Mấy ngày nay, báo chí có vẻ làm ầm ĩ về một người giả bằng cấp để vào làm bác sĩ gây mê hồi sức ở bệnh viện Chợ Rẫy. Không cần bàn cãi gì việc làm sai trái của anh này, và chắc anh ta cũng chấp nhận hình phạt sắp đến. Khi sự việc được phát hiện, anh ta cũng không dấu diếm việc sử dụng giấy tờ giả. Nhưng hình như qua báo chí, chưa thấy anh này gây tác hại cho ai, dù đã “đã tham gia gây mê cho rất nhiều bệnh nhân.” Nhưng báo chí nhanh nhẹn nói anh ta làm việc theo êkíp, nên chẳng gây tác hại cho ai. Hình như đây là một biện minh không mấy thuyết phục, vì nó cho thấy anh này không chừng cũng có khả năng học nghề và hành nghề ok. Không ok thì sao anh ta được vào biên chế và kí hợp đồng lao động. Nói tóm lại, dù anh ta có lỗi, nhưng hình như là cũng làm được việc.
Nghề dạy nghề. Gây mê hồi sức và phẫu thuật cũng là nghề, nên anh ta dù chưa học y khoa nhưng qua tiếp cận thực tế và học người đi trước nên cũng có thể làm đúng theo qui trình. Ở bên Úc và Anh có nhiều bác sĩ nội khoa “ác miệng” thì mỉa mai cho rằng các chuyên gia phẫu thuật là “butcher”, chứ không phải bác sĩ. (Ý nói bác sĩ thì phải biết sử dụng thông tin, biết suy luận giỏi, biết vận dụng và diễn giải dữ liệu khoa học tốt, v.v…)
Tôi lan man đến chuyện lớn hơn. Câu chuyện vừa đề cập mà báo chí làm ầm ĩ chỉ là một cá biệt, rất hi hữu, và cũng chẳng gây tác hại cho ai (nếu không muốn nói là ... giúp người). Nhưng một vấn đề lớn hơn, đã và đang gây tác hại cho quốc gia không chỉ hôm nay và còn nhiều thế hệ sắp đến là câu chuyện bằng thật nhưng học giả. Có người nói đây là một vấn nạn. Chưa bao giờ trong lịch sử giáo dục nước ta có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, và giáo sư như hiện nay. Nhiều đến nổi người dân mỉa mai là ra đường cũng gặp tiến sĩ!
Nhưng bao nhiêu người là do thực học và bao nhiêu là do học giả là đề tài bàn tán của mọi người quan tâm đến giáo dục nước nhà. Theo Gs Hoàng Tụy thì 70% giáo sư tiến sĩ hiện nay nếu đối chiếu với tiêu chuẩn nghiêm chỉnh sẽ không xứng đáng với chức danh và bằng cấp đó. Nhưng có người nói rằng con số đó có thể lên đến 90%! Như một tác giả đã viết trên TuanVietNam rằng: “Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước.”
Nhưng rất nhiều những người này đang cầm trịch kinh tế, khoa học, kĩ thuật, văn học của đất nước. Và, hệ quả của chuyện bằng thật học giả này đang càng ngày càng rõ hơn. Cầu cống mới xây rất hoành tráng, khánh thành xong là có vấn đề. Đường lộ mới xây xong là hư. Đường hầm hiện đại mới khánh thành vài giờ đã ngập nước. Đó là những cái chúng ta có thể thấy được nhờ báo chí phản ảnh, chứ còn biết bao công trình khác mà chúng ta chưa thấy hay chưa biết được trên khắp nước. Nhìn chung, tính đầu người và ngay cả tính bằng con số tuyệt đối, nước ta có nhiều giáo sư tiến sĩ hơn Thái Lan, nhưng năng suất khoa học của ta chỉ bằng 1/5 của Thái Lan.
Báo Lao Động chạy cái tít “Bệnh viện Chợ Rẫy có bác sĩ dỏm” thì đúng, nhưng cả nước có hàng ngàn tiến sĩ giáo sư dỏm thì sao? Trong bối cảnh “nói dối quá lâu” và “bằng thật học giả” tràn lan thì đừng ngạc nhiên tại sao có một sự cố như ở Chợ Rẫy.
Tôi nghĩ phải nhìn như thế để thấy rằng trường hợp “bằng giả làm thật” mà báo chí đang quan tâm chẳng nhằm nhò gì so với cái quốc nạn “bằng thật học giả” đang tràn lan hiện nay ở nước ta mà vài thế hệ sắp tới sẽ trả giá.
NVT
===
http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/van-hoa-the-thao/Giao_su_dom_tien_si_nhai/
Giáo sư dởm, tiến sĩ nhái...
- Này bác ơi, cái cạc vi zít của bác vừa đưa cho tôi ghi danh bác là GS-TS. Xin lỗi bác nhé, tôi hỏi khí không phải: Bác là GS-TS thật hay là GS-TS dỏm đấy.
- Ô hay, cái nhà ông này. Hỏi chi mà lỗ mãng, xấc xược thế. Tôi là GS-TS có bằng cấp hẳn hoi. Dỏm thế nào được.
- Có bằng cấp đóng dấu đỏ chói hẳn hoi thế mà vẫn dỏm đấy bác ạ.
- Ông có nói láo không đấy. Hoang tin hả?
- Nói có sách, mách có chứng đây. Ông L.Q.D Viện trưởng đương chức của một Viện KHKT - bảo vệ thành công tiến sĩ năm 2001. Theo quy chế của Nhà nước thì ông L.Q.D phải có ít nhất một bài báo phù hợp với hướng nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học từ cấp Ngành trở lên.
Phải học và thi khoảng 20 môn chuyên ngành trước khi bảo vệ tiến sĩ. Âý vậy mà ông L.Q.D không thèm học và thi một môn nào cả thế mà vẫn đàng hoàng ra trước hội đồng bảo vệ tiến sĩ và thế là úm ba la... hấp: tiến sĩ L.Q.D.
- Trời đất! Làm khoa học mà lại gian lận quá mấy mụ buôn dưa lê ở ngoài chợ trời cơ à?
- Đấy là tôi mới chỉ ra một trường hợp cụ thể. ở cái viện KHKT này còn độ chục ông GS-TS nữa. Toàn là đồ dỏm nhưng được dán bằng dấu đỏ chói hẳn hoi.
- Cũng giống như rượu dỏm nhưng được dán mác kiểm duyệt chứng nhận thương hiệu chất lượng bên trên nút chai ông nhỉ.
- Y chang! Nghĩ mà khôi hài quá bác ơi!
- Họ chạy chọt, kiếm cái mác học hàm học vị dỏm như thế để làm gì?
- Để có đủ tiêu chuẩn leo lên ghế này ghế nọ chứ.
- Họ không sợ có ngày bị lột mặt nạ, bêu ra trước công luận à?
- Sợ thì cũng có sợ. Nhưng mà cái lòng tham leo trèo chức vụ, quyền lực đã đè "bẹp dúm" cái sợ của họ rồi.
- Đúng rồi. Vì tham tiền khi có tới 300% lợi nhuận thì có bị treo cổ họ vẫn dấn tới, làm tới. ấy vậy mà lòng tham tiền còn kém xa lòng tham chức vụ quyền lực.
- Vì chức vụ quyền lực đẻ ra tiền bạc cơ mà.
Lao Động, Thứ Hai, 09/02/2004
Đào tạo nhân tài hay đào tạo chức, danh?
Tiến sĩ là học vị cao nhất trong khoa học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bằng tiến sĩ “hấp dẫn” chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều. GSTS Trịnh Văn Minh - nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội - đã gửi bài viết này, bàn về rất nhiều vấn đề cần quan tâm để đào tạo nhân tài cho đất nước.
"Bôi thành luận án"...
Trong tình hình hiện nay của ta, về quy mô đào tạo, tôi cho là vừa quá nhiều, lại vừa chưa đủ; "tràn lan nhưng chưa chất lượng!". Tràn lan vì: Ở đâu, chỗ nào cũng có tiến sĩ (TS), thạc sĩ. Còn chưa đủ vì: Chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cần; cái thực thì thiếu, cái yếu thì thừa.
Nhân đây tôi xin góp ý thêm với Bộ GD-ĐT về một số tiêu chuẩn về số lượng đề ra cho một luận án TS, đã làm nghiên cứu sinh (NCS) phải tìm cách đối phó đủ kiểu, làm giảm thêm chất lượng của luận án và làm khổ người chấm:
- Tiêu chuẩn "luận án phải dài trên 100 trang", đã làm cho NCS (nghiên cứu sinh) ra sức kéo dài bằng mọi cách, để chứng tỏ mình thừa tiêu chuẩn; trong khi có người văn Việt chưa thông, nội dung sáo rỗng, cóp nhặt, dựa dẫm, sai lạc, vô nghĩa, nhắc đi nhắc lại, nhiều chỗ không thể hiểu nổi!
Tôi đề nghị hãy thay tiêu chuẩn số lượng bằng chất lượng! Khoa học cần có nội dung sáng tạo và đóng góp mới, song cũng cần xúc tích, ngắn gọn! Cố GS Tôn Thất Tùng vẫn luôn nhắc học trò của mình: "Luận án của A.Einstein chỉ có 7 trang, mà vẫn rung chuyển thế giới!".
- Tiêu chuẩn "phải có trên 3 công trình đã công bố" là cần, nếu kể từ đầu vào. Song có người cho đến khi sắp bảo vệ luận án mới chia 3 kết quả vốn đã quá nghèo nàn của luận án thành 3 bài báo, bôi bác; chứng tỏ trước đó chưa hề nghiên cứu!
- Tiêu chuẩn "phải có 120 tài liệu tham khảo trở lên" theo tôi đã là quá nhiều, song NCS kê khai bao giờ cũng thừa. Đông tây kim cổ đủ kiểu, trong nước, ngoài nước đủ loại, mà đa số chẳng có liên quan gì đến luận án! Trong khi thực ra không đọc, hay đọc mà không hiểu được đầy đủ, dù chỉ một vài bài thật cần thiết, vì không đủ trình độ ngoại ngữ!
Vẫn toàn điểm 9 - 10
Hầu hết các NCS bảo vệ luận án TS đều thành công, trong đó tỉ lệ khá, giỏi rất cao. Thực tế ấy liệu có đúng thực chất? Chúng ta hãy xem chất lượng chấm luận án.
- Thứ nhất, tâm lý của đa số người chấm là "không muốn làm mất lòng ai".
- Thứ hai, "khen thì dễ, chê thì khó". Nên rất ít người muốn mất thì giờ đọc kỹ để chê cho đúng; mà thượng sách vẫn là chỉ đọc qua loa để có thể rút ra một vài lời "khen", vừa đỡ mất công mất sức, vừa được lòng, được việc! Khi trong hội đồng chấm luận án đã có đến 6 người cho điểm 9-10, thì người thứ 7 có cho điểm đúng thực chất cũng chỉ mang tiếng là khó, và dễ bị oán ghét, lần sau không ai muốn mời!
Hiện nay, chấm luận án TS không cho điểm, chỉ có 3 mức đánh giá: Không ai nỡ ghi là "không đạt", rồi khá hơn "đạt" thì lại không có mức khá; nên đành chỉ còn là "đạt" hay "xuất sắc". Thực giả vẫn khó phân biệt!
- Thứ ba, tôi chưa dám nói đến trình độ của người hướng dẫn và người chấm, vì không phải ai cũng có thời gian và khả năng để tìm hiểu những điều không thuộc lĩnh vực chuyên sâu của mình. Cho nên tìm người chính xác để thành lập một hội đồng chấm luận án quốc gia cũng là một khó khăn, đôi khi bất cập, của Bộ GD-ĐT.
Mặt khác, lịch sử đã tạo nên một số thầy chưa đủ trình độ phổ thông cấp II, cấp III đã được ưu tiên vào đại học, rồi ưu tiên cử đi lấy bằng "TS" ở nước ngoài, thừa tiêu chuẩn để hướng dẫn và chấm các TS trong nước. Thầy không thực chất, mong gì trò có chất lượng?
Vậy, cải thiện chất lượng sau đại học không phải chỉ là vấn đề của thầy, của trò, của Bộ GD-ĐT, mà là của cả xã hội và của các nhà lãnh đạo.
GSTS Trịnh Văn Minh
Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009
Bàn về chuyện người làm gây mê ở Bv Chợ Rẫy
05:42
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét