Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Vài phản hồi

Bài phỏng vấn tôi trên Tuổi Trẻ đã có 2 phản hồi từ bạn đọc. Mình phát biểu ý kiến mà có bạn đọc bình luận thì quá tuyệt vời. Do đó, lời đầu tiên là tôi cám ơn bạn đọc. Về nội dung thì tôi không có bình luận gì, vì trong thực tế tôi cũng hiểu hoàn cảnh mà bạn đọc Trường Huy phản ảnh. Tôi cũng đồng ý với bạn Nguyễn Trường Thi về tiêu chí cho công trình khoa học.

Một người bạn từ Hà Nội khi đọc 2 ý kiến này, anh viết thế này: “Đây cũng là một lý do chính tại sao vị thế của một nhà khoa học trong xã hội VN bây giờ rất thấp. Làm sao thu hút được những tài năng của thế hệ trẻ VN vào làm khoa học khi bản thân các bậc đàn anh còn phải chịu một cuộc sống thiếu thốn về vật chất và tinh thần như vậy. DTK” Chúng ta chỉ hi vọng rằng sẽ có thay đổi tích cực nay mai.

Ngoài ra, entry Đường về quá xa vời ? của tôi cũng nhận được 2 phản hồi. Tôi ghi lại nguyên văn ý kiến của hai bạn đó (vì lí do bảo mật tôi sẽ không nêu tên).

“Dear prof. N V Tuan,

I have read what you put in your website and I agree with you many things. However today I saw the following in the newest writing'' Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc)'' Professor, it is not correct! I do know where you took the information, but you can at least look at the list of postgraduate students who has got funding from the government and know why that comment is not correct. The website.

I know and have many friends who come from the south and they are studying with government funding (although I do not hold the government scholarship). We are friendly with each other and we never have any difference due to our home regions. Maybe there are a few people in the north as well as in the south who still have the feeling or behaviour as you told, but for most of us, especially the youngsters I do not see that.”

Và bạn đọc thứ hai:

“Kính thưa giáo sư Nguyễn Văn Tuấn,

Cháu là một người thường xuyên đọc blog của giáo sư và thấy những bài viết của giáo sư về Y tế, giáo dục rất bổ ích. Gần đây cháu có đọc bài "Đường về quá xa vời" của giáo sư trên blog. Cháu xin trích dẫn lại đoạn này:

Ở trong nước, theo tôi thấy, không ít người miền Nam luôn mặc cảm là “người thua trận” và nhiều người phía Bắc dương dương tự đắc là “kẻ thắng trận”. Là người thua trận, người miền Nam chịu nhiều thiệt thòi. Họ biết những ngành nghề mà con em họ khó có thể bước chân vào được (như ngoại giao, hải quan, dầu khí, v.v…). Còn giới chuyên môn thì biết thân không nên xin tài trợ từ các dự án cấp Bộ hay cấp Nhà nước vì theo luật bất thành văn đó là dự án cho đồng nghiệp phía Bắc. Người miền Nam biết thân, đừng xin học bổng của Nhà nước đi du học vì đó là học bổng dành cho con em phía Bắc (đó là lí do tại sao 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc, và con em miền Nam chỉ đi du học tự túc). Một qui ước bất thành văn nữa là người miền Nam không được giữ những chức chủ tịch hiệp hội chuyên môn (vì chỉ dành cho người miền Bắc, kẻ thắng trận); người miền Nam chỉ làm ... phó. Ngay cả cái ủy ban về sông Cửu Long nhưng trụ sở thì nằm ở ngoài ... Hà Nội! Ai cũng biết mà chẳng ai muốn nói ra. Có tín hiệu cho thấy người Nam không tin vào người Bắc (và có lẽ Người Bắc cũng chẳng tin vào người Nam). Tôi thấy Việt Nam dù trên danh nghĩa đã thống nhất nhưng trên thực tế và ở nhiều khía cạnh vẫn là hai nước.

Trong đoạn này, giáo sư có nhắc đến 99% du học sinh từ VN ở nước ngoài xuất phát từ miền Bắc. Thưa giáo sư, bản thân cháu đã từng là du học sinh ở Nga, cháu thấy con số và nhận định này không chính xác trong giai đoạn cháu đi học (năm 2000 trở lại đây). Với thế hệ 8x như chúng cháu, chuyện phân biệt miền Nam, miền Bắc là không còn, và chỉ tiêu phân bổ đi học nước ngoài dành cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là như nhau (căn cứ vào tỉ lệ bạn bè cùng đi du học và bạn bè du học ở các nước khác bằng học bổng nhà nước). Cháu được biết, các suất học bổng ĐH được phân bổ cho các trường và các trường căn cứ vào điểm thi học kì 1 năm 1 ĐH để xét đi du học, (đăng kí đi một số nước đòi hỏi có chứng chỉ tiếng Anh), hoàn toàn rất công bằng và không có sự phân biệt Nam Bắc.Cháu rất mong nhận được ý kiến của giáo sư về nhận định trong đoạn trích dẫn ở trên. Nếu có thể, xin giáo sư đính chính rõ trên blog nhận định trên là trong thời gian nào, vì cháu sợ rằng người đọc blog của giáo sư có thể hiểu nhầm. (Cháu xin phép không nêu tên cá nhân).”

Xin cám ơn hai bạn. Tôi ghi nhận ý kiến của hai bạn. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy trong thập niên 1990s gần như 100% du học sinh từ VN sang đây học là người từ các tỉnh phía Bắc. Với một con số mất quân bình như thế tôi nghĩ câu hỏi đặt ra cũng hợp lí. Ai mà chẳng biết trong thập niên 1990s "người ta" có những thủ đoạn nhỏ nhặt như ra thông cáo sao cho sinh viên miền Nam không có đủ thì giờ để nộp đơn như là một cách loại bỏ sinh viên miền Nam. Ai cũng biết thủ đoạn này cả. Nhưng các tổ chức cung cấp học bổng nước ngoài phải một thời gian mới biết được thủ đoạn này, và có cách giảm (chỉ giảm thôi) tình trạng gian lận đó. Do đó, bây giờ thì đúng là đã có học sinh từ các tỉnh phía Nam sang đây học, nhưng con số vẫn nghiêng nặng về các tỉnh phía Bắc.

Còn chuyện tất cả các hội đoàn chuyên môn, người ngoài Bắc nắm giữ chức chủ tịch và người phía Nam chỉ làm phó là sự thật. Ngay cả các hội đồng chức danh giáo sư cũng do những người phía Bắc kiểm soát. Đó cũng là sự thật. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Tại sao có sự mất cân bằng này? Hay là một cách gián tiếp nói người phía Nam quá ngu?

Nói ra những điều này không có nghĩa là tôi kì thị Bắc-Nam gì đâu, nhưng vấn đề tồn tại quá lâu, lâu đến nổi làm thui chột tài năng từ các đồng nghiệp phía Nam theo tôi là một dấu hiệu không lành mạnh.

NVT

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=328303&ChannelID=119
Thứ Hai, 27/07/2009, 12:21 (GMT+7)
Cơm áo không đùa với nhà khoa học!

TTCT - Đọc xong bài phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Tuấn trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 19-7 tôi rất tâm đắc, nhưng có một điều chưa đề cập, đó là các nhà khoa học VN đã bị chuyện “cơm áo” sẻ chia đầu óc quá nhiều, làm ảnh hưởng đến chuyện nghiên cứu khoa học. Sau đây là một câu chuyện từ thực tế mà tôi muốn kể cho mọi người nghe, nhằm góp một góc nhìn vào việc lý giải vì sao khoa học VN tụt hậu...

C., anh tôi, là một tiến sĩ vật lý lý thuyết, hiện công tác tại Viện Khoa học và công nghệ VN. Dĩ nhiên tài năng của anh ấy không phải ở đỉnh cao trong bộ môn này nhưng chắc chắn không phải là “tiến sĩ giấy”. Bằng chứng là khi bảo vệ luận án tiến sĩ (đạt điểm cao nhất), theo yêu cầu chỉ cần có hai bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế, nhưng anh có đến bảy bài và tất cả đều được đăng ở những tạp chí có tên tuổi như Physical Review, Solidstate Communication... Chưa kể trong hơn mười năm nghiên cứu khoa học, anh ấy cũng đã được Viện vật lý lý thuyết của Nhật, Đức, Ý mời sang làm việc với thời hạn hơn hai năm.

12 năm học phổ thông, bốn năm đại học, bốn năm để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, vị chi anh tôi tốn hết 20 năm đèn sách, nghiên cứu. Thế nhưng, trong gia đình tôi, anh là người có mức sống kém nhất!

Tôi còn nhớ khi vừa xong luận văn thạc sĩ, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (nay là Viện Khoa học và công nghệ VN) với thu nhập mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng! 30 tuổi nhưng anh không có một mảnh tình vắt vai. Lương lĩnh về đưa hết cho mẹ tôi, anh chỉ giữ lại 200.000 đồng mua thuốc lá (chỉ dám hút Bastos đỏ!). Không nhậu nhẹt, không một thú vui nào khác, anh chỉ dốc hết sức cho việc nghiên cứu. Trong những năm ấy bài nghiên cứu của anh liên tục được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Hơn 40 tuổi, anh chấm dứt đời khoa học độc thân bằng đám cưới với một cô giáo nuôi dạy trẻ. Rồi đứa con đầu lòng ra đời. Mức thu nhập hiện tại dành cho một tiến sĩ có hơn chục năm thâm niên nghiên cứu khoa học chỉ là 2,8 triệu đồng/tháng cộng với thu nhập của một cô nuôi dạy trẻ khiến gia đình anh thật sự khó khăn. Giờ đây anh phải nhận lời đi dạy ở các trường đại học để có tiền mua sữa cho con. Thời gian ngồi trước máy tính để nghiên cứu cũng dần ít đi...

Câu chuyện kể đến đây hẳn các bạn phần nào cũng thông cảm được vì sao giới khoa học (chân chính) VN làm công tác nghiên cứu bị tụt hậu.

Hiện Nhà nước cũng phần nào thấy được sự bất hợp lý của giới khoa học VN so với các nước khác nên đã có biện pháp tháo gỡ, đầu tư tốt hơn. Ví dụ, nếu trước đây các nhà khoa học khi thực hiện đề tài đăng ký, ở vai trò chủ nhiệm đề tài đã không được danh chính ngôn thuận trong việc nhận thù lao (dẫn đến việc các nhà khoa học phải khai man danh sách những người giúp việc để tăng thêm thu nhập cho mình) thì nay (bắt đầu từ năm 2009) họ đã được chính thức thừa nhận với mức không quá 9 triệu đồng/tháng và được hưởng 17 tháng cho một đề tài kéo dài hai năm. Nghĩa là với quy định mới, khi thực hiện một đề tài đã được xét duyệt, chủ nhiệm đề tài được khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, có một nét mới nữa là kèm theo quy định thoáng về thù lao cũng đã có ràng buộc hơn, như điều kiện tiên quyết để duyệt đề tài là người đăng ký phải có công trình đăng trên các tạp chí quốc tế trong vòng năm năm gần nhất. Đồng thời đề tài đăng ký phải cam kết có ít nhất một bài đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Tất cả là nhằm ngăn chặn tình trạng “tiền thật, đề tài dỏm”!

Vẫn biết còn kém nhiều so với các nước (theo tính toán của các nhà khoa học lĩnh vực vật lý lý thuyết, ở nước ngoài để có một bài nghiên cứu đạt chất lượng khá được đăng tải phải tốn khoảng 20.000 USD, trong khi ở VN chỉ 100 triệu đồng) nhưng ít ra cũng đã có thay đổi.

TRƯỜNG HUY (TP.HCM)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=328299&ChannelID=119

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:03 (GMT+7)
Định hướng và động lực nào cho khoa học VN phát triển?

TTCT - Một thực tế bây giờ là các quốc gia thường lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học để làm thước đo quan trọng cho sự phát triển của khoa học, nhưng ở VN số lượng và chất lượng các công trình khoa học cũng như các ấn phẩm được công bố và đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín còn rất hạn chế.

Thiết nghĩ, để thúc đẩy sự phát triển của khoa học nước nhà, Nhà nước cần phải có những can thiệp trực tiếp, sâu sát, cần đưa ra những định hướng phát triển nghiên cứu mang tính chất vĩ mô, cũng như các tiêu chí chính sách để thúc đẩy sự phát triển của khoa học VN trong thời gian tới.

Các tiêu chí được đưa ra phải căn cứ vào hiệu quả của các công trình nghiên cứu làm điểm nhấn, định hướng phát triển vĩ mô phải nhằm vào các ngành khoa học ứng dụng thiết thực. Những nghiên cứu có chất lượng phải được khích lệ bằng các hình thức cụ thể. Có như thế khoa học nước ta mới có động lực để theo kịp khoa học quốc tế, dù muộn vẫn hơn không.

NGUYỄN TRƯỜNG THI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét