Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Khi nào cần dùng thuốc kháng virus cho cúm A(H1N1)?

Một trong những câu hỏi mà người ta thường thắc mắc là khi nào cần sử dụng các thuống kháng virus như Tamiflu, Relenza. Một khuyến cáo theo “lương năng bình dân” là những ai không thật sự mắc bệnh thì không nên dùng thuốc. Nhưng vấn đề là làm sao biết ai thật sự mắc bệnh khi chưa có xét nghiệm sinh hóa, và chẳng lẽ phải chờ cho đến khi người ta mắc bệnh mới cho dùng thuốc? Không có câu trả lời tuyệt đối cho 2 vấn đề này.

Trước kia, các giới chức y tế nghĩ rằng nên dùng thuốc kháng virus để phòng ngừa bệnh lây lan (tức cho những người chưa có triệu chứng hay có triệu chứng “nhẹ”), nhưng sau đó thì họ lại khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc cho những ca bệnh đã được xác định qua xét nghiệm. Sau này, lại có khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc cho những trường hợp bệnh nặng nhất. Nói chung, giới y tế vẫn còn đang trên đường học hỏi, rút kinh nghiệm.

Đến nay, khuyến cáo mới nhất của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh của Mĩ (CDC) cố gắng tìm một phác đồ điều trị “trung dung”, nhằm mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng thuốc và thiếu điều trị. Theo khuyến cáo mới nhất, điều cần thiết trước hết là nhận dạng bệnh nhân có nguy cơ cao, ngay cả trong trường hợp xét nghiệm chưa có, hay xét nghiệm có kết quả âm tính. Đối với những trường hợp này, thuốc kháng virus có thể được chỉ định, mà họ đặt tên rất Mĩ là “Empiric antiviral treatment”. Empiric treatment ở đây có nghĩa là điều trị trước và sẽ xem xét sau. Triết lí cơ bản của phác đồ này là: điều trị bệnh nhân, chứ không phải điều trị kết quả xét nghiệm!
Nhưng vấn đề ở đây là: Ai là người có nguy cơ cao? Theo CDC thì những người sau đây có thể được xem là có nguy cơ cao:

• Cảm thấy bị bệnh, như thở khó khăn (bất kể trước đó có bệnh hay không), cảm cúm, đau cuống họng, hay ho mà không có nguyên nhân rõ ràng

• Những người nhập viện vì nghi ngờ bị cúm cũng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus.

• Những người cũng có triệu chứng tuy không nặng nhưng (i) dưới 2 tuổi; (ii) trên 65 tuổi; (iii) phụ nữ mang thai; (iv) hen, bệnh tim mạch (ngoại trừ cao huyết áp), suy thận, viêm gan, tiểu đường, nhiễm HIV; và (v) những người dưới 19 tuổi nhưng phải dùng aspirin lâu dài vì hội chứng Reye.

CDC có một website để “xét nghiệm” ai có nguy cơ cao và cần điều trị ở đây:

http://www.flu.gov/evaluation

Website hỏi 4 câu:

1. Bạn có bị sốt hay cảm thấy bị sốt? Nếu bạn đang sử dụng thuốc aspirin, acetaminophen, ibuprofen, thì trả lời “yes”.

2. Bạn có bị đau cuống họng hay ho?

3. Bạn có cảm thấy khó thở từ khi có triệu chứng cảm cúm?

4. Từ khi bạn có triệu chứng cúm, bạn có cảm thấy đau nhức hay “nặng ngực” mà bạn chưa từng bị trước đây?

Nếu trả lời “yes” 4 câu hỏi trên, CDC khuyến cáo bạn nên gặp bác sĩ và nên được dùng thuốc kháng virus.

Những khuyến cáo và câu hỏi trên đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu của CDC, chứ không phải ngẫu nhiên. Ở Việt Nam, tôi không rõ có những nghiên cứu như thế hay không, vì tôi chẳng thấy trong y văn gần đây.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam gần đây có đưa ra một phác đồ điều trị khá phức tạp, nhưng gần như hoàn toàn làm theo theo mô hình của WHO. Bởi vì phác đồ điều thường thay đổi theo thời gian khi kiến thức và dữ liệu khoa học hiện hành. Do đó, trong bối cảnh chưa có nghiên cứu, có lẽ Việt Nam nên tham khảo cách làm của CDC để tiến đến một phác đồ điều trị hữu hiệu hơn.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét