Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Nên cởi mở với ý tưởng mới, táo bạo

Hôm đầu tháng 7 nhân chuyến về quê, tôi có ghé qua tòa soạn báo Tuổi Trẻ thăm một người bạn là một biên tập viên của tờ báo, và thế là một cuộc trao đổi / phỏng vấn chớp nhoáng diễn ra. Lần này chị Loan hỏi tôi về chuyện năng suất khoa học của VN vốn là đề tài tôi cũng quan tâm. Thế là tôi có dịp nói ra những ý mình muốn nói (hay đã nói ở các diễn đàn khác). Hôm đó, còn có anh phóng viên hình đến chụp rất nhiều hình, anh nói là để sau này có dịp sẽ sử dụng nó. Sợ nhất là anh ta cho lên báo mấy tấm hình tay chân múa may thì rất kì, nhưng tôi tin anh không làm chuyện đó. :-) Kèm theo đây là nội dung trao đổi hôm thứ Sáu đó.

Tựa đề là cho Tuổi Trẻ đặt, nhưng tôi thấy cũng hợp nên sẽ sử dụng nó như là tiêu để của entry đầu tuần này.


Bài này có một bảng số liệu nhưng tôi không thể post lên blogspot được (cũng là một hạn chế đáng kể của blogspot vì muốn gửi hình rất khó khăn và nhiêu khê). Bạn đọc nào muốn tìm bảng số liệu có thể đọc qua trang web này:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=327101&ChannelID=119

NVT

===

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=327101&ChannelID=119
Chủ Nhật, 19/07/2009, 07:03 (GMT+7)

Nên cởi mở với ý tưởng mới, táo bạo

TTCT - Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Tuấn làm việc tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan và Đại học New South Wales (Sydney, Úc), đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi về thực trạng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Phân phối quỹ nghiên cứu theo kiểu... đấu thầu xây dựng

* Từng thuyết trình ở Việt Nam về kỹ năng trình bày, viết báo cáo khoa học cho y dược sĩ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thực trạng nghiên cứu khoa học tại VN hiện nay?

- Đánh giá tình trạng khoa học của một quốc gia, người ta thường lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học để làm một thước đo quan trọng. Cách đây trên dưới mười năm, tập san khoa học danh tiếng Science có một loạt bài viết về tình hình khoa học ở các nước Đông Nam Á, và trong loạt bài đó họ không dành một chữ nào về khoa học ở Việt Nam! Thậm chí hai chữ “Việt Nam” còn không có tên trong loạt bài đó! Tôi có viết một thư phản hồi và phàn nàn về sự “bỏ sót” này, họ trả lời rằng tìm trong thư viện khoa học quốc tế không thấy Việt Nam làm được gì hay công bố được gì nên đành bỏ sót Việt Nam.

Hiện nay, mỗi năm các nhà khoa học Việt Nam ở Việt Nam công bố khoảng 1.000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này thể hiện sự tăng trưởng gấp hai lần so với năm 2004 hay 2005 và đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng mặt khác tốc độ tiến triển còn chậm và hệ quả là chúng ta vẫn thua kém các nước trong vùng.

* Cụ thể thua như thế nào? Ông có thể cho một so sánh với quốc gia gần nhất?

- Chẳng hạn so với Thái Lan thì số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của họ.
Về chất lượng, đại đa số bài báo khoa học của Việt Nam được công bố trên những tập san có chỉ số ảnh hưởng rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3 (chỉ số cao nhất khoảng 60).

Về lĩnh vực nghiên cứu, bảng sau đây liệt kê lĩnh vực nghiên cứu “top 10” của Việt Nam và Thái Lan cho thấy trái với nhiều người lầm tưởng, lĩnh vực nghiên cứu mạnh của Việt Nam không phải là toán hay vật lý mà là y học. Trong khi đó ngành vật lý lý thuyết và vật lý ứng dụng “sản xuất” được 141 bài (chiếm 15% tổng số bài báo khoa học Việt Nam) và toán 120 bài (13%). Như vậy, chỉ ba ngành y học, vật lý và toán đã chiếm khoảng 45% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam.

Trong khi đó, các lĩnh vực nghiên cứu mạnh của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học.

* Tại sao việc nghiên cứu khoa học của ta còn thua xa láng giềng như thế?

- Trả lời câu hỏi này đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu và phân tích nghiêm chỉnh. Ở đây tôi chỉ nghĩ đến một số lý do gần:

Thứ nhất là vấn đề đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn thấp. Hiện nay đầu tư cho khoa học ở nước ta chỉ khoảng 430 triệu USD nhưng phần lớn là cho xây dựng cơ sở vật chất chứ chưa phân phối đến những công trình nghiên cứu khoa học. Thậm chí với số đầu tư này mà mỗi năm Bộ Khoa học - công nghệ còn phải hoàn trả cho ngân sách khoảng 8 triệu USD vì không thể phân phối hết số tiền đó cho nghiên cứu khoa học. Do đó, vấn đề chưa hẳn là tăng đầu tư mà là đầu tư và phân phối ngân sách sao cho có hiệu suất cao.

Thứ hai là cách phân phối quỹ nghiên cứu khoa học. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ Y tế và Bộ Khoa học - công nghệ) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y học, khoa học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lý hành chính, do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu, định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước.

Thứ ba là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.

Thứ tư là thiếu những quy định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học. Chúng ta có quá nhiều nhà khoa học với chức danh giáo sư và tiến sĩ nhưng họ không làm nghiên cứu mà chỉ đảm nhận các chức vụ hành chính (gần 70% tiến sĩ giữ chức vụ quản lý và không làm nghiên cứu khoa học). Hệ quả là qua con số thống kê Việt Nam có 30.000 nhà khoa học nhưng năng suất khoa học thì quá thấp để có thể so sánh với các nước trong vùng.

Nhầm lẫn!

* Ông có thể nói thêm về những đề tài nghiên cứu không theo kịp trào lưu, định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế trong nước?

- Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta còn nhầm lẫn giữa khoa học và dịch vụ hay kiểm kê. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng than phiền nhiều luận án tiến sĩ giống như “vật trang sức”. Có thể nêu vài ví dụ như công trình về... giặt áo trong quân đội, cách sắp xếp bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban cấp tỉnh, nhu cầu điện ảnh của thanh niên, phát huy trí thức ngành y tế... Đó không phải là những công trình nghiên cứu khoa học. Thế nhưng ở nước ta những đề tài như thế lại được xuất hiện dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học” cấp tiến sĩ!

* Sau Thái Lan cả 20 năm và sau Hàn Quốc cả 50 năm, khi chúng ta phát triển thì họ cũng phát triển. Làm sao khắc phục thực trạng ông vừa nêu?

- Chúng ta phải phấn đấu vượt trội. Tôi nghĩ đến những giải pháp thực tế trước mắt:

Thứ nhất, cần phải hướng đến việc công bố nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế hay đăng ký bằng sáng chế (patent) như là một tiêu chuẩn để đề bạt vào các chức danh khoa học.

Thứ hai, cần phải xem công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế là một chỉ tiêu để đánh giá (hay “nghiệm thu”?) các công trình nghiên cứu do Nhà nước tài trợ. Có rất nhiều nghiên cứu với ngân sách hàng tỉ đồng được nghiệm thu và đánh giá là “đạt” hay “tốt”, nhưng trong thực tế chưa có một bài báo nào trên trường quốc tế và do đó không xứng với số tiền đầu tư do người dân đóng góp.

Thứ ba, cần có chính sách đãi ngộ và tưởng thưởng các nhà khoa học trẻ có công trình công bố quốc tế. Ở một số đại học tại các nước như Singapore, Thái Lan, Hong Kong... người ta thưởng khá nhiều tiền (lên đến hàng ngàn USD) cho các tác giả có công trình công bố trên các tập san quốc tế có uy tín cao. Ngay tại Úc, một số trường sẵn sàng tặng hàng ngàn đôla cho các nhà nghiên cứu có công trình đăng trên các tập san với hệ số ảnh hưởng trên 10.

Thứ tư, cần phải khuyến khích các tập san khoa học Việt Nam vươn đến tầm quốc tế. Một trong những lý do mà Thái Lan và Singapore có nhiều bài báo khoa học hơn Việt Nam là hai nước này có các tập san khoa học, kể cả tập san y sinh học địa phương, được viết bằng tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt và được Viện Thông tin khoa học (ISI) công nhận.

Đề tài khoa học từ... bàn cà phê

* Như ông nói, Việt Nam đi sau cần phấn đấu vượt bậc. Vậy có con đường riêng nào cho Việt Nam không?

- Cần phải khẳng định một thực tế rằng Việt Nam không thể cạnh tranh với các cường quốc khoa học như Mỹ, Nhật hay một cường quốc khoa học đang trên đường hình thành như Trung Quốc, nhưng điều chúng ta có thể làm được là đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học ở những lĩnh vực thuộc vào thế mạnh để nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Thiết nghĩ Nhà nước ngoài việc nâng cao hiệu suất đầu tư cho khoa học - công nghệ và cải cách hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải bắt đầu phát triển các chuẩn mực cho các nhà khoa học, kể cả tiêu chuẩn giáo sư, sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và không quá xa rời thực tế ở nước ta.

* Là nhà khoa học công bố nhiều công trình, ông có kỷ niệm nào lý thú không?

- Phần lớn công trình nghiên cứu của tôi đều nhắm đến những vấn đề thực tế như tiên lượng bệnh chính xác hơn qua các biến thể di truyền. Năm 1994 chúng tôi tình cờ phát hiện gen VDR có liên quan đến loãng xương do mối liên hệ giữa gen này và một biểu mô sinh học của xương. Câu chuyện bắt đầu trên một bàn cà phê kiểu “trà dư tửu hậu” nhưng kết quả lại rất tuyệt vời, vì nó mở màn cho một loạt nghiên cứu di truyền học trong xương trên thế giới.

* Bài học nào ông rút ra từ thành công đó?

- Có nhiều bài học lắm, nhưng bài học quan trọng nhất theo tôi là phải cởi mở với những ý tưởng mới và táo bạo. Có nhiều ý tưởng thoạt nghe qua hơi lạ tai, thậm chí buồn cười, nhưng khi bắt tay vào làm lại học được nhiều vấn đề. Bài học thứ hai là không nên chỉ chú tâm vào lĩnh vực của mình mà bác bỏ các lĩnh vực khác, vì khoa học ngày nay thường mang tính liên ngành và điều này đặt ra nhu cầu học hỏi, lắng nghe ý tưởng cũng như quan điểm của người khác ngành. Bài học thứ ba là phải kiên trì theo đuổi ý tưởng chứ không nên bỏ giữa chừng. Nhiều khi kết quả nghiên cứu không như mình dự đoán hay không phù hợp với giả thuyết đặt ra lúc ban đầu và mình phải tìm hiểu tại sao. Đôi khi trả lời được câu hỏi “tại sao” cũng là một thành công.

* Xin cảm ơn giáo sư.

PHAN XUÂN LOAN thực hiện

Box:
Đối với cá nhân nhà khoa học, báo cáo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là một “đơn vị tiền tệ”, là viên gạch xây dựng sự nghiệp khoa bảng. Chúng ta có không ít giáo sư chưa có công trình nào đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Như một giáo sư nhận xét gần đây: “Chín vị giáo sư - tiến sĩ khoa học là thành viên của hội đồng ngành cơ học Việt Nam không có công bố quốc tế ISI trong 10 năm qua”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét