Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Báo cáo thủ tướng và trách nhiệm bộ trưởng

Dạo này hình như việc lớn hay nhỏ gì cũng báo cáo cho thủ tướng. Vụ tai nạn xảy ra ở Keangnam, bà bộ trưởng báo cáo cho thủ tướng. Bà bộ trưởng này từng có “thành tích” báo cáo và "chuyển giao" vấn đề cho người khác trước đây. Ở phương Tây, người ta gọi kiểu làm việc này là đá bóng. Chẳng biết cái nhiệm vụ bộ trưởng có mục nào ghi đá bóng không?

Vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương người ta cũng báo cáo cho thủ tướng, và “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 29/7 đã giao UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, làm rõ nội dung báo VietNamNet nêu về những sự việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Phú Lương, Thái Nguyên”. Tôi tưởng tượng sau khi tỉnh điều tra, rồi lại báo cáo cho thủ tướng; thủ tướng xem xong lại giao cho tỉnh tìm cách giải quyết; tỉnh xin ý kiến của Bộ Y tế; Bộ Y tế báo cáo thủ tướng; v.v… tức là một cái vòng luẩn quẩn. Và, trong khi các quan chức đá bóng cho nhau, người dân lãnh đủ: chết.

Ở Úc, những chuyện nghiêm trọng như xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương chắc chắn làm rúng động đến chính quyền, và bộ trưởng y tế chắc chắn sẽ mất chức (thường thì bộ trưởng xin từ chức, chứ không để đến lúc thủ tướng ra lệnh cách chức). Trong quá khứ đã có nhiều bộ trưởng Úc mất chức chỉ vì một sự cố có khi chẳng nằm trong vòng kiểm soát của họ. Nhưng ở nước ta thì bộ trưởng vẫn ok, như chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng có phát biểu hay bình luận gì.

Còn nhớ cách đây mấy năm, khi một bệnh viện cấp huyện ở Queensland, vì thiếu bác sĩ nên họ mướn một ông bác sĩ Ấn Độ từ Mĩ sang làm việc. Trong thời gian 2 hay 3 năm làm ở đây, ông gây ra nhiều “sự cố” làm tổn thương đến sản phụ và gây tử vong cho vài bệnh nhân. Khi sự việc đổ bể, ông chạy trốn về Mĩ.

Thế là chính quyền thành lập một ủy ban chuyên trách với nhiệm vụ là điều tra từng trường hợp một, thu thập dữ liệu và bằng chứng, và phải có đề nghị để khắc phục. Khắc phục không phải chỉ cho bệnh viện đó, mà cho toàn hệ thống bệnh viện của Úc. Ủy ban phải chỉ ra những bài học nào cần được rút ra để phòng ngừa những tai nạn như thế không xảy ra nữa. Sau hơn 1 năm trời làm việc, tốn nhiều triệu đô la, ủy ban đệ trình một báo cáo gần 500 trang và mớ tài liệu gấp 10 lần bản cáo. Bộ trưởng y tế dựa vào bản báo cáo và kiến nghị của ủy ban, tiến hành một cuộc cải cách qui mô hệ thống bệnh viện của Úc.

Câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Phú Lương không phải chỉ là vấn đề địa phương, mà là vấn đề hệ thống: hệ thống y tế của Việt Nam có vấn đề. Vấn đề chính là chất lượng dịch vụ y tế và y đức. Một “nghiên cứu” mới đây ở Hà Nội cho thấy chỉ có 9% bác sĩ nhận thức đúng về y đức. Những gì xảy ra ở Phú Lương chỉ là một tín hiệu về cái hệ quả của hệ thống đó.

Tôi nhớ hồi ở Mĩ, mỗi khi đội bóng trường đại học thắng cuộc, người ta tìm ra một vài cầu thủ để vinh danh; nhưng khi đội bóng thua, không ai được đổ lỗi cho bất cứ cá nhân nào, mà cả đội phải chịu trách nhiệm về sự thất bại. Đó là một qui ước đã được phải tuân thủ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi nghĩ không nên nêu tên các bác sĩ của bệnh viện Phú Lương như là những thủ phạm, mà phải xem lại cả hệ thống y tế Việt Nam. Cả hệ thống phải chịu trách nhiệm, và người đứng đầu hệ thống đó (bộ trưởng) phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Cần phải có một cuộc điều tra độc lập (không để cho người của Bộ Y tế làm chủ trì) để tìm hiểu tại sao, và bài học nào sẽ được rút ra để cho người bệnh cảm thấy an toàn hơn khi vào điều trị ở bệnh viện công.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét