Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

“Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” [qua bình luận dưới đây của NVP] thật sự làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì hai lí do: thứ nhất, cơ quan Nhà nước có vẻ rất quan tâm đến mấy chuyện nhỏ nhặt như thông cáo báo chí của các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân; thứ hai, cũng như NVP, tôi ngạc nhiên là tại sao phải phân biệt giữa doanh nghiệp / cơ quan nước ngoài và trong nước. Tôi không hiểu ”cơ quan, tổ chức nước ngoài” ở đây có bao gồm các tòa đại sứ không? Chẳng lẽ tòa đại sứ Mĩ hay Úc cũng phải xin phép giới chức Việt Nam để ra thông cáo báo chí?

Thông cáo báo chí (press release) là hình thức quảng bá việc làm, sản phẩm của một cơ quan hay công ti. Ở Úc, hầu như đại học, viện nghiên cứu, công ti lớn, cơ quan chính quyền nào cũng có bộ phận lo về “public relation” phụ trách phần này. Ngay cả cơ quan an ninh như cảnh sát cũng ra thông cáo báo chí. Ở viện Garvan nơi tôi làm việc, họ có một chuyên gia chuyên phát hành các thông cáo báo chí về những công trình nghiên cứu và khám phát xuất phát từ viện. Tôi có cơ hội làm việc với người này (một phụ nữ), và thấy bà làm việc cực kì chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Bà rất giỏi trong việc soạn thảo các thông cáo báo chí, chuyển dịch các thuật ngữ khoa học sang từ ngữ phổ thông để ai cũng có thể hiểu được, và nhất là sử dụng từ ngữ sao cho “chiến lược” để thu hút chú ý của giới truyền thông đại chúng. Nhưng điều quan trọng là thông cáo báo chí phải phản ảnh chính xác sự việc, không được nói quá và thổi phồng, vì làm như thế là sẽ chịu búa rìu dư luận. Chẳng hạn như thông cáo báo chí về công trình nghiên cứu ăn chay và loãng xương của chúng tôi và đồng nghiệp thuộc trường y Phạm Ngọc Thạch bên Việt Nam gần đây, phải xem đi sửa lại cả chục lần mới phổ biến trên website của Viện. Tôi nói như thế để thấy rằng những cá nhân, tổ chức ra thông cáo báo chí họ cũng làm nghiêm chỉnh, chứ không phải muốn nói gì thì nói đâu. Kiểm soát những thông cáo báo chí đối với những tổ chức như thế tôi e rằng hơi … thừa.

Ở Úc, cơ quan ra thông cáo báo chí chẳng xin phép ai cả. Như ở Viện tôi làm, chỉ có 2 người duyệt nội dung thông cáo báo chí: đó là tôi (hay người chủ trì nghiên cứu) và viện trưởng. Khi hai người này ok, thông cáo báo chí liền được xuất bản trên website, và giới truyền thông liên lạc tôi (hay người chủ trì nghiên cứu) để phỏng vấn.

Điều đặt biệt là tính thời gian rất căng thẳng. Chúng tôi chỉ có quyền công bố thông cáo báo chí khi tập san đã công bố bài báo của chúng tôi online. Nếu tập san chưa công bố thì chúng tôi không được ra thông cáo báo chí. Ngược lại, nếu tập san đã công bố bài báo qua 2 ngày thì viện không thèm ra thông cáo báo chí nữa vì … mất tính thời gian. Thông thường, chỉ cần 5 phút hay cao lắm là 12 giờ sau khi tập san công bố bài báo, thì Viện tôi ra thông cáo báo chí ngay trên website của mình. Thời giờ bất kể đêm hay ngày! Nếu theo qui định của Việt Nam là Viện phải nộp thông cáo báo chí cho Bộ TT&TT 48 giờ trước khi công bố, rồi còn phải chờ được phê chuẩn, thì nó mất tính thời gian hết rồi, đâu có ai quan tâm nữa! Thật ra, ở Úc mà nói đến việc xin phép bộ để ra thông cáo báo chí tôi nghĩ các trường đại học và doanh nghiệp sẽ nhao nhao lên nói là họ bị xúc phạm!

Đó là “luật chơi” ở Úc. Đương nhiên, không nhất thiết Việt Nam phải làm theo Úc hay theo bất cứ nước nào; Việt Nam phải có qui định phù hợp với tình hình của Việt Nam. Nhưng qui định phải làm sao đơn giản, nhẹ nhàng, văn minh, và nhất là tránh cái “air” của thời bao cấp hay phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Kinh nghiệm làm việc của tôi ở ngoài này cho thấy nếu Úc mà làm như Việt Nam (phải xin phép bộ ở tận Canberra trước 48 giờ) thì chắc chắn chẳng có cơ quan nào có thể ra thông cáo báo chí theo thời gian tính.

NVT

http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/10/en-thong-cao-bao-chi-cung-phai-xin-phep.html

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đã có khá nhiều góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” từ các nhà báo và nhà quản lý. Tuy nhiên có một đối tượng bất ngờ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hành vi bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo dự thảo Nghị định, cũng bất ngờ không kém: Phát hành thông cáo báo chí mà không có giấy phép.

Bất ngờ là bởi hỏi thăm một vòng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhất là các công ty chuyên lo chuyện quan hệ đối ngoại cho các doanh nghiệp này, họ đều trả lời trước nay soạn, gởi các thông cáo báo chí họ đều không nghĩ phải xin phép. Tất cả đều ngạc nhiên, hỏi lại là xin phép ở đâu, thủ tục như thế nào, thời hạn ra sao… Hằng ngày có cả chục đến cả trăm thông cáo báo chí được phát ra, trong đó nhiều nhất vẫn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ chuyện thay đổi nhân sự, giới thiệu sản phẩm mới đến chuyện công bố kết quả khuyến mãi, giảm giá hay những vấn đề cấp bách hơn như giải thích một sự cố sản phẩm đang được dư luận quan tâm… Không lẽ tất cả những thông cáo báo chí này đều phải xin phép?

Nguyên văn dự thảo Nghị định ghi rõ chuyện phát hành thông cáo báo chí không có giấy phép bị phạt tiền là dành cho “cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”. Điều đó có nghĩa ngay cả những tổ chức như Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP… mỗi khi muốn công bố đều gì đó cho báo chí qua hình thức thông báo đều phải xin phép nếu không muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Thật ra, quy định phát hành thông cáo báo chí đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài phải xin giấy phép nằm ở “Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành vào tháng 11-2002. Quy chế này nói rõ hồ sơ xin phép phát hành thông cáo báo chí nộp ở Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông), phải nộp hồ sơ “ít nhất trước 48 tiếng đồng hồ so với thời gian dự định phát hành thông cáo báo chí”…

Điều đáng nói là từ năm 2002 đến nay, Bộ là nơi nắm rõ nhất có bao nhiêu hồ sơ gởi đến để xin phát hành thông cáo báo chí, so với thực tế thì con số tuân thủ chiếm chừng bao nhiêu phần trăm. Bộ cũng là nơi hiểu rõ nhất quy chế xin phép này có mang tính thực tiễn không hay chỉ là quy định hình thức bởi thực tế ít ai phát hành một thông cáo báo chí đơn giản một trang giấy mà phải làm hồ sơ xin phép cả. Thông cáo báo chí là cầu nối cung cấp thông tin từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng – không có lý do gì phải ràng buộc bằng giấy phép. Còn nếu lo ngại nội dung thông cáo báo chí có những vấn đề gì nhạy cảm hay mang tính sai trái như vu khống đối thủ chẳng hạn thì cơ quan báo chí, nơi nhận thông báo, sẽ phải xử lý thông tin như một nguồn tin bình thường.

Quan trọng hơn, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta đã cam kết không phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài. Chắc chắn về mặt pháp lý quy chế đòi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin phép khi phát hành thông cáo báo chí trong khi doanh nghiệp trong nước thì không đã bị vô hiệu hóa bởi các văn bản triển khai việc gia nhập WTO.

Quy chế nói trên (phần liên quan đến thông cáo báo chí) có mặt trong đời sống doanh nghiệp từ năm 2002 nhưng không thấy triển khai thực thi. Nay dự thảo Nghị định nêu lại. Thiết nghĩ việc đầu tiên là nên cập nhật lại Quy chế và sau đó đưa nội dung xử phạt nói trên ra khỏi dự thảo Nghị định. Làm như thế chính là đem lại sự nghiêm minh cho pháp luật vì không nên để tồn tại một quy định mà không ai thực hiện cả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét