Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Nhật kí Saudi Arabia 3. Đại học King Abdulaziz

Tiến sĩ AA đón chúng tôi ngay tại đại sảnh khách sạn đúng 8:30 am. Anh ta chỉ trạc tuổi 40, mặc áo thụng màu trắng như phần lớn đàn ông người Saudis khác. Tuy ăn mặc theo mốt truyền thống như thế, nhưng AA là người rất Tây phương. Nói chuyện một lúc, tôi mới biết AA từng học ở Úc 2 năm và sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Boston. Bây giờ anh ta là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Giáo dục, và có trách nhiệm cùng với chúng tôi đi thanh tra 12 trung tâm xuất sắc mà Bộ đã lập ra. Thấy anh ta vui vẻ và thân thiện, tôi hỏi rằng nghe nói ở Saudi Arabia vẫn còn “chế độ đa thê”. Anh ta nói đúng thế, Saudi Arabia là một trong những nước thiểu số còn duy trì luật cho phép đàn ông có nhiều vợ, nhưng những người “modern” (chữ anh ta dùng) như anh ta thì chỉ có một vợ mà thôi, bởi lí do đơn giản là không có khả năng tài chính lo cho nhiều vợ! Anh ta hỏi chúng tôi có thèm bia rượu thì nên nhịn, vì không thế tìm mấy thứ đó ở thành phố này, nhưng ở chỗ khác (cách Jeddah 150 km) thì may ra mới có, và chỉ có dưới hình thức lậu.

Chúng tôi lên xe đi trung tâm CEOR, nằm trung [Đại học] King Abdulaziz University (KAU). Trên đường đến KAU tôi thấy người Saudi cũng lái xe rất ẩu và có thể nói là giống giống Việt Nam. Tuyệt đối không có phụ nữ lái xe vì đó là luật pháp của nước này! Nhiều đường lộ không có vẽ lằn xe, nên mạnh ai nấy chạy, gây ra cảnh hỗn độn trông rất quen mắt, nhất là đối với người Việt chúng ta. Có khi hai xe chạy song song rất gần nhau, hay xe từ trong một đường nhỏ đâm thẳng ra xe đang chạy làm tôi thấy thót ruột bao phen. Kẹt xe là chuyện thường ngày ở đây, vì một phần là người Saudi cũng khá vô kỉ luật, và một phần là quá nhiều xe ôtô (ở đây tôi không thấy xe gắn máy như ở nước ta hay Á châu).

KAU là một trường lớn của Saudi Arabia. Theo Ali, KAU tọa lạc trong một khu đất khoảng 150 hecta, nếu xây hết thì đây là một đô thị nhỏ. Trường KAU chỉ mới ra đời 30 năm, nhưng đến nay đã có hơn 45.000 sinh viên theo học. Trường được tổ chức theo mô hình phương Tây, tức là “tổng hợp” (nói theo ngôn ngữ Việt Nam sau 1975), với 7 colleges, bao gồm y khoa, kĩ thuật và công nghệ, và khoa học tự nhiên. Các college (hay khoa) này cách nhau nhiều con đường. Có thể nói mỗi college chiếm một khu phố. mà Muốn di chuyển từ college này sang college khác có khi phải lái xe, một phần vì xa, một phần vì khó có ai có thể cuốc bộ trong cái nắng khắc nghiệt này. Trong khuôn viên trường có 2 bệnh viện lớn trực thuộc khoa y, dược và nha. Bệnh viện lớn đến nổi phải có một building riêng chỉ để … chạy máy lạnh. Hiện nay, trường vẫn chưa chiếm hết 150 hecta đất, nhưng trong tương lai các building sẽ mọc lên theo đà phát triển của trường.

Cách tổ chức của trường cũng rất giống với các đại học Âu Mĩ. Chủ tịch (president, hay hiệu trưởng) của trường mang danh xưng “His Excellency”, tức là tương đương với chức bộ trưởng trong chính phủ. Dưới chủ tịch là 6 phó chủ tịch (vice-president), phụ trách những khâu như nghiên cứu khoa học, giáo vụ, ngoại giao quốc tế, v.v… Riêng nhóm của tôi thì làm việc trực tiếp với ông giáo sư phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu khoa học của trường. Ngoài ra, trường còn có một hội đồng quản trị và hàng tá ủy ban, hội đồng khoa bảng khác. Có thể nói rằng những ai từng quen với cơ cấu tổ chức đại học ở phương Tây sẽ rất cảm thấy quen thuộc với hệ thống quản lí ở đây.

Sáng hôm đó, theo chương trình, trước khi bắt đầu cuộc thanh tra, chúng tôi đến chào giáo sư phó chủ tịch. Điều đầu tiên gây ấn tượng cho tôi là văn phòng của phó chủ tịch còn lớn cả văn phòng thủ tướng Úc! Phía ngoài văn phòng là một sảnh đường rộng được trang trí theo kiểu Hồi giáo, với 3 nhân viên (toàn là nam), trong đó hình như một người là thư kí riêng cho ngài phó chủ tịch. Cánh cửa văn phòng của ông (đóng kín mít) trông vừa rất to, vừa rất nặng nề (có lẽ được làm bằng gỗ quí). Khi cánh cửa mở ra, một người đàn ông mặc đồ thụng màu trắng, bụng to (chắc chắn là béo phì) lê tấm thân một cách cực nhọc đi về phía chúng tôi. Đó là ngài phó hiệu trưởng. Ông đến bắt tay từng người trong đoàn với sự kính cẩn giới thiệu của Tiến sĩ AA (Vụ trưởng của Bộ Giáo dục). Ông mời chúng tôi vào văn phòng làm việc của cá nhân ông. Tôi nhìn quanh văn phòng của ông và thấy diện tích cũng phải 20 mét bề dài và 15 mét bề ngang. Bàn làm việc của ông cũng rất rộng: cỡ 4 x 5 mét. Mới ngồi xuống chưa kịp nói rằng gì thì đã có hai người đến phục vụ trà, cà phê, và thức ăn. Chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện xã giao. Ông giáo sư phó chủ tịch là một cựu du học sinh ở Cambridge và lấy bằng tiến sĩ hóa học bên Mĩ nên nói tiếng Anh rất thạo, và cách hành xử cũng rất Tây. Thú thật, mới nói qua vài câu, tôi đã thấy ngay rằng ông này đúng có cùng “băng tần” với mình. Trước khi chia tay để làm việc, ông ta cám ơn chúng tôi đã đi đường xa đến đây giúp ý kiến cho trường ông hoạt động tốt hơn. Thật ra, chúng tôi được trường “chăm sóc” rất tốt, từ khâu đi máy bay đến khách sạn và giải trí ăn uống. Tôi nhẫm tính trường chắc phải chi cho mỗi người trong chúng tôi ít nhất là 10 ngàn USD cho chuyến đi không đầy 1 tuần này! Nói chung, tôi thấy họ hành xử quá đẹp với chúng tôi, đẹp đến nổi tôi không có gì để phàn nàn cả.

Thanh tra

Sau buổi chào ông phó hiệu trưởng, chúng tôi quay về trung tâm CEOR để làm việc. Theo chương trình, hôm nay là ngày của phía CEOR. Đầu tiên, giáo sư giám đốc CEOR trình bày về sứ mệnh, mục tiêu, và tổ chức của trung tâm, kế đến là phần của những người đứng đầu từng chương trình nghiên cứu nói về chương trình của họ đã, đang hay sẽ làm gì. Sau đó là buổi thanh tra lab và an toàn lab. Ngồi suốt một ngày nghe những người này nói chuyện không phải là điều thoải mái chút nào, nếu không muốn nói là cả một cực hình. Tôi và các thành viên trong đoàn đều nhận thấy lãnh đạo của trung tâm này muốn kéo dài thì giờ, bằng cách “cà kê dê ngỗng” những điều mà đáng lẽ họ có thể nói tóm tắt cho chúng tôi nghe. Mỗi chương trình đưa ra cả chục mục tiêu, mà theo tôi thì có thể gói gọn trong vòng 3 mục tiêu. Có người nêu lên vài chục “achievements” (thành quả) mà theo tôi là không có thành quả nào cả. Họ trình bày bằng powerpoint, nhưng phạm phải những sai lầm cơ bản : đó là màu mè, hoạt hình quá nhiều, slides thì chi chít những chữ (không có biểu đồ). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là ai cũng lải nhải đọc mấy slides! Điều này chứng tỏ rằng dù mấy người này mang danh xưng giáo sư này nọ, nhưng thật ra họ thiếu những kĩ năng mềm mà đáng lẽ họ phải có ngay từ những năm theo học đại học. Giáo sư ME ngồi bên cạnh tôi thở dài liên tục và tỏ ý không hài lòng, vì ông ta cho rằng mấy người này cố tình kéo dài thì giờ! Tôi cũng đồng ý với ME.

Đến phần chúng tôi đặt câu hỏi và trao đổi có lẽ là phần sống động nhất. Phải nói ngay rằng họ cũng rất thành thật về những gì họ chưa làm được và cũng thẳng thắn trả lời những câu hỏi mang tính xâm phạm của chúng tôi. Tôi để ý họ có phần cảm tính. Chẳng hạn như khi tôi đặt câu hỏi tại sao họ theo đuổi chương trình nghiên cứu về tế bào gốc trong khi họ chưa có chuyên gia lành nghề, thì thay vì trả lời câu hỏi tôi, ông giám đốc nghẹn ngào kể lại chuyện cha ông bị gãy cổ xương đùi và chết trong sự đau đớn như thế nào. Sự nghẹn ngào của ông làm cho tôi lúng túng chẳng biết nói sao và không biết có nên tiếp tục hỏi tiếp hay không. May thay, DS – người lớn tuổi nhất và cũng là sếp trong nhóm – lên tiếng an ủi và lái câu hỏi sang một chiều hướng khoa học hơn.

Buổi làm việc thay vì kết thúc lúc 5 giờ chiều lại kéo dài đến 7 giờ tối. Ai cũng mệt nhừ, nhất là tôi đã kinh qua một chuyến bay cả 20 giờ đồng hồ! Tuy nhiên, việc cần làm vẫn phải làm. Về khách sạn, chúng tôi ngồi bên cạnh bàn ăn để tóm lược những điểm chính trong ngày, và lên chương trình cho ngày làm việc hôm sau.

(Còn tiếp)

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét