Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Nhật kí Nagoya 2. Tham quan và ẩm thực

Có người nói rằng một trong những “đặc lợi” của giới khoa học là được đi du lịch miễn phí. Tôi nghĩ câu này chỉ đúng một phần thôi, bởi vì đi phó hội không có nghĩa là đi du lịch, và đi du lịch cũng không bao giờ miễn phí cả. Tuy nhiên, ý nghĩa chung thì vẫn đúng: đi phó hội cũng là một dịp đi tham quan, tìm hiểu về văn hóa của một địa phương. Do đó, tôi cũng phải nhân cơ hội mà tìm hiểu nước Nhật trong chuyến đi này. Cái khổ của tôi là với tư cách “invited speaker” (khách mời) tôi không thể bỏ hội nghị đi chơi được, vì người ta bỏ nhiều tiền đem mình sang đây, mình phải “biết điều” đáp lễ chứ. Nói thì nói thế thôi, chứ ban tổ chức cũng là giới làm khoa học, nên họ rất “biết điệu”, họ cứ thúc tôi đi chơi cho biết. Họ nói rằng vì có vài phiên họp chỉ nói tiếng Nhật, tôi nên nhân cơ hội để đi tham quan chung quanh thành phố.

Lâu đài Nagoya và điện Atsuta

OK. Họ biết điệu như vậy thì mình cũng cần biết điều. Ngay ngày thứ hai, khi xong symposium và đến phiên họp tiếng Nhật, tôi “bay” về khách sạn, thay đồ sport hơn, dò hỏi một lúc thì biết nơi nổi tiếng nhất mà tôi cần/nên phải ghé thăm là lâu đài Nagoya (hay Nagoya Castle) và điện Atsuta (Atsuta Shrine). Tôi ra ga xe điện mua vé (230Y) đi lâu đài Nagoya trước. Chỉ có 7 trạm xe điện và không đầy 20 phút tôi đã có mặt ở ga City Hall. Lội bộ khoảng 5 phút, và hỏi người đi đường bằng ngôn ngữ múa tay múa chân, tôi cũng đến nơi. Lâu đài Nagoya được xây từ năm 1612, những bị tàn phá nhiều trong thế chiến thứ 2. Lâu đài hiện nay chỉ được khôi phục lại từ năm 1959, nên mới có những tiện nghi như thang máy.


Nagoya Castle

Lâu đài không lớn như ở các nước bên Âu châu. Bề ngang chỉ khoảng 20 mét và dài cũng chỉ cỡ đó. Nhưng chiều cao đứng thì cũng cả chục mét. Họ xây theo kiểu giống như cung thành Huế, tức là bờ tường cao, có “giao thông hào” để ngăn chận những khách không mời mà muốn đến gần. Chu vi cung điện rất rộng, được trồng cây xanh rất đẹp. Kiến trúc đặc thù của cung điện có lẽ là mái cong được mô hình đuôi cá sư tử (lion fish). Phía trong cung điện chẳng có gì đáng chú ý. Tuy nhiên, họ có hẳn một rạp chiếu phim 3D (ba chiều) để cho khách tham quan biết huyền thoại và lịch sử xây dựng cung điện như thế nào. Chỉ có điều phim nói tiếng Nhật và phụ đề tiếng Anh nên rất khó theo dõi.

Điện Atsuta (Atsuta Shrine)

Đi vòng vòng một lúc tôi chụp được vài tấm hình, rồi tiếp tục đi Atsuta. Điện Atsuta là nơi được xem là nơi tôn kính vào hàng thứ 2 ở Nhật (chỉ sau điện Ise). Người ta tin rằng điện Atsuta là nơi cất giữ thanh kiếm Kusanagi, một trong 3 biểu tượng của hoàng đế Nhật. Tôi cũng chỉ ghé qua và đi một vòng cho biết. So với lâu đài Nagoya, tôi nghĩd9ie65n Atsuta rộng lớn hơn (sau này xem tài liệu du lịch mới biết là chu vi lên đến 200 ngàn mét vuông!) Ở đây, ngoài những di vật (không thấy được) tôi cũng không có ấn tượng gì đặc biệt.

Nhưng cũng là một dịp để biết đền đài ngày xưa ở Nhật như thế nào và cách thức họ tổ chức du lịch ra sao. Cái hay của người Nhật (và người Thái Lan nữa) là họ có thể biến những di tích, đền đài khá tầm thường thành những địa danh nổi tiếng mà bất cứ du khách nào đến cũng đòi phải ghé thăm. Phương tiện biến hóa của họ cũng đơn giản: họ trang trọng với từng trang sử, họ tỏ ra nghiêm nghị với những huyền thoại, và bày vẽ hình thức để du khách phải kính trọng nơi họ ghé thăm. Chẳng hạn như chỉ việc đơn giản như du khách phải bỏ giày dép ở ngoài trước khi bước vào cung điện cũng là một cách tăng tính tôn nghiêm cho địa danh. Còn ở nước ta, tôi thấy du khách ăn mặc hớ hênh, ba lô dơ dấy, ngang nhiên bước vào những nơi trang nghiêm của nước ta! Vấn đề là tại chúng ta không tỏ lòng tôn trọng di tích cha ông thì làm sao người khác tôn trọng được.

Chùa Vàng

Chùa vàng (Golden Temple hay còn gọi là Rokuon-ji Temple) là một trong những địa điểm du lịch mà bất cứ du khách nào đến Nhật cũng phải ghé qua. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Lần trước khi đến Osaka tôi đã có ý định đi, nhưng vì bận quá nên đành bỏ ý định. Lần này, tôi có nguyên một ngày nghỉ (thứ Bảy) nên nhất định phải ghé thăm Chùa vàng cho biết.

Từ Nagoya đến Kyoto bằng xe điện tốc hành (bullet train, hay còn gọi là shinkansen) chỉ 35 phút. Đây là loại xe tốc hành đúng nghĩa (chứ không phải loại tốc hành dỏm của Úc), vì tốc độ dao động từ 250 đến 300 km/giờ. Sẵn đây, tôi phải kinh ngạc tính chính xác của xe điện ở Nhật. Tôi đi cũng trên 10 chuyến xe điện địa phương và xe shinkansen, nhưng chưa lần nào họ trễ hay sớm cả. Chuyến nào cũng đúng giờ, chính xác đến từng giây! Hiroshi mua vé hạng nhất cho tôi đi vì anh ấy nói “đi cho biết”. Tôi không biết sự khác biệt giữa vé hạng nhất và hạng bình dân (economy) là gì, nhưng chỉ biết giá vé hạng nhất thì đắt gần gấp 2 lần vé bình dân. Ghế hạng nhất rộng rãi, rộng hơn ghế hạng bình dân của máy bay B747. Thật ra, trên xe lửa, họ phục vụ y chang như trên máy bay! Tôi đã có một chuyến đi xe điện shinkansen hết sức thú vị, và phải nói là kinh nghiệm nhớ đời. Tôi ước gì nước Úc có một xe như thế này để đi lại giữa các bang dễ dàng hơn. Cái gọi là xe tốc hành của Úc, nếu so với Nhật hay Pháp, tôi thấy sao mà tội nghiệp cho 2 chữ “tốc hành” quá!

Rokuon-ji Temple khởi đầu là một villa của dòng họ Ashikaga Yoshimitsu (một dòng họ shogun) được xây vào năm 1397. Sau khi Yoshimitsu qua đời, căn villa này được biến thành chùa. Năm 1950, một ông sư tên là Hayashi Yoken muốn tự tử và đốt cháy ngôi chùa (nhưng ông không chết mà bị bắt bỏ tù!) Chùa hiện nay được trùng tu lại từ năm 1955. Năm 1987, chùa được đại trùng tu và duy trì cho đến ngày nay. Chùa nổi tiếng vì được bao bọc bằng vàng ròng, và hình ảnh của chùa tỏa chiếu dưới ao Kyokochi.

Chùa Vàng (Golden Temple), Kyoto
Du khách không vào được chùa, mà chỉ đứng ngoài … chụp hình và đọc lịch sử. Theo sử sách thì Rokuon-ji Temple là một tòa nhà 3 tầng. Hai tầng trên được bao phủ bởi vàng lá. Tầng trên cùng được xây theo kiểu Tàu, tầng hai thì xây theo kiểu quí tộc, còn tầng trệt thì xây theo kiến trúc cung đình. Chùa có lều nổi tiếng shariden là nơi chưa tro của Phật. Chùa không cao lắm, và cũng chẳng đồ sộ, nhưng chính vì di vật của Phật và kiến trúc vàng mà chùa rất nổi tiếng trên thế giới. Du khách có thể đi dạo một vòng không đầy 10 phút là xong một tour tham quan.
Vườn Đá (Rock Garden)
Kyoto còn có một điểm du lịch nổi tiếng khác là Vườn đá, còn có tên là Ryoan-ji Temple. Nói cách khác, vườn đá (hay nói cho Hán hơn là Thạch Uyển!) nằm trong khuôn viên của chùa Ryoan-ji (có nghĩa là Chùa của Rồng Hòa Bình). Năm 1994, chùa được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới.

Vườn xây từ thế kỉ 15, theo hình chữ Nhật, với 25 mét chiều ngang và 10 mét chiều dài. Vườn chỉ có sỏi trắng và đúng 15 hòn đá. Không có cây. Không ai biết ý nghĩa của cách bố trí này là gì. Du khách muốn hiểu thế nào là tùy vào cảm nhận của du khách. Du khách đến thăm vườn chỉ việc thả chân lơ lửng ở bậc thềm, nhắm mắt lại và thả hồn theo những viên sỏi và 15 hòn đá.

Vườn Đá (Kyoto)
Đại học Nagoya

Tôi có dịp ghé thăm một đồng nghiệp ở Đại học Nagoya, và cảm thấy rất ấn tượng với đại học này. Đại học Nagoya là đại học lón vào hàng thứ 4 của Nhật, với khoảng 15.000 sinh viên toàn thời gian (trong số này 40% là sinh viên sau bậc cử nhân). Theo “chính sử” thì trường được xây dựng thế kỉ 19 (1871), nhưng nhìn từ ngoài, tôi chẳng thấy những building sandstone vốn tiêu biểu cho thời thế kỉ 19, mà toàn là những tòa nhà hiện đại theo kiến trúc của thế kỉ 20.

Tuy còn trẻ, nhưng trường này có nhiều thành tựu đáng nể. Anh bạn tôi cho biết trong thời gian 10 năm qua trường có đến 4 giáo sư từng đoạt giải Nobel về hóa học và vật lí. Tôi hỏi về con số bài báo khoa học thì anh ta nói không biết, nhưng chắc chắn là cao, bởi vì mỗi giáo sư ở đây phải làm nghiên cứu khoa học và phải công bố quốc tế thì mới duy trì được chức vụ của mình. Trường có đến 1706 giảng viên và giáo sư; trong số này có 649 giáo sư, 507 phó giáo sư, 118 lecturer, và 432 assistant professor. Hệ thống khoa bảng ở đây xếp lecturer cao hơn assistant professor. Một điều đáng chú ý khác là con số giáo sư cao hơn số phó giáo sư (ở các nước Âu Mĩ thì xu hướng ngược lại: phó giáo sư nhiều hơn giáo sư). Điều này cũng dễ hiểu ở Nagoya, vì trường có mục tiêu là một đại học mạnh về nghiên cứu khoa học, nên họ có nhiều giáo sư.

Theo cách xếp hạng của tạp chí Times thì Nagoya đứng vào hàng 92 trên thế giới, trên trường Đại học Quốc gia Đài Loan (hạng 95), McMaster (Canada, 143), Texas A&M University (179), Đại học Malaya (180).
Văn hóa ẩm thực

Ẩm thực là một đặc tính văn hóa, cho nên tôi phải tận dụng thời gian ngắn ngủi ở đây để thưởng thưởng thức ẩm thực của xứ Phù tang. Phải nói là ẩm thực Nhật thật là đặc sắc, vì món ăn ở đây rất khác với các nước khác.
Sáng nào tôi cũng thức dậy sớm, mon men xuống ăn sáng ở khách sạn. Mới có 6:30 am mà đã có rất nhiều thực khách đang ăn uống. Thức ăn sáng ở đây được chia thành 2 khu chính: một khu gồm các món ăn Nhật, và một khu gọi là món ăn quốc tế hay nói chính xác hơn là món ăn sáng theo kiểu Tây. Chẳng hiểu sao món ăn sáng của Nhật mà lại có cả sushi (tôi cứ tưởng món dành cho ăn trưa chứ)! Nhưng thật ra, ngoài sushi còn có nhiều món khác ngon hơn: nattou (một loại thức ăn làm từ đậu nành lên men), như súp miso, cháo trắng, cá ướp mặn, v.v… Còn món Tây thì cũng như các khách sạn khác bên Mĩ, tức là gồm bacon, sausage, bánh mì, bơ … nói chung là rất chán. Lại còn có thịt bò chiên với khoai tây nữa! Tôi thích nhất món súp miso, ăn với mì sợi (nghe nói mì này là đặc sản của Nagoya), chẳng biết nước súp nấu bằng chất liệu gì, nhưng nó có mùi vị rất nước biển (đương nhiên không phải là nước biển) và rất đặc thù khó có thể nhầm lẫn với các món súp khác được. Trong suốt thời gian 1 tuần ở đây, sáng nào tôi cũng gọi món này, rắc thêm một ít hành lá và một lát cá khô rất rất mỏng, thêm chút ớt tươi, ngon ơi là ngon! Sau đó mới “thanh toán” các món cá mặn, củ cải muối, cháo trắng và rau xanh.

Hôm thứ Bảy, tôi và Hiroshi Suzuki đáp xe điện đi Kyoto để tham quan danh lam thắng cảnh ở thành phố nguyên là thủ đô của Nhật. Trưa hôm đó, hai chúng tôi đến một nhà hàng được bầu là nhà hàng có chất lượng thức ăn đứng vào hàng thứ 2 ở Nhật. Tôi quên tên nhà hàng, mà chỉ nhớ nó nằm bên cạnh con rạch nhỏ, gần ga xe điện, đông người qua lại. Nhà hàng có diện tích rất khiêm tốn, hai tầng, bề ngang chỉ 5 mét và dài khoảng 10 mét. Ngay trước nhà hàng có treo cái chứng chỉ do hội nhà hàng Nhật công bố vào năm 2009. Theo giới thiệu của Hiroshi thì chúng tôi sẽ ăn theo kiểu truyền thống Nhật, có nghĩa là đầu bếp trực tiếp làm đồ ăn trước mặt khách ngồi bàn. Bữa ăn kiểu này là một bữa ăn tiêu biểu của một gia đình Nhật, nhưng Hiroshi thêm rằng nói thế thôi, chứ đâu phải ngày nào một gia đình Nhật cũng ăn như thế (vì giá cả đắt lắm!)
Bữa ăn tại một nhà hàng ở Kyoto (người bên trái là Hiroshi Suzuki)
Chúng tôi mới đến cửa nhà hàng đã được chào đón nồng nhiệt. Người tiếp viên nam cuối gập người chào chúng tôi bằng những câu nói Nhật mà tôi chẳng hiểu anh ta nói gì (nhưng tôi có thể đoán được ý nghĩa). Vì có đặt trước, nên chúng tôi được xếp cho ngồi ở một ví trị tốt nhất của bàn. Tôi nhìn chung quanh có khoảng 10 thực khách, nam có nữ có, cũng ngồi ăn như chúng tôi. Phía trước tôi là 5 đầu bếp, tất cả chỉ tuổi 30-40, đang say sưa với công việc của họ. Người thì đang ngấm ngía con cá để tìm cách xẻ thịt làm sao đẹp nhất, người thì chú tâm trang trí một đĩa salad cho khách, người thì đang cuốn thịt sushi, người thì miệng nói gì liên tục còn tay thì múc súp cho khách và trang trí tô súp sao cho đẹp mắt, v.v…

Một tiếp viên đến hỏi chúng tôi uống gì, tôi và Hiroshi không do dự nói: sake. Đến đây chẳng lẽ uống rượu chát coi sao được! Một bình rượu sake giống như một ống tre lập tức được đem đến cho chúng tôi. Hiroshi nhẹ nhàng rót rượu và chén và chúng tôi cụng li để tự chúc mừng. Rượu sake thường uống khi ấm, nhưng chẳng hiểu sao ở đây họ để rượu trong ống tre lạnh. Tuy nhiên, rượu sake uống cũng ngon, không quá mạnh cũng không quá yếu. Nếu so với rượu đế có chất lượng ở Việt Nam, tôi e rằng rượu sake còn thua một bậc. Sau đó, đầu bếp dọn ra từng món ăn một. Có tất cả đển 7 món, từ các món với cá sống, ba món súp, đến cơm là món sau cùng. Tôi có một bữa ăn no nê và cũng có thể nói là ngon. Vừa ăn, vừa nói chuyện, vừa ngắm đầu bếp làm đồ ăn thật là một kinh nghiệm khó quên.

Tôi nghĩ Nhật cũng là một nước văn minh nông nghiệp, cho nên nhiều món ăn ở đây được chế biến từ gạo và đậu nành. Nhưng Nhật còn là xứ sở của những người yêu biển, cho nên hầu như món ăn nào của họ cũng có vị biển trong đó. Chẳng hạn như món súp, tôi thấy súp nào của họ cũng có mùi vị biển, không mặn lắm, nhưng vừa đủ để thực khách biết đây là món có hương vị biển.

Một điểm đáng chú ý là món ăn Nhật cũng giống như món ăn Huế ở chỗ món nào cũng nho nhỏ. Có khi một vài lát cá, nhưng họ cũng biến thành một món ăn thú vị. Nhưng khẩu phần ăn thì rất đa dạng và nhiều. Một bữa ăn bình thường như tôi nói cũng lên đến 7-8 đĩa khác nhau. Bù lại khẩu phần ăn nhỏ là cung cách cầu kì trong cách trình bày món ăn. Tôi thấy hình như người Nhật rất quan trọng trình bày món ăn một cách cầu kì, hoa mĩ, với đủ thứ màu sắc. Cá thì có loại trắng, vàng, đỏ, xanh, và rong đen. Vì thế khi món ăn được bày lên mâm, trông cũng bắt mắt lắm.

Kể ra thì món ăn của người Nhật không ngon hơn và chắc chắn là không phong phú hơn món ăn của chúng ta. Món ăn của người Nhật có vị biển, còn món ăn của ta có vị sông nước và đậm đà hơn. Tuy nhiên, chúng ta chưa chú trọng đến cách trình bày món ăn cho đẹp, nên nhiều khi người nước ngoài có xu hướng xem món ăn của mình kém phần sang trọng. Chỉ là rong biển, nhưng họ ‘đánh bóng” bằng những nhành cây bên cạnh vài khía dưa leo, trông thấy đẹp và sang ngay. Tôi nghĩ đến món salad bắp chuối mà trang trí với rau răm và rau thơm, thêm chút “dressing” thì chắc chắn ngon hơn rong biển nhiều. Hay như món dưa mắm, hoặc dưa điên điển, mà chịu khó trang điểm thêm vài cọng rau xanh, để trong cái dĩa màu trắng tinh có thêm chút hoa văn nhẹ nhàng, thì trời ơi, thèm chảy nước miếng như không. Do đó, nếu tôi có lời khuyên gì cho nhà hàng Việt Nam là: trang điểm món ăn của mình!
(Còn tiếp)













































0 nhận xét:

Đăng nhận xét