Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Những thói quen không đẹp mắt

Trong bài sau đây tác giả thuật lại những kinh nghiệm của mình trong các buổi họp hội mà “chỉ có ở Việt Nam”. Đúng là cái thói quen này làm xấu hình ảnh người Việt Nam trên trường quốc tế. Theo kinh nghiệm tôi thì tác giả nói hoàn toàn đúng, nhưng cũng không hẳn là những thói quen tật xấu đó chỉ hiện diện ở Việt Nam; nó cũng có mặt trong hội nghị quốc tế, đặc biệt là ở các nước châu Á. Tuy nhiên, vẫn theo kinh nghiệm cá nhân, tần số xảy ra ở Việt Nam có vẻ cao hơn các nước trong vùng. Ở cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người đã có ít nhiều tiếp xúc với Tây phương, cái thói quen đó vẫn còn tồn tại.

Trong các hội nghị khoa học, tôi thấy các diễn giả Việt Nam thường nói quá giờ. Đó là một sự mất lịch sự cho diễn giả kế tiếp, nhưng hình như “phe ta” chẳng quan tâm đến phép lịch sự đó. Họ nói thoải mái, ê a, như chẳng có ai dám làm gì họ! Thiệt là bực mình. Có lần một hội nghị ở Hà Nội, có một vị “cây đa cây đề” nói quá giờ gần 10 phút mà vẫn chưa chịu ngừng, một người trong ban tổ chức nhăn nhó mặt mũi nhưng không dám ngưng ông cụ, nên chị nhắn tin điện thoại cho tôi (và tôi vẫn còn giữ làm kỉ niệm): “Không thể control được phần phát biểu của mấy GS [giáo sư] anh nhỉ? Rất xin lỗi anh!” Còn khách dự người ngoại quốc thì lơ đảng nhìn ra ánh nắng chói chang ở ngoài, chẳng thèm để ý đến ông cụ nói cái gì!

Một thói quen xấu trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam mà tôi hay thấy là buổi sáng hội nghị được khai mạc hoành tráng, diễn văn của các quan lớn quan nhỏ đọc ngon lành, người dự đông đủ, nhưng sau lần giải lao đầu tiên, các quan chức đọc diễn đi mất hết, và số người dự giảm thấy rõ; đến buổi chiều thì có khi chỉ còn 1/3 người dự.

Nói đến diễn văn, tôi thấy nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam cũng chẳng giống ai ở điểm quá nhiều diễn văn có khi chẳng ăn nhập gì với hội nghị. Nếu là hội nghị lớn thì thế nào cũng có bộ trưởng nói vài ba câu, rồi chủ tịch hội, rồi chủ tịch hay đại diện địa phương, rồi ban tổ chức, rồi nhà tài trợ, v.v… làm mất toi cả một giờ đồng hồ. Có lần tôi dự một hội nghị và ngồi bên cạnh một đồng nghiệp Singapore, anh ta cứ nhấp nhỏm hỏi tôi: còn ai đọc diễn văn nữa không, sao chưa thấy vào hội nghị? Tôi chỉ biết méo mặt mà an ủi anh ta là tại thủ tục nước Việt Nam của tao phải như thế mày ơi! :-)

Lại còn có một thói xấu của các vị giáo sư giáo sĩ Việt Nam nữa là thay vì hỏi diễn giả thì họ lại lên lớp diễn giả.Thông thường khi một bài thuyết trình hay bài nói chuyện xong, chủ tọa hỏi có ai đặt câu hỏi và thảo luận với diễn giả, và theo qui ước chung là người hỏi và trả lời phải giới hạn trong nội dung bài nói chuyện và giới hạn trong vòng 1 hay 2 phút. Thế nhưng rất nhiều lần tôi thấy các vị "cây đa cây đề" không đặt câu hỏi mà lại đứng lên lên lớp diễn giả, hay phát biểu quan điểm của mình, tức chẳng ăn nhập gì với bài nói chuyện! Lại có người rất thích tấn công diễn giả bằng những bắt bẻ chi tiết chẳng quan trọng, làm mất thì giờ buổi hội thảo. Tôi có cảm giác một số người muốn sử dụng buổi họp hội như là một cơ hội để trả đũa những xung độ cá nhân trước đó, chứ không phải là cơ hội để bàn thảo một cách khoa học.

Mấy thói hư tật xấu mà tác giả bài này mô tả liên quan đến văn hóa họp hội. Mà, văn hóa thì nó mang tính “truyền nhiễm” hay có thể nói là “di truyền” từ đời này sang đời khác. Có lẽ những quan chức phe ta mang trong người cái văn hóa quan liêu từ thời bao cấp, hay văn hóa làng xã từ thời xửa thời xưa nên mới có những hành xử vô văn hóa trong thời nay. Chắc cần phải một hay hai thế hệ nữa thì cái gene của văn hóa này mới chịu đột biến và lúc đó chúng ta không còn cụm từ “chỉ có ở Việt Nam”.

NVT


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=329420&ChannelID=237

Thứ Bảy, 01/08/2009, 04:01 (GMT+7)

Những thói quen không đẹp mắt


TT - Cụm từ “chỉ có ở VN!”, theo trí nhớ của tôi, có lẽ xuất phát từ vài tấm ảnh trên mạng Internet, thể hiện cảnh một chiếc xe gắn máy có thể chở biết bao nhiêu là thứ...mà chưa nơi nào khác trên thế giới có thể làm như vậy. Thế rồi theo thời gian, cụm từ này thỉnh thoảng lại biến thành câu bình luận của một số người nước ngoài khi đặt chân đến VN, nhưng mang một nghĩa khác với hàm ý chê bai.

Tôi làm nghề phiên dịch, nhiều lần lúng túng không biết phải giải thích thế nào khi thấy mấy ông sếp người nước ngoài lắc đầu với nhau: “Only in Vietnam!” (Chỉ có ở VN) khi nói về những biểu hiện mà họ thấy không bình thường. Chẳng hạn như nhiều người có tật hay trao đổi riêng với nhau trong phiên họp một cách khá vô ý, đôi khi sôi nổi một cách quá đáng. Có lần một ông sếp nước ngoài đã nổi giận, nhờ tôi nói với mấy người đó “ra ngoài kia mà nói chuyện riêng!”.

Lần khác, một ông diễn giả người nước ngoài cứ đứng đực ra, mặt chảy dài, không hiểu vì sao mình đang nói mà có người bàn luận với nhau hăng quá... Ông lịch sự bảo: “Xin lỗi, có gì cần tranh luận thì trao đổi với tôi được không?”. Lại còn cái cảnh trong phiên họp, một ông sếp VN cứ để yên cho cái điện thoại đời mới của mình reo vang một điệu nhạc mà có lẽ ông ta ưa thích, rồi mới khệnh khạng móc điện thoại ra nói chuyện oang oang bằng một giọng rất oai vệ, chẳng cần phải xin lỗi vì gây gián đoạn, chẳng thèm ra ngoài cho dù ngay từ đầu phiên họp ông sếp nước ngoài đã nhã nhặn đề nghị mọi người tắt điện thoại hoặc để chế độ rung để buổi họp nhanh chóng đạt kết quả.

Còn nhiều ví dụ khác nữa về những thói quen, những cư xử không đẹp mắt ở nơi công cộng của dân mình, nhưng mấy người nước ngoài biết làm gì hơn là lắc đầu với nhau: “Đúng là chỉ có ở VN!”.

NGUYỄN MẠNH BÍCH NGỌC
(P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Phòng chống cúm từ cá nhân: bài học kinh điển

Bài sau đây đã đăng trên báo Pháp Luật TPHCM, trong đó tôi có nói đến vài biện pháp đơn giản của Úc trong chiến dịch phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Có một nghịch lí là trong khi dịch cúm A/H1N1 đang lan nhanh ở các nước như Úc (đang vào mùa đông) và Mĩ, nhưng giới báo chí ở đây không mấy quan tâm đến chuyện này, còn ở Việt Nam (đang trong mùa hè) tuy có dấu hiệu dịch cúm lây lan và hình như số ca không nhiều, nhưng báo chí có vẻ rất bận rộn, làm rùm beng. Chỉ theo dõi báo chí qua mạng, nhưng tôi có cảm giác mấy tin về cúm A/H1N1 đều được các báo lớn nhỏ đưa lên trang đầu. Có báo mới đây thậm chí còn đưa tin một sinh viên đại học bách khoa tử vong vì cúm, nhưng sau đó thì khẳng định là tin vịt.

Rồi như là một hiệu ứng, người dân thấy nguy cơ nên phản ứng bằng các biện pháp như mua khẩu trang. Hiệu quả của khẩu trang trong việc phòng chống cúm nói chung (không riêng gì cúm H1N1) chưa được nghiên cứu kĩ nên thông tin có khá hạn chế. Tuy nhiên, có ít nhất là 2 nghiên cứu cho thấy khẩu trang không có hiệu quả phòng chống virút cúm. Thật vậy, ở cộng đồng người đeo khẩu trang có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang. Xin nhấn mạnh rằng đó là nghiên cứu ngoài cộng đồng, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu trong môi trường bệnh viện và cơ sở y tế. Vì thế, đối với người có triệu chứng cúm hay nhân viên y tế thì đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích.

Cần biết một sự thật rằng virút H1N1 có kích thước khoảng 0,08 micromét đến 0,12 micromét. Nếu khẩu trang có mặt nạ lọc n-95 thì cũng có thể lọc được 95% các phần tử có kích thước 0,3 micromét. Do đó, khẩu trang phải có chất lượng tốt mới ngăn ngừa virút H1N1 một cách hữu hiệu. Chưa ai biết các khẩu trang được bày bán trên thị trường Việt Nam có chất lượng như thế nào, nên hiệu quả của các khẩu trang này là một dấu hỏi lớn.

Tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng cúm A/H1N1 không quan trọng bằng các bệnh thông thường khác, thậm chí không độc hại như cúm mùa. Do đó, tập trung tài nguyên vào việc phòng chống cúm A/H1N1 là điều cần thiết, nhưng mức độ tập trung tài lực phải tương ứng với các bệnh nguy hiểm khác.

NVT

http://www.phapluattp.vn/news/khoa-hoc/view.aspx?news_id=263764

Bài học kinh điển: phòng chống cúm từ cá nhân

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 27-7, đã có trên 180 quốc gia báo cáo trên 134.000 ca bệnh cúm A/H1N1 và trong số này có 816 người chết.

Như vậy, tỷ lệ chết là khoảng 0,6%. Trong thực tế, tỷ lệ này có thể thấp hơn vì nguyên nhân chết rất khó xác định là do virus H1N1. Riêng ở nước ta chưa có ai chết.

Dù vậy, các chuyên gia dịch tễ học đều nhất trí rằng số người nhiễm virus H1N1 trên thế giới có thể cao gấp 10 lần con số được báo cáo chính thức. Rất khó xác định số ca bệnh bởi thực tế có rất nhiều ca bệnh chưa biểu hiện triệu chứng hay chưa được xét nghiệm.

Ở nước ta, các giới chức y tế đã có nhiều biện pháp có thể nói là “mạnh tay”, như đóng cửa trường học và cách ly bệnh nhân. Mặc dù các biện pháp này có thể cần thiết để phòng chống sự lây lan của virus H1N1 nhưng trong bối cảnh cúm A/H1N1 đã trở thành cúm mùa thì tôi e rằng các biện pháp đó không cần thiết.

Trước đây, khi cúm A/H1N1 mới khởi phát, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ai Cập và Nhật cũng có những biện pháp mạnh như cách ly bệnh nhân, kiểm dịch, đóng cửa trường học, biến trường học thành bệnh viện dã chiến... Nhưng chỉ sau vài tuần, các nước trên cũng bỏ những biện pháp trên. Đó là những biện pháp mà các chuyên gia và giới chức y tế Mỹ và Âu châu xem là vô lý.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để giảm sự lây lan của cúm A/H1N1? Câu trả lời có lẽ tìm thấy ở Úc. Nước Úc đang vào mùa đông, tức là mùa cúm hoành hành. Chỉ vài tuần trước đây, Úc có hơn 16.000 ca bệnh và hơn 40 người chết được xem là xuất phát từ virus H1N1 nhưng họ đã thành công trong khống chế tình trạng lây lan. Úc không áp dụng biện pháp đóng cửa trường học hay cách ly bệnh nhân. Họ chỉ đơn giản áp dụng chiến lược kinh điển: ngừa bệnh từ cộng đồng.

Đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Hắt hơi được xem là một yếu tố nguy cơ lây lan của vi khuẩn. Do đó, ta cần hướng dẫn người dân cách che mũi bằng tay, bằng giấy. Ngoài ra, biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thói quen này được xem là rất hữu hiệu cho việc phòng ngừa virus cúm ở quy mô cộng đồng.

Ở nhà và cơ quan hay trường học, những chỗ mà virus thường “nương tựa” là bàn ghế, cửa, những vật dụng có tay cầm... Nghiên cứu khoa học cho thấy virus phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25 độ C, virus H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virus lưu trú một cách triệt để.

Nguyên tắc của y tế cộng đồng vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay mỗi trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, chỉ dẫn cho người dân cách nhận dạng hay phát hiện những ca bệnh cúm A/H1N1.

Chúng ta không thể tiêu diệt virus H1N1 (hay các virus cúm khác) một cách vĩnh viễn. Virus tiến hóa rất nhanh. Một nghiên cứu mới nhất công bố trên tập san Science cho thấy virus H1N1 sẽ tồn tại với con người. Do đó, chúng ta phải học cách sống chung với virus.

Virus H1N1 không quá độc hại như nhiều người tưởng. Tỷ lệ chết ở những bệnh nhân cúm A/H1N1 thấp hơn tỷ lệ chết do cúm mùa gây ra. Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 là một định hướng đúng, chúng ta không nên xao lãng những bệnh thông thường nhưng nguy hiểm hơn virus mới.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Báo cáo thủ tướng và trách nhiệm bộ trưởng

Dạo này hình như việc lớn hay nhỏ gì cũng báo cáo cho thủ tướng. Vụ tai nạn xảy ra ở Keangnam, bà bộ trưởng báo cáo cho thủ tướng. Bà bộ trưởng này từng có “thành tích” báo cáo và "chuyển giao" vấn đề cho người khác trước đây. Ở phương Tây, người ta gọi kiểu làm việc này là đá bóng. Chẳng biết cái nhiệm vụ bộ trưởng có mục nào ghi đá bóng không?

Vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương người ta cũng báo cáo cho thủ tướng, và “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 29/7 đã giao UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, làm rõ nội dung báo VietNamNet nêu về những sự việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Phú Lương, Thái Nguyên”. Tôi tưởng tượng sau khi tỉnh điều tra, rồi lại báo cáo cho thủ tướng; thủ tướng xem xong lại giao cho tỉnh tìm cách giải quyết; tỉnh xin ý kiến của Bộ Y tế; Bộ Y tế báo cáo thủ tướng; v.v… tức là một cái vòng luẩn quẩn. Và, trong khi các quan chức đá bóng cho nhau, người dân lãnh đủ: chết.

Ở Úc, những chuyện nghiêm trọng như xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương chắc chắn làm rúng động đến chính quyền, và bộ trưởng y tế chắc chắn sẽ mất chức (thường thì bộ trưởng xin từ chức, chứ không để đến lúc thủ tướng ra lệnh cách chức). Trong quá khứ đã có nhiều bộ trưởng Úc mất chức chỉ vì một sự cố có khi chẳng nằm trong vòng kiểm soát của họ. Nhưng ở nước ta thì bộ trưởng vẫn ok, như chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng có phát biểu hay bình luận gì.

Còn nhớ cách đây mấy năm, khi một bệnh viện cấp huyện ở Queensland, vì thiếu bác sĩ nên họ mướn một ông bác sĩ Ấn Độ từ Mĩ sang làm việc. Trong thời gian 2 hay 3 năm làm ở đây, ông gây ra nhiều “sự cố” làm tổn thương đến sản phụ và gây tử vong cho vài bệnh nhân. Khi sự việc đổ bể, ông chạy trốn về Mĩ.

Thế là chính quyền thành lập một ủy ban chuyên trách với nhiệm vụ là điều tra từng trường hợp một, thu thập dữ liệu và bằng chứng, và phải có đề nghị để khắc phục. Khắc phục không phải chỉ cho bệnh viện đó, mà cho toàn hệ thống bệnh viện của Úc. Ủy ban phải chỉ ra những bài học nào cần được rút ra để phòng ngừa những tai nạn như thế không xảy ra nữa. Sau hơn 1 năm trời làm việc, tốn nhiều triệu đô la, ủy ban đệ trình một báo cáo gần 500 trang và mớ tài liệu gấp 10 lần bản cáo. Bộ trưởng y tế dựa vào bản báo cáo và kiến nghị của ủy ban, tiến hành một cuộc cải cách qui mô hệ thống bệnh viện của Úc.

Câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương không phải chỉ là vấn đề địa phương, mà là vấn đề hệ thống: hệ thống y tế của Việt Nam có vấn đề. Vấn đề chính là chất lượng dịch vụ y tế và y đức. Một “nghiên cứu” mới đây ở Hà Nội cho thấy chỉ có 9% bác sĩ nhận thức đúng về y đức. Những gì xảy ra ở Phú Lương chỉ là một tín hiệu về cái hệ quả của hệ thống đó.

Tôi nhớ hồi ở Mĩ, mỗi khi đội bóng trường đại học thắng cuộc, người ta tìm ra một vài cầu thủ để vinh danh; nhưng khi đội bóng thua, không ai được đổ lỗi cho bất cứ cá nhân nào, mà cả đội phải chịu trách nhiệm về sự thất bại. Đó là một qui ước đã được phải tuân thủ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi nghĩ không nên nêu tên các bác sĩ của bệnh viện Phú Lương như là những thủ phạm, mà phải xem lại cả hệ thống y tế Việt Nam. Cả hệ thống phải chịu trách nhiệm, và người đứng đầu hệ thống đó (bộ trưởng) phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Cần phải có một cuộc điều tra độc lập (không để cho người của Bộ Y tế làm chủ trì) để tìm hiểu tại sao, và bài học nào sẽ được rút ra để cho người bệnh cảm thấy an toàn hơn khi vào điều trị ở bệnh viện công.

NVT

Cơn sốt khẩu trang và hiệu quả thật của khẩu trang

Ngày thường tôi mua một hộp khẩu trang y tế loại 60 chiếc nhãn hiệu Bảo Thạch chỉ giá 35 ngàn đồng. Nhưng hôm qua tôi đã bị một nhà thuốc ở phường Trung Dũng, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đẩy lên 200 ngàn đồng/hộp. Khiếp quá!” Đó là phản ảnh của một độc giả cho biết con sốt khẩu trang ở Việt Nam hiện nay.

Đọc bản tin đó (về sốt khẩu trang) tôi chỉ biết lắc đầu. Rõ ràng là người dân phản ứng theo cảm tính của đám đông, chứ chưa hẳn dựa vào lí trí hay khoa học. Khẩu trang không có hiệu quả phòng chống virus cúm như người ta tưởng; nếu đeo không đúng cách, khẩu trang lại chính là yếu tố nguy cơ lây lan cúm. Ấy thế mà người ta kéo nhau đi mua khẩu trang! Tôi nghĩ một số người trong giới báo chí đã viết bài mang tính báo động, và thế là tạo cơ hội cho một vài con buôn làm giá, làm khổ người dân.

Đã có ít nhất là 2 nghiên cứu cho thấy đeo khẩu trang không có hiệu quả giảm lây lan virút cúm Thật ra, có một nghiên cứu cho thấy những người đeo khẩu trang có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang.

Mặc dù bằng chứng khoa học là như thế, và mặc cho khuyến cáo của các giới chức y tế, một số người dù chẳng có triệu chứng gì cũng đeo khẩu trang. Tuy nhiên, con số người đeo khẩu trang “tự nguyên” này rất ít. Vậy đeo khẩu trang có lợi và bất lợi như thế nào? Chúng ta thử phân tích xem sao.

Cái lợi của việc đeo khẩu trang là nó cho người chung quanh một tín hiệu hay một lời cảnh cáo là “đừng lại gần tôi”. Bởi vì sự lây lan của virút thường xảy ra khi hai cá nhân gần nhau, do đó, tín hiệu này cũng có thể có hiệu quả phòng ngừa lây lan ở một mức độ cá nhân.

Nhưng đeo khẩu trang là một bất tiện. Đúng như một độc giả nhận xét trên báo Pháp Luật TPHCMCúm đã đến bến xe đâu mà lo. Đeo khẩu trang y tế vừa ngộp thở vừa kỳ”. Chính vì sự bất tiện này mà trong công trình nghiên cứu tôi đề cập, chỉ có 50% người chịu đeo khẩu trang.

Đeo khẩu trang không dễ. Nhân viên y tế biết cách đeo khẩu trang đúng cách, nhưng phần đông quần chúng không được chỉ dẫn cách đeo khẩu trang, nên thường sử dụng không đúng cách. Như đề cập trên, đeo khẩu trang không đúng cách cũng là một yếu tố làm cho cúm lây lan trong cộng đồng.

Chính vì những nghiên cứu trên và lí do vừa kể mà các giới chức y tế các nước như Mĩ, Úc, Anh, Canada không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Ở Việt Nam, theo tôi thấy, bác sĩ Phan Văn Nghiệm (Sở Y tế TPHCM) nói đúng: “chưa cần thiết buộc toàn dân phải mang khẩu trang.” Nhưng tôi muốn thêm rằng nếu người có triệu chứng cúm hay mắc cúm thì có thể đeo khẩu trang để giảm lây lan sang người khác.

Cần nói thêm rằng Việt Nam đang vào mùa hè, môi trường không tốt cho virút H1N1. Virút H1N1 thường thích môi trường ôn đới và khô ráo. Nhưng khi nhiệt độ 28oC đến 30oC và độ ẩm 80%, sự lan truyền của virút giảm đáng kể. Khí hậu ở Việt Nam lúc này thường ở 30 độ C và ẩm, nên không phải là môi trường lí tưởng để virút H1N1 lan rộng.

Do đó, nếu tôi có một lời khuyên, tôi sẽ nói: nếu bạn chưa có triệu chứng gì liên quan đến cúm, đừng tốn tiền mua khẩu trang và đừng đeo khẩu trang; nếu bạn có triệu chứng bệnh cúm thì nếu cần bạn có thể sử dụng khẩu trang đúng cách. Quan trọng hơn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, khi hắt hơi hay xổ mũi nên che bằng tay hay giấy tissue và bỏ giất tissue trong thùng rác.

NVT

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Bảo quản thực phẩm đông lạnh bao lâu?

Hàng ngàn tấn thịt đông lạnh nhập khẩu đang tồn đọng ở nhà kho tỉnh Bình Dương, và thời hạn sử dụng được đặt ra. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, một giám đốc công ti Vinafood nói rằng những sản phẩm đông lạnh ở âm 18 độ C có thể mất độ tươi nhưng không có vấn đề gì về chất lượng và an toàn. Ông còn cho biết “bảo quản ở nhiệt độ này thì 3-5 năm chất lượng sản phẩm cấp đông cũng không sao cả”. Ông cho biết rằng đây là tài liệu của Cơ quan an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiêp Mĩ. Tôi e rằng phát biểu này không đúng và mang tính xem thường công chúng quá!

Có lẽ người tiêu thụ nào cũng biết rằng ở mức độ vi sinh, hàng triệu vi sinh vật, kể cả vi khuẩn, tồn tại trong thực phẩm. Chẳng những tồn tại, mà chúng còn có khả năng nhân bản theo cấp số nhân. Mục tiêu của chúng là xâm nhập vào cơ thể chúng ta (kí chủ) và tấn công hệ thống tiêu hóa. Những vi khuẩn như botulism, E. coli, salmonella, listeria, v.v... là những vi sinh vật đáng sợ nhất, không phải chỉ vì số lượng đông đảo mà còn khả năng gây bệnh của chúng. Đông lạnh thực phẩm là một biện pháp tương đối an toàn để dự trữ thực phẩm lâu dài.

Theo Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS – Food Safety and Inspection Service) thuộc Bộ Nông nghiệp Mĩ, thịt và thực phẩm nên giữ đông lạnh ở nhiệt độ âm 18oC (tức 0 độ F). Cần nói thêm rằng giữ thực phẩm ở nhiệt độ trên không có nghĩa là tiêu diệt vi khuẩn, mà chỉ giảm tốc độ tăng trưởng của chúng.

Bởi vì thành phần hóa học và cấu trúc tế bào rất khác nhau giữa các loại thực phẩm, tốc độ và nhiệt độ đông lạnh của thực phẩm cũng khác nhau giữa các loại thực phẩm. Nhiệt độ mà phần lớn thực phẩm đông lạnh dao động trong khoảng âm 0,6oC đến âm 7oC. Khi thực phẩm chậm đông lạnh, những hạt nước đá sẽ được hình thành làm vỡ tế bào và chất sợi trong cá, thịt, rau cải, và vì thế giảm chất lượng thực phẩm.

Câu hỏi thường được đặt ra là thực phẩm đông lạnh có thể giữ đông lạnh bao lâu. Như nói trên vì cấu trúc tế bào và thành phần hóa học rất khác nhau giữa các loại thực phẩm, nên thời gian dự trữ đông lạnh cũng dao động cao giữa các loại thực phẩm. Chẳng hạn như ở nhiệt độ âm18oC, thời gian an toàn dự trữ thịt bò dao động từ 3 đến 4 tháng, thịt heo 3-6 tháng, thịt gà 12 tháng. Nhưng chưa có tài liệu nào của Bộ Nông nghiệp Mĩ cho rằng thời gian bảo quản ở nhiệt độ âm 18oC kéo dài từ 3-5 năm cả.

Ở nước ta và các nước phát triển nói chung có một tâm lí (hay giả định) rằng các thực phẩm nhập cảng từ các nước tiên tiến là an toàn vì hệ thống kiểm dịch của họ rất nghiêm ngặt và khoa học. Nhưng tôi e rằng giả định rằng này không đúng với thực tế. Đã có không biết bao nhiêu trường hợp mà các doanh nghiệp từ các nước ”tiên tiến” lợi dụng hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm lỏng lẻo của các nước kém phát triển để xuất khẩu hay bán tháo những sản phẩm không được tiêu thụ ở nước họ.

Không cần nói ra, chắc ai cũng biết rằng ở các nước kĩ nghệ như Mĩ, Canada và Úc, việc nhập cảng thịt và thực phẩm phải qua một hệ thống kiểm dịch rất gắt gao. Các doanh nghiệm xuất cảng thực phẩm sang các nước này không lạ gì với những qui định có thể nói là khó khăn của các nước này. Tuy nhiên, các giới chức y tế và doanh nghiệp ở các nước vừa kể cẩn thận với thực phẩm vì họ có trách nhiệm phải bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Kinh doanh thực phẩm là một ngành đặc biệt vì mối liên hệ đến sức khỏe của người tiêu thụ. Bởi vì thực phẩm thường do người mà mình không quen chế biến hay sản xuất, và những người này không hẳn có cùng khái niệm về an toàn với người tiêu thụ, cho nên xã hội cần giới kinh doanh thực phẩm phải có đạo đức kinh doanh (như y đức trong ngành y). Một trong những qui ước đạo đức kinh doanh là thông tin phải chính xác và có cơ sở khoa học.

NVT

TB: Bạn đọc có thể tham khảo thêm tài liệu về thời hạn thực phẩm đông lạnh ở đây:

CSIRO (Úc): http://www.foodscience.csiro.au/storagelife2.htm

USDA (Bộ Nông nghiệp Mĩ):
http://www.fsis.usda.gov/FactSheets/Focus_On_Freezing/index.asp

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Lại khoe nghiên cứu của tôi!

Từ 15 năm nay, chúng tôi chẩn đoán loãng xương dựa vào đo mật độ xương (bone mineral density hay BMD). Người nào có BMD thấp có nguy cơ gãy xương cao, và do đó thường được điều trị. Nhưng chúng tôi chỉ ra rằng chỉ có 50% nữ và 30% nam gãy xương có BMD thấp. Nói cách khác, BMD “giải thích” rất ít số ca gãy xương. Do đó, dựa vào BMD chúng tôi bỏ sót rất nhiều bệnh nhân có thể sẽ bị gãy xương mà chẳng ai quan tâm!

Năm 2007 và 2008, chúng tôi phát triển một mô hình sử dụng BMD, tiền sử gãy xương, té ngã, và độ tuổi để tiên lượng gãy xương chính xác hơn. Mô hình này đã được công bố và ứng dụng toàn cầu, nhờ hệ thống internet. Người có công lớn trong mô hình này không ai khác hơn là Dr Nguyễn Đình Nguyên, còn tôi chỉ … nói thôi. :-) Đây là một công trình nằm trong chương trình phát triển mô hình để tiên lượng gãy xương cho từng cá nhân mà tôi gọi là “individualized prognosis”. Bạn đọc nào theo dõi loãng xương sẽ thấy tôi viết khá nhiều về chủ đề này.

Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tung ra một mô hình khác tiên lượng gãy xương. Họ có phương tiện tài chính dồi dào hơn chúng tôi, nên họ làm “lễ ra mắt” rất ồn ào và hoành tráng.

Vấn đề đặt ra là mô hình nào tốt hơn? Trong công trình dưới đây, chúng tôi thử nghiệm cả hai mô hình (của chúng tôi và của WHO) ở một nhóm bệnh nhân hoàn toàn độc lập.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ra rằng mô hình của chúng tôi tiên lượng gãy xương tốt hơn mô hình của WHO, nhất là ở đàn ông. Đây là kết quả khách quan, vì quần thể nghiên cứu hoàn toàn độc lập. Người có công trong nghiên cứu này là Dr Sandhu (nội trú) và Dr Nguyên, còn tôi chỉ … nói.

Đây là bản thông cáo báo chí do Viện Garvan phát hành ngày hôm qua nói về ý nghĩa của nghiên cứu này. Có lẽ ngày mai tôi sẽ lại bận rộn trả lời phỏng vấn của giới báo chí Tây phương. Làm biếng dịch sang tiếng Việt quá, nhưng nếu bác nào trong nước quan tâm thì nên dịch cho bà con trong nước rõ.

NVT

===

Why measuring absolute risk of fracture could save many broken bones

A person's absolute risk of fracture over the next 5 or 10 years can be predicted with reasonable accuracy according to their age, sex, bone density and history of fractures and falls.

While not an exact science, risk predictions allow people to make more informed choices about whether or not they will seek or accept treatment.

In Australia, the Government pays for preventative treatment based primarily on whether or not someone has already sustained a fracture. The problem with this approach is that many of those at high risk of future fracture have no history of prior fracture.

The Government also provides treatment for those 70 years or older with very low bone density, even without a fracture, and in some other situations such as high-dose, long-term corticosteroid use.

However, over 50% of women and 70% of men who fracture do not have osteoporosis, and do not have any prior history of fracture. So many people at high risk of fracture are not aware of their risk, and nor are their doctors. If they were aware of that risk, they may decide to make lifestyle changes, or pay for treatment themselves.

Dr Sunita Sandhu, Professor Tuan Nguyen, Professor John Eisman and Dr Nguyen Nguyen from the Garvan Institute of Medical Research have compared the performance of Garvan's fracture risk calculator (www.fractureriskcalculator.com), launched early last year, with one released by the World Health Organisation (WHO). Their findings are published in Osteoporosis International, now online.

In a 'matched case-control study', 69 women with a fracture were matched against 75 women without a fracture, and 31 men with a fracture were matched against 25 men without a fracture.

"We can see very clearly that our model predicts fracture at least as well as the WHO model when applied to an Australian population, and apparently more accurately for Australian men," said Professor Nguyen.

The Garvan fracture risk calculator is based on gender, bone mineral density, age, history of personal fracture, and history of falls.

The WHO model ignores falls, but includes height, weight, personal history of fracture, family history of fracture, smoking, alcohol consumption, use of corticosteroids, rheumatoid arthritis and secondary osteoporosis.

According to Professor Nguyen, "the results suggest that the criteria in the Garvan calculator combine the most critical risk factors."

"Our model allows clinicians to combine four risk factors to estimate the risk of fracture within the next 5 to 10 years for an individual man or woman. People can then make decisions about treatment based on that knowledge."

"In the future we will be able to incorporate genetic information as a useful additional criterion, once we have more clearly established which genes are involved in fracture risk."

"In other fields such as cardiovascular diseases and cancer, treatment is now based on an individual's absolute risk of having a disease. In osteoporosis, we are gradually moving in that direction."

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Vài phản hồi

Bài phỏng vấn tôi trên Tuổi Trẻ đã có 2 phản hồi từ bạn đọc. Mình phát biểu ý kiến mà có bạn đọc bình luận thì quá tuyệt vời. Do đó, lời đầu tiên là tôi cám ơn bạn đọc. Về nội dung thì tôi không có bình luận gì, vì trong thực tế tôi cũng hiểu hoàn cảnh mà bạn đọc Trường Huy phản ảnh. Tôi cũng đồng ý với bạn Nguyễn Trường Thi về tiêu chí cho công trình khoa học.

Một người bạn từ Hà Nội khi đọc 2 ý kiến này, anh viết thế này: “Đây cũng là một lý do chính tại sao vị thế của một nhà khoa học trong xã hội VN bây giờ rất thấp. Làm sao thu hút được những tài năng của thế hệ trẻ VN vào làm khoa học khi bản thân các bậc đàn anh còn phải chịu một cuộc sống thiếu thốn về vật chất và tinh thần như vậy. DTK” Chúng ta chỉ hi vọng rằng sẽ có thay đổi tích cực nay mai.

Ngoài ra, entry Đường về quá xa vời ? của tôi cũng nhận được 2 phản hồi. Tôi ghi lại nguyên văn ý kiến của hai bạn đó (vì lí do bảo mật tôi sẽ không nêu tên).

“Dear prof. N V Tuan,

I have read what you put in your website and I agree with you many things. However today I saw the following in the newest writing'' Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc)'' Professor, it is not correct! I do know where you took the information, but you can at least look at the list of postgraduate students who has got funding from the government and know why that comment is not correct. The website.

I know and have many friends who come from the south and they are studying with government funding (although I do not hold the government scholarship). We are friendly with each other and we never have any difference due to our home regions. Maybe there are a few people in the north as well as in the south who still have the feeling or behaviour as you told, but for most of us, especially the youngsters I do not see that.”

Và bạn đọc thứ hai:

“Kính thưa giáo sư Nguyễn Văn Tuấn,

Cháu là một người thường xuyên đọc blog của giáo sư và thấy những bài viết của giáo sư về Y tế, giáo dục rất bổ ích. Gần đây cháu có đọc bài "Đường về quá xa vời" của giáo sư trên blog. Cháu xin trích dẫn lại đoạn này:

Ở trong nước, theo tôi thấy, không ít người miền Nam luôn mặc cảm là “người thua trận” và nhiều người phía Bắc dương dương tự đắc là “kẻ thắng trận”. Là người thua trận, người miền Nam chịu nhiều thiệt thòi. Họ biết những ngành nghề mà con em họ khó có thể bước chân vào được (như ngoại giao, hải quan, dầu khí, v.v…). Còn giới chuyên môn thì biết thân không nên xin tài trợ từ các dự án cấp Bộ hay cấp Nhà nước vì theo luật bất thành văn đó là dự án cho đồng nghiệp phía Bắc. Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc). Một qui ước bất thành văn nữa là người miền Nam không được giữ những chức chủ tịch hiệp hội chuyên môn (vì chỉ dành cho người miền Bắc, kẻ thắng trận); người miền Nam chỉ làm ... phó. Ngay cả cái ủy ban về sông Cửu Long nhưng trụ sở thì nằm ở ngoài ... Hà Nội! Ai cũng biết mà chẳng ai muốn nói ra. Có tín hiệu cho thấy người Nam không tin vào người Bắc (và có lẽ Người Bắc cũng chẳng tin vào người Nam). Tôi thấy Việt Nam dù trên danh nghĩa đã thống nhất nhưng trên thực tế và ở nhiều khía cạnh vẫn là hai nước.

Trong đoạn này, giáo sư có nhắc đến 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc. Thưa giáo sư, bản thân cháu đã từng là du học sinh ở Nga, cháu thấy con số và nhận định này không chính xác trong giai đoạn cháu đi học (năm 2000 trở lại đây). Với thế hệ 8x như chúng cháu, chuyện phân biệt miền Nam, miền Bắc là không còn, và chỉ tiêu phân bổ đi học nước ngoài dành cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là như nhau (căn cứ vào tỉ lệ bạn bè cùng đi du học và bạn bè du học ở các nước khác bằng học bổng nhà nước). Cháu được biết, các suất học bổng ĐH được phân bổ cho các trường và các trường căn cứ vào điểm thi học kì 1 năm 1 ĐH để xét đi du học, (đăng kí đi một số nước đòi hỏi có chứng chỉ tiếng Anh), hoàn toàn rất công bằng và không có sự phân biệt Nam Bắc.Cháu rất mong nhận được ý kiến của giáo sư về nhận định trong đoạn trích dẫn ở trên. Nếu có thể, xin giáo sư đính chính rõ trên blog nhận định trên là trong thời gian nào, vì cháu sợ rằng người đọc blog của giáo sư có thể hiểu nhầm. (Cháu xin phép không nêu tên cá nhân).”

Xin cám ơn hai bạn. Tôi ghi nhận ý kiến của hai bạn. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy trong thập niên 1990s gần như 100% du học sinh từ VN sang đây học là người từ các tỉnh phía Bắc. Với một con số mất quân bình như thế tôi nghĩ câu hỏi đặt ra cũng hợp lí. Ai mà chẳng biết trong thập niên 1990s "người ta" có những thủ đoạn nhỏ nhặt như ra thông cáo sao cho sinh viên miền Nam không có đủ thì giờ để nộp đơn như là một cách loại bỏ sinh viên miền Nam. Ai cũng biết thủ đoạn này cả. Nhưng các tổ chức cung cấp học bổng nước ngoài phải một thời gian mới biết được thủ đoạn này, và có cách giảm (chỉ giảm thôi) tình trạng gian lận đó. Do đó, bây giờ thì đúng là đã có học sinh từ các tỉnh phía Nam sang đây học, nhưng con số vẫn nghiêng nặng về các tỉnh phía Bắc.

Còn chuyện tất cả các hội đoàn chuyên môn, người ngoài Bắc nắm giữ chức chủ tịch và người phía Nam chỉ làm phó là sự thật. Ngay cả các hội đồng chức danh giáo sư cũng do những người phía Bắc kiểm soát. Đó cũng là sự thật. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Tại sao có sự mất cân bằng này? Hay là một cách gián tiếp nói người phía Nam quá ngu?

Nói ra những điều này không có nghĩa là tôi kì thị Bắc-Nam gì đâu, nhưng vấn đề tồn tại quá lâu, lâu đến nổi làm thui chột tài năng từ các đồng nghiệp phía Nam theo tôi là một dấu hiệu không lành mạnh.

NVT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=328303&ChannelID=119
Thứ Hai, 27/07/2009, 12:21 (GMT+7)
Cơm áo không đùa với nhà khoa học!

TTCT - Đọc xong bài phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Tuấn trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 19-7 tôi rất tâm đắc, nhưng có một điều chưa đề cập, đó là các nhà khoa học VN đã bị chuyện “cơm áo” sẻ chia đầu óc quá nhiều, làm ảnh hưởng đến chuyện nghiên cứu khoa học. Sau đây là một câu chuyện từ thực tế mà tôi muốn kể cho mọi người nghe, nhằm góp một góc nhìn vào việc lý giải vì sao khoa học VN tụt hậu...

C., anh tôi, là một tiến sĩ vật lý lý thuyết, hiện công tác tại Viện Khoa học và công nghệ VN. Dĩ nhiên tài năng của anh ấy không phải ở đỉnh cao trong bộ môn này nhưng chắc chắn không phải là “tiến sĩ giấy”. Bằng chứng là khi bảo vệ luận án tiến sĩ (đạt điểm cao nhất), theo yêu cầu chỉ cần có hai bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, nhưng anh có đến bảy bài và tất cả đều được đăng ở những tạp chí có tên tuổi như Physical Review, Solidstate Communication... Chưa kể trong hơn mười năm nghiên cứu khoa học, anh ấy cũng đã được Viện vật lý lý thuyết của Nhật, Đức, Ý mời sang làm việc với thời hạn hơn hai năm.

12 năm học phổ thông, bốn năm đại học, bốn năm để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, vị chi anh tôi tốn hết 20 năm đèn sách, nghiên cứu. Thế nhưng, trong gia đình tôi, anh là người có mức sống kém nhất!

Tôi còn nhớ khi vừa xong luận văn thạc sĩ, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (nay là Viện Khoa học và công nghệ VN) với thu nhập mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng! 30 tuổi nhưng anh không có một mảnh tình vắt vai. Lương lĩnh về đưa hết cho mẹ tôi, anh chỉ giữ lại 200.000 đồng mua thuốc lá (chỉ dám hút Bastos đỏ!). Không nhậu nhẹt, không một thú vui nào khác, anh chỉ dốc hết sức cho việc nghiên cứu. Trong những năm ấy bài nghiên cứu của anh liên tục được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Hơn 40 tuổi, anh chấm dứt đời khoa học độc thân bằng đám cưới với một cô giáo nuôi dạy trẻ. Rồi đứa con đầu lòng ra đời. Mức thu nhập hiện tại dành cho một tiến sĩ có hơn chục năm thâm niên nghiên cứu khoa học chỉ là 2,8 triệu đồng/tháng cộng với thu nhập của một cô nuôi dạy trẻ khiến gia đình anh thật sự khó khăn. Giờ đây anh phải nhận lời đi dạy ở các trường đại học để có tiền mua sữa cho con. Thời gian ngồi trước máy tính để nghiên cứu cũng dần ít đi...

Câu chuyện kể đến đây hẳn các bạn phần nào cũng thông cảm được vì sao giới khoa học (chân chính) VN làm công tác nghiên cứu bị tụt hậu.

Hiện Nhà nước cũng phần nào thấy được sự bất hợp lý của giới khoa học VN so với các nước khác nên đã có biện pháp tháo gỡ, đầu tư tốt hơn. Ví dụ, nếu trước đây các nhà khoa học khi thực hiện đề tài đăng ký, ở vai trò chủ nhiệm đề tài đã không được danh chính ngôn thuận trong việc nhận thù lao (dẫn đến việc các nhà khoa học phải khai man danh sách những người giúp việc để tăng thêm thu nhập cho mình) thì nay (bắt đầu từ năm 2009) họ đã được chính thức thừa nhận với mức không quá 9 triệu đồng/tháng và được hưởng 17 tháng cho một đề tài kéo dài hai năm. Nghĩa là với quy định mới, khi thực hiện một đề tài đã được xét duyệt, chủ nhiệm đề tài được khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, có một nét mới nữa là kèm theo quy định thoáng về thù lao cũng đã có ràng buộc hơn, như điều kiện tiên quyết để duyệt đề tài là người đăng ký phải có công trình đăng trên các tạp chí quốc tế trong vòng năm năm gần nhất. Đồng thời đề tài đăng ký phải cam kết có ít nhất một bài đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Tất cả là nhằm ngăn chặn tình trạng “tiền thật, đề tài dỏm”!

Vẫn biết còn kém nhiều so với các nước (theo tính toán của các nhà khoa học lĩnh vực vật lý lý thuyết, ở nước ngoài để có một bài nghiên cứu đạt chất lượng khá được đăng tải phải tốn khoảng 20.000 USD, trong khi ở VN chỉ 100 triệu đồng) nhưng ít ra cũng đã có thay đổi.

TRƯỜNG HUY (TP.HCM)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=328299&ChannelID=119

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:03 (GMT+7)
Định hướng và động lực nào cho khoa học VN phát triển?

TTCT - Một thực tế bây giờ là các quốc gia thường lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học để làm thước đo quan trọng cho sự phát triển của khoa học, nhưng ở VN số lượng và chất lượng các công trình khoa học cũng như các ấn phẩm được công bố và đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín còn rất hạn chế.

Thiết nghĩ, để thúc đẩy sự phát triển của khoa học nước nhà, Nhà nước cần phải có những can thiệp trực tiếp, sâu sát, cần đưa ra những định hướng phát triển nghiên cứu mang tính chất vĩ mô, cũng như các tiêu chí chính sách để thúc đẩy sự phát triển của khoa học VN trong thời gian tới.

Các tiêu chí được đưa ra phải căn cứ vào hiệu quả của các công trình nghiên cứu làm điểm nhấn, định hướng phát triển vĩ mô phải nhằm vào các ngành khoa học ứng dụng thiết thực. Những nghiên cứu có chất lượng phải được khích lệ bằng các hình thức cụ thể. Có như thế khoa học nước ta mới có động lực để theo kịp khoa học quốc tế, dù muộn vẫn hơn không.

NGUYỄN TRƯỜNG THI

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Dùng búa tạ để diệt muỗi?


Học sinh hay là tù nhân? Các em học sinh trường Nguyễn Khuyến bị cách li, giam giữ trong trường. (Nguồn: Ảnh Vietnamnet)


Có thể ví von cách phòng chống dịch cúm H1N1 của Việt Nam mình như dùng cây búa tạ để diệt … con muỗi.

Ngày hôm qua, Thủ tướng chỉ đạo rằng việc phòng chống dịch cúm A/H1N1 là “nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn bộ người dân,” và “Bộ Y tế là cơ quan chủ chốt trong việc phòng, chống dịch cúm A/H1N1.”

Tôi thấy kiểu làm này có hơi hám thời bao cấp, tức là cái gì cũng từ “trung ương”, làm như trung ương là nơi nắm lấy chân lí và biết được sự thật! Tôi nghĩ khác: Bộ Y tế là cơ quan quản lí, những người làm trong Bộ là công chức hành chính hay bán hành chính, họ không phải là chuyên gia hay làm chuyên môn, làm sao họ là cơ quan chủ chốt trong việc phòng chống dịch được. Thật ra thì không thể ngăn ngừa lây lan bệnh được, chỉ có thể giảm mà thôi. Bộ Y tế có thể ra khuyến cáo với điều kiện họ phải tham vấn cơ sở, chứ không phải kiểu ngồi tuốt ngoài Hà Nội mà chỉ tay 5 ngón và phán. Phòng bệnh bắt đầu từ cơ sở và người dân, và đây mới chính là hai thành phần chủ chốt trong việc phòng bệnh.

Có một điều khá khôi hài là Bộ Y tế kêu gọi thông báo tình hình dịch cúm cho Bộ qua đường dây nóng, và địa chỉ email. Nhưng địa chỉ email là địa chỉ công cộng của gmail! Một Bộ Y tế của một nước 86 triệu dân ở vào thế kỉ 21 mà còn sử sụng email chùa, thì ai mà dám tin tưởng vào? (Trích nguyên văn: “Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).”) Chẳng lẽ cả Bộ Y tế không có mail server cho nhân viên sử dụng, hay có mà chẳng ai dám sử dụng vì quá tồi? Điều này cũng giống như các hiệu trưởng đại học Việt Nam mà sử dụng email của ... yahoo, gmail, hotmail!

Quay trở lại vấn đề phòng chống cúm A/H1N1, tôi không rõ “cả hệ thống chính trị” ở đây có nghĩa là gì, nhưng đoán có lẽ là tất cả các đoàn thể trên khắp nước sẽ tham gia chống dịch. Nhưng câu hỏi đặt ra là tình hình có nghiêm trọng đến nổi phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân như vậy không? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy nhìn qua vài sự thật:

· Tính đến ngày 24/7, Việt Nam có 532 người nhiễm virút cúm A/H1N1. Đó là số liệu của Bộ Y tế. Nhưng chắc chắn con số này không phản ảnh đúng tình trạng thực tế, bởi vì còn rất nhiều ca khác cũng bị nhiễm nhưng chưa được xét nghiệm mà thôi.

· Cho đến nay, không có ai chết vì cúm A/H1N1.

· Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho biết mỗi năm có 70.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, và hàng trăm ngàn người sốt rét, lao phổi, cúm mùa, tiêu chảy, v.v…

Những sự thật trên cho thấy cúm A/H1N1 không nguy hiểm như chúng ta tưởng. Ở Úc, đã có hơn 10 ngàn ca bệnh và 20 ca tử vong (chưa biết tử vong vì cúm A/H1N1 hay nguyên nhân khác), nhưng Nhà nước Úc không nói đến việc huy động “hệ thống chính trị”, không đóng cửa trường học, không biến nơi dịch cúm được phát hiện thành “nhà thương dã chiến”, và không cách li bệnh nhân như là một tội phạm.

Ở Mĩ, cục phòng chống và kiểm soát bệnh thậm chí ngưng làm thống kê số ca bệnh H1N1. Họ cho rằng cúm A/H1N1 đã xâm nhập môi trường và chúng ta phải sống chung với virút này như sống chung với hàng ngàn virút khác mà thôi. Có lẽ Bộ Y tế cũng nên ngưng làm thống kê, vì những con số thống kê này chẳng có ý nghĩa gì trong việc phòng bệnh? Nếu con số đáng tin cậy, nó cho chúng ta biết về qui mô của vấn đề. Nhưng ở đây, tự nó đã là con số không đáng tin cậy, nên dù có công bố thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế. Làm thống kê như thế không cần thiết, mà còn tốn công, và chẳng biết hiệu quả là gì.

Nói đến hiệu quả, tôi phải hỏi mục tiêu cuối cùng của [sự huy động hệ thống chính trị và toàn dân mà Thủ tướng nói] là gì? Để tiêu diệt virút H1N1? Để ngăn chận lan truyền H1N1? Theo tôi cả hai mục tiêu đều không đạt được. Nếu làm việc mà không đạt được mục tiêu thì cần phải xem lại việc làm đó có đúng không.

Chúng ta không thể hoàn toàn tiêu diệt virút H1N1 (hay bất cứ virút nào) trong môi trường. Virút cũng như năng lượng, tức có khả năng biến (tiến) hóa thành một virút mới. Nói cách khác, virút H1N1 đã đến và sẽ tồn tại với chúng ta. Đừng ảo tưởng nghĩ rằng con người có thể xóa bỏ virút H1N1! Trong khi con người chúng ta cần 1000 năm để tiến hóa thì virút và vi trùng có thể tiến hóa trong vòng 1 ngày.

Một khi virút đã tồn tại với chúng ta, chúng sẽ lan truyền sang kí chủ khác. Kích thước nhỏ của virút là một lợi thế của chúng: chúng có thể tồn tại với một số lượng cực kì đông đảo. Kích thước của virút H1N1 chỉ bằng khoảng 1 phần 10.000 mm. Một giọt nước cũng có thể hàm chứa 1 tỉ virút. Mỗi chúng ta mang trong người khoảng 5 tỉ tế bào virút, phần lớn là ở trong hệ thống tiêu hóa và hô hấp. Với số lượng khổng lồ này, ngay cả với một tỉ lệ tiến hóa rất thấp, các virút có thể biến hóa khôn lường mà chúng ta không thể nào tiên lượng một cách chính xác được.

Đứng trên phương diện miễn nhiễm học, một đại dịch có thể thay đổi sự phân phối gen của một dân số một cách đột ngột. Những người mắc bệnh và sống sót sẽ có khả năng đề kháng virút trong tương lai, bởi vì họ tích tụ trong cơ thể một hàm lượng lymphocyte có thể sản xuất kháng thể chống lại các virút gây bệnh. Nhìn như vậy thì chúng ta sẽ thấy đại dịch H1N1 không phải là cái gì quá nguy hiểm để chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị và quần chúng để chống nó.

Cách làm hiện nay của Nhà nước Việt Nam có thể làm cho các quan chức Tổ chức y tế thế giới (WHO) hài lòng và gật đầu khen Việt Nam giỏi. Có thể WHO sẽ tài trợ thêm để tiếp tục phòng chống H1N1. Nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của Nhà nước là đối với người dân Việt Nam (chứ đâu phải làm hài lòng một vài công chức của WHO để được khen). Rất tiếc là hiện nay, người dân lại là nạn nhân của các biện pháp cực đoan của Bộ Y tế.

Nếu cần thì nên huy động hệ thống chính trị và quần chúng để phòng chống các bệnh quan trọng khác (như cúm mùa, lao phổi) và tai nạn giao thông. Đừng chỉ vì con virút H1N1 mà bỏ quên những bệnh nguy hiểm đó!

NVT

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Có nên đóng cửa trường học vì cúm H1N1 ?

Đọc bản tin dưới đây và xem qua vài tấm hình tôi thấy sao mà tội nghiệp học trò Việt Nam quá.

http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2009/07/859982/

"Phía sau hàng rào “cách ly đặc biệt”

Hàng trăm em học sinh sống trong khu vực cách ly của những ổ dịch cúm hoành hành phải chịu cảnh “giam lỏng” từng ngày. Sinh hoạt, ăn uống của các em bị đảo lộn, nhiều em bắt đầu có tâm trạng buồn tủi, muốn về nhà."

Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam càng ngày càng lan rộng, nhưng sự lan rộng vẫn nằm trong tiên đoán của qui luật dịch tễ học. Có thể nói đây mới là giai đoạn 2, tức là lây lan trong cộng đồng; đến giai đoạn 3 khi mà virút đã “bảo hòa” thì có lẽ chẳng còn ai quan tâm nữa, vì lúc đó chúng ta phải sống chung với một virút mới thôi. Cục phòng chống và kiểm soát bệnh (CDC) đã tuyên bố rằng họ không cập nhật số ca bệnh cúm H1N1 nữa, vì không cần thiết.

Nhưng điều đáng nói là biện pháp đối phó với dịch cúm H1N1 của các giới chức y tế Việt Nam. Theo dõi báo chí (như bài vừa đề cập) tôi thấy họ phản ứng với dịch cúm có vẻ quá cực đoan. Tính cực đoan thể hiện ở biện pháp đóng cửa trường, cách li bệnh nhân, hay biến trường học thành “bệnh viện dã chiến” mà thực chất là nhà tù cho học sinh! Tại sao lại có những biện pháp mạnh và cực đoan như thế? Chẳng ai biết, vì họ chẳng giải thích cho người dân biết. Có bằng chứng khoa học nào cho thấy biện pháp cực đoan như thế sẽ giảm lây lan ? Theo tôi biết là chẳng có bằng chứng khoa học nào cả. Do đó, tôi nghi ngờ rằng biện pháp cực đoan như thế là phản khoa học.

Nhìn sang nước ngoài họ làm ra sao? Ở Úc, tình trạng virút H1N1 lây lan trong cộng đồng đã diễn ra từ hơn một tháng trước. Nhiều trường chung quanh tôi ở có nhiều ca bệnh cúm xác nhận là do virút H1N1. Nhưng họ không đóng cửa trường. Biện pháp của Úc có thể nói là nhẹ nhàng và hữu hiệu: họ chỉ dẫn cho trường học và phụ huynh cách nhận dạng bệnh nhân sớm và gửi về nhà để bác sĩ điều trị. Không có chuyện cách li bệnh nhân. Không có chuyện biến trường học thành nhà tù cho học sinh bệnh nhân.

Ở Mĩ, Cục CDC trước kia cũng có chính sách đóng cửa trường học, nhưng sau khi xem xét lại thông tin về H1N1 và độ nghiêm trọng, bây giờ họ khuyến cáo không nên đóng cửa trường học. Biện pháp giảm lây lan H1N1 của Mĩ cũng rất giống với Úc.

Vậy thì trong trường hợp ở Việt Nam, nên làm gì? Tôi đề nghị ba biện pháp như sau:

Thứ nhất là phát hiện triệu chứng sớm. Trong điều kiện bất định như thế, phương án tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay mỗi trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, có sẵn kế hoạch phòng chống cúm H1N1. Một kế hoạch phòng chống được xem là hữu hiệu nhất là sớm nhận dạng hay phát hiện những trường hợp cúm. Những triệu chứng để nhận dạng sớm bao gồm nóng sốt trên 37 độ; đau cổ họng; nhức đầu; ho và sổ mũi; ói mửa; mệt mỏi; v.v… là những tín hiệu cho thấy bệnh nhân có thể nhiễm virút H1N1. Một khi phát hiện bệnh nhân qua các tín hiệu trên, nhà trường thường đề nghị bệnh nhân không nên đến trường, nên ở nhà và nhờ bác sĩ điều trị. Kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy bệnh nhân nhiễm virút H1N1 thường hồi phục trong vòng 1 tuần.

Thứ hai là vệ sinh. Một khi một trường học hay cơ quan có người bị nhiễm virút H1N1, thì đó cũng là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa, v.v... đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm H1N1 cho người khác. Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy virút phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25 độ C, virút H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virút “lưu trú” như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh, v.v… một cách triệt để.

Thứ ba là rửa tay và vệ cẩn trọng khi hắt hơi. Hiện nay, đường lây lan chính của virút H1N1 là từ người sang người. Do đó, một khía cạnh phòng chống nhiễm H1N1 là ở mức độ cá nhân. Một lượt hắt hơi thải ra khoảng 20.000 hạt nhỏ (còn khi ho chỉ sản sinh chừng vài trăm hạt). Những hạt lớn nhất sẽ rơi xuống đất trong vòng vài mét. Những hạt còn lại bay xa hơn tuỳ theo kích cỡ. Những hạt nhỏ có đường kính 1-4 micromét có thể lơ lững trong một thời gian dài và chui xuống tận đường hô hấp dưới. Do đó, khi hắt hơi, cần phải che mũi bằng giấy tissue, hay trong điều kiện không có giấy tissue cũng nên lấy tay che mũi để giảm lây lan sang người khác. Ngoài ra, cần biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà bông. Thói quen này được xem là một biện pháp phòng ngừa virút cúm rất hữu hiệu ở qui mô cộng đồng.

Một số thông tin khoa học mới nhất cho thấy virút H1N1 không có mức độ độc hại đáng kể như những đại dịch vào đầu thế kỉ 20. Thật vậy, cho đến nay, tỉ lệ tử vong vẫn còn rất thấp (dưới 0,5%), tức thấp hơn so với cúm mùa thông thường. Cần nói thêm rằng mỗi năm có hơn 100.000 người chết vì những bệnh cúm mùa, và 150.000 người chết vì bệnh lao phổi.

Tuy không có thống kê chính xác, nhưng nếu kinh nghiệm từ các nước Âu Mĩ là một bài học, chúng ta cũng có thể suy luận rằng số người mắc bệnh và tử vong vì cúm mùa và truyền nhiễm nhiều hơn số người nhiễm virút H1N1.

Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch H1N1 là một định hướng đúng, nhưng các bệnh cúm thông thường khác hay các bệnh truyền nhiễm khác còn nguy hiểm hơn cả cúm A/H1N1. Chúng ta không nên vì một bệnh hay virút mới mà xao lảng những bệnh thông thường nhưng nguy hiểm hơn virút mới.

NVT

Bàn tay che mặt trời!

Đây là bài xã luận thứ 5 của nhóm kiến nghị bauxite Việt Nam. Tôi và hàng ngàn người khác kí tên vào bản kiến nghị ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với hi vọng Nhà nước sẽ lắng nghe, nhưng hình như họ có lắng nghe, có đọc mà vẫn làm theo những gì họ đã hứa với Trung Quốc. Buồn.

Nhìn tổng thể, tôi có cảm giác nước mình bị bao vây khắp nơi. Ở Tây Nguyên, người TQ đã có mặt (và họ cũng có mặt ở Campuchea chỉ cách Tây Nguyên 26 km). Người TQ cũng có mặt ở các tỉnh giáp biên giới. Còn trên biển Đông thì TQ đang lộng hành bắn giết ngư dân mình. Trước tình hình như thế, thật khó hiểu nỗi tại sao Nhà nước VN vẫn "go ahead" với dự án bauxite ở Tây Nguyên. Hay là Vũ Minh Khương nói đúng ?

NVT

===


Mười giờ mười chín phút đêm thứ Năm 23 tháng Bảy năm 2009, trang mạng Vietnamnet vẫn còn thức, và nhờ nó đang thức mà bạn đọc cả nước vốn lo lắng cho vận mệnh nước nhà được đọc một bản tin có tiêu đề “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít“. Cầu mong cho bản tin này không bị bóc vào sáng sớm hôm sau! Cầu mong ân đức tổ tiên phù hộ để các tờ báo đang buộc đi trên lề bên phải sẽ cùng đưa tin này, đưa tin khách quan như một cách bày tỏ thái độ của báo mình trước một vấn đề vô cùng nóng bỏng của đất nước.

Riêng Bauxite Việt Nam thì không thể không bày tỏ thái độ – hàng nghìn chữ ký của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước cùng ba triệu rưỡi lượt truy cập trang mạng sau ba tháng hoạt động chắc chắn đang chờ một tiếng nói chung gửi trong bản xã luận số 5 này.

Hãy nhớ lại cách đây đúng 11 ngày, ngày 12-7-2009, ông Quyền Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn đã tuyên bố với báo chí một cách ngon lành, rằng chưa có chuyện cấp phép các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, bởi lẽ các dự án này còn thiếu đánh giá tác động môi trường bổ sung, hoàn nguyên môi trường (phapluattp.vn), đến nỗi trang mạng BBC thấy chuyện lạ, phải trực tiếp phỏng vấn ông ta rồi mới đưa tin chứ không vội tin vào báo chí trong nước (bbc.co.uk). Nhưng dư luận công chúng thì đâu có dễ tin đến thế. Trên mạng Bauxite Việt Nam, khi đưa lại nguồn tin BBC, chúng tôi đã đặt một giả thuyết: “Đã cho phép xây nhà máy tốn hàng trăm triệu đô la rồi lại không cấp phép khai thác? Nghe mà tưởng cái Chính phủ này vốn thích chơi ngông như Công tử Bạc Liêu! Còn nói “chưa” để rồi “sẽ cấp” thì nói làm gì cho thêm rắc rối. Bạn đọc cứ so sánh cách nói lập lờ đoạn trên và đoạn dưới của ông Nguyễn Văn Thuấn thì đoán ra ngay đây chỉ là một cú đánh lừa dư luận… không được ngoạn mục cho lắm. Ông Thuấn nói việc dư luận đông đảo phản đối dự án khai thác bauxite mấy tháng qua là “làm ầm ỹ lên”. Thì chính vì nghĩ quẩn/xuẩn thế nên những kẻ có trách nhiệm mới phải cho một người cỡ ông ra “chữa cháy” (bauxitevietnam.info)

Quả nhiên, đến hôm nay mọi sự đã quá rõ ràng. Chỉ trong vẻn vẹn 11 ngày mà các dự án bauxite đã làm xong đâu đấy việc “đánh giá tác động môi trường bổ sung” cũng như “hoàn nguyên môi trường” (khi đưa ra lời tuyên bố trong ngày 12 hẳn ông Thuấn phải biết rõ những việc ấy chưa được tiến hành, chứ lẽ đâu đang làm sắp xong mà cấp trên lại lệnh cho ông “phát loa” để mọi người chắc mẩm?!)? Thì ra là Nhà nước chúng ta, với các tập đoàn lợi ích châu xung quanh nó, vốn nổi tiếng là trì trệ, tắc trách bậc nhất, nay phút chốc bỗng mang đôi cánh thiên thần!

Nội dung bản tin “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít” cho ta thấy lần này ông Hoàng Trung Hải tỏ ra rất dũng cảm, một mình đứng ra làm hết – dĩ nhiên là nấp sau cái mộc che chắn gồm có Kết luận của Thủ tướng (được Vietnamnet cập nhật lúc 23 giờ 12 phút, cũng vào ngày thứ Năm 30/04/2009, trong bản tin có tiêu đề là một lời hứa của Thủ tướng “Sẽ báo cáo Hội nghị Trung ương và Quốc hội về bô-xít“) và Kết luận của Bộ Chính trị về khai thác bô-xít (vietnamnet.vn và toquoc.gov.vn)

Bên cạnh đó, qua cái gọi là những việc đã làm do ông Hoàng Trung Hải kể ra, chúng ta còn thấy những đầu việc được ông Hải nêu lên như những việc đã rồi này dẫu sao cũng giải đáp cho dư luận chân chính hiểu rằng những điều đáng ngờ trong các dự án bauxite Tây Nguyên là có thực.

Dư luận ngờ vực rằng các dự án đó chuẩn bị không kỹ về thăm dò, về giải pháp kỹ thuật khai thác và chế biến, về những bất cập trong bảo vệ môi trường thậm chí là những phá hoại môi trường, về khả năng sinh lợi của các dự án… thì nay, qua các đầu việc chúng ta được thấy bây giờ các ngài mới vội vã nào lập đề cương này, nào điều chỉnh kế hoạch kia. Những đề cương và những kế hoạch điều chỉnh đó xứng đáng được xếp vào hạng mục những chứng cứ của hiện tượng “lạy ông tôi ở bụi này”. Chưa kể là vẫn còn chuyện này phải xét tiếp: các đề cương đó có khả thi không và những kế hoạch điều chỉnh đó có hiện thực không, thì vấn đề vẫn còn bị gác lại đó.

Dư luận ngờ vực rằng trong việc xây dựng các dự án bauxite Tây Nguyên có chuyện lách luật. Thì lần này, qua các “đầu việc” được ông Hoàng Trung Hải báo cáo, ta lại tóm được đủ chứng cứ của hiện tượng đang bị ngờ vực đó. Cái đuôi con cáo già đã thò ra, và phải là người thiếu trung thực lắm, phải là người không còn có chút ý niệm gì nữa về đạo làm người (không nói là người lãnh đạo) thì mới nghĩ rằng các “dự án con” dưới 600 triệu đô-la Hoa Kỳ ở đây không có chút liên hệ gì giữa những bộ phận với một tổng thể.

Dư luận hoàn toàn có lý khi ngờ vực năng lực của Tổng Công ty Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong thời gian qua, báo chí đã chỉ rõ cái năng lực làm liều của TKV trong toàn cảnh môi trường miền than Đông Bắc đất nước bị tàn phá đến cùng cực như thế nào (xin xem: tuoitre.com.vn 1, 2, 3, 4). Tiếc rằng, biết bao nhiêu món hời trong “báo cáo đầu việc” của ông Hoàng Trung Hải lại vẫn tiếp tục được giúi vào tay TKV – hơn thế nữa, lại còn tạo thuận lợi cho TKV móc nối với các nhà thầu nước ngoài – đó là những nhà thầu nào thì dư luận ngay từ khuya đã đoán được: nhà thầu nào mà đến giờ phút này vẫn được TKV giao cho đôn đốc hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật đấu thầu cách xử lý bùn đỏ?

Nhưng qua chuyện “Tiếp tục cấp phép thăm dò các mỏ khai thác bô-xít” lần này, điều đau khổ kéo dài cho những ai còn có ý thức mình là người Việt Nam là ở hai hiện tượng sau:

1) Dư luận dân sự chân chính tiếp tục bị coi khinh;

2) Quốc hội đánh trống bỏ dùi, từ bỏ chức năng làm luật và giám sát thi hành luật của mình.

Dư luận dân sự bị coi thường, thậm chí khinh rẻ, thể hiện ở chỗ không hề có một phản hồi nào của nhà cầm quyền, dù chỉ là để giải thích, giảng giải về công việc của các dự án bauxite Tây Nguyên, chưa nói gì đến những cuộc đối thoại thẳng thắn để đi tìm giải pháp chung gỡ mối lo bauxite cho nhân dân. Mối lo bauxite đâu có nằm một mình? Nó được đặt ra trong bối cảnh “phía đối tác” vẫn tiếp tục cho “tàu lạ” đâm vỡ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam; trong bối cảnh ở ngay sát lưng miền Tây Nguyên nước Việt họ đã thuê được cả một vùng đất mênh mông của nước bạn trong chín mươi chín năm!

Ấy thế nhưng Quốc hội Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, vẫn bình chân như vại, chẳng thèm nói có và cũng chẳng thèm nói không, chưa ra ngô ra khoai gì đã tạo dư luận “đồng thuận rồi”, mặc dù cái “đồng thuận” ấy mới chỉ là mấy lời bàn luận qua quít rồi bỏ đó, thử hỏi kỷ cương phép nước như vậy thì còn ra sao nữa?

Vì kỷ cương không ra gì, nên cuộc sống mới nhiễu nhương, mới có tình trạng các dự án quyết định vận mệnh cả dân tộc, lại được ra đời theo lối sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

Chắc chắn đằng sau vụ việc này phải có một thế lực nào đó đang thao túng tất cả và bảo lãnh cho tất cả. Nếu không, một bàn tay ngắn củn sao dám che cả mặt trời?

24-7-2009
Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Phòng bệnh ung thư bằng sống sạch ?

Đáng lẽ tôi không bình luận về những lời bình luận của các chuyên gia về chuyện ung thư, nhưng đọc bài “Phát ngôn và hành động ấn tượng” sau đây trên TuanVietNam, tôi phải có vài hàng để gọi là ghi chú.

Theo GS TSKH Lê Thế Trung nận định thì “"80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở,” và từ đó ông kết lậun “Do đó, ăn sạch, uống sạch, sống ở môi trường trong sạch sẽ hạn chế được 80-90% nguy cơ mắc bệnh ung thư". Ở đây có hai vấn đề:

(a) có phải thật sự ăn, uống, thở là nguyên nhân của 80-90% ca ung thư ? Cơ sở khoa học của con số này là gì, ở đâu ?

(b) và, nếu 80-90% ung thư là do ăn, uống, thở thì có phải ăn sạch, sống trong sạch sẽ hạn chế 80-90% ung thư?

Tôi cho rằng không có cơ sở khoa học nào để phát biểu như thế (dù vị đồng nghiệp là “GS TSKH”). Không có bằng chứng nào để nói rằng 80-90% trường hợp ung thư là do ăn, uống, và thở cả. Chẳng hạn như ung thư phổi, có ước tính cho rằng 80-85% ca ung thư phổi là do hút thuốc lá, nhưng con số này vẫn còn trong vòng tranh cãi, bởi vì ung thư không phải do một mà là nhiều yếu tố tương tác nhau, cho nên qui chiếu cho một yếu tố cụ thể nào đó là một việc làm rất phản khoa học và không bao giờ thuyết phục được ai cả.

Ngay cả yếu tố A gây ung thư, thì can thiệp vào yếu tố A vẫn chưa chắc ngăn ngừa được ung thư. Trong y khoa, không có mối liên hệ deterministic như trong toán học. Ai dám phát biểu như thế thì quả là quá can đảm!

Một trong những phát biểu của các chuyên gia mà chúng ta thường hay nghe là truy tầm ung thư để phát hiện sớm thì sẽ cứu sống bệnh nhân. Trong vài trường hợp thì phát biểu này có thể đúng, nhưng trên qui mô quần thể thì phát biểu này … sai. Không phải cứ truy tìm ung thư là có thể giảm ung thư. Đã có rất nhiều nghiên cứu nghiêm chỉnh (nhấn mạnh: nghiêm chỉnh) cho thấy các chương trình truy tìm ung thư không giảm nguy cơ tử vong từ ung thư. Thật ra, có nghiên cứu cho thấy ngược lại: những người tham gia vào các chương trình này chết sớm hơn những người không tham gia! Nói nôm na theo người Việt mình là thà không biết bệnh có khi có lợi hơn là biết!

Người Mĩ họ tranh luận về chuyện này (các chương trình truy tìm ung thư hay screening) khá nhiều, nhưng ở Việt Nam, cho đến nay chúng ta chỉ nghe một chiều từ các vị chuyên gia, mà không ai phản biện họ cả. Thật ra, các vị gọi là chuyên gia này bản thân họ cũng chưa bao giờ nghiên cứu, nên họ chỉ nói theo các chuyên gia ngoại quốc mà họ chọn để tin!

Tôi sẽ quay lại đề tài này khi có dịp. Tôi có viết một cuốn sách về vấn đề này, nên cũng có tư cách để phát biểu. Nhưng ở đây tôi muốn nói rằng đừng bao giờ tin vào chuyên gia (và cũng đừng tin tôi), phải sáng suốt xử lí thông tin để tự mình đi đến quyết định cho chính mình.

NVT
===

http://www.tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/7552/index.aspx

"Né" ung thư bằng phòng bệnh và sống sạch

Là người bỏ nhiều thời gian nghiên cứu những bài thuốc đông y chữa trị ung thư, GS-TSKH Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, khẳng định: Một số bài thuốc đông y có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư chứ đông y không thể chữa khỏi hẳn được căn bệnh này như phần lớn những ông lang vẫn quảng cáo.

"80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở. Do đó, ăn sạch, uống sạch, sống ở môi trường trong sạch sẽ hạn chế được 80-90% nguy cơ mắc bệnh ung thư", GS Trung nói.

Cùng với việc cho rằng "bệnh ung thư sẽ không phải quá nguy hiểm nếu phát hiện sớm" thì những "cảnh báo" kể trên về các ông lang vườn quảng cáo chữa được ung thư cũng là điều hữu ích với nhiều người để khỏi tiền mất, tật mang. (VTC News, 23/7)

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Đường về quá xa vời ?

Lâu lâu đọc được một bài có “content” như bài “55 năm Geneva: Hàn gắn giới tuyến trong lòng người” dưới đây. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét rằng một thời gian dài người ta “say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy…”. Đó là chuyện ngay sau năm 1975, nhưng thật ra, cho đến nay quan điểm này vẫn còn đó. Thỉnh thoảng báo chí trong nước vẫn viết “ngụy quân, ngụy quyền” hay gọi sách mé các tướng lãnh và sĩ quan VNCH. Lòng người vẫn còn chia cách đấy, chứ chưa hàn gắn gì đâu.

Ở trong nước, theo tôi thấy, không ít người miền Nam luôn mặc cảm là “người thua trận” và nhiều người phía Bắc dương dương tự đắc là “kẻ thắng trận”. Là người thua trận, người miền Nam chịu nhiều thiệt thòi. Họ biết những ngành nghề mà con em họ khó có thể bước chân vào được (như ngoại giao, hải quan, dầu khí, v.v…). Còn giới chuyên môn thì biết thân không nên xin tài trợ từ các dự án cấp Bộ hay cấp Nhà nước vì theo luật bất thành văn đó là dự án cho đồng nghiệp phía Bắc. Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc). Một qui ước bất thành văn nữa là người miền Nam không được giữ những chức chủ tịch hiệp hội chuyên môn (vì chỉ dành cho người miền Bắc, kẻ thắng trận); người miền Nam chỉ làm ... phó. Ngay cả cái ủy ban về sông Cửu Long nhưng trụ sở thì nằm ở ngoài ... Hà Nội! Ai cũng biết mà chẳng ai muốn nói ra. Có tín hiệu cho thấy người Nam không tin vào người Bắc (và có lẽ Người Bắc cũng chẳng tin vào người Nam). Tôi thấy Việt Nam dù trên danh nghĩa đã thống nhất nhưng trên thực tế và ở nhiều khía cạnh vẫn là hai nước.

Còn Việt kiều? Đúng như tác giả Hoàng Thư đặt câu hỏi mà cũng là trả lời “phải chăng đường về trong tâm tưởng đối với nhiều kiều bào vẫn còn xa vời?”. Tại sao vậy? Tại vì, theo tác giả Hoàng Thư là: “khi họ (kiều bào) nêu ra các ý kiến phản biện xã hội (có thể trái chiều), lòng nhiệt tình, tâm huyết của họ đôi khi không được hồ hởi đáp lại… Sự phân biệt đối xử còn thể hiện ở cả các chi tiết có lẽ nhỏ bé, như chính sách ‘hai giá’ áp dụng cho người Việt và kiều bào trong nhiều lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ. Hoặc đây đó vẫn còn thái độ kỳ thị, thiếu tin tưởng, nhìn nhận Việt kiều như những tay buôn lậu hoặc gián điệp tiềm ẩn.”

Nói đến sự phân biệt, xin chia sẻ cùng các bạn một văn bản chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính sách đối với các giáo sư Việt kiều như sau:

2. Các GS Việt kiều có tư cách hợp lệ để cung cấp dịch vụ tư vấn nếu họ chấp nhận mức chi trả theo định mức trong nước theo quy định.”

Nhưng các giáo sư người Mĩ thì họ được chi trả theo giá của người nước ngoài! Tôi vẫn biết tâm lí “bụt nhà không thiêng” của người mình, nhưng tôi thật không ngờ các quan chức trong Bộ GDĐT có thể hạ bút viết ra cái qui định trên.

Cái này không phải là phân biệt thì là cái gì ? Tại sao một người giáo sư Mĩ hưởng quyền lợi hơn một giáo sư gốc Việt ở Mĩ ? Chính sách của Bộ GDĐT tự đánh giá thấp người Việt. Người mình với nhau mà còn như vậy thì đừng trách người ngoài khinh mình.

Ấy thế mà một mặt Nhà nước dùng biết bao mĩ từ để kêu gọi các chuyên gia Việt kiều về góp phần xây dựng quê hương, nhưng mặt khác thì trên giấy trắng mực đen họ khinh thường Việt kiều. Đúng là “nói một đường làm một nẻo”! Vậy thì đừng có trách tại sao con đường về của Việt kiều còn quá xa vời.

Tôi lại nhớ chuyện xưa tích cũ … Hồi xưa, gần 30 năm về trước, khi rời Việt Nam, ai cũng nghĩ là một đi không trở lại. Bởi vậy nên mới có những ca khúc “Người di tản buồn”, hay ca khúc gì (tôi quên tên) có câu: Đến bao giờ trở về Việt Nam / thăm đồng lúa vàng / thăm con đò ven sông … Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi / Tôi mong ngày về từng phút người ơi / Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi / Cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời / Bây giờ mình đã đôi nơi / bây giờ buồn lắm người ơi. Nói tóm lại, văn chương thời đó chỉ nói lên tâm trạng khắc khoải xa quê, và không có hi vọng gì trở về cố hương.

Thế rồi thời cuộc đổi thay, đùng một cái “người di tản buồn” có thể về Việt Nam. Con số người Việt Nam ở nước ngoài về thăm Việt Nam càng ngày càng đông, và đến bây giờ thì chuyện về Việt Nam không còn là điều gì khó khăn nữa. Có không ít người đã hồi hương sống hẳn ở trong nước, và không ít người khác cũng có dự tính sẽ về sống ở Việt Nam trong những năm cuối đời.

Nhưng khi đã va chạm thực tế với hệ thống “hành là chính” và môi trường làm việc ở Việt Nam, đã không ít người Việt có ý định quay về phải thở dài, thậm chí bỏ ý định đó. Đối với nhiều Việt kiều, đường về đúng là vẫn còn xa, và câu hát “bây giờ buồn lắm người ơi” hình như vẫn còn đúng một phần. :-)

NVT

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Khẩu trang và H1N1

Tình hình dịch cúm H1N1 lan nhanh trên toàn thế giới đến nổi Tổ chức y tế thế giới không muốn làm thống kê để theo dõi nữa. Ở Việt Nam, cúm H1N1 có xu hướng càng ngày càng lan rộng như chúng ta có thể dự đoán dễ dàng. Dù chưa ai chết vì cúm H1N1 ở Việt Nam, nhưng phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh, nên tôi có thể hiểu được sự quan tâm của các giới chức y tế.

Bài báo trên VNN cho biết rằng các giới chức y tế đã phát hiện một ổ dịch: trường Ngô Thời Nhiệm (TPHCM). Thế là các quan y tế đến đó để thị sát tình hình ra sao. Nhìn mấy hình các quan y tế đến trường tôi thấy … sao ấy. Nó làm tôi nhớ đến câu mà người Tây phương hay nói là “busy of doing nothing”, tức là bận rộn chẳng làm chuyện gì cả. Thật vậy, hình dưới đây cho thấy các quan y tế người thì đứng hai tay chấp sau lưng, người thì chấp tay trước ngực, kẻ thì chống nạnh, v.v… nhưng chẳng làm gì cả. Ngay cả hình ông bộ trưởng đứng nhìn bệnh nhân cũng xớ rớ và thừa thải.




Một điểm đáng chú ý nữa là trang phục của một số quan chức vừa giống như trang phục trong phòng giải phẫu vừa như là … phi hành gia. Và, điều đáng chú ý nữa là ai cũng đeo khẩu trang.
Nói đến khẩu trang là nói đến một khía cạnh khá cảm tính. Từ lúc SARS, rồi đến cúm H5N1 cho đến nay, mỗi khi dịch xảy ra là người ta đeo khẩu trang. Hôm đi về Việt Nam, tôi thấy hành khách trên máy bay đeo khẩu trang trông rất buồn cười. Đến khi tới phi trường Tân Sơn Nhất, nhân viên hải quan đều đeo khẩu trang.
Tôi phải tự hỏi khẩu trang có hiệu quả ngăn ngừa sự lây lan của virút cúm hay không? Cho đến nay, tôi chưa thấy bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy khẩu trang có tác dụng giảm lây lan virút cúm cả.
Thật ra, có bằng chứng ngược lại thì đúng hơn. Một nghiên cứu của đồng nghiệp tôi (Đại học New South Wales) mới công bố trên tập san Emerging Infectious Diseases cho thấy người đeo khẩu trang có nguy cơ bị bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang! Trong nghiên cứu này, họ tuyển 290 người từ 145 gia đình, sau đó họ ngẫu nhiên chia thành 3 nhóm: nhóm 1 đeo khẩu trang P2 (tức khẩu trang bán ngoài thị trường); nhóm 2 khẩu trang thường dùng trong bệnh viện; và nhóm 3 không đeo khẩu trang. Họ theo dõi khoảng 1 năm và kết quả cho thấy tỉ lệ mắc bệnh cúm trong 2 nhóm đeo khẩu trang là 18%, còn nhóm không đeo khẩu trang có tỉ lệ mắc bệnh cúm là 16%. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh cúm ở nhóm đeo khẩu trang cao hơn nhóm không đeo khẩu trang 11%!
Nhưng đeo khẩu trang là một bất tiện, nên không ngạc nhiên khi thấy dưới 50% các đối tượng tham gia nghiên cứu chịu đeo khẩu trang trong thời gian nghiên cứu. Do đó, chúng ta chưa biết nếu tất cả các đối tượng đều đeo khẩu trang thì hiệu quả sẽ ra sao. Một nghiên cứu trước đó trả lời câu hỏi này: không có hiệu quả.
Như vậy, cho đến nay, chúng ta chưa có bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang giảm nguy cơ lây lan virút cúm. Chính vì thế mà ở Úc và các nước như Mĩ người ta không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang. Do đó, tôi nghĩ có lẽ người dân nên biết sự thật này để tiết kiệm một ít tiền cho chuyện khác thay vì mang vào cái khẩu trang khá bất tiện đó.

NVT

Tài liệu tham khảo:

MacIntyre CR, et al. Face Mask Use and Control of Respiratory Virus Transmission in Households. Emerging Infectious Diseases 2/1/2009.

Cowling BJ, et al. Preliminary findings of a randomized trial of non-pharmaceutical interventions to prevent influenza transmission in households. PLoS One. 2008;3:e2101.





Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Nên cởi mở với ý tưởng mới, táo bạo

Hôm đầu tháng 7 nhân chuyến về quê, tôi có ghé qua tòa soạn báo Tuổi Trẻ thăm một người bạn là một biên tập viên của tờ báo, và thế là một cuộc trao đổi / phỏng vấn chớp nhoáng diễn ra. Lần này chị Loan hỏi tôi về chuyện năng suất khoa học của VN vốn là đề tài tôi cũng quan tâm. Thế là tôi có dịp nói ra những ý mình muốn nói (hay đã nói ở các diễn đàn khác). Hôm đó, còn có anh phóng viên hình đến chụp rất nhiều hình, anh nói là để sau này có dịp sẽ sử dụng nó. Sợ nhất là anh ta cho lên báo mấy tấm hình tay chân múa may thì rất kì, nhưng tôi tin anh không làm chuyện đó. :-) Kèm theo đây là nội dung trao đổi hôm thứ Sáu đó.

Tựa đề là cho Tuổi Trẻ đặt, nhưng tôi thấy cũng hợp nên sẽ sử dụng nó như là tiêu để của entry đầu tuần này.


Bài này có một bảng số liệu nhưng tôi không thể post lên blogspot được (cũng là một hạn chế đáng kể của blogspot vì muốn gửi hình rất khó khăn và nhiêu khê). Bạn đọc nào muốn tìm bảng số liệu có thể đọc qua trang web này:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=327101&ChannelID=119

NVT

===

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=327101&ChannelID=119
Chủ Nhật, 19/07/2009, 07:03 (GMT+7)

Nên cởi mở với ý tưởng mới, táo bạo

TTCT - Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Tuấn làm việc tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan và Đại học New South Wales (Sydney, Úc), đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về thực trạng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Phân phối quỹ nghiên cứu theo kiểu... đấu thầu xây dựng

* Từng thuyết trình ở Việt Nam về kỹ năng trình bày, viết báo cáo khoa học cho y dược sĩ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thực trạng nghiên cứu khoa học tại VN hiện nay?

- Đánh giá tình trạng khoa học của một quốc gia, người ta thường lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học để làm một thước đo quan trọng. Cách đây trên dưới mười năm, tập san khoa học danh tiếng Science có một loạt bài viết về tình hình khoa học ở các nước Đông Nam Á, và trong loạt bài đó họ không dành một chữ nào về khoa học ở Việt Nam! Thậm chí hai chữ “Việt Nam” còn không có tên trong loạt bài đó! Tôi có viết một thư phản hồi và phàn nàn về sự “bỏ sót” này, họ trả lời rằng tìm trong thư viện khoa học quốc tế không thấy Việt Nam làm được gì hay công bố được gì nên đành bỏ sót Việt Nam.

Hiện nay, mỗi năm các nhà khoa học Việt Nam ở Việt Nam công bố khoảng 1.000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này thể hiện sự tăng trưởng gấp hai lần so với năm 2004 hay 2005 và đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng mặt khác tốc độ tiến triển còn chậm và hệ quả là chúng ta vẫn thua kém các nước trong vùng.

* Cụ thể thua như thế nào? Ông có thể cho một so sánh với quốc gia gần nhất?

- Chẳng hạn so với Thái Lan thì số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của họ.
Về chất lượng, đại đa số bài báo khoa học của Việt Nam được công bố trên những tập san có chỉ số ảnh hưởng rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3 (chỉ số cao nhất khoảng 60).

Về lĩnh vực nghiên cứu, bảng sau đây liệt kê lĩnh vực nghiên cứu “top 10” của Việt Nam và Thái Lan cho thấy trái với nhiều người lầm tưởng, lĩnh vực nghiên cứu mạnh của Việt Nam không phải là toán hay vật lý mà là y học. Trong khi đó ngành vật lý lý thuyết và vật lý ứng dụng “sản xuất” được 141 bài (chiếm 15% tổng số bài báo khoa học Việt Nam) và toán 120 bài (13%). Như vậy, chỉ ba ngành y học, vật lý và toán đã chiếm khoảng 45% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam.

Trong khi đó, các lĩnh vực nghiên cứu mạnh của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học.

* Tại sao việc nghiên cứu khoa học của ta còn thua xa láng giềng như thế?

- Trả lời câu hỏi này đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu và phân tích nghiêm chỉnh. Ở đây tôi chỉ nghĩ đến một số lý do gần:

Thứ nhất là vấn đề đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn thấp. Hiện nay đầu tư cho khoa học ở nước ta chỉ khoảng 430 triệu USD nhưng phần lớn là cho xây dựng cơ sở vật chất chứ chưa phân phối đến những công trình nghiên cứu khoa học. Thậm chí với số đầu tư này mà mỗi năm Bộ Khoa học - công nghệ còn phải hoàn trả cho ngân sách khoảng 8 triệu USD vì không thể phân phối hết số tiền đó cho nghiên cứu khoa học. Do đó, vấn đề chưa hẳn là tăng đầu tư mà là đầu tư và phân phối ngân sách sao cho có hiệu suất cao.

Thứ hai là cách phân phối quỹ nghiên cứu khoa học. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ Y tế và Bộ Khoa học - công nghệ) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y học, khoa học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lý hành chính, do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu, định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước.

Thứ ba là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.

Thứ tư là thiếu những quy định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học. Chúng ta có quá nhiều nhà khoa học với chức danh giáo sư và tiến sĩ nhưng họ không làm nghiên cứu mà chỉ đảm nhận các chức vụ hành chính (gần 70% tiến sĩ giữ chức vụ quản lý và không làm nghiên cứu khoa học). Hệ quả là qua con số thống kê Việt Nam có 30.000 nhà khoa học nhưng năng suất khoa học thì quá thấp để có thể so sánh với các nước trong vùng.

Nhầm lẫn!

* Ông có thể nói thêm về những đề tài nghiên cứu không theo kịp trào lưu, định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế trong nước?

- Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta còn nhầm lẫn giữa khoa học và dịch vụ hay kiểm kê. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng than phiền nhiều luận án tiến sĩ giống như “vật trang sức”. Có thể nêu vài ví dụ như công trình về... giặt áo trong quân đội, cách sắp xếp bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban cấp tỉnh, nhu cầu điện ảnh của thanh niên, phát huy trí thức ngành y tế... Đó không phải là những công trình nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ở nước ta những đề tài như thế lại được xuất hiện dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học” cấp tiến sĩ!

* Sau Thái Lan cả 20 năm và sau Hàn Quốc cả 50 năm, khi chúng ta phát triển thì họ cũng phát triển. Làm sao khắc phục thực trạng ông vừa nêu?

- Chúng ta phải phấn đấu vượt trội. Tôi nghĩ đến những giải pháp thực tế trước mắt:

Thứ nhất, cần phải hướng đến việc công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế hay đăng ký bằng sáng chế (patent) như là một tiêu chuẩn để đề bạt vào các chức danh khoa học.

Thứ hai, cần phải xem công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế là một chỉ tiêu để đánh giá (hay “nghiệm thu”?) các công trình nghiên cứu do Nhà nước tài trợ. Có rất nhiều nghiên cứu với ngân sách hàng tỉ đồng được nghiệm thu và đánh giá là “đạt” hay “tốt”, nhưng trong thực tế chưa có một bài báo nào trên trường quốc tế và do đó không xứng với số tiền đầu tư do người dân đóng góp.

Thứ ba, cần có chính sách đãi ngộ và tưởng thưởng các nhà khoa học trẻ có công trình công bố quốc tế. Ở một số đại học tại các nước như Singapore, Thái Lan, Hong Kong... người ta thưởng khá nhiều tiền (lên đến hàng ngàn USD) cho các tác giả có công trình công bố trên các tập san quốc tế có uy tín cao. Ngay tại Úc, một số trường sẵn sàng tặng hàng ngàn đôla cho các nhà nghiên cứu có công trình đăng trên các tập san với hệ số ảnh hưởng trên 10.

Thứ tư, cần phải khuyến khích các tập san khoa học Việt Nam vươn đến tầm quốc tế. Một trong những lý do mà Thái Lan và Singapore có nhiều bài báo khoa học hơn Việt Nam là hai nước này có các tập san khoa học, kể cả tập san y sinh học địa phương, được viết bằng tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt và được Viện Thông tin khoa học (ISI) công nhận.

Đề tài khoa học từ... bàn cà phê

* Như ông nói, Việt Nam đi sau cần phấn đấu vượt bậc. Vậy có con đường riêng nào cho Việt Nam không?

- Cần phải khẳng định một thực tế rằng Việt Nam không thể cạnh tranh với các cường quốc khoa học như Mỹ, Nhật hay một cường quốc khoa học đang trên đường hình thành như Trung Quốc, nhưng điều chúng ta có thể làm được là đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực thuộc vào thế mạnh để nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Thiết nghĩ Nhà nước ngoài việc nâng cao hiệu suất đầu tư cho khoa học - công nghệ và cải cách hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải bắt đầu phát triển các chuẩn mực cho các nhà khoa học, kể cả tiêu chuẩn giáo sư, sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và không quá xa rời thực tế ở nước ta.

* Là nhà khoa học công bố nhiều công trình, ông có kỷ niệm nào lý thú không?

- Phần lớn công trình nghiên cứu của tôi đều nhắm đến những vấn đề thực tế như tiên lượng bệnh chính xác hơn qua các biến thể di truyền. Năm 1994 chúng tôi tình cờ phát hiện gen VDR có liên quan đến loãng xương do mối liên hệ giữa gen này và một biểu mô sinh học của xương. Câu chuyện bắt đầu trên một bàn cà phê kiểu “trà dư tửu hậu” nhưng kết quả lại rất tuyệt vời, vì nó mở màn cho một loạt nghiên cứu di truyền học trong xương trên thế giới.

* Bài học nào ông rút ra từ thành công đó?

- Có nhiều bài học lắm, nhưng bài học quan trọng nhất theo tôi là phải cởi mở với những ý tưởng mới và táo bạo. Có nhiều ý tưởng thoạt nghe qua hơi lạ tai, thậm chí buồn cười, nhưng khi bắt tay vào làm lại học được nhiều vấn đề. Bài học thứ hai là không nên chỉ chú tâm vào lĩnh vực của mình mà bác bỏ các lĩnh vực khác, vì khoa học ngày nay thường mang tính liên ngành và điều này đặt ra nhu cầu học hỏi, lắng nghe ý tưởng cũng như quan điểm của người khác ngành. Bài học thứ ba là phải kiên trì theo đuổi ý tưởng chứ không nên bỏ giữa chừng. Nhiều khi kết quả nghiên cứu không như mình dự đoán hay không phù hợp với giả thuyết đặt ra lúc ban đầu và mình phải tìm hiểu tại sao. Đôi khi trả lời được câu hỏi “tại sao” cũng là một thành công.

* Xin cảm ơn giáo sư.

PHAN XUÂN LOAN thực hiện

Box:
Đối với cá nhân nhà khoa học, báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là một “đơn vị tiền tệ”, là viên gạch xây dựng sự nghiệp khoa bảng. Chúng ta có không ít giáo sư chưa có công trình nào đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Như một giáo sư nhận xét gần đây: “Chín vị giáo sư - tiến sĩ khoa học là thành viên của hội đồng ngành cơ học Việt Nam không có công bố quốc tế ISI trong 10 năm qua”.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Vi dinh dưỡng

Bài này đã đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần hôm tôi có mặt ở VN nhưng chưa đọc được! Đây là bản dài hơn (và đầy đủ hơn). Tôi nghĩ vi dinh dưỡng cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng mà hình như ít ai chú ý. Ngoài ra, hôm nay hình như TTCT có đăng một bài phỏng vấn tôi về chuyện "công bố quốc tế" qua một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ở tòa soạn báo TT hôm thứ Năm tuần qua. Bạn đọc nào quan tâm thử tìm đọc xem tôi nói gì trong đó (mà tôi cũng không nhớ hết).


Phần lớn dược phẩm ngày nay được bào chế chủ yếu là ngăn chận triệu chứng của bệnh, chứ không hẳn ngăn chận bệnh. Một thuốc có giá trị thực sự phải có khả năng khắc phục những căn bệnh thoái hóa như viêm khớp xương và loãng xương, và những thuốc như thế chỉ có thể dựa vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nhưng kĩ nghệ dược có thể không mặn mà với quan điểm này.

Xuyên suốt lịch sử con người, hai căn bệnh nguy hiểm hàng đầu có khả năng giết chết nhiều người là truyền nhiễm và thương tật do tai nạn gây ra. Đối với hai bệnh này, y học hiện đại đã chinh phục xong và đạt một thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, phần lớn dân số không chết vì bệnh truyền nhiễm hay thương tật, mà chết vì những căn bệnh mang tính thoái hóa với tuổi già như bệnh tim mạch, viêm khớp xương, loãng xương, ung thư, bệnh Alzheimer, v.v…

Theo thống kê, hiện nay cứ 6 người trong độ tuổi 60 trở lên thì có 5 người mắc một trong những bệnh trên. Thuốc có thể kiềm chế triệu chứng, nhưng thuốc không có hiệu quả gì đáng kể trong việc làm thay đổi cơ chế của căn bệnh, nếu không muốn nói là thuốc còn làm cho chúng ta bị bệnh nhiều hơn vì phản ứng và biến chứng của thuốc. Cái ý tưởng “magic bullet” (viên đạn kì diệu) vào thế kỉ 19 được các nhà khoa học tin tưởng và quảng bá đã cho ra đời ra công nghệ dược học. Phần lớn thuốc dùng để điều trị bệnh tật ngày nay được sản xuất từ công nghệ này. Cái ý tưởng “viên đạn kì diệu” cho rằng chỉ cần một thuốc duy nhất để chinh phục các chứng nan y. Thế nhưng trong thực tế chiến lược này ít khi nào chữa bệnh, mà chỉ kiềm chế triệu chứng bệnh, và thường hay gây ra nhiều phản ứng có khi rất nghiêm trọng.

Có thể nói rằng y khoa hiện đại là một khoa học và nghệ thuật quản lí khủng hoảng sinh học: Chờ cho đến khi chẩn đoán, và sau đó là điều trị. Nhưng đến khi triệu chứng của căn bệnh xuất hiện, cơ thể đã bị tổn thương đến độ thuốc men không thể giải quyết được. Những bệnh thoái hóa với tuổi tác như bệnh tim mạch và bệnh Alzheimer thường trải qua một giai đoạn âm ỉ khá lâu trước khi biểu hiện triệu chứng. Nhưng chẩn đoán, một phần lớn, dựa vào triệu chứng. Thành ra, đại đa số những người bề ngoài có vẻ khỏe mạnh nhưng trong thực tế là những người ở vào giai đoạn tiền bệnh. Cơ thể chúng ta hàm chứa những “hạt giống” của bệnh tật, mà đến một ngày nào đó chúng phát triển trở nên hiển nhiên và giết chúng ta. Trong cơ thể chúng ta hiện nay, động mạch đang xơ cứng dần dần, xương đang dần dần loãng đi, các tế bào não chết dần chết mòn, và cuối cùng dẫn đến đau tim, gãy xương, hay mất trí.

Nhưng có phải những bệnh này quả là thoái hóa và vô phương cứu chữa? Y học phòng ngừa đặt trọng tâm vào giai đoạn tiền bệnh, phân tích những hư hỏng trong hệ thống nội tiết dẫn đến bệnh tật. Trường phái y học này có khả năng ngăn ngừa bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện.

Ở bình diện cá nhân, các bệnh thoái hóa thường, một phần nào đó, do các yếu tố di truyền gây ra. Ở bình diện quần thể, nhiều nghiên cứu trong người di cư cho thấy nhiều bệnh gọi là thoái hóa này, một phần lớn, do các yếu tố liên quan đến môi trường sống, cụ thể là lối sống như thói quen hút thuốc, uống rượu, vận động và chế độ ăn uống. Dinh dưỡng, hay chế độ ăn uống, là yếu tố hiển nhiên và rất dễ thay đổi. Thức ăn mà chúng ta dùng hàng ngày có ảnh hưởng sâu xa đến hệ thống nội tiết; và do đó là một phương tiện vừa thực tế vừa hữu hiệu để có thể làm thay đổi cán cân bệnh tật. Quan điểm này cũng được Liên hiệp quốc ghi nhận trong một báo cáo khoa học “Chế độ ăn uống, dinh dưỡng, và phòng ngừa bệnh mãn tính”, mà trong đó các nhà nghiên cứu chủ trương dùng chế độ ăn uống như là một phương thuốc dùng để phòng ngừa các bệnh mãn tính.

Tất cả các tế bào đều hoạt động liên tục, nhưng phía ngoài chúng lại cho người ta một ấn tượng bất biến. Ấn tượng bất biến này là một trá hình cho một tình trạng thay đổi liên tục, với quá trình hủy diệt và tái sản sinh xảy ra song song nhau trong từng giây phút. Bất cứ thời điểm nào, trong xương luôn luôn có hai tế bào hủy xương và tạo xương liên tục hoạt động. Tế bào atheroma cũng liên tục “chết” và “sống lại” bên trong các động mạch. Nếu quá trình đồng hóa (anabolic, hay tái sản sinh) và dị hóa (catabolic, hủy diệt) cân bằng, các mô trong cơ thể không bị tổn hại và sức khỏe lành mạnh. Nhưng nếu tỉ lệ phân rã nhanh hơn tỉ lệ hồi phục, một số mô và tế bào lành mạnh sẽ bị mất đi, và tình trạng tiền bệnh bắt đầu có mầm móng phát triển. Qua một thời gian dài ngấm ngầm như thế, triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Trong nhiều trường hợp, quá trình tiền bệnh này là hậu quả của vấn đề thiếu các chất mà tôi tạm gọi là đa vi dinh dưỡng (còn gọi là multiple micro-nutrient depletion).

Nhiều nghiên cứu trên qui mô quốc gia (nghiên cứu lớn nhất do Bộ Nông nghiệp Mĩ tiến hành) cho thấy tình trạng kém dinh dưỡng khá phổ biến trong các nước đã phát triển. Tình trạng “kém dinh dưỡng” ở đây không phải là thiếu calorie hay thiếu vi dinh dưỡng thường thấy trong các nước đang phát triển (thường được gọi ví von là “Suy dinh dưỡng dạng A”); nhưng là tình trạng mất cân bằng các chất vi dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng thừa calorie (còn gọi ví von là “Suy dinh dưỡng dạng B”). Trong một nghiên cứu do Bộ Nông nghiệo Mĩ tiến hành, các nhà nghiên cứu đo lường mức độ dinh dưỡng tiếp thu bằng đơn vị cổ điển là RDA (recommended dietary allowances), tức là chế độ ăn uống được đề nghị nhằm mục đích ngăn ngừa một số bệnh. Tỉ lệ phát sinh suy dinh dưỡng dạng B càng nghiêm trọng nếu các nhóm vi dinh dưỡng mới như acid béo, các chất sợi (fibre), xanthophylls, flavonoids, vân vân. Mức độ tiếp thu những chất vi dinh dưỡng này trong các nước đã phát triển rất thấp.

Tình trạng suy dinh dưỡng dạng B phổ biến trong các nước đã phát triển có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, cơ thể con người được “thiết kế” để sống một cuộc sống hoạt động tích cực, để tiêu thụ từ 3.000 đến 4.000 calories mỗi ngày. Ngày nay, xã hội chúng ta không phải là xã hội săn bắt – hái lượm như thời xưa, chúng ta sống một cuộc sống thiếu vận động và không cần nhiều calorie. Sự thèm khát của chúng ta đã suy giảm nhiều (nhưng vẫn chưa giảm nhanh tho tốc độ của xã hội chúng ta đang sống, và điều này giải thích tại sao chúng ta càng ngày càng phì ra). Khi chúng ta ăn ít, chúng ta cũng dùng ít các chất vi dinh dưỡng.

Thứ hai, phần lớn những thực phẩm làm sẵn (nhu mì ăn liền) không chứa đầy đủ các chất vi dinh dưỡng, và càng ngày chúng ta càng dùng nhiều thực phẩm loại này. Ở Anh, theo một cuộc điều tra dinh dưỡng gần đây, tỉ lệ tiêu thụ rau và trái cây giảm 7 phần trăm trong thời gian 2001 và 2002.

Thứ ba, phần lớn đất trồng trọt chứa ít các chất khoáng quan trọng, hay trở nên thoái hóa do trồng trọt [và lạm dụng đất] quá mức. Cây cỏ và động vật được trồng trọt hay nuôi trong môi trường này cũng thiếu chất khoáng, và điều này giải thích tại sao hàm lượng selenium trong các nước Tây phương hiện nay rất thấp.

Thứ tư là vấn đề hút thuốc lá, tắm nắng, ô nhiễm môi trường, và sử dụng quá liều lượng rượu bia, tất cả đều làm cho cơ thể chúng ta càng ngày càng trở nên suy dinh dưỡng theo độ tuổi.


Chế độ ăn uống hơn là thuốc

Cho đến nay, có nhiều bằng chứng, như trình bày trong bản báo cáo của Tổ chức y tế thế giới và một số báo cáo của các cơ quan chuyên môn khác, cho thấy suy dinh dưỡng dạng B là một nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh mãn tính. Nếu giả thiết này đúng, thì cái logic của việc chữa trị những chứng bệnh là bổ sung nhiều chất vi dinh dưỡng (hay có thể gọi là “pharmaco-nutrition – dược dinh dưỡng), chứ không phải thuốc được chế biến bằng hóa chất. Dược dinh dưỡng có thể sử dụng dưới hình thức thuốc viên, hay thực phẩm chức năng (“functional foods.”) Phương cách này chưa bao giờ được chú ý đúng mức, vì nó không đem lại lợi nhuận cho các công ti thuốc. Các công ti thuốc không thể đăng kí bản quyền sáng chế dược dinh dưỡng hay những thực phẩm tính năng. Do đó phương cách trị bệnh bằng dược dinh dưỡng không phù hợp với lợi ích của y học hiện đại, một nền y học dựa vào chủ nghĩa can thiệp là chính.

Hơn 100 năm nay, kĩ nghệ dược đã đầu tư một số vốn khổng lồ vào việc phát triển hàng loạt thuốc tinh vi và mạnh để điều trị nhiều căn bệnh quan trọng. Hệ thống đào tạo y khoa được tiến hành trong môi trường và phạm vi của kĩ nghệ dược, và hệ thống này đã cung cấp cho chúng ta một khối lượng thuốc khổng lồ để điều trị những bệnh cấp tính hay trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, mô hình y-dược cũng vô tình tạo nên một “văn hóa kí sinh”, tức là phụ thuộc một cách bệnh hoạn vào thuốc men, và ít ai trong chúng ta nhận lãnh trách nhiệm duy trì sức khỏe của chính cho chính mình. Thay vào đó, chúng ta trao nhiệm vụ này cho giới y tế, những người biết rất ít về duy trì sức khỏe, hay phòng ngừa bệnh tật. Giới y tế, kể cả bác sĩ và y tá, được dạy cách quản lí bệnh tật, hay quản lí triệu chứng căn bệnh. Cũng giống như người thợ sửa xe người không biết gì ngoài việc bảo quản chiếc xe, bởi vì họ chỉ được huấn luyện cách thức sửa xe.

Chúng ta có nhiều thuốc làm giảm đau, và nhiều cách kiềm chế triệu chứng căn bệnh, nhưng chúng ta chẳng có phương pháp chữa bệnh. Có thể nói không ngoa rằng khi kĩ nghệ dược được sáng lập dựa vào ý tưởng “viên đạn huyền diệu”, kĩ nghệ này đã có một định hướng sai lầm. Louis Pasteur là một người trí thức đúng nghĩa. Lúc cuối đời, ông nhận ra rằng le terrain (hệ thống sinh lí nội tiết) là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì sức khỏe. Nhưng tiếc thay, ngày nay, hệ thống sinh lí nội tiết càng ngày càng tồi tệ hơn, vì tình trạng suy dinh dưỡng dạng B.

Bằng chứng?

Một vấn đề lớn cho những người cổ vũ cho lí thuyết suy dinh dưỡng dạng B là vấn đề thiếu thốn bằng chứng khoa học. Chúng ta có một kho tàng dữ kiện dịch tễ học cho thấy mối liên hệ giữa dinh dưỡng và nguy cơ bệnh tật, và một kho tàng kiến thức về cơ chế bệnh tật, về mối liên đới giữa thức ăn và hóa chất. Nhưng hầu hết các nghiên cứu với các chất vi dinh dưỡng, ngoại trừ chất béo omega-3, đều cho ra những kết quả thiếu nhất quán. Nói cách khác, khoa học mà chúng ta thực hành không có giá trị tiên đoán. Nhưng sự thật này có làm cho khoa học mất hiệu lực không? Hay là chúng ta đặt những câu hỏi sai?

Dựa vào cách suy nghĩ của kĩ nghệ dược, phần lớn các nghiên cứu lâm sàng cố tìm cách đo lường tác dụng của một chất vi dinh dưỡng và mối tương quan giữa nó với một căn bệnh. Điều này cũng hợp lí, vì theo cách nghĩ cổ điển, nếu chúng ta thử nghiệm một hợp chất (gồm nhiều chất dinh dưỡng) thì chúng ta sẽ không biết chất nào cho ra tác dụng tích cực và chất nào cho ra tác dụng tiêu cực. Do đó, chúng ta phải thử nghiệm từng chất một. Nhưng trong lĩnh vực dinh dưỡng, cách thức này sẽ không có hiệu quả. Nó cũng giống như người thợ máy khi đối đầu trước một chiếc xe không được bảo trì thường xuyến, và đòi hỏi phải lái thử trước khi thay cái lược nhớt; người thợ khác thì đòi phải thay cái bu-gi, vân vân.

Mỗi can thiệp tự nó ít khi nào đầy đủ để gây ra một sự khác biệt. Để làm cho chiếc xe vận hành tốt hơn, và bền bỉ hơn cần phải có một dịch vụ toàn bộ. Tương tự, yếu tố cần thiết để chúng có thể sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn là một sự bổ sung dinh dưỡng toàn diện, chứ không chỉ riêng một chất dinh dưỡng nào. Chẳng hạn như đối với bệnh tim mạch, rõ ràng là không có một mối liên hệ cá biệt nào. Chế độ ăn uống và cách sống của thế giới Tây phương là mầm móng gây ra nhiều hỗn loạn hóa học của cơ thể và làm cho con người bị nhiều bệnh, kể cả bệnh tim mạch. Cách đối phó hay nhất trước tình trạng này, do đó, phải kết hợp nhiều nguồn vi dinh dưỡng để bình thướng hóa địa hình hóa học của cơ thể.

Thành ra, chúng ta phải phân tích tình trạng dinh dưỡng cho mỗi cá nhân và từ đó phát triển một “công thức dinh dưỡng” cho cá nhân đó? Cố nhiên, không ai giống ai về lối sống, hay cách ăn uống. Ông A có thể thiếu sinh tố E, và dầu omega 3, nhưng ông B có thể thiếu sinh tố C, B12, đồng và selenium, v.v…

Trong khi chúng ta không có nguồn tài lực để phân tích và phát triển công thức cho hàng triệu cá nhân, nhưng thực ra chúng ta cũng không cần làm như thế. Phần đông quần chúng hiện nay đang thiếu một số chất dinh dưỡng, và phần lớn chất dinh dưỡng này rất an toàn. Do đó, một chương trình phổ thông khuyến khích quần chúng tiếp nhận những chất dinh dưỡng đang thiếu này là một chiến lược có hiệu quả kinh tế cao và có thể đem lại sức khỏe cho người dân.

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Bài báo về ăn chay và phản hồi của công chúng

Vào đầu tháng 7 này, chúng tôi công bố một nghiên cứu về ăn chay và mật độ xương (MĐX) trên tập san American Journal of Clinical Nutrition. Trong bài báo đó, chúng tôi làm một phân tích tổng hợp và thấy người ăn chay tính trung bình có MĐX thấp hơn người ăn mặn khoảng 5%, nhưng sự khác biệt đó không có ý nghĩa lâm sàng. Chúng tôi viết dòng kết luận rất rõ ràng như thế: "The results suggest that vegetarian diets, particularly vegan diets, are associated with lower BMD, but the magnitude of the association is clinically insignificant."

“Chúng tôi” ở đây là Bs Thục Lan (Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch), Ts Nguyễn Đình Nguyên, và tôi. Chúng tôi vui mừng vì công trình được công bố trên một tập san thuộc vào hàng “danh giá” nhất trên thế giới, và xem đó là một thành tựu tốt. Nhưng nỗi vui nào cũng theo sau là nỗi buồn. Mừng chưa bao lâu thì lại buồn. Trong thời gian làm đám xả tang cho Má ở VN, tôi nhận rất nhiều email phản hồi, với những lời lẽ hết sức nặng nề. Chung qui lại chỉ là hiểu lầm và do báo chí đưa tin không chính xác.

Bởi vì chế độ ăn chay được quan tâm trên thế giới, nên nghiên cứu của chúng tôi lập tức thu hút chú ý của báo chí toàn cầu. Trước khi lên đường về Việt Nam, tôi trả lời phỏng vấn cho các đài radio và báo chí bên Úc và một tờ báo bên Mĩ về ý nghĩa của nghiên cứu đó. Sau khi Viện Garvan công bố bản thông cáo báo chí (Press Release), hàng loạt các hãng thông tấn trên thế giới như CBS, Reuter, AFP, News Ltd, AP, v.v… đồng loạt đưa tin, nhưng họ đưa tin một cách tiêu cực. Thay vì viết theo kết luận của chúng tôi, họ đặt tiêu đề kiểu như Vegetarian diet 'weakens bones', họ không nói rằng sự khác biệt đó không có ý nghĩa lâm sàng, và chúng tôi cũng không có nói ăn chay làm xương yếu!

Sau đó, tôi nhận hàng chục (cũng khoảng 50 emails) từ những người ăn chay trên thế giới (chủ yếu là từ Mĩ và Âu châu) phản đối nghiên cứu của chúng tôi. Đây là phản hồi của một người ăn chay mà tôi cho là nhã nhặn nhất và lịch sự nhất. Ông cụ còn cho tôi xem kết quả xét nghiệm BMD và kèm theo hình hai ông bà chụp nhân dịp đi chơi picnic nữa! Ông viết:

Greetings, I read your article about diet and weaken bones. I have been on a plant based diet for 9 years. I am 68 years old, so I am at an age where weak bones would begin manifesting. A recent test indicates to me personally that my bones have remained in good condition. I suppose when folks reach a certain age there might be some bone loss. However your article seemed to make too broad a generalized statement. I dare say that most hip replacements are performed on meat eaters.
(Chào. Tôi đã đọc bài báo của ông về chế độ ăn chay và xương yếu. Tôi ăn chay từ 9 năm qua. Năm nay tôi đã 68 tuổi, tức là tuổi xương bắt đầu yếu. Tôi mới làm xét nghiệm xương và kết quả cho thấy xương tôi ở trong tình trạng tốt. Tôi nghĩ rằng khi người ta đến một độ tuổi nào đó thì xương bị mất. Tuy nhiên, bài báo của ông có vẻ đưa ra những tuyên bố khái quát quá. Tôi dám nói rằng phần lớn những người thay khớp xương đùi là những người ăn thịt.
Đây là kết quả xét nghiệm mật độ xương của tôi. Ông thấy thế nào? Đây là hình của tôi và bà xã chụp mới đây ở SC.
Chào ông và mong ông giữ tính khách quan trong khoa học!

Phần lớn thư còn lại cáo buộc tôi có liên hệ với kĩ nghệ bơ sữa (dairy industry) hay kĩ nghệ thịt (meat industry). Như thư này:

Vegetarian Diet “Weakens Bones” (Worldwide headlines July 2, 2009)
I was disappointed to read that your published study was biased as it was funded by the dairy industry. Your studies would have a lot more credibility if they were unbiased.
While most other studies confirm stronger bones in vegetarians or people consuming lower protein, why should we believe your study funded by a dairy company?

(Chế độ ăn chay làm yếu xương (một tiêu đề chạy khắp thế giới 2/7/2009). Tôi thất vọng khi đọc nghiên cứu của ông vì nó thiếu tính khách quan do nó được tài trợ từ kĩ nghệ sữa bò. Những nghiên cứu của ông sẽ có uy tín hơn nếu mang tính khách quan hơn.
Trong khi hầu hết các nghiên cứu khác khẳng định người ăn chay và tiêu thụ ít protein có xương mạnh hơn, tại sao chúng tôi phải tin vào nghiên cứu của ông vốn được tài trợ từ một công ti bơ sữa?)

Your report on vegetarian diet stinks of bias! I don't know how you can write it with a good concious! (Bài báo về ăn chay của ông thối vì thiếu khách quan! Tôi không hiểu với ý thức gì mà ông có thể viết như thế !)

I have been a vegetarian and now a vegan for 75 years. I have never broken any bones after a fall. Thank the Lord. I have a problem with companies trying to promote their financial agenda by reporting false claims. (Tôi là người ăn chay và nay đã 75 tuổi. Tôi chưa bao giờ bị gãy xương khi bị té ngã. Cám ơn Chúa. Tôi có vấn đề với các công ti cố gắng quảng bá chương trình nghị sự tài chính của họ qua những luận điệu sai.)

Và đây là một email nặng nề nhất:

You call yourself a scientist? Dairy whore is more accurate. Drink your milk! (Ông tự xưng ông là nhà khoa học ư? Điếm của kĩ nghệ bơ sữa có lẽ đúng hơn. Đi uống sữa bò của ông đi!)

một email khác nói thẳng AMBeR là gì:

“I understand that your recent study regarding how a vegetarian diet "weakens bones" was financed to some degree by AMBeR Alliance, Inc. who owns Amber F& B Nutrition, and producer of dairy products. Would you in some very distinct and simple way inform me if this is true or not?” (Tôi biết rằng công trình nghiên cứu mới đây của ông về ăn chay làm yếu xương được tài trợ từ AMBeR Alliance, công ti này là cơ quan chủ quản của Amber F& B Nutrition và nhà sản xuất sản phẩm sữa bò. Ông làm ơn cho tôi biết điều này đúng như thế không?”)

Những người trên cáo buộc rằng chúng tôi nhận tiền của các công ti sữa, kĩ nghệ làm thịt để nói tiêu cực cho chế độ ăn chay. Trong phần khai báo “conflict of interest” chúng tôi viết rằng “Dr Nguyen Dinh Nguyen was supported by a fellowship from AMBeR” (tức là Dr Nguyên nhận tài trợ nghiên cứu từ AMBeR. AMBeR là viết tắt của nhóm chuyên làm về tin sinh học (Australian Medical Bioinformatics Resource). Nhưng AMBER cũng là tên của một công ti sản xuất sữa bò và thực phẩm nghe nói ở Malaysia. Thế là nhiều người tố cáo tôi nhận tiền của công ti này để nói xấu người ăn chay! Chỉ là hiểu lầm.

Có người theo dõi những nghiên cứu của tôi và so sánh nữa, như thư này từ Hà Lan:

Dear professor Nguyen,
This month there was an artikel about your study about veganism/vegetarism and the effects on bones.
In the internet newspaper (
http://www.nu.nl/wetenschap/2036198/veganistisch-dieet-verzwakt-botten.html) they wrote that vegetarian and vegan lifestil make their bones weak.
Earler this year(april) I received an e-mail from PCRM theat veganism has no effect on the bones. The most intresting is that both research is done by you.
Can you tell my if the information below is right or wrong?
I hope to get an reaction.

Thưa giáo sư Nguyễn,
Tháng này có một bài báo nói về nghiên cứu của ông liên quan đến chế độ ăn chay và ảnh hưởng đến xương.
Trong bài báo trên mạng (
http://www.nu.nl/wetenschap/2036198/veganistisch-dieet-verzwakt-botten.html) họ viết rằng người ăn chay và ăn chay thuần túy có xương yếu.
Nhưng đầu năm nay (Tháng Tư) tôi cũng nhận một e-mail từ PCRM nói rằng ăn chay không có ảnh hưởng đến xương. Điều thú vị là cả hai nghiên cứu đều xuất phát từ nhóm của ông.
Vậy ông có thể nói cho tôi biết thông tin đây là đúng hay sai?
Tôi hi vọng nhận được phản hồi của ông.

Trong khi những người ăn chay phản ứng như thế thì kĩ nghệ bơ sữa và thịt lại hả hê. Họ lấy nghiên cứu của chúng tôi như là một minh chứng cho thấy ăn chay không tốt cho xương (và hàm ý nói nên ăn thịt)! Thật ra, cái message mà chúng tôi muốn nói là ăn chay tốt hơn ăn thịt, nhưng chúng tôi phải trung thành với kết quả và phải báo cáo những gì mình phát hiện.

Khi nộp bài báo và qua bình duyệt chúng tôi cũng đoán được đây là đề tài rất nhạy cảm, nhưng tôi không ngờ phản ứng của công chúng khá dữ dội như vậy. Cũng là một kinh nghiệm với truyền thông và công chúng. Dù sao đi nữa, tên tuổi của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch bây giờ đã được thế giới biết đến. Âu cũng là một hệ quả tốt!

NVT