Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Nhật kí Saudi arabia 5. Một thoáng Saudi

Bây giờ ngồi trên máy bay, hồi tưởng lại những gì mình biết, nghe, thấy và sờ được, tôi tự hỏi ấn tượng của mình về xứ sở này là gì? Cái nhìn và cảm nhận của tôi về Saudi Arabia có thể tóm gọn như sau: đó là một đất nước giáo điều và khép kín. Có lẽ tôi phải nói thêm về nhận xét này.

Saudi Arabia theo thể chế quân chủ, và hoàng gia ở đây đóng vai trò như là những ông trời nhỏ. Có thể nói đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ cái gì, tôi cũng đều thấy hình ảnh của các ông vua theo đuổi mình. Những đường phố chính đều lấy tên các vua làm tên đường. Nhiều đại học cũng lấy tên vua làm tên trường. Một số quĩ nghiên cứu khoa học cũng lấy tên nhà vua, dù hoàng gia chẳng cung cấp một cent nào cho quĩ! Ở bất cứ công sở nào cũng đều có hình của những ông vua, một số đã qua đời, một số còn sống. Ngay cả ở phi trường người ta cũng treo hình của vua ngay tại phòng chờ. Có thể người dân ở đây kính trọng nhà vua và hoàng gia. Còn nhớ hôm đầu tiên tôi đến thành phố này, trong lúc nhà vua đọc diễn văn khai mạc một trung tâm ở một thành phố phía đông của Saudi Arabia, thì ở thành phố Jeddah (cách chỗ nhà vua khoảng 2000 km) có một nhóm thiếu niên nghe nói lên đến 20 người quậy phá đường phố. Thế là báo chí làm rùm beng, cho rằng hành động của mấy thiếu niên này là khinh thị nhà vua! Hình thức phạt dành cho mỗi thiếu niên này là 20 roi, đánh trước công chúng! Ấy thế mà 2 ngày sau tôi vẫn thấy báo chí phân tích sự kiện này, và phần lớn ý kiến cho rằng tại chúng nó … mất dạy, và mất dạy vì do gia đình, do cha mẹ, cho nên có người yêu cầu phạt cả cha mẹ! Không thấy nhà vua bình luận gì. Thông thường, trong một xã hội chậm tiến, chính quyền thường kiểm soát thông tin cho nên người dân thường bị thiếu thông tin hay do trình độ học vấn còn hạn chế (tỉ lệ mù chữ ở đây lên đến 15%) chính là môi trường cho hoàng gia và chính quyền dựng nên hình ảnh đáng kính của nhà vua, và làm cho người dân nhìn nhà vua và hoàng gia như là những thượng đế ban phát ân huệ cho họ. Nhưng trong giới trí thức, đã có người nói nhỏ với tôi rằng hoàng gia Saudi Arabia là một trong những gia đình giàu có nhất thế giới, tham lam nhất và tham nhũng nhất thế giới.

Báo chí ở đây rất nghèo nàn. Tôi đã có dịp đi dạo phố và thấy họ bán nhiều nhất là đồ ăn, thức uống, và quần áo, chứ rất ít sạp bán báo, và rất ít những nhà sách. Trong một cái mall được quảng cáo là lớn nhất ở thành phố mà không có đến một nhà sách, và không có bóng dáng một chỗ nào bán báo. Do đó, để tìm hiểu tin tức tôi phải nhờ vào một tờ báo tiếng Anh duy nhất: đó là tờ Arab News. Ba ngày đọc tờ báo này, tôi thấy nó khá giống tờ … Việt Nam News của thông tấn xã Việt Nam quá. Trang đầu là những thông tin về các thành viên trong hoàng gia và chính phủ đi thăm chỗ này, chúc tụng chỗ kia, đón tiếp chính khách nọ, v.v… Có hôm báo chạy một cái tít khổng lồ ngay trên trang đầu “Talibans killed 8 Americans in Afghanistan” như là một niềm khuyến khích cho đám sát nhân Taliban. Suốt ba ngày liền, tôi khó thấy một tin tức về xã hội nào (ngoại trừ bản tin về đám thanh thiếu niên quậy phá). Tuy nhiên tờ này còn hơn Việt Nam News một chỗ: đó là họ có phần bình luận và ý kiến người dân. Nhưng đọc phần bình luận của họ, tôi thấy giới trí thức (thể hiện qua những cây bỉnh bút) rất … ấu trĩ. Họ lí giải về một vấn đề nào đó dựa vào cảm tính, kinh nghiệm cá nhân, mà bất chấp những sự thật, những dữ kiện khoa học. Một cây bỉnh bút nọ bắt đầu bài bình luận bằng câu chuyện gia đình của ông ta, rồi từ đó ông mở một cuộc “tấn công” vào những hành động ác quỉ của Mĩ. Một cây bỉnh bút khác thì than van rằng sở dĩ khoa học của Saudi Arabia và thế giới Ả Rập kém là do bọn Mĩ và phương Tây nắm agenda, rồi như lên giây cót tinh thần, ông ta nhắc lại rằng thế giới Hồi giáo từng là cường quốc về khoa học trong quá khứ!

Trong một buổi ăn trưa, tôi nghe được một bình luận “lạ lùng” về cơn động đất tsunami mới nhất ở Nam Dương. Người bình luận đặt câu hỏi tại sao tsunamia thường xảy ra ở Đông Nam Á, rồi ông ta tự trả lời rằng do các nước này mở cửa cho du khách Tây phương tràn vào, để cho họ du nhập những điều xấu xa vào vùng đất phì nhiêu đó, và “Thượng đế” trừng phạt. Thật khó tưởng tượng nổi những câu chữ này được thốt ra từ một nhà khoa học! Do đó, tôi không ngạc nhiên khi thấy khoa học ở thế giới Ả Rập dẫm chân tại chỗ. Họ -- cũng như người Việt Nam – có vẽ quá tự hào về quá khứ của mình, ngủ trên cái nệm êm ấm của quá khứ, mà quên rằng thế giới đã thay đổi lâu lắm rồi, và hệ quả là họ vẫn mãi mãi là những người đi sau.

Bất bình đẳng giới tính nghiêm trọng. Tôi chưa thấy một đất nước nào mà người phụ nữ đóng vai trò thấp bé như ở đây. Phụ nữ ra đường phải che kín mặt và chỉ mặc những bộ đồ đen, cứ như là những cái bóng ma biết đi. Ngay cả trong đại học, trong phòng thí nghiệm, họ cũng ăn mặc như thế. Điều buồn cười là có người che luôn cả mắt, nhưng khi để sử dụng ống kính thí nghiệm, họ phải vén tấm vải lên khỏi đầu để nhìn. Tôi thật sự không thể nào tin tưởng vào những kết quả xét nghiệm do những người này đọc! Nếu tôi là trưởng phòng thí nghiệm ở đây tôi chắc chắn yêu cầu họ phải bỏ cái kiểu ăn mặc như thế, rất nguy hiểm trong phòng thí nghiệm. Khi tôi đề cập đến ý kiến này như là một đề nghị trong báo cáo của chúng tôi, thì ông DS ngăn ngay. DS nói: tao lạy mày, mày nói gì thì nói, đề nghị gì cũng được, nhưng đừng đụng đến truyền thống mang tín tôn giáo của họ. Tôi cãi lại bằng cách dựa vào nguyên tắc an toàn trong phòng thí nghiệm mà thế giới khoa học chấp nhận, nhưng sếp DS khẳng định đó là chủ đề không có bàn cãi.

Trên thế giới này, có lẽ Saudi Arabia là nước duy nhất (?) không cho phụ nữ lái xe. Còn bao nhiêu nước trên thế giới cho phép đàn ông có nhiều vợ cùng một lúc? Còn bao nhiêu nước trên thế giới không khuyến khích nữ theo học đại học? Điều khá thú vị là ông khoa trưởng y khoa nói với tôi rằng sinh viên nữ ở đây học giỏi hơn sinh viên nam, và ở ngay khoa y, sinh viên nữ có điểm thi cao hơn nam. Thế thì tại sao lại kì thị nữ, tôi định hỏi câu này nhưng tôi chợt nhớ ra sự nhạy cảm của vấn đề nên tôi .. im lặng. Tôi là đàn ông mà còn cảm thấy rất giận trước những sự bất bình đẳng này. Thật ra, tôi phải nói thẳng là kinh tởm cho những trò kì thị nữ giới như thế. Một quốc gia ức chế phân nửa dân số thì quốc gia đó sẽ không thể nào khá nổi.

Saudi Arabia là một nước giàu dầu hỏa, nhưng trong thực tế thì vẫn là một nước lạc hậu. Thật vậy, nói đến Saudi Arabia là ai cũng nghĩ đến xứ của dầu hỏa, là xứ giàu có. Trong thực tế thì Saudi Arabia chỉ khai thác chưa đầy 10% tiềm năng dầu hỏa, các đồng nghiệp nói với tôi như thế. Họ mới phát hiện một mỏ dầu trên lục địa cách đây có 1 năm, và chưa định khai thác gì ở đây cả. Nhìn bề ngoài tôi thấy cuộc sống của người dân ở đây rất tốt: họ lái xe hơi, nhà cửa không đến nổi tồi tàng như ở các khu nghèo bên Mĩ, chế độ y tế cũng tốt, và thu nhập thì thuộc vào hàng các nước đã phát triển. Nhưng nhìn kĩ thì Saudi Arabia vẫn là nước có trình độ phát triển kém, kém hơn các nước như Mã Lai và chắc chắn thua Singapore xa. Đường xá của họ tuy nhiều, nhưng nói chung là xấu và dơ bẩn. Cũng giống như ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy người dân xả rác, đến nỗi nhà cầm quyền Saudi Arabia phải phát động phong trào kêu gọi người dân ăn ở sạch sẽ hơn một chút và đừng xả rác nước. Nhưng có ai lắng nghe hay biết đọc hay không là một chuyện khác, bởi vì số người mù chữ, như đề cập trên, vẫn còn khá cao. Có cơ hội “đụng đầu” với nhân viên hành chính ở đây, có dịp đi qua chợ cổ và có dịp lang thang trong các siêu thị lớn nhất của thành phố Jeddah này, tôi mới thấy xã hội Saudi Arabia vẫn còn … lạc hậu. Sự lề mề, quan liêu, vô trật tự, dơ bẩn, nhếch nhác, có lẽ chỉ bằng hay thậm chí còn hơn Việt Nam một chút.

Sẵn đây, xin kể qua một kinh nghiệm và cũng là một bài học cho những ai sắp đến Saudi Arabia. Hôm tôi ra phi trường làm thủ tục xuất cảnh, tôi mới thấy cái tính “nhảy hàng” (queue jumping) ở đây không kém gì so với Việt Nam ta. Tôi đi vé hạng nhất mà họ không có chỗ check-in riêng dành cho hành khách hạng này; thay vào đó tôi và các bạn khác phải xếp hàng rồng rắn chờ mệt nghỉ. Thật ra, chờ đợi cũng ok, nhưng bực mình nhất là có những người chẳng biết từ đâu xuất hiện và vượt lên hàng đầu làm thủ tục trước chúng tôi. Họ ngang nhiên vượt hàng, xem chúng tôi như chẳng có mặt ở đó! Nhân viên phục vụ ở đây dù làm cho hãng Singapore Airlines, nhưng là người Ả Rập, nên họ làm việc vừa chậm vừa quan liêu. Họ chẳng hề nói chuyện với khách, mà chỉ cấm đầu chúi mũi làm việc. Đến khi xếp hàng ra xe bus (họ không có nhà ống) để ra máy bay lại càng hỗn độn hơn, bởi vì chẳng có ai có vẻ chịu đứng chờ mà cứ nhìn qua nhìn lại để nhảy hàng. Họ cũng chẳng có ưu tiên gì cho hành khách hàng nhất hay hạng thương gia; mọi người đều bình đẳng như nhau, ai có máu du côn vượt hàng thì đi trước, còn lịch sự thì ráng chịu mà chờ. Tôi chưa thấy phi trường nào mà quái đản và vô trật tự như ở đây. Phải nhìn như thế mới thấy phi trường Tân Sơn Nhất của “phe ta” còn tốt hơn ở đây cả ngàn lần.

Đến khi xếp hàng ở khu hải quan lại càng bực mình hơn nữa: lại những ông bà áo thụng hiên ngang vượt hàng làn thủ tục trước. Họ vượt hàng một cách … vô tư, chẳng thấy biểu hiện xấu hổ gì cả. Cũng có thể dây thần kinh xấu hổ bị tê liệt hay họ không có gien xấu hổ trong người. Đứng sau và kế tôi là một đoàn chuyên gia Nhật Bản, họ cũng lắc đầu như tôi. Tôi chịu không nổi cái thói ngang ngược này, nên tôi dơ tay hỏi anh chàng hải quan là tại sao mấy người này vượt hàng một cách vô văn hóa như thế, thì anh ta cười (ôi, sao tôi không ưa nổi nụ cười của anh ta) và nói rằng: Oh, họ là công dân Saudi Arabia. Tôi càng nổi nóng hơn, hỏi tại sao công dân Saudi Arabia có đặc quyền vô lí đó, thì anh ta im và quay lại làm việc. Tôi đoán chưa chắc anh ta hiểu chữ privilege có nghĩa là gì, mà lúc đang nóng thì tôi lại chưa tìm ra chữ nào dễ hiểu hơn để nói, nên tôi chỉ biết lắc đầu và chờ. Tôi chưa thấy ở nơi nào lại có cái luật kì thị trắng trợn như ở đây. (Ngay cả mấy vị quan chức Việt Nam đuổi ông bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển xuống hàng ghế economy cũng không đến nổi kì thị như mấy người Ả Rập này). Chả trách chẳng có ai đi du lịch ở cái xứ này. Có chăng là những tín đồ Hồi giáo hành hương về vùng đất thánh mecca (cách phi trường khoảng 65 km), chứ tôi không thấy du khách nào cả.

Nhà ga phi trường Jeddah vừa dơ dấy, vừa hỗn loạn, nó không xứng đáng chút nào với chữ “international airport” (phi trường quốc tế). Người Ả Rập hình như có thói quen rất truyền thống: đó là họ ngồi bệt xuống sàn ở bất cứ chỗ nào, bất cần người ta qua lại. Do đó, nếu đi mà không nhìn thì rất dễ gây … tai nạn. Tôi ngồi chờ một lúc thì đột nhiên có một giọng nam nói gì đó bằng tiếng Ả Rập, và sau đó khoảng 1 phút thì tôi mới biết là đọc kinh Koran. Trời ạ, hệ thống loa là để thông tin chuyến bay và ra thông báo, chứ có ai lại dùng để đọc kinh bao giờ. Ấy thế mà hệ thống loa phóng thanh được sử dụng cho mục tiêu đó ở đây!

Nói chung, Saudi Arabia có thể là một nước giàu, nhưng vẫn là một nước lạc hậu, chưa thoát ra khỏi cái bóng tôn giáo còn đang đè nặng vào đời sống hàng ngày của người dân. Ở đất nước này, chính trị và tôn giáo nhập nhằng nhau, và khó mà phân biệt đâu là luật pháp và đâu là giới luật. Có khi luật pháp được soạn dựa vào giới luật. Thưở đời nay một văn bản về khoa học mà bắt đầu bằng câu nói phải tin tưởng vào Allah (Thượng đế)! Giới lãnh đạo và hoàng gia Saudi Arabia chắc chắn cũng nhận ra rằng dù thu nhập bình quân đầu người của người dân là 28,000 USD, nhưng họ chỉ là những người có tiền mà thiếu chữ. Tình trạng này cũng giống như mấy anh trọc phú mà dốt. Họ có ước nguyện biến Saudi Arabia vừa giàu mà vừa có học và hiện đại. Nhưng khổ nỗi khoa học hiện đại không nhất quán với niềm tin tôn giáo, cho nên tôi nghĩa ước nguyện của họ vẫn chỉ là giấc mơ khó thực hiện được.

Đi đâu và làm cái gì tôi cũng nghĩ đến cái quê hương hình chữ S. Tôi liên tưởng đến bài học gì cho sự phát triển của Việt Nam. Tôi nghĩ Saudi Arabia cho ta những bài học chúng ta không nên làm. Thứ nhất là không nên quá giáo điều, bởi vì giáo điều kìm hãm quá trình phát triển xã hội và là hàng rào cản cho sự phát triển khoa học. Đã giáo điều thì khó mà đặt vấn đề (vì mỗi khi nêu vấn đề là bị chụp mũ), mà không phát hiện vấn đề thì chẳng khi nào phát triển được.

Thứ hai là không nên nhập nhằng tôn giáo với chính quyền. Thật ra, ở nước ta không có nhập nhằng này, nhưng lại có sự nhập nhằng giữa đảng và nhà nước. Thật ra, ở nước ta, có thể xem đảng như là một tôn giáo (giống như đạo công giáo vậy). Bên đảng có tổng bí thư, công giáo thì có giáo hoàng; bộ chính trị có lẽ tương đương với hội đồng hồng y; bí thư chi bộ là ông cha; cán bộ đảng viên là những ông từ. Có lẽ ai cũng phải công nhận hệ thống đảng và chính quyền song song chẳng những tốn kém ngân sách nhà nước, cồng kềnh, mà còn khó giải quyết vấn đề. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng áp đặt hệ thống tổ chức cho các trường đại học tư là một ví dụ.

Thứ ba là không nên dựa vào tài nguyên để phát triển kinh tế. Saudi Arabia giàu chỉ nhờ vào tài nguyên thiên nhiên (dầu hỏa). Họ chẳng làm gì khác ngoài khai thác dầu và đem bán cho thế giới. Kĩ sư, bác sĩ, y tá, chuyên gia, v.v… đều phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ nước ngoài. Họ không làm ra cái gì để có thể nói là sáng tạo. Đến bây giờ, họ mới thấy rằng chiến lược làm giàu như thế là sai. Còn ở nước ta, đành rằng trong thời kì còn nghèo thì chúng ta có thể đào xới đất, khai thác biển, xẻ núi, v.v… để lấy của cải thiên nhiên đi bán và làm vốn. Nhưng phải đến một giai đoạn nào đó, phải ngưng ngay những kiểu làm giảu một cách lười biếng như thế. Kinh nghiệm của Saudi Arabia cho thấy những dự án bauxite Tây Nguyên là không nên, bởi vì chẳng những nó không làm giàu cho đất nước mà còn tàn phá môi trường thiên nhiên rất nghiêm trọng.

Thật ra, tôi còn suy nghĩ đến nhiều cái “không nên” nữa, nhưng chỉ một chuyến đi vài ngày mà nói nhiều quá thì tôi e rằng mình “lắm lời”. Bởi vậy tôi nghĩ là chỉ “thoáng Jeddah” thôi, và hi vọng rằng một thoáng đó “mua vui cũng được một vài trống canh”.

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét