái (chính xác là ngày 17/7/2008), ông Chu Văn Thưởng, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ), sau một bữa tiệc liên hoan, nhậu nhẹt, thay vì để tài xế lái xe đưa ông về sở thì ông giành lái xe, và đụng vào xe gắn máy làm cho 2 người chết (một người chết tại chỗ). Một tai nạn thảm khốc. Thay vì dừng xe lại giúp đỡ nạn nhân, ông giao tay lái cho tài xế, ra sau xe ngồi, và thản nhiên ra lệnh cho tài xế lái xe thẳng về cơ quan! Ấy thế mà đến hơn 1 năm sau, ngày 22/10/2009 ông mới bị tòa án phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì “phạm tội lần đầu, bản thân có nhiều thành tích (được tặng huân, huy chương trong quá trình công tác)… vì vậy hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng án treo.”

Để hiểu hình phạt này công bằng ra sao, chúng ta thử đọc lại một trường hợp khác cũng cùng tôi trạng “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, nhưng phạm nhân là một ca sĩ. Báo Vnexpress đưa tin rằng ngày 9/3/2009, ca sĩ Trí Hải ở TPHCM, sau một buổi trình diễn mệt nhọc, anh tự lái chiếc xe Toyota LandCruiser, chạy với tốc độ cao và mất khả năng điều khiển chiếc xe, đụng hàng loạt xe khác khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Trí Hải lập tức đến khai báo với công an địa phương. Khi ra tòa, Trí Hải bị phạt 4 năm 6 tháng tù giam. Anh chết trong tù vì bệnh phổi vào ngày 20/10/2009, hai ngày trước khi tòa án Hà Nội tuyên án phạt ông Chu Văn Thưởng.

Báo Pháp Luật TPHCM có một bản tin ngắn nhưng ý nghĩa lớn. Ba nông dân ở Lâm Đồng nhậu nhẹt rồi hết “mồi”, bèn đi xin vịt về nhậu tiếp; xin không được, ba ông đi ăn trộm vịt. Sau đó, dù đã bồi thường cho nạn nhân hai triệu đồng và được bãi nại nhưng Quyền, Hưng và Long vẫn bị truy tố về tội cướp tài sản. Tòa án huyện Đức Trọng tuyên phạt mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù).

Câu chuyện bên Úc: Marcus R. Einfeld, 71 tuổi, từng là chủ tịch Ủy hội Nhân quyền và bình đẳng của Úc, là đại sứ văn hóa Úc tại UNESCO, chánh án tòa án liên bang Úc, chánh án tòa án tối cao bang New South Wales, Western Australia, và ACT. Sự nghiệp của ông bị “đứt đoạn” vào năm nay (2009) khi ông bị tòa án Úc tuyên phạt tù giam 3 năm vì tội “perjury” (khai gian) và “pervert the course of justice” (tạm dịch là cố tình làm lệch cán cân công lí – tôi cần các bạn đọc rành luật dịch hộ!)

Câu chuyện của ông Einfeld hơi dài, nhưng tôi tóm lược theo cách hiểu của tôi. Tháng 8/2006 ông Einfeld bị phạt $77 vì lái xe quá tốc độ. Ông không chịu nộp phạt vì ông nói rằng ông không có lái xe hôm đó; ông cho bạn ông là giáo sư Teresa Brennan mượn xe vào thời điểm xe bị máy chụp hình tự động chụp được quá tốc độ. Ông tuyên thệ trước tòa rằng lời khai của ông là sự thật. Nhưng người ta phát hiện rằng giáo sư Brennan đã qua đời vì tai nạn xe ôtô bên Mĩ từ năm 2003, và ông Einfeld biết sự kiện này. Như vậy ông phạm tội khai không đúng sự thật trước tòa. Nhưng ông vẫn không chịu nhận tội. Tháng 3/2007, ông Einfeld đồng ý cho cảnh sát vào nhà ông để khám xét và xem máy computer cá nhân tại nhà. Sau khi xem xét, cảnh sát quyết định bắt ông và cáo buộc 13 tội trạng khác. Đến tháng 10/2008, tòa án hình sự bác bỏ 5 cáo buộc của cảnh sát, nhưng giữ nguyên 8 tội trạng còn lại, kể cả tội perjury và “perverting the course of justice”. Tháng 11/2008, Hiệp hội luật sư bang New South Wales nộp đơn lên tòa án liên bang và tòa rút bằng hành nghề luật sư của ông. Tháng 3/2009, tòa án tuyên phạt Einfeld 3 năm tù giam. Nhưng ông Einfeld trước sau như một nói rằng ông không phải là người thiếu thành thật, mà ông chỉ sai phạm vì nhớ không chính xác!

Câu chuyện của ông cựu chánh án Marcus Einfeld còn cho thấy tội hình sự và gian dối có thể xảy ra ngay ở thành phần có vị trí cao nhất trong xã hội, kể cả ở những người cầm cán cân công lí quốc gia. Do đó, chuyện một giám đốc sở phạm tội hình sự có lẽ không đáng ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là mức độ và hình phạt. Ớ Úc (và ở các nước phương Tây nói chung), lái xe gây gây tai nạn mà không dừng lại để giúp đỡ nạn nhân là tội ngồi tù, thậm chí có thể xem là cố sát (cố tình giết người). Bất cứ ai học lái xe cũng phải biết điều này, vì điều luật được ghi rất rõ trong bài học lái xe.

Chúng ta thấy gì qua 2 trường hợp đầu? Cái điểm giống nhau thứ nhất giữa ông cựu giám đốc Chu Văn Thưởng và ca sĩ Trí Hải là cả hai người đều là “người của công chúng”. Cái điểm giống nhau thứ hai là cả hai người đều phạm cùng một tội trang: đó là “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Điều tương đồng thứ 3 là cả hai đều gây tai nạn làm cho 2 người chết.

Nhưng hình như sự tương đồng giữa hai người chỉ dừng ở đó, vì chính cái khác biệt mới là đáng nói. Điều khác biệt thứ nhất là một người là quan chức cao cấp của Nhà nước (và Đảng) còn người kia là không phải quan chức và chắc cũng chẳng phải đảng viên. Điều khác biệt thứ hai là thái độ với cơ quan bảo vệ pháp luật. Ông Thưởng sau khi gây tai nạn thì thản nhiên ra lệnh tài xế lái xe về cơ quan, còn ca sĩ Trí Hải thì nghiêm chỉnh khai báo. Điều khác biệt thứ ba là kết quả của bản án: ông cựu giám đốc thì được khoan hồng vì “nhân thân tốt,” còn anh ca sĩ xấu số thì bị 4 năm 6 tháng tù giam.

Ba điều giống nhau không thể giải thích sự khác biệt của kết quả bản án. Chỉ có những khác biệt mới giúp chúng ta hiểu kết quả bản án. Qua so sánh, chúng ta thấy rõ ràng rằng việc khai báo cho công an theo đúng luật hình như không có tương quan gì đến bản án cả. Chỉ còn một khác biệt duy nhất có thể giải thích được: đó là nhân thân. Điều này cho chúng ta lí do để suy ra rằng vị trí quan chức và đảng viên chính là yếu tố đã đã “cứu” ông Thưởng khỏi ngồi tù.

Vị trí xã hội có lẽ là yếu tố quan trọng, bởi vì nó còn giải thích tại sao 3 ông nông dân nghèo khổ kia, chỉ vì một hai con vịt mà lãnh tổng cộng 12 năm tù giam. Nếu 3 người đó không phải là nông dân mà là chủ tịch xã hay trưởng công an hay đảng viên thì chắc chắn báo chí cũng chẳng có tin để mà đăng. :-) Chuyện quá nhỏ mà!

So sánh câu chuyện của ông chánh án Marcus Einfeld và Chu Văn Thưởng chúng ta thấy cả hai ông này đều là người có vị trí cao trong xã hội. Nhưng có khác biệt về địa điểm: một bên thì tai nạn xảy ra ở Việt Nam, và một bên thì ở Úc. Ông chánh án chỉ vì khiếu nại không chịu nộp phạt 77 đôla, dẫn đến chuyện khai man, và chịu hình phạt nặng nề, tiêu tan sự nghiệp. Còn ông cựu giám đốc sở thì gây tai nạn cướp đi 2 mạng sống con người nhưng lại được hưởng án treo. (Chữ “hưởng” trong trường hợp này thật là chính xác!)

So sánh giữa trường hợp ông Einfeld và Chu Văn Thưởng còn cho thấy cán cân công lí của Việt Nam có tình có nghĩa hơn cán cân công lí của Úc. Ở Úc, tòa án không đặt nặng vấn đề “nhân thân” hay vị trí xã hội (thật ra, vị trí xã hội càng cao thì hình phạt càng nặng), còn ở Việt Nam thì tòa án xét đến nhân thân và lí lịch của phạm nhân. Nhưng hình như công lí Việt Nam không có tình có nghĩa với người nghèo. Điển hình là 3 ông nông dân kia chỉ vì con vịt (và đã đền 2 triệu đồng) mà vẫn bị tổng cộng 12 năm tù.

Còn nhớ trước đây, cựu thủ tướng Úc John Howard vội vã lên xe ôtô (có lẽ trốn phóng viên đang trực chờ hỏi gì đó) nên quên thắt giây an toàn và bị một phóng viên chạy theo xe chụp hình được hình và đăng báo. Chỉ cần nhìn qua tấm hình không thắt giây an toàn, thế là cảnh sát đủ bằng chứng và gửi giấy phạt đến tận văn phòng phủ thủ tướng. Ông thủ tướng đành phải ngậm ngùi nộp phạt! Anh phóng viên thì nổi tiếng và hỉ hả với tấm hình độc đáo nhưng làm hao tốn hơn 200 đôla từ túi tiến của ông thủ tướng.

Những chênh lệch về hình phạt và mức phạt không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở ngay tại các nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ như ở Úc này. Cùng một tội trạng, nhưng có người lãnh án vài năm tù, còn người khác thì hàng trăm năm tù. Còn nhớ vào thập niên 1980s một nhóm thanh niên tị nạn Việt Nam ở Mĩ bị phạt trên 100 năm tù vì tội mua dâm, một hình phạt mà báo chí Mĩ cho là quá nặng nề, có lẽ chỉ vì họ là người di dân Á châu (người khác thì cho là quan tòa kì thị chủng tộc).

Sự chênh lệch về hình phạt còn là đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều nhà xã hội hội và luật học. Hình như trong giới luật học, họ gọi “hiện tượng” khác biệt về hình thức và mức độ phạt là “sentencing disparity” (tôi tự hỏi tại sao họ không nói “sentencing variation” nhỉ?) Đọc qua vài nghiên cứu về sentencing disparity bên Mĩ và Úc trên tập san như Journal of Quantitative Criminology Journal of Criminal Justice, tôi thấy họ làm rất bài bản. Chẳng hạn như bài “Sentencing disparity: an analysis of judicial consistency”, tác giả phân tích yếu tố nào có liên quan đến những khác biệt về mức độ phạt. Họ chia các yếu tố này thàng 4 nhóm chính: những yếu tố liên quan đến sự việc xảy ra; những yếu tố về phạm nhân; yếu tố liên quan đến nạn nhân; và yếu tố liên quan đến chánh án. Trong những yếu tố liên quan đến phạm nhân (như tiền án, chủng tộc, giới tính, tuổi, giai cấp xã hội, thậm chí khuôn mặt v.v…), thì yếu tố tiền án có ảnh hưởng quan trọng nhất đến mức độ phạt, kế đến là chủng tộc, giới tính, còn giai cấp xã hội thì không có ý nghĩa gì cả. Nói cách khác, ở Mĩ giai cấp xã hội không quan trọng trong quyết định xử phạt, mà chính là tiền án của phạm nhân. Còn ở Việt Nam, "nhân thân" xem ra quan trọng hơn là tiền án. Do đó, mô hình tiên lượng của Mĩ mà áp dụng vào Việt Nam chắc sẽ không chính xác.

Quay lại với 3 trường hợp ở Việt Nam, chúng ta thấy cả ông Chu Văn Thưởng, ca sĩ Trí Hải, và 3 ông nông dân đều không có tiền án (ít ra là qua báo chí chúng ta biết như thế), cho nên yếu tố tiền án không giải thích được tại sao có “sentencing disparity” như ở Việt Nam! Tôi đồ rằng nếu giới luật học ở trong nước chịu khó thu thập dữ liệu và phân tích đúng phương pháp, thì trong phương trình tiên lượng sự khác biệt về mức độ phạt sẽ có các yếu tố liên quan đến vị trí xã hội của phạm nhân. Vấn đề là hệ số của yếu tố này cao bao nhiêu ở Việt Nam. Nếu ai muốn làm tôi xin tình nguyện giúp một tay để phân tích. :-)

NVT

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Đôi dòng về "Người bệnh cuối ngày"

Tôi gặp anh lần đầu tiên chắc cũng trên 2 năm. Hôm đó, sau một ngày làm việc mệt nhòi và gần khan tiếng, một người bạn báo chí rủ đi ăn tối ở một nhà hàng bình dân nhưng nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Diệu. Bạn tôi nói như hứa hẹn: “hôm nay ông sẽ gặp một người thú vị lắm”. Khoảng chục phút sau, anh xuất hiện trong bộ đồ casual thanh lịch. Chúng tôi, bọn đàn ông, nói chuyện rôm rả như đã quen biết nhau từ độ nào! Nói là "anh", nhưng anh còn trẻ hơn tôi nhiều. Sau này tôi mới biết anh là bạn học cùng khóa với một người bạn đang làm nghiên cứu với tôi. Từ đó đến nay thỉnh thoảng về Việt Nam tôi vẫn tìm cách gặp anh và bạn bè để nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Vài tháng trước khi gặp nhau ở nhà anh, tôi mới biết là anh sắp in một cuốn sách nhưng chưa biết tên, thậm chí chưa biết nhà xuất bản có in hay không. Nay thì tác phẩm Người bệnh cuối ngày đã ra mắt bạn đọc. Đối với anh và trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của cuốn sách có thể xem như là [nói theo ngôn ngữ cách mạng một chút]… một thắng lợi. Mà, nãy giờ tôi quên nói anh là ai! Xin thưa, “anh” ở đây là Bác sĩ Lê Đình Phương.



Bs Lê Đình Phương (ảnh của báo TT&VH)

Tuy gặp ngoài đời chỉ độ trên 2 năm, nhưng Phương và tôi “gặp nhau” trong ý tưởng và tầm nhìn thì chắc lâu lắm rồi. Mấy năm trước, tôi đọc được một ý kiến ngắn của Phương trên Người lao động mà trong đó anh phê bình tờ báo tiết lộ danh tánh của bệnh nhân, và qua đó anh nhắc nhở về nguyên tắc bảo mật cho bệnh nhân để giới báo chí Việt Nam biết. Đọc ý kiến ngắn đó tôi thấy cứ như là anh đã nói dùm cho rất nhiều người không có cơ hội lên tiếng. Trong vụ dịch tả (mà Bộ Y tế có cách gọi bằng mĩ từ “bệnh tiêu chảy cấp nhiễm vi khuẩn tả”), Phương còn lên tiếng bàn về tên gọi và nhất là khuyến cáo “Tiền là thủ phạm lây lan tiêu chảy cấp” do một quan chức của Bộ phát biểu. Không hẹn nhau và hoàn toàn độc lập với nhau, chúng tôi (Phương, Nguyên và tôi) có cùng ý kiến và quan điểm về chuyện này. Thế là chúng tôi được đưa vào danh sách “cừu đen” của các quan chức y tế. Không dừng ở danh sách “cừu đen”, người ta còn cho người chấp bút viết một bài chỉ trích cá nhân chúng tôi rất nặng nề ngay trên tờ báo của Bộ Y tế, với cảnh cáo mang nặng sắc thái cửa quyền: không được phê bình chính sách của Bộ Y tế! Chúng tôi phản biện lại bài viết đó và chỉ ra những lỗ hổng về kiến thức cơ bản trong bài đó (nhưng chẳng báo nào chính thức đăng tải), còn Phương thì im lặng, vì anh cho rằng tác giả đó không đáng để anh phản hồi. Anh hành xử theo thái độ của kẻ sĩ.

Phương không chỉ là bác sĩ mà còn là một trí thức đúng nghĩa với hai chữ này. Anh quan tâm đến những vấn đề xã hội, những “điều trông thấy mà đau đớn lòng”, kể cả chuyện y đức đang rất ồn ào hiện nay, và chuyện thời sư mà cả nước quan tâm nhưng ít khi nào được báo chí chính thống nhắc đến. Có nói chuyện với Phương mới thấy anh là người rất mẫn tiệp, chính trực, và thẳng thắn trong việc bày tỏ chính kiến của mình. Tôi thích Phương một phần là ở tính thẳng thắn này. Tôi thấy Phương là người có thể tranh luận, vì anh biết văn hóa tranh luận. Có lúc anh thấy sự việc xảy ra trước mắt mình mà mình chẳng làm gì được, anh tỏ ra rất sôi nổi đến độ bức bối. Đôi khi, Phương bày tỏ sự bức bối của mình qua trang giấy (hay trên bàn phím), và bày tỏ một cách gay gắt theo tỉ lệ thuận với cường độ của vấn đề. Mà, anh thì có nhiều câu chuyện bực bội vì chính anh là người trong cuộc, phải đối diện với những điều trái tai gai mắt hàng ngày trong suốt … đời. Như câu chuyện anh thuật lại câu chuyện về một viên phó phòng tổ chức của một bệnh viện lớn ở VN với nhận xét rất trần tục như thế này “ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” rồi anh phải cắn răng chịu đựng cái nhục: “Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ! Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?”

Ở Nhà phương có cái đàn piano, mà tôi đoán có lẽ là người bạn để anh “hạ nhiệt” trong những ngày phải chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Hình như trong Phương, cái sôi nổi trong tranh luận được quân bình lại bằng cái mẫn cảm của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ nghiệp dư thôi, nhưng cũng đủ để làm nghệ sĩ thứ thiệt khi cần! Phương mê Chopin và những bài ballade của nhạc sĩ thiên tài này. Cái con người nghệ sĩ của Phương còn được thể hiện qua một đam mê khác: đó là nhiếp ảnh. Mê đến nỗi anh lấy hiệu máy ảnh nổi tiếng đặt tên cho trang blog của mình: “drnikonian”! Tôi đoán Người bệnh cuối ngày là một kết tinh từ hai đam mê nghệ thuật của Phương.



Làm nghề thầy thuốc mỗi ngày có dịp đối diện với người bệnh và nghe những câu chuyện của họ không chỉ là một đặc quyền, mà còn là một cơ hội lí tưởng để sáng tác. Trong cuốn Illness narrative, tác giả Arthur Kleinman, nhận xét rằng trong khoa học lâm sàng và hành vi không có một phạm trù nào để mô tả sự đau đớn, và cũng không có một phương cách nào để ghi chép cái khía cạnh rất nhân tính này của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Những thước đo dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống, triệu chứng, hay mức độ bệnh tật đều thất bại một cách thê thảm, bởi vì những chỉ số lâm sàng này không bao giờ phản ánh được những sự chịu đựng mang tính chất rất riêng tư và rất nội tâm của người bị bệnh. Làm giảm áp suất máu 5 hay 10 mmHg có thể xem là một thành công lâm sàng, nhưng có chắc bệnh nhân cũng có cảm nhận đó hay không? Kéo dài cuộc sống của một bệnh nhân được 6 tháng đang trong tình trạng cuối cùng của căn bệnh có thể là một chiến thắng của y học, nhưng chưa hẳn là chiến thắng của người bị bệnh vì 6 tháng đó có thể là 6 tháng sống trong đau đớn cùng cực.

Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng một trong những đề tài phong phú cho văn học là nỗi đau khổ của con người, nhưng lại là đề tài ít được giới cầm bút khai thác. Nói “đau khổ” ở đây, tôi không có ý đề cập đến những nỗi đau trừu tượng, triết lí, kiểu như “thân phận lạc loài”, cô đơn, hoài niệm, bâng khuâng, v.v... mà là sự đau khổ của thân xác do bệnh tật gây nên. Đó là những nỗi đau gần gụi nhất với một cá nhân, là cái mà cá nhân con người có thể cảm được, kinh nghiệm qua được. Ấy thế mà kiểm lại số lượng tác phẩm và tác giả viết về đề tài này trong nền văn học Việt Nam, chúng ta thấy sự có mặt của thể loại văn học này cực kì khiêm tốn. Phương là người lí tưởng để ghi lại những nỗi đau khổ trần thế này, vì anh là người trực diện và vật lộn với cái chết và sự sống hàng ngày của bệnh nhân. Tôi hi vọng đóng góp của Phương sẽ là một viên gạch lắp vào khoảng trống của mảng văn học đó. Tôi chắc chắn rằng với tính nhạy cảm của người nghệ sĩ và mẫn tiệp của người thầy thuốc, các bạn sẽ không thất vọng với Người bệnh cuối ngày. Tôi cũng đang tìm đọc cuốn sách này đây, và rất hân hạnh giới thiệu cùng các bạn.

NVT