Lâu lâu đọc được một bài có “content” như bài “55 năm Geneva: Hàn gắn giới tuyến trong lòng người” dưới đây. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét rằng một thời gian dài người ta “say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy…”. Đó là chuyện ngay sau năm 1975, nhưng thật ra, cho đến nay quan điểm này vẫn còn đó. Thỉnh thoảng báo chí trong nước vẫn viết “ngụy quân, ngụy quyền” hay gọi sách mé các tướng lãnh và sĩ quan VNCH. Lòng người vẫn còn chia cách đấy, chứ chưa hàn gắn gì đâu.
Ở trong nước, theo tôi thấy, không ít người miền Nam luôn mặc cảm là “người thua trận” và nhiều người phía Bắc dương dương tự đắc là “kẻ thắng trận”. Là người thua trận, người miền Nam chịu nhiều thiệt thòi. Họ biết những ngành nghề mà con em họ khó có thể bước chân vào được (như ngoại giao, hải quan, dầu khí, v.v…). Còn giới chuyên môn thì biết thân không nên xin tài trợ từ các dự án cấp Bộ hay cấp Nhà nước vì theo luật bất thành văn đó là dự án cho đồng nghiệp phía Bắc. Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc). Một qui ước bất thành văn nữa là người miền Nam không được giữ những chức chủ tịch hiệp hội chuyên môn (vì chỉ dành cho người miền Bắc, kẻ thắng trận); người miền Nam chỉ làm ... phó. Ngay cả cái ủy ban về sông Cửu Long nhưng trụ sở thì nằm ở ngoài ... Hà Nội! Ai cũng biết mà chẳng ai muốn nói ra. Có tín hiệu cho thấy người Nam không tin vào người Bắc (và có lẽ Người Bắc cũng chẳng tin vào người Nam). Tôi thấy Việt Nam dù trên danh nghĩa đã thống nhất nhưng trên thực tế và ở nhiều khía cạnh vẫn là hai nước.
Còn Việt kiều? Đúng như tác giả Hoàng Thư đặt câu hỏi mà cũng là trả lời “phải chăng đường về trong tâm tưởng đối với nhiều kiều bào vẫn còn xa vời?”. Tại sao vậy? Tại vì, theo tác giả Hoàng Thư là: “khi họ (kiều bào) nêu ra các ý kiến phản biện xã hội (có thể trái chiều), lòng nhiệt tình, tâm huyết của họ đôi khi không được hồ hởi đáp lại… Sự phân biệt đối xử còn thể hiện ở cả các chi tiết có lẽ nhỏ bé, như chính sách ‘hai giá’ áp dụng cho người Việt và kiều bào trong nhiều lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ. Hoặc đây đó vẫn còn thái độ kỳ thị, thiếu tin tưởng, nhìn nhận Việt kiều như những tay buôn lậu hoặc gián điệp tiềm ẩn.”
Nói đến sự phân biệt, xin chia sẻ cùng các bạn một văn bản chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chính sách đối với các giáo sư Việt kiều như sau:
“2. Các GS Việt kiều có tư cách hợp lệ để cung cấp dịch vụ tư vấn nếu họ chấp nhận mức chi trả theo định mức trong nước theo quy định.”
Nhưng các giáo sư người Mĩ thì họ được chi trả theo giá của người nước ngoài! Tôi vẫn biết tâm lí “bụt nhà không thiêng” của người mình, nhưng tôi thật không ngờ các quan chức trong Bộ GDĐT có thể hạ bút viết ra cái qui định trên.
Cái này không phải là phân biệt thì là cái gì ? Tại sao một người giáo sư Mĩ hưởng quyền lợi hơn một giáo sư gốc Việt ở Mĩ ? Chính sách của Bộ GDĐT tự đánh giá thấp người Việt. Người mình với nhau mà còn như vậy thì đừng trách người ngoài khinh mình.
Ấy thế mà một mặt Nhà nước dùng biết bao mĩ từ để kêu gọi các chuyên gia Việt kiều về góp phần xây dựng quê hương, nhưng mặt khác thì trên giấy trắng mực đen họ khinh thường Việt kiều. Đúng là “nói một đường làm một nẻo”! Vậy thì đừng có trách tại sao con đường về của Việt kiều còn quá xa vời.
Tôi lại nhớ chuyện xưa tích cũ … Hồi xưa, gần 30 năm về trước, khi rời Việt Nam, ai cũng nghĩ là một đi không trở lại. Bởi vậy nên mới có những ca khúc “Người di tản buồn”, hay ca khúc gì (tôi quên tên) có câu: Đến bao giờ trở về Việt Nam / thăm đồng lúa vàng / thăm con đò ven sông … Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi / Tôi mong ngày về từng phút người ơi / Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi / Cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời / Bây giờ mình đã đôi nơi / bây giờ buồn lắm người ơi. Nói tóm lại, văn chương thời đó chỉ nói lên tâm trạng khắc khoải xa quê, và không có hi vọng gì trở về cố hương.
Thế rồi thời cuộc đổi thay, đùng một cái “người di tản buồn” có thể về Việt Nam. Con số người Việt Nam ở nước ngoài về thăm Việt Nam càng ngày càng đông, và đến bây giờ thì chuyện về Việt Nam không còn là điều gì khó khăn nữa. Có không ít người đã hồi hương sống hẳn ở trong nước, và không ít người khác cũng có dự tính sẽ về sống ở Việt Nam trong những năm cuối đời.
Nhưng khi đã va chạm thực tế với hệ thống “hành là chính” và môi trường làm việc ở Việt Nam, đã không ít người Việt có ý định quay về phải thở dài, thậm chí bỏ ý định đó. Đối với nhiều Việt kiều, đường về đúng là vẫn còn xa, và câu hát “bây giờ buồn lắm người ơi” hình như vẫn còn đúng một phần. :-)
NVT
Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009
Đường về quá xa vời ?
17:16
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét