Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Nghiên cứu về H1N1 ở Mĩ

Ngày hôm nay, tập san New England Journal of Medicine công bố 2 bài báo về H1N1. Một bài mô tả đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân nhập viện vì nhiễm virus H1N1 từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2009 ở các bệnh viện bên Mĩ. Một bài mô tả dịch vụ cấp cứu hồi sức tại các bệnh viện Úc trong đại dịch cúm H1N1. Cả hai bài báo mang tính mô tả, chứ chẳng có gì "tinh vi", nhưng chính vì tính mô tả một vấn đề đang được thế giới quan tâm, nên bài báo mới có cơ duyên đăng trên tập san số 1 này. Tôi thích bài thứ nhất hơn và muốn dành vài dòng để nói về bài báo đó, vì nó có thể cung cấp cho Việt Nam vài kinh nghiệm và dữ liệu có ích.

Trong thời gian 4/2009 đến 7/2009, các nhà nghiên cứu theo dõi và thu thập dữ liệu lâm sàng của 272 bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus A(H1N1). Trong số này có 49% là nữ. Gần 40% bệnh nhân nằm trong độ tuổi 14 đến 49 (bảng 1). Phần lớn bệnh nhân đều có bệnh kèm theo trước khi nhập viện, những bệnh quan trọng này là: hen (28%), tiểu đường (15%), miễn nhiễm (15%) và tim mạch (13%) (xem bảng 2).




Xét nghiệm khi nhập viện (bảng 3) cho thấy 20% bệnh nhân thiếu bạch huyết cầu (leukopaenia), 37% thiếu máu (aenemia), và 14% thiếu phiến huyết nhỏ (thrombocytopaenia). Khi chụp X quang, kết quả cho thấy 40% bệnh nhân có kết quả nhất quán với chứng viêm phổi.

Về điều trị, 70% bệnh nhân được cho sử dụng thuốc chống virus. Trong số này bệnh nhân được điều trị (n = 200), 94% được điều trị bằng oseltamivir (tức Tamiflu), 9% điều trị bằng zanamivir (tức Relanza), khoảng 7% được điều trị bằng cả 2 thuốc amantadine và Tamiflu, 7% với rimantadine và Tamiflu. Thời gian trung bình từ lúc triệu chứng phát sinh đến khi điều trị là 3 ngày, nhưng dao động từ 0 đến 29 ngày! Khoảng 40% bệnh nhân được điều trị trong vòng 2 ngày sau khi có triệu chứng.

Số liệu còn cho thấy gần 80% bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong số này 15% dùng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện, 59% ngay lúc nhập viện, và 22% sau khi nhập viện trong vòng 48 giờ. Thuốc kháng sinh thường dùng nhất là ceftrixone, kế đến là azithromycin, vancomycin, và levofloxacin. Ngoài ra, còn có 36% bệnh nhân được cho uống corticosteroid, phần lớn những bệnh nhân này mắc bệnh hen và COPD (tức nghẽn phổi mãn tính) trước đó.

Trong số 272 bệnh nhân nhập viện, có 253 người được xuất viện. Có 19 bệnh nhân (hay 7%) tử vong. Tất cả 19 bệnh nhân tử vong đều được nhập vào khoa cấp cứu, và trong số này có 13 người từng có tiền sử các bệnh khác như thần kinh (21%), hen và COPD (16%), và đang mang thai (16%). Tuổi trung bình của các bệnh nhân tử vong là 26 (nhưng dao động từ 1.3 đến 57 tuổi). Thời gian trung bình từ lúc nhập viện đến tử vong là 15 ngày (dao động từ 4 đến 52 ngày).

Về chiều cao và cân nặng, các nhà nghiên cứu chỉ có dữ liệu cho 190 (trong tổng số 272) bệnh nhân. Dù với số này, con số bệnh nhân béo phì lên đến 45%! Cần nói thêm rằng trong dân số Mĩ, số béo phì nguy hiểm (morbid obesity) chiếm khoảng 5%, nhưng trong số 190 bệnh nhân A/H1N1, có đến 26% béo phì ở mức độ nguy hiểm!

Những dữ liệu trên đây xác định một xu hướng căn bản mà chúng ta biết từ khi cúm H1N1 khởi phát: đó là độ tuổi. Trong khi bệnh nhân cám cúm theo mùa thường trên 65 và dướị tuổi, thì bệnh nhân cúm A/H1N1 thường tập trung trong nhóm dưới 18 tuổi và hay 18 đến 50. Thật ra, khoảng phân nửa bệnh nhân A/H1N1 dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhân cúm A/H1N1 thì không khác mấy so với bệnh nhân cúm mùa. Cũng như bệnh nhân cúm mùa, phần lớn (73%) bệnh nhân cúm A/H1N1 có bệnh kèm theo.

Mặc dù quan điểm “chính thống” hiện nay là thuốc kháng virus (như Tamiflu, Relenza) nên sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi triệu chứng phát sinh vì bằng chứng cho thấy như thế, nhưng trong nghiên cứu này, dùng thuốc kháng virus sau 48 giờ vẫn có thể có ích vì có thể giảm nguy cơ tử vong. Các nhà nghiên cứu bình luận như thế, nhưng họ không trình bày số liệu để làm cơ sở cho nhận định đó! Thật ra, có lẽ số tử vong còn ít, nên số liệu về mối liên quan giữa sử dụng thuốc kháng virus và tử vong không có ý nghĩa khoa học gì mấy. Có lẽ chính vì thế mà các tác giả kết luận “nhẹ nhàng” rằng “Patients seemed to benefit from antiviral therepy” (tạm dịch: điều trị bằng thuốc kháng virus có vẻ đem lại lợi ích cho bệnh nhân).

Nói tóm lại, những dữ liệu mang tính mô tả này, dù thu thập ở Mĩ, cung cấp cho chúng ta một vài “glimpse” tình trạng lâm sàng và kết quả điều trị ở các bệnh nhân nhiễm virus A/H1N1. Ở Việt Nam, số bệnh nhân chắc chắn nhiều hơn con số 272 trong nghiên cứu này, và có lẽ đến lúc Việt Nam cũng nên công bố để chúng ta có dữ liệu so sánh tình hình và kinh nghiệm điều trị cúm A/H1N1 ở nước ta và thế giới.

NVT
Chi tiết bài báo là như sau:
Jain S, et al. Hospitalized patients with 2009 H1N1 influenze in the United States, April-June 2009. New England Journal of Medicine 2009; 361. Chưa đăng trên báo giấy, chỉ có trên báo điện tử tại đây: http://content.nejm.org/cgi/content/full/NEJMoa0906695
Bài thứ 2 của Úc: The ANZIC Influenza Investigators. Critical Care Services and 2009 H1N1 Influenza in Australia and New Zealand. New England Journal of Medicine 2009; 361. Website: http://content.nejm.org/cgi/content/full/NEJMoa0908481

0 nhận xét:

Đăng nhận xét