Tình hình dịch cúm H1N1 lan nhanh trên toàn thế giới đến nổi Tổ chức y tế thế giới không muốn làm thống kê để theo dõi nữa. Ở Việt Nam, cúm H1N1 có xu hướng càng ngày càng lan rộng như chúng ta có thể dự đoán dễ dàng. Dù chưa ai chết vì cúm H1N1 ở Việt Nam, nhưng phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh, nên tôi có thể hiểu được sự quan tâm của các giới chức y tế.
Bài báo trên VNN cho biết rằng các giới chức y tế đã phát hiện một ổ dịch: trường Ngô Thời Nhiệm (TPHCM). Thế là các quan y tế đến đó để thị sát tình hình ra sao. Nhìn mấy hình các quan y tế đến trường tôi thấy … sao ấy. Nó làm tôi nhớ đến câu mà người Tây phương hay nói là “busy of doing nothing”, tức là bận rộn chẳng làm chuyện gì cả. Thật vậy, hình dưới đây cho thấy các quan y tế người thì đứng hai tay chấp sau lưng, người thì chấp tay trước ngực, kẻ thì chống nạnh, v.v… nhưng chẳng làm gì cả. Ngay cả hình ông bộ trưởng đứng nhìn bệnh nhân cũng xớ rớ và thừa thải.
Một điểm đáng chú ý nữa là trang phục của một số quan chức vừa giống như trang phục trong phòng giải phẫu vừa như là … phi hành gia. Và, điều đáng chú ý nữa là ai cũng đeo khẩu trang.
Nói đến khẩu trang là nói đến một khía cạnh khá cảm tính. Từ lúc SARS, rồi đến cúm H5N1 cho đến nay, mỗi khi dịch xảy ra là người ta đeo khẩu trang. Hôm đi về Việt Nam, tôi thấy hành khách trên máy bay đeo khẩu trang trông rất buồn cười. Đến khi tới phi trường Tân Sơn Nhất, nhân viên hải quan đều đeo khẩu trang.
Tôi phải tự hỏi khẩu trang có hiệu quả ngăn ngừa sự lây lan của virút cúm hay không? Cho đến nay, tôi chưa thấy bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy khẩu trang có tác dụng giảm lây lan virút cúm cả.
Thật ra, có bằng chứng ngược lại thì đúng hơn. Một nghiên cứu của đồng nghiệp tôi (Đại học New South Wales) mới công bố trên tập san Emerging Infectious Diseases cho thấy người đeo khẩu trang có nguy cơ bị bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang! Trong nghiên cứu này, họ tuyển 290 người từ 145 gia đình, sau đó họ ngẫu nhiên chia thành 3 nhóm: nhóm 1 đeo khẩu trang P2 (tức khẩu trang bán ngoài thị trường); nhóm 2 khẩu trang thường dùng trong bệnh viện; và nhóm 3 không đeo khẩu trang. Họ theo dõi khoảng 1 năm và kết quả cho thấy tỉ lệ mắc bệnh cúm trong 2 nhóm đeo khẩu trang là 18%, còn nhóm không đeo khẩu trang có tỉ lệ mắc bệnh cúm là 16%. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh cúm ở nhóm đeo khẩu trang cao hơn nhóm không đeo khẩu trang 11%!
Nhưng đeo khẩu trang là một bất tiện, nên không ngạc nhiên khi thấy dưới 50% các đối tượng tham gia nghiên cứu chịu đeo khẩu trang trong thời gian nghiên cứu. Do đó, chúng ta chưa biết nếu tất cả các đối tượng đều đeo khẩu trang thì hiệu quả sẽ ra sao. Một nghiên cứu trước đó trả lời câu hỏi này: không có hiệu quả.
Như vậy, cho đến nay, chúng ta chưa có bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang giảm nguy cơ lây lan virút cúm. Chính vì thế mà ở Úc và các nước như Mĩ người ta không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang. Do đó, tôi nghĩ có lẽ người dân nên biết sự thật này để tiết kiệm một ít tiền cho chuyện khác thay vì mang vào cái khẩu trang khá bất tiện đó.
NVT
Tài liệu tham khảo:
MacIntyre CR, et al. Face Mask Use and Control of Respiratory Virus Transmission in Households. Emerging Infectious Diseases 2/1/2009.
Cowling BJ, et al. Preliminary findings of a randomized trial of non-pharmaceutical interventions to prevent influenza transmission in households. PLoS One. 2008;3:e2101.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét