Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Thủ tục "hành là chính"

Tôi theo dõi loạt bài của Hữu Tâm viết về thủ tịch hành chính để đưa con vào học tiểu học ở VN thật là hào hứng, nhưng cũng thật đau lòng. Những bút kí trong ba bài dưới đây (xem đường dẫn) có lẽ là một trong những chứng từ sinh động nhất về tệ nạn "hành là chính" ở nước ta.

http://vietnamnet.vn/giaoduc/200910/Thua-Bo-truong-co-phai-Bo-truong-quy-dinh-the-nay-khong-873186/

http://vietnamnet.vn/giaoduc/200910/Bai-2-Xin-hoc-cho-con-sao-gian-nan-qua-chung-873440/

http://vietnamnet.vn/giaoduc/200910/Bai-3-Con-toi-chuyen-truong-den-My-873532/

Dù tôi không ở trong hoàn cảnh của anh ấy, nhưng tôi dường như hình dung ra những nỗi khổ, những lần chạy đôn chạy đáo, hết chỗ này đến chỗ khác để xin chữ kí, con dấu, công chứng, đóng tiền, v.v… mà phát sợ. Những ai từng ở những nước như Úc hay Mĩ lâu năm khó có thể kiên nhẫn để làm như anh HT, nhưng nếu anh không làm như thế thì làm sao con anh được đi học. Thế mới thấy cái hệ thống “hành là chính” đó chẳng những đã và đang đày đọa biết bao con người, và làm hao tổn biết bao tiền bạc và thì giờ của người dân.

Thú thật, mỗi lần tôi có việc tiếp xúc với người ngồi bàn giấy ở Việt Nam, tôi có một cảm giác không thoải mái, vì hình như lúc nào người ngồi phía sau cái bàn đó lúc nào cũng có thể bắt bẽ, cũng có thể nói cái này sai, cái kia chưa đủ, hay nói tóm lại là hành.

Tôi thấy người làm việc văn phòng, từ người làm công việc bán hàng đến thủ tục hành chính, đều cố gắng tạo cho mình một cái uy quyền gì đó để bắt bẽ những ai cần đến dịch vụ của họ. Tâm lí này có lẽ xuất phát từ truyền thống quan trường trong thời phong kiến, thời Pháp thuộc. Vào cái thời đó, chỉ có những người “hay chữ” mới được ngồi bàn giấy, mới được làm nghề thầy thông, thầy phán, thầy cãi, v.v... Mà, những người này thường ngồi bàn giấy, mặc áo trắng, quần tây, thắt caravát, nói chung là trông rất oai, rất ... trí thức. Tôi đoán ngay cả người ăn mặc như thế cũng tự thấy mình sáng sũa ra, cũng tự thấy mình là người có tri thức, có quyền lực. Từ đó họ tự phát sinh ra cái tâm lí quan. Mà đã là có quan thì phải có dân đen. Quan ngồi trên, dân đen ngồi dưới. Quan là người ban phát ân huệ cho dân đen. Quan phải có uy quyền hơn, phải thông minh hơn đám dân đen. Thế là từ đó các công chức ta hành xử như là những ông quan thời Pháp thuộc hay thời phong kiến.

Nhưng thời đại bây giờ còn nảy sinh một thói khác nữa: ham tiền và tham nhũng. Quan ngồi văn phòng hoài cũng chán, nên quan phải suy nghĩ đến cách làm tiền, gọi là cải thiện thu nhập. Trong môi trường luật pháp không rõ ràng, qui định chồng chéo, công việc hành chính là một vị trí tuyệt vời để nhũng nhiễu người dân đen. Những câu quát mắng kiểu như "làm cái này sao tới đây, qua bên kia kìa". Qua bên kia thì bị mắng "điền như thế là không đủ, điền lại". Điền lại thì bị mỉa mai "Học đến lớp mấy mà không rành chữ Việt thế". Khi đã điền xong thì "Còn thiếu tấm giấy này", "cần có thị chứng ở đây", "trả thêm tiền", v.v. và v.v. Thế nhưng tất cả những nhũng nhiễu này chỉ cần "chi" là xong hết. Như trong bài của anh HT cũng có nói đến và đó chính là một chứng từ.

Tôi nghĩ câu kết của loạt bài anh HT đáng để cho các quan chức ở VN suy nghĩ: “Tôi nghĩ, chính sách thu hút người Việt Nam về học tập và làm việc ở trong nước cần cụ thể hơn nữa. Chúng ta cũng nên đơn giản các thủ tục, thu hút người tài đến Việt Nam làm việc. Khi đó, hãy nói đến chuyện xây dựng các trường Đại học đẳng cấp Quốc tế ở Việt nam.” Chính xác.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét