Trong bài sau đây tác giả thuật lại những kinh nghiệm của mình trong các buổi họp hội mà “chỉ có ở Việt Nam”. Đúng là cái thói quen này làm xấu hình ảnh người Việt Nam trên trường quốc tế. Theo kinh nghiệm tôi thì tác giả nói hoàn toàn đúng, nhưng cũng không hẳn là những thói quen tật xấu đó chỉ hiện diện ở Việt Nam; nó cũng có mặt trong hội nghị quốc tế, đặc biệt là ở các nước châu Á. Tuy nhiên, vẫn theo kinh nghiệm cá nhân, tần số xảy ra ở Việt Nam có vẻ cao hơn các nước trong vùng. Ở cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người đã có ít nhiều tiếp xúc với Tây phương, cái thói quen đó vẫn còn tồn tại.
Trong các hội nghị khoa học, tôi thấy các diễn giả Việt Nam thường nói quá giờ. Đó là một sự mất lịch sự cho diễn giả kế tiếp, nhưng hình như “phe ta” chẳng quan tâm đến phép lịch sự đó. Họ nói thoải mái, ê a, như chẳng có ai dám làm gì họ! Thiệt là bực mình. Có lần một hội nghị ở Hà Nội, có một vị “cây đa cây đề” nói quá giờ gần 10 phút mà vẫn chưa chịu ngừng, một người trong ban tổ chức nhăn nhó mặt mũi nhưng không dám ngưng ông cụ, nên chị nhắn tin điện thoại cho tôi (và tôi vẫn còn giữ làm kỉ niệm): “Không thể control được phần phát biểu của mấy GS [giáo sư] anh nhỉ? Rất xin lỗi anh!” Còn khách dự người ngoại quốc thì lơ đảng nhìn ra ánh nắng chói chang ở ngoài, chẳng thèm để ý đến ông cụ nói cái gì!
Một thói quen xấu trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam mà tôi hay thấy là buổi sáng hội nghị được khai mạc hoành tráng, diễn văn của các quan lớn quan nhỏ đọc ngon lành, người dự đông đủ, nhưng sau lần giải lao đầu tiên, các quan chức đọc diễn đi mất hết, và số người dự giảm thấy rõ; đến buổi chiều thì có khi chỉ còn 1/3 người dự.
Nói đến diễn văn, tôi thấy nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam cũng chẳng giống ai ở điểm quá nhiều diễn văn có khi chẳng ăn nhập gì với hội nghị. Nếu là hội nghị lớn thì thế nào cũng có bộ trưởng nói vài ba câu, rồi chủ tịch hội, rồi chủ tịch hay đại diện địa phương, rồi ban tổ chức, rồi nhà tài trợ, v.v… làm mất toi cả một giờ đồng hồ. Có lần tôi dự một hội nghị và ngồi bên cạnh một đồng nghiệp Singapore, anh ta cứ nhấp nhỏm hỏi tôi: còn ai đọc diễn văn nữa không, sao chưa thấy vào hội nghị? Tôi chỉ biết méo mặt mà an ủi anh ta là tại thủ tục nước Việt Nam của tao phải như thế mày ơi! :-)
Lại còn có một thói xấu của các vị giáo sư giáo sĩ Việt Nam nữa là thay vì hỏi diễn giả thì họ lại lên lớp diễn giả.Thông thường khi một bài thuyết trình hay bài nói chuyện xong, chủ tọa hỏi có ai đặt câu hỏi và thảo luận với diễn giả, và theo qui ước chung là người hỏi và trả lời phải giới hạn trong nội dung bài nói chuyện và giới hạn trong vòng 1 hay 2 phút. Thế nhưng rất nhiều lần tôi thấy các vị "cây đa cây đề" không đặt câu hỏi mà lại đứng lên lên lớp diễn giả, hay phát biểu quan điểm của mình, tức chẳng ăn nhập gì với bài nói chuyện! Lại có người rất thích tấn công diễn giả bằng những bắt bẻ chi tiết chẳng quan trọng, làm mất thì giờ buổi hội thảo. Tôi có cảm giác một số người muốn sử dụng buổi họp hội như là một cơ hội để trả đũa những xung độ cá nhân trước đó, chứ không phải là cơ hội để bàn thảo một cách khoa học.
Mấy thói hư tật xấu mà tác giả bài này mô tả liên quan đến văn hóa họp hội. Mà, văn hóa thì nó mang tính “truyền nhiễm” hay có thể nói là “di truyền” từ đời này sang đời khác. Có lẽ những quan chức phe ta mang trong người cái văn hóa quan liêu từ thời bao cấp, hay văn hóa làng xã từ thời xửa thời xưa nên mới có những hành xử vô văn hóa trong thời nay. Chắc cần phải một hay hai thế hệ nữa thì cái gene của văn hóa này mới chịu đột biến và lúc đó chúng ta không còn cụm từ “chỉ có ở Việt Nam”.
NVT
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=329420&ChannelID=237
Thứ Bảy, 01/08/2009, 04:01 (GMT+7)
Những thói quen không đẹp mắt
TT - Cụm từ “chỉ có ở VN!”, theo trí nhớ của tôi, có lẽ xuất phát từ vài tấm ảnh trên mạng Internet, thể hiện cảnh một chiếc xe gắn máy có thể chở biết bao nhiêu là thứ...mà chưa nơi nào khác trên thế giới có thể làm như vậy. Thế rồi theo thời gian, cụm từ này thỉnh thoảng lại biến thành câu bình luận của một số người nước ngoài khi đặt chân đến VN, nhưng mang một nghĩa khác với hàm ý chê bai.
Tôi làm nghề phiên dịch, nhiều lần lúng túng không biết phải giải thích thế nào khi thấy mấy ông sếp người nước ngoài lắc đầu với nhau: “Only in Vietnam!” (Chỉ có ở VN) khi nói về những biểu hiện mà họ thấy không bình thường. Chẳng hạn như nhiều người có tật hay trao đổi riêng với nhau trong phiên họp một cách khá vô ý, đôi khi sôi nổi một cách quá đáng. Có lần một ông sếp nước ngoài đã nổi giận, nhờ tôi nói với mấy người đó “ra ngoài kia mà nói chuyện riêng!”.
Lần khác, một ông diễn giả người nước ngoài cứ đứng đực ra, mặt chảy dài, không hiểu vì sao mình đang nói mà có người bàn luận với nhau hăng quá... Ông lịch sự bảo: “Xin lỗi, có gì cần tranh luận thì trao đổi với tôi được không?”. Lại còn cái cảnh trong phiên họp, một ông sếp VN cứ để yên cho cái điện thoại đời mới của mình reo vang một điệu nhạc mà có lẽ ông ta ưa thích, rồi mới khệnh khạng móc điện thoại ra nói chuyện oang oang bằng một giọng rất oai vệ, chẳng cần phải xin lỗi vì gây gián đoạn, chẳng thèm ra ngoài cho dù ngay từ đầu phiên họp ông sếp nước ngoài đã nhã nhặn đề nghị mọi người tắt điện thoại hoặc để chế độ rung để buổi họp nhanh chóng đạt kết quả.
Còn nhiều ví dụ khác nữa về những thói quen, những cư xử không đẹp mắt ở nơi công cộng của dân mình, nhưng mấy người nước ngoài biết làm gì hơn là lắc đầu với nhau: “Đúng là chỉ có ở VN!”.
NGUYỄN MẠNH BÍCH NGỌC
(P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009
Những thói quen không đẹp mắt
18:12
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét