Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Toa thuốc thời thổ tả (andropause)

Đọc trên Diễn Đàn thấy có giới thiệu trang blog “andropaure”, với nhiều bút kí thú vị. Tôi chú ý đến cái toa thuốc động trời sau đây. Không hiểu bệnh nhân bị loãng xương ở cấp độ nào mà “bị” dội một đống thuốc như thế. Nếu tôi đưa toa thuốc này cho đồng nghiệp bên này đọc chắc họ ôm bụng … khóc. Cố nhiên, tôi không bao giờ làm như vậy, vì người ta (nước ngoài) sẽ đánh giá không tốt đồng nghiệp trong nước.

Những gì andropause nói đã quá đủ, nên tôi có nói thêm chắc cũng thừa. Andropause nói về những chuyến đi du lịch (hay du hí) nước ngoài ngụy trang dưới hình thức đi dự hội nghị, và điều này rất đúng, vì tôi chứng kiến quá nhiều lần. Trong thực tế thì phần lớn các bác sĩ được các công ti thuốc tài trợ cho đi dự hội nghị như là một hình thức cám ơn các bác sĩ đã “ủng hộ” họ trong thời gian qua. Ủng hộ ở đây phải được hiểu là bác sĩ đã dùng thuốc của công ti. Nên nhờ các công ti dược có hệ thống theo dõi chặt chẽ nên biết bác sĩ nào hay dùng thuốc của họ. Thông thường, các hội nghị thường có symposium do các công ti thuốc bảo trợ, và họ cần người đến nghe. Những người đến nghe thường là những bác sĩ mà công ti tài trợ cho đi dự. Các symposium như thế vừa phục vụ như là một diễn đàn cung cấp thông tin mới, vừa là một cách quảng cáo. Do đó, các bác sĩ phải có “nghĩa vụ” dự các symposium này, rồi sau đó là đi du lịch thoải mái. Đó là cách làm việc của các công ti dược lớn, đa quốc gia. Còn các công ti nhỏ, công ti làm thuốc generic thì họ không có khả năng để tổ chức symposium trong các hội nghị quốc tế, nên các bác sĩ mà họ tài trợ chủ yếu là đi du lịch, chẳng cần dự symposium gì cả. (Tôi phải mở ngoặc để nói thêm rằng cũng có công ti nhỏ ở Việt Nam, mang tính gia đình, nhưng lại rất hào hiệp tài trợ cho hội nghị y khoa một cách chuyên nghiệp, họ còn hào hiệp hơn cả các công ti đa quốc gia ở trong nước).

Đương nhiên, cũng có trường hợp “ngoại lệ” hiếm hoi, và tôi đã thấy: đó là bác sĩ đi dự hội nghị thật, muốn học hỏi cái mới, cái hay của người ta. Có người thậm chí còn bỏ tiền túi ra đi dự hội nghị để học hỏi và tìm hiểu những ý tưởng mới, bắt liên lạc với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Nhưng rất tiếc, những người như thế thì rất hiếm hoi. Phần lớn vẫn là đi chơi, chẳng có học hỏi gì cả.

Lí do mà họ chẳng học hỏi, theo tôi thấy, có thể do những khó khăn và cũng có thể nói là nỗi khổ của các bác sĩ Việt nam:

Cái nỗi khổ thứ nhất là vấn đề kiến thức bị hụt hẫng. Phải thành thật thú nhận một điều là bác sĩ mình sau một thời gian dài bị bế môn tỏa cảng không có cơ hội tiếp thu thông tin chuyên môn mới, nên kiến thức học từ nhà trường dần dần trở nên lạc hậu. Do đó, khi đi ra nước ngoài, họ cảm thấy bị hụt hẫng, chới với với những gì đồng nghiệp nước ngoài nói. Một số khác trẻ hơn, có thể kiến thức chung không đến nổi lạc hậu, nhưng lại không đủ kiến thức chuyên sâu về sinh học phân tử hay về di truyền, nên họ cũng không lĩnh hội được những gì các đồng nghiệp nước ngoài nói.

Nỗi khổ thứ hai là các bác sĩ Việt Nam thường thụ động. Người ta đi dự hội nghị thường đóng vai trò chủ động, tức là họ có nghiên cứu để trình bày, để trao đổi với đồng nghiệp quốc tế. Chính vì thế mà họ náo nức được đi tham dự hội nghị, được dịp “khoe” công trình của mình trong một diễn đàn hàng ngàn hay hàng trăm người. Hội nghị đối với họ là những ngày hội! Còn bác sĩ Việt Nam thì rất hiếm làm nghiên cứu, nên họ chẳng có gì để trình làng với đồng nghiệp thế giới; họ đi dự hội nghị chỉ nghe là chính, chứ không phải là người đi dự một cách tích cực. Vì đóng vai trò thụ động, cho nên không ngạc nhiên nhiều người cảm thấy buồn chán, thua kém đồng nghiệp ngoại quốc. Từ đó, họ dánh thì giờ đi chơi thay vì đi học.

Cái khó khăn thứ ba là vấn đề tiếng Anh. Phần lớn bác sĩ Việt Nam, nhất là thế hệ trước, không thạo tiếng Anh, cho nên khi đi dự các hội nghị chuyên ngành, họ không hiểu hết đồng nghiệp nước ngoài nói gì. Đây là một vấn đề thực tế nhất, nhưng có khi lại là yếu tố số 1 làm cho bác sĩ “phe ta” không mặn mà với việc phải tiêu ra cả tuần tham dự hội nghị quốc tế.

Cái khó khăn thứ tư là niềm đam mê rất “trần thế”: ham du lịch, đi chơi. Chúng ta ai cũng thích đi khám phá một vùng mới, muốn kinh nghiệm qua một nền văn hóa khác, mà hội nghị là cơ hội tuyệt vời để thực hiện đam mê đó. Nói gì thì nói, đi dự hội nghị cũng là một hình thức du lịch, tham quan. Được công ti tài trợ cho đi “free” thì còn gì bằng, và thế là các bác sĩ “phe ta” hăng hái đi chơi. Các công ti thuốc thì chẳng lỗ lã gì, vì họ biết cách đầu tư như thế rất có hiệu quả. Trên thế gian này, rất ít có “free lunch” – người Tây phương hay nói như thế.

Do những khó khăn trên, các bác sĩ Việt Nam rất khó hòa nhập được chính giòng của khoa học quốc tế. Vào hội nghị thì không hiểu tiếng Anh, hay có hiểu tiếng Anh thì không hiểu các vấn đề chuyên sâu, và hệ quả là chẳng khác gì “vịt nghe sấm”. Đâu có ai thịt làm vịt nghe sấm. Vậy thì đi đi chơi sướng hơn và thoải mải hơn là ngồi “chịu trận’ trong các hội nghị. Do đó, đối với phần đông bác sĩ Việt Nam, đi dự hội nghị quốc tế chỉ là cái tiếng, chứ thực chất là đi chơi, đi du lịch. Cũng phải thông cảm cho họ. Có trách là trách cái hệ thống, cái cơ chế (tiên sư cái cơ chế!) gây ra tình trạng này.

NVT

===

Đây là bút kí của andropause:

http://andropause.multiply.com/journal/item/39/39

TÔI KHÔNG DÙNG ZOLOFT MỚI LÀ LẠ (phần 2)

Trong bài viết trước tôi tôi đã trình bày lý do buộc phải dùng Zoloft , thời gian trôi qua tưởng làm tôi nguôi ngoai tính ngưng thuốc nhưng ai ngờ ….
ZOLOFT phần 2 : TOA THUỐC THỜI THỔ TẢ
Ngày …. Tháng …. Năm ….

Buổi chiều đang ngồi lơ mơ chờ khách ở phòng khám thì nurse dắt vô một bà cụ muốn kiểm tra tim mạch. Sau khi khám xong, bà ấy đưa ra một toa thuốc vừa được cấp ở phòng khám xương khớp. Vừa nhìn thấy cái toa là mình tá hoả tam tinh. Một cái toa dài, thật dài và thật nhiều thuốc và lẽ dĩ nhiên là đắt tiền.



1- Celgen 0.2 (kháng viêm giảm đau) 1v X 2 30v
2- S max move (thuốc ‘bổ gân’ ) 1v X 2 30v
3- Calcibin 0.25 ( vitamin D) 1v X 2 30v
4- Saranac 1% (kháng viêm ) thoa 3 lần 1 tube
5- Stomex 20 (thuốc bao tử) 1v X 2 30v
6- Trebulous 70 (chống loãng xương) 1 v/tuần 4v
7- Miacalcic inj (chống loãng xương) Chích 5 ồng.
8- Miacalcic xịt mũi (chống loãng xương) xịt cách ngày 1 hộp.

Toa thuốc trị loãng xương, nhức mỏi gồm 8 thứ thuốc, có đủ trong uống, ngoài xoa. Cảm thấy chưa ‘đã’ bác sĩ còn cho tiêm chích thêm và như để thoả mãn cơn ‘cuồng d.’ bác ấy còn cho xịt vào mũi nữa.

Không bàn về khía cạnh chuyên môn, chỉ nói đến sự tuân thủ điều trị, có chắc bà cụ này có thể ‘dùng’ nổi các thuốc trên.

Thêm vào đó, thuốc kháng viêm mạnh dùng liên tục 2 tuần, bác ấy liệu có chắc là bệnh nhân sẽ an toàn hay sẽ chết vì xuất huyết bao tử, suy thận hay dị ứng thuốc.

Ngoài ra một toa thuốc gần cả trăm dollard như vây có thích hợp cho một người nông dân chân lấm tay bùn. Tôi đã từng phỏng vần một bệnh nhân, họ cho biết một năm chỉ có thể làm được hai mùa lúa, mỗi mùa lúa kiếm được 4-5 triệu, và với số tiền đó họ phải tằn tiện để sinh sống suốt năm. Và tôi cũng đã từng phỏng vấn các cô gái trẻ làm tiếp viên trong các quán bia ôm hay karaoke ôm thì đa số đều có cha mẹ già yếu bệnh hoạn, không tiền chạy chữa. Chuyện phải bán nhà , bán ruộng để trị bệnh không phải là chuyện hiếm (có thể kiểm chứng dễ dàng nếu bạn có thì giờ ghé thăm các bệnh nhân đang điều trị tại BV Chợ Rẫy).

Bác ơi, em xin bác, bác đừng vì chút hoa hồng mà các hãng dược ‘đút’ cho bác, bác đừng vì những chuyến du hí giả dạng hội nghị đi tây đi tầu mà kê toa bất kể lương tri như thế. Em chả xơ múi gì nhưng sợ con gái bác sau này làm điếm, con trai bác bị quả báo làm ma cô thì thiệt thân bác, nên xin em có ít lời.

Tái bút : toa thuốc 8 món ở trên chưa là gì so với toa 9 món sau đây (cũng do bác là tác giả ạ).



À mà chưa hết đâu các bạn ơi. Tôi còn 'lụm' được cái toa này nè : bệnh nhân bị chẻ nhỏ ra đưa đi khám nhiều chuyên khoa, khi đến tôi thì họ thở hết nổi ( đi lòng vòng từ sáng đến chiều) và chìa ra hai cái toa (tổng cộng 11 thứ thuốc với khoảng 15 viên thuốc phải uống mỗi ngày, chưa kể thuốc chích, xịt , xoa) và giờ đây tôi sẽ là kẻ tội đồ khi đặt bút kê cái toa thứ ba !!!



Cuối cùng các bạn biết không. Khi tôi trình bày vấn đề này với một BS trong ban giám đốc thì họ bảo tôi là : LÀM MẤT TINH THẦN ĐOÀN KẾT NỘI BỘ !!!
Tôi mà không uống Zoloft mới là lạ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét