Học sinh hay là tù nhân? Các em học sinh trường Nguyễn Khuyến bị cách li, giam giữ trong trường. (Nguồn: Ảnh Vietnamnet)
Có thể ví von cách phòng chống dịch cúm H1N1 của Việt Nam mình như dùng cây búa tạ để diệt … con muỗi.
Ngày hôm qua, Thủ tướng chỉ đạo rằng việc phòng chống dịch cúm A/H1N1 là “nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn bộ người dân,” và “Bộ Y tế là cơ quan chủ chốt trong việc phòng, chống dịch cúm A/H1N1.”
Tôi thấy kiểu làm này có hơi hám thời bao cấp, tức là cái gì cũng từ “trung ương”, làm như trung ương là nơi nắm lấy chân lí và biết được sự thật! Tôi nghĩ khác: Bộ Y tế là cơ quan quản lí, những người làm trong Bộ là công chức hành chính hay bán hành chính, họ không phải là chuyên gia hay làm chuyên môn, làm sao họ là cơ quan chủ chốt trong việc phòng chống dịch được. Thật ra thì không thể ngăn ngừa lây lan bệnh được, chỉ có thể giảm mà thôi. Bộ Y tế có thể ra khuyến cáo với điều kiện họ phải tham vấn cơ sở, chứ không phải kiểu ngồi tuốt ngoài Hà Nội mà chỉ tay 5 ngón và phán. Phòng bệnh bắt đầu từ cơ sở và người dân, và đây mới chính là hai thành phần chủ chốt trong việc phòng bệnh.
Có một điều khá khôi hài là Bộ Y tế kêu gọi thông báo tình hình dịch cúm cho Bộ qua đường dây nóng, và địa chỉ email. Nhưng địa chỉ email là địa chỉ công cộng của gmail! Một Bộ Y tế của một nước 86 triệu dân ở vào thế kỉ 21 mà còn sử sụng email chùa, thì ai mà dám tin tưởng vào? (Trích nguyên văn: “Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com).”) Chẳng lẽ cả Bộ Y tế không có mail server cho nhân viên sử dụng, hay có mà chẳng ai dám sử dụng vì quá tồi? Điều này cũng giống như các hiệu trưởng đại học Việt Nam mà sử dụng email của ... yahoo, gmail, hotmail!
Quay trở lại vấn đề phòng chống cúm A/H1N1, tôi không rõ “cả hệ thống chính trị” ở đây có nghĩa là gì, nhưng đoán có lẽ là tất cả các đoàn thể trên khắp nước sẽ tham gia chống dịch. Nhưng câu hỏi đặt ra là tình hình có nghiêm trọng đến nổi phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân như vậy không? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy nhìn qua vài sự thật:
· Tính đến ngày 24/7, Việt Nam có 532 người nhiễm virút cúm A/H1N1. Đó là số liệu của Bộ Y tế. Nhưng chắc chắn con số này không phản ảnh đúng tình trạng thực tế, bởi vì còn rất nhiều ca khác cũng bị nhiễm nhưng chưa được xét nghiệm mà thôi.
· Cho đến nay, không có ai chết vì cúm A/H1N1.
· Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho biết mỗi năm có 70.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, và hàng trăm ngàn người sốt rét, lao phổi, cúm mùa, tiêu chảy, v.v…
Những sự thật trên cho thấy cúm A/H1N1 không nguy hiểm như chúng ta tưởng. Ở Úc, đã có hơn 10 ngàn ca bệnh và 20 ca tử vong (chưa biết tử vong vì cúm A/H1N1 hay nguyên nhân khác), nhưng Nhà nước Úc không nói đến việc huy động “hệ thống chính trị”, không đóng cửa trường học, không biến nơi dịch cúm được phát hiện thành “nhà thương dã chiến”, và không cách li bệnh nhân như là một tội phạm.
Ở Mĩ, cục phòng chống và kiểm soát bệnh thậm chí ngưng làm thống kê số ca bệnh H1N1. Họ cho rằng cúm A/H1N1 đã xâm nhập môi trường và chúng ta phải sống chung với virút này như sống chung với hàng ngàn virút khác mà thôi. Có lẽ Bộ Y tế cũng nên ngưng làm thống kê, vì những con số thống kê này chẳng có ý nghĩa gì trong việc phòng bệnh? Nếu con số đáng tin cậy, nó cho chúng ta biết về qui mô của vấn đề. Nhưng ở đây, tự nó đã là con số không đáng tin cậy, nên dù có công bố thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế. Làm thống kê như thế không cần thiết, mà còn tốn công, và chẳng biết hiệu quả là gì.
Nói đến hiệu quả, tôi phải hỏi mục tiêu cuối cùng của [sự huy động hệ thống chính trị và toàn dân mà Thủ tướng nói] là gì? Để tiêu diệt virút H1N1? Để ngăn chận lan truyền H1N1? Theo tôi cả hai mục tiêu đều không đạt được. Nếu làm việc mà không đạt được mục tiêu thì cần phải xem lại việc làm đó có đúng không.
Chúng ta không thể hoàn toàn tiêu diệt virút H1N1 (hay bất cứ virút nào) trong môi trường. Virút cũng như năng lượng, tức có khả năng biến (tiến) hóa thành một virút mới. Nói cách khác, virút H1N1 đã đến và sẽ tồn tại với chúng ta. Đừng ảo tưởng nghĩ rằng con người có thể xóa bỏ virút H1N1! Trong khi con người chúng ta cần 1000 năm để tiến hóa thì virút và vi trùng có thể tiến hóa trong vòng 1 ngày.
Một khi virút đã tồn tại với chúng ta, chúng sẽ lan truyền sang kí chủ khác. Kích thước nhỏ của virút là một lợi thế của chúng: chúng có thể tồn tại với một số lượng cực kì đông đảo. Kích thước của virút H1N1 chỉ bằng khoảng 1 phần 10.000 mm. Một giọt nước cũng có thể hàm chứa 1 tỉ virút. Mỗi chúng ta mang trong người khoảng 5 tỉ tế bào virút, phần lớn là ở trong hệ thống tiêu hóa và hô hấp. Với số lượng khổng lồ này, ngay cả với một tỉ lệ tiến hóa rất thấp, các virút có thể biến hóa khôn lường mà chúng ta không thể nào tiên lượng một cách chính xác được.
Đứng trên phương diện miễn nhiễm học, một đại dịch có thể thay đổi sự phân phối gen của một dân số một cách đột ngột. Những người mắc bệnh và sống sót sẽ có khả năng đề kháng virút trong tương lai, bởi vì họ tích tụ trong cơ thể một hàm lượng lymphocyte có thể sản xuất kháng thể chống lại các virút gây bệnh. Nhìn như vậy thì chúng ta sẽ thấy đại dịch H1N1 không phải là cái gì quá nguy hiểm để chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị và quần chúng để chống nó.
Cách làm hiện nay của Nhà nước Việt Nam có thể làm cho các quan chức Tổ chức y tế thế giới (WHO) hài lòng và gật đầu khen Việt Nam giỏi. Có thể WHO sẽ tài trợ thêm để tiếp tục phòng chống H1N1. Nhưng tôi nghĩ trách nhiệm của Nhà nước là đối với người dân Việt Nam (chứ đâu phải làm hài lòng một vài công chức của WHO để được khen). Rất tiếc là hiện nay, người dân lại là nạn nhân của các biện pháp cực đoan của Bộ Y tế.
Nếu cần thì nên huy động hệ thống chính trị và quần chúng để phòng chống các bệnh quan trọng khác (như cúm mùa, lao phổi) và tai nạn giao thông. Đừng chỉ vì con virút H1N1 mà bỏ quên những bệnh nguy hiểm đó!
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét