Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Có nên đóng cửa trường học vì cúm H1N1 ?

Đọc bản tin dưới đây và xem qua vài tấm hình tôi thấy sao mà tội nghiệp học trò Việt Nam quá.

http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2009/07/859982/

"Phía sau hàng rào “cách ly đặc biệt”

Hàng trăm em học sinh sống trong khu vực cách ly của những ổ dịch cúm hoành hành phải chịu cảnh “giam lỏng” từng ngày. Sinh hoạt, ăn uống của các em bị đảo lộn, nhiều em bắt đầu có tâm trạng buồn tủi, muốn về nhà."

Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam càng ngày càng lan rộng, nhưng sự lan rộng vẫn nằm trong tiên đoán của qui luật dịch tễ học. Có thể nói đây mới là giai đoạn 2, tức là lây lan trong cộng đồng; đến giai đoạn 3 khi mà virút đã “bảo hòa” thì có lẽ chẳng còn ai quan tâm nữa, vì lúc đó chúng ta phải sống chung với một virút mới thôi. Cục phòng chống và kiểm soát bệnh (CDC) đã tuyên bố rằng họ không cập nhật số ca bệnh cúm H1N1 nữa, vì không cần thiết.

Nhưng điều đáng nói là biện pháp đối phó với dịch cúm H1N1 của các giới chức y tế Việt Nam. Theo dõi báo chí (như bài vừa đề cập) tôi thấy họ phản ứng với dịch cúm có vẻ quá cực đoan. Tính cực đoan thể hiện ở biện pháp đóng cửa trường, cách li bệnh nhân, hay biến trường học thành “bệnh viện dã chiến” mà thực chất là nhà tù cho học sinh! Tại sao lại có những biện pháp mạnh và cực đoan như thế? Chẳng ai biết, vì họ chẳng giải thích cho người dân biết. Có bằng chứng khoa học nào cho thấy biện pháp cực đoan như thế sẽ giảm lây lan ? Theo tôi biết là chẳng có bằng chứng khoa học nào cả. Do đó, tôi nghi ngờ rằng biện pháp cực đoan như thế là phản khoa học.

Nhìn sang nước ngoài họ làm ra sao? Ở Úc, tình trạng virút H1N1 lây lan trong cộng đồng đã diễn ra từ hơn một tháng trước. Nhiều trường chung quanh tôi ở có nhiều ca bệnh cúm xác nhận là do virút H1N1. Nhưng họ không đóng cửa trường. Biện pháp của Úc có thể nói là nhẹ nhàng và hữu hiệu: họ chỉ dẫn cho trường học và phụ huynh cách nhận dạng bệnh nhân sớm và gửi về nhà để bác sĩ điều trị. Không có chuyện cách li bệnh nhân. Không có chuyện biến trường học thành nhà tù cho học sinh bệnh nhân.

Ở Mĩ, Cục CDC trước kia cũng có chính sách đóng cửa trường học, nhưng sau khi xem xét lại thông tin về H1N1 và độ nghiêm trọng, bây giờ họ khuyến cáo không nên đóng cửa trường học. Biện pháp giảm lây lan H1N1 của Mĩ cũng rất giống với Úc.

Vậy thì trong trường hợp ở Việt Nam, nên làm gì? Tôi đề nghị ba biện pháp như sau:

Thứ nhất là phát hiện triệu chứng sớm. Trong điều kiện bất định như thế, phương án tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay mỗi trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, có sẵn kế hoạch phòng chống cúm H1N1. Một kế hoạch phòng chống được xem là hữu hiệu nhất là sớm nhận dạng hay phát hiện những trường hợp cúm. Những triệu chứng để nhận dạng sớm bao gồm nóng sốt trên 37 độ; đau cổ họng; nhức đầu; ho và sổ mũi; ói mửa; mệt mỏi; v.v… là những tín hiệu cho thấy bệnh nhân có thể nhiễm virút H1N1. Một khi phát hiện bệnh nhân qua các tín hiệu trên, nhà trường thường đề nghị bệnh nhân không nên đến trường, nên ở nhà và nhờ bác sĩ điều trị. Kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy bệnh nhân nhiễm virút H1N1 thường hồi phục trong vòng 1 tuần.

Thứ hai là vệ sinh. Một khi một trường học hay cơ quan có người bị nhiễm virút H1N1, thì đó cũng là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa, v.v... đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm H1N1 cho người khác. Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy virút phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25 độ C, virút H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virút “lưu trú” như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh, v.v… một cách triệt để.

Thứ ba là rửa tay và vệ cẩn trọng khi hắt hơi. Hiện nay, đường lây lan chính của virút H1N1 là từ người sang người. Do đó, một khía cạnh phòng chống nhiễm H1N1 là ở mức độ cá nhân. Một lượt hắt hơi thải ra khoảng 20.000 hạt nhỏ (còn khi ho chỉ sản sinh chừng vài trăm hạt). Những hạt lớn nhất sẽ rơi xuống đất trong vòng vài mét. Những hạt còn lại bay xa hơn tuỳ theo kích cỡ. Những hạt nhỏ có đường kính 1-4 micromét có thể lơ lững trong một thời gian dài và chui xuống tận đường hô hấp dưới. Do đó, khi hắt hơi, cần phải che mũi bằng giấy tissue, hay trong điều kiện không có giấy tissue cũng nên lấy tay che mũi để giảm lây lan sang người khác. Ngoài ra, cần biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà bông. Thói quen này được xem là một biện pháp phòng ngừa virút cúm rất hữu hiệu ở qui mô cộng đồng.

Một số thông tin khoa học mới nhất cho thấy virút H1N1 không có mức độ độc hại đáng kể như những đại dịch vào đầu thế kỉ 20. Thật vậy, cho đến nay, tỉ lệ tử vong vẫn còn rất thấp (dưới 0,5%), tức thấp hơn so với cúm mùa thông thường. Cần nói thêm rằng mỗi năm có hơn 100.000 người chết vì những bệnh cúm mùa, và 150.000 người chết vì bệnh lao phổi.

Tuy không có thống kê chính xác, nhưng nếu kinh nghiệm từ các nước Âu Mĩ là một bài học, chúng ta cũng có thể suy luận rằng số người mắc bệnh và tử vong vì cúm mùa và truyền nhiễm nhiều hơn số người nhiễm virút H1N1.

Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch H1N1 là một định hướng đúng, nhưng các bệnh cúm thông thường khác hay các bệnh truyền nhiễm khác còn nguy hiểm hơn cả cúm A/H1N1. Chúng ta không nên vì một bệnh hay virút mới mà xao lảng những bệnh thông thường nhưng nguy hiểm hơn virút mới.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét