Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Bàn về tiêu đề và biểu tượng mới của ngành du lịch Việt Nam

Hôm qua đọc báo thấy ngành du lịch Việt Nam đã chọn một biểu tượng mới, kèm theo tiêu đề tiếng Anh A Different Orient và tiếng Việt Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông. Tôi thích cái biểu tượng, nhưng hình như tiêu đề tiếng Anh và tiếng Việt … đá nhau!


Đây là biểu tượng mới của du lịch Việt Nam:



Biểu tượng này được đoạt giải nhất từ một cuộc thi với hơn 400 biểu tượng đệ trình.  Tôi thích ngôi sao nhiều màu và chữ Vietnam được viết bằng màu xanh (phải là màu xanh!), phông chữ mang dáng dấp Á châu, sắc nét, và đẹp.  Nhưng phần tiêu đề làm tôi phân vân.  Những điểm tôi phân vân như sau:

Thứ nhất là chữ Orient, chúng ta biết rằng chữ này có gốc Latin là Oriens, có nghĩa là Phương Đông, chứ không hẳn là Á châu.  Ngày xưa, Orient dùng để chỉ các nước Trung Đông như Ai Cập, Ba Tư (tức là Iran ngày nay), nhưng sau này thì danh từ này cũng dùng cho các nước Nam Á, Đông Á, và Đông Nam Á.  Nếu ai chịu khó chú ý sẽ thấy người Iran quảng cáo những tấm thảm của họ là Orient Rugs hay Oriental Carpets.  Nếu chúng ta muốn khác biệt thì chắc chắn phải chỉ ra rằng Việt Nam khác với Iran!  Xin ghi thêm rằng, còn có danh từ Far East chỉ vùng Viễn Đông.  Người Pháp ngày xưa lập trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient).  Tóm lại, Orient không có nghĩa đơn giản là Á châu.  Á châuAsia.

Thứ hai, Orient có biến thể tính từ là Oriental và tính từ này hàm ý xấu.  Ở Úc hay Mĩ, theo tôi biết, nói ai đó là Oriental là một sự xúc phạm, không chấp nhận được, vì cách nói đó chẳng khác gì nói An Nam (chỉ người Việt Nam), Miên (người Khmer), Tàu (Trung Hoa), hay Jap (Nhật). Cần nói thêm rằng, OrientOriental là hai từ tương đối cổ, ít được dùng trong văn bản ngày nay.

Thứ ba, tôi không thích chữ Sự trong tiêu đề trên.  Người không thạo tiếng Việt và tiếng Anh, khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thường dùng sự, và cách dùng phổ biến đến nổi có thể xem là một căn bệnh: bệnh dịch. Thật khó nghe khi dịch communication sự liên lạc, hay protocolsự làm việc!  Có lẽ ai cũng biết trong cụm từ A Different Orient,chữ Different là tính từ, chứ đâu phải danh từ.  Và, vì tính từ, nên không thể nói là sự khác biệt được.  Do đó, câu Sự Khác Biệt Á Đông hoàn toàn chẳng ăn nhằm gì với A Different Orient cả.  Đáng lí ra, cụm từ A Different Orient phải là Một Phương Đông khác biệt chứ (chú ý có mạo từ a phía trước đề cập đến Orient). Còn nếu Sự Khác Biêt Á Đông thì đáng lẽ phải là An Asian Difference hay An Oriental Difference (nhưng nghe buồn cười quá!) 

Thứ tư, theo tôi, cách viết hoa có vấn đề.  Tại sao Different được viết hoa?  Tại sao Sự Khác Biệt Á Đông tất cả đều viết hoa?  Khác biệt là danh từ (hay tính từ) chung, chẳng có gì đặc biệt về chữ này cả, và do đó, chẳng có lí do gì để viết hoa cả.

Tóm lại, tôi nghĩ nếu bản gốc là A Different Orient và bản dịch là Sự Khác Biệt Á Đông, thì cách dịch sai.  Nếu bản gốc là Sự Khác Biệt Á Đông, và bản dịch là A Different Orient thì cách dịch cũng sai và không chuẩn.  Cần nói thêm rằng các vị trong Tổng cục du lịch từng có một biểu tượng buồn cười như dưới đây (vào năm 2004).  Nay họ lại cho ra một biểu tượng tuy tốt, nhưng tiêu đề thì (nói lịch sự) là chưa đạt.  Chẳng hiểu những tiến sĩ tiến siếc trong đó ăn học như thế nào mà một chuyện đơn giản như thế mà cũng làm chưa đạt.




Còn nhớ biểu tượng sexy được đề xướng cho ngành du lịch Việt Nam năm 2004?

Vậy thì nên viết như thế nào?  Theo tôi thì nên dùng Asia thay cho Orient, vì như nói trên, chữ Orient rất dễ lan sang Oriental với hàm ý xúc phạm, và Orient cũng không hẳn dịch là Á châu.  Nếu tôi là người soạn tiêu đề này, tôi sẽ nhấn mạnh đến một Việt Nam khác biệt với các nước Á châu khác, nhưng để nhấn mạnh tôi sẽ dùng tính từ surprising hay vibrant, nếu cần sẽ dùng chữ Pháp!  Có lẽ tôi sẽ dùng An Asia để nói Việt Nam là một Á châu thu nhỏ (tham vọng!)  Tôi suy nghĩ đến những tiêu đề như sau:

Tôi để cho các bạn suy nghĩ và đề nghị tiếp.  Tuy nhiên, viết cho vui thế thôi, chứ người ta đã quyết định hết rồi.  Cái khổ của hệ thống trung ương hóa là ở đây: người ta nghĩ rằng người ta ngồi ở trung ương, là những người tài giỏi nhất, thông minh nhất, biết hết mọi chuyện.  Nhưng có nhiều khác biệt giữa they think they knowthey know.

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm 7: Ăn uống ở Việt Nam và xu hướng ngọt hóa

Hôm nay, tiếp tục loạt bài "ghi chép cuối năm", tôi ghi lại đây vài cảm nhận về xu hướng ăn uống ở Việt Nam. Tôi sẽ tập trung nói về xu hướng ngọt hóa và tầm thường hóa món ăn Việt Nam.



Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, có rất nhiều quán ăn ngon, và con số này càng ngày càng nhiều. Đủ loại nhà hàng phục vụ các món ăn Bắc, Trung, Nam, Âu, Á, Latin, thậm chí cả món ăn Trung Đông. Đi quanh Sài Gòn chúng ta thấy nhà hàng và quán ăn nhiều hơn rạp hát hay rạp chiếu bóng, và chắc chắn nhiều hơn các tụ điểm bán sách báo, băng nhạc, và tranh ảnh gộp lại. Đành rằng "có thực mới vực được đạo", nhưng sự có mặt có quá nhiều quán ăn có thể diễn giải rằng dân ta ... ham ăn. Tôi thì muốn nhìn hiện tượng một cách tích cực hơn: sự hiện diện của nhiều quán ăn là một dấu hiệu cho thấy món ăn Việt Nam ngon. Phải ngon thì nhà hàng và quán ăn mới hấp dẫn được thực khách và tồn tại như thế. Vậy thì sao không quảng bá Sài Gòn như là "kitchen of the world" (nhà bếp của thế giới) như có chuyên gia Mĩ từng đề nghị?

Nói ra thì có vẻ “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng một cách công bằng và nghiêm chỉnh, tôi nghĩ có thể nói rằng: món ăn Việt Nam ngon.  Cũng có thể nói là “rất ngon”.  Phở, một món ăn “quốc hồn, quốc túy”, được khắp thế giới đánh giá rất cao.  Ngay cả những món như bánh xèo, chả giò, bì cuốn, hay ngay cả những món dân dã hơn như cá kho và canh chua cũng là những món ăn chẳng những ngon miệng và còn giàu dinh dưỡng.  Bởi vậy không ngạc nhiên chút nào khi người ngoại quốc đến Việt Nam lần đầu đều nhất trí nhận xét rằng món ăn Việt Nam là ngon.  Một anh đồng nghiệp người Úc của tôi, là một giáo sư về nội tiết học, sang Việt Nam giảng lần đầu, tôi hỏi anh thấy Việt Nam ra sao, thay vì trả lời câu hỏi tôi, anh nhiệt tình nói “món ăn tuyệt vời”.  Anh còn nói thêm trong cuộc đời đi khắp thế giới, chưa bao giờ anh thấy món ăn Việt Nam ngon như thế, và không ngần ngại nói rằng “ngon nhất thế giới”!  Tôi thì không dám nói như thế, nhưng có lí do để nói rằng những món ăn Việt Nam là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.


http://kitchentoworld.com/wp-content/uploads/2009/10/banh_xeo-300x224.jpg

Bánh xèo: tôi không thấy nơi nào trên thế giới có món ngon này!

Cái ngon của ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon miệng, mà còn ở tính cách văn hóa.  Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều nhận xét tinh tế về văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong đó ông cho rằng các món ăn Việt Nam có một sự cân đối âm dương.  Theo cách hiểu này, những món mặn là thuộc tính dương, còn ngọt và chua thuộc tính âm.  Do đó, người Việt chúng ta pha chế nước mắm với đường và chanh, hay dưa cải phải nhận trong khạp mắm thì mới quân bình âm dương.  Có lẽ chính vì sự cân bằng âm dương mà món ăn Việt Nam có một sức hấp dẫn rất cao, đến nổi có quán tự tin đặ tên quán là “Ăn là ghiền”.  Tôi biết có người Việt sống xa quê khi về Việt Nam, việc đầu tiên ngay sau khi xuống máy bay là đi ngay đến một quán ăn để … ăn cho đã.

http://upload.sao.vn/123/huyen/1209/29/nuocmam1-tapchiamthuc.vn.jpg

Nước mắm ớt: cân bằng âm dương

Món ăn Việt Nam không chỉ ngon miệng, có văn hóa, mà còn có tính toàn diện.  Toàn diện ở đây hiểu theo nghĩa món ăn được thưởng thức bằng thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, và vị giác.  Chẳng hạn như nhìn món bánh xèo màu vàng rụm, được “trang trí” với rau xanh, bên cạnh chén nước chấm màu đỏ có chút ớt, cải trắng, cải cà-rốt được xắt nhỏ, chúng ta cảm thấy đẹp mắt.  Cắn một miếng bánh xèo nghe rôm rốp, cộng với mùi rau chát, thơm, cay, và nước chấm âm-dương, tất cả hòa huyện nhau tạo nên một món ăn tuyệt vời, một kinh nghiệm ẩm thực rất đáng nhớ đời mà không nơi nào trên thế giới có được.

Xu hướng “ngọt hóa”

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây tôi thấy có hai xu hướng đáng đáng tiếc đang xảy ra trong ẩm thực Việt Nam: đó là xu hướng ngọt hóa nhiều món ăn, và xu hướng tầm thường hóa món ăn Việt Nam trong các quán ăn.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến tình trạng “ngọt hóa” các món ăn ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, như hiện nay.  Nấu canh chua, người ta có xu hướng pha chế để nước súp ngọt.  Cá kho tộ, bản chất là một món ăn mặn và cay, mà cũng bị làm cho ngọt.  Mắm thái là món “favorite” của tôi ngày nào, nhưng bây giờ về Việt Nam thì không dám ăn nữa vì nó quá ngọt.  Món mắm tép ngày nào có vị chua và mặn nay trở thành quá ngọt.  Lẩu mắm cũng ngọt.  Khô cá thiều cũng trở thành món khô ngọt.  Món nước mắm ớt chua mặn có khi trở thành … nước đường.  Tôi nói không ngoa đâu.  Chưa một nhà hàng nào chế biến món nước mắm hợp khẩu vị của tôi.  Tất cả những dĩa nước mắm phục vụ cho các món như cơm tấm và gỏi đều quá ngọt, có khi ngọt cứ như là đường và tôi phải trả lại cho quán.  Rất nhiều lần vào một số nhà hàng, tôi phải yêu cầu chế biến lại hay gọi một món khác vì món ăn quá ngọt.


http://files.myopera.com/mietvuon/blog/DUAMAMCAY.jpg

Món dưa mắm: coi chừng ... ngọt!

Ngay cả món dưa mắm, một trong những món ăn tôi rất thích, cũng bị “ngọt hóa”.  Để chế biến món này, vỏ dưa hấu, dưa leo, đu đủ được nhận trong một cái khạp mắm khoảng vài tuần, sau đó lấy ra trộn với chanh, ớt, và tỏi. Đó là món ăn không thể nào vắng mặt trong bữa ăn của người miền Tây.  Hay như món dưa điên điển cũng rất tuyệt vời, nhưng món này thì tùy thuộc theo mùa điên điển (mùa nước nổi).  Nhưng tôi đã nhiều lần thất vọng với những món ăn này trong các quán ăn vì cái ngọt giết chết món ăn dân dã vốn cân đối âm dương (có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt).  Hơn 10 năm qua, chưa một lần tôi hài lòng với những món ăn này ở các quán trên khắp các tỉnh thành miền Tây và Sài Gòn.  Tôi thất vọng đến nổi phải cảnh giác.  Hầu hết khi kêu những món này, tôi ra điều kiện rằng nếu ngọt quá, tôi trả lại.

Nhiều người miền Bắc nhận xét rằng người miền Nam thích ăn ngọt.  Nhưng tôi có thể khẳng định rằng trước 1975 và sau 1975 vài năm, người miền Nam không có xu hướng ăn ngọt như hiện nay.  Ăn ngọt dĩ nhiên là thiếu lành mạnh.  Tuy rằng sự liên đới giữa hàm lượng đường từ thức ăn và nguy cơ tiểu đường không nhất quán mấy, nhưng ở Việt Nam rất có thể chính vì xu hướng ngọt hóa này làm cho gần 10% dân số bị bệnh tiểu đường chăng?  Đó là chưa kể hệ quả các bệnh tim mạch.  Thật ra, ăn nhiều đường cũng có thể làm giảm tuổi thọ.  Tôi nhớ cách đây không lâu, có một nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn nhiều đường có nguy cơ tử vong cao hơn và chết sớm hơn so với người ăn ít đường.
Rất khó giải thích tại sao người miền Nam có xu hướng ăn ngọt, nhưng tôi chợt nghĩ đến giả thuyết “thrifty genotype”.  Rất có thể trong thời bao cấp, người miền Nam quá thiếu thốn về mặt dinh dưỡng, nhất là đường và mỡ, vì thời đó những thực phẩm này có khi được xem là xa xỉ.  Đến khi mở cửa, kinh tế khá lên, người ta phải ra sức tích lũy những thứ “xa xỉ” đó để thỏa mãn nhu cầu, và có lẽ cũng để phòng ngừa cho những bất trắc trong tương lai.  Chỉ là một suy nghĩ vẩn vơ …

Cái muỗng

Một xu hướng khác rất đáng quan tâm là “tầm thường hóa” món ăn.  Điều tôi phàn nàn nhiều nhất, bực mình nhất là vấn đề cái muỗng.  Muỗng không phải là cái gì quá mới trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.  Theo tôi biết, một vài cái muỗng đẹp, được chạm trổ cầu kì với hoa văn tinh tế đã được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Đông Sơn.  Điều này chứng tỏ từ thưở xa xưa, cha ông chúng ta đã biết dùng muỗng cho các bữa ăn.  Do đó, có thể nói muỗng là một dụng cụ ăn uống cổ truyền.  Nhìn muỗng Đông Sơn thấy lòng muỗng sâu hơn muỗng theo mô hình Trung Quốc ngày nay.

photo
 
Muỗng Đông Sơn

Muỗng có chức năng dùng làm công cụ nêm nếm khi nấu ăn (như để đo lường và trộn thức ăn).  Nhưng trong văn hóa Á Đông, muỗng còn được sử dụng để ăn cơm và những món ăn nhẹ như kem, cơm, trứng.  Cũng có khi muỗng được sử dụng cho súp, nhưng phải là muỗng có dung lượng thích hợp.

http://lh3.ggpht.com/_5qPjaVdMU8A/TTex9RxOqnI/AAAAAAAAGQo/SbpkZidIGSw/s720/Eetrite1.jpg

Quán ăn bày biện muỗng như thế này (thật ra tồi hơn những muỗng này) để ... ăn phở!

Điều đáng buồn ngày nay là các quán ăn Việt Nam dùng muỗng một cách tùy tiện và có thể nói là vô văn hóa.  Vào các quán ăn ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy cái muỗng làm bằng nhôm hay inox rất mỏng (loại rẻ tiền) và quan trọng hơn là rất … cạn.  Có loại muỗng cạn đến nổi chỉ như một tấm tole bằng phẳng.  Ấy thế mà người ta dọn cái muỗng như thế cho thực khách để ăn phở, hủ tíu, bún bò huế, thậm chí để húp súp.  Chỉ cần múc một muỗng nước, nếu may mắn lắm giữ cho muỗng thăng bằng thì thực khách chắc có được vài mil nước súp!  Còn nếu múc nhanh thì chẳng có nước súp nào để thưởng thức.  Ấy thế mà nhà hàng nào, quán ăn nào cũng có những cái muỗng như thế.  Tôi thật sự không hiểu trong đầu những người chủ quán hay người sản xuất ra những cái muỗng đó để làm gì.  Nếu để làm cảnh thì khỏi phải bàn, nhưng nếu để ăn uống thì chắc đó là một trò đùa vô văn hóa nhất, vô duyên nhất, và … dã man nhất mà tôi từng biết.

Giấy đi cầu tiêu trên bàn ăn

Một trong những nỗi khổ của thực khách khi vào các quán ăn và nhà hàng ở Việt Nam là không có khăn giấy.  Ở những quán ăn, người ta không có giấy serviette cho thực khách lau miệng.  Thay vào đó, quán ăn bày biện trên mỗi bàn một cuốn giấy toilet (dùng đi cầu tiêu) để thực khách sử dụng!  Thử tưởng tượng bạn kêu một món ăn như phở hay hủ tíu, hay món cơm tấm, mà trước mặt là một cuộn giấy đi cầu tiêu!  Ôi, tục tĩu làm sao!  Có nơi người ta cắt những tờ báo nhật trình thành những tấm giấy vuông khoảng 3x3 cm để cho khách … lau miệng, trông cực kì phản cảm. Ấy vậy mà thực khách vẫn dùng và không hề có phàn nàn gì. Và, cái “văn hóa” dùng giấy đi cầu để lau miệng này rất phổ biến từ Bắc chí Nam.  Nhiều khi tôi tự hỏi chẳng lẽ người Việt mình kì cục như thế.  Khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi thấy cái cảnh tượng như thế?

http://ttnn.com.vn/ImageHandler.ashx?f=~/App_Data/News/Images/1235869374.img.jpg&w=450&h=305&c=%23FFFFFF

Những cuộn giấy đi cầu như thế dùng để ... lau miệng trong quán ăn!

Ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, người ta cũng rất tiết kiệm giấy serviette.  Tiếp viên chỉ dọn bữa ăn kèm theo một tờ giấy duy nhất (thường là loại rẻ tiền, có thể mua từ Trung Quốc) cho mỗi thực khách.  Cố nhiên, chẳng ai dám đụng vào những cái khăn ướt bằng vải vì không ai có thể đoán người ta đã dùng những hóa chất gì trong đó và bao nhiêu vi khuẩn đang trực chờ khách.  Nói đến đây tôi chợt nhớ rằng nhiều khách sạn 4 sao ở Sài Gòn (nhất là khách sạn do Nhà nước quản lí) cũng không có một hộp giấy serviette cho khách sử dụng.  Xin lặp lại: khách sạn 4 sao mà không có giấy servitte cho khách.  Tôi chẳng hiểu tiêu chuẩn 4 sao gì mà lạ lùng thế!

Ăn cơm tấm không có dao

Một đặc điểm “văn hóa” ăn uống ngày nay ở Việt Nam rất đáng chú ý là: ăn cơm tấm không có dao.  Tôi đã từng đi qua nhiều tỉnh thành, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng (cố nhiên là chưa đi hết), và “khám phá” ra không một nhà hàng và quán ăn nào cung cấp cái dao cho thực khách ăn cơm tấm cả.  Không có.  Người ta dọn ra một dĩa cơm tấm nhỏ (chắc chỉ bằng 1/5 dĩa cơm tấm bên Little Saigon), bên cạnh đó chỉ có hai lát dưa chua (nhưng rất ngọt như đường phèn, thường tôi phải gạt bỏ đi), hai lát dưa leo khô khốc, một miếng sườn nướng, một cái nỉa, một cái muỗng mỏng tanh, và một đôi đũa.   Không có dao.  Ngay cả quán TK (khá nổi tiếng) cũng như thế: không có dao cho khách ăn cơm tấm.  Quán “Cơm tấm Cali” rất uy tín và sạch sẽ, chẳng hiểu sao cũng bắt chước theo “truyền thống không dao”.  Phải mở ngoặc để nói thêm rằng quán này (Cơm tấm Cali) cũng có xu hướng ngọt hóa món nước chấm, nước mắm mà ngọt cứ như là đường đông đặc.  Không hiểu cái “phong tục” này bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi biết rằng trước 1975 không có phong tục này.

http://www.dinhduong.com.vn/files/u22/com-tam-suon-bi-trung.jpg
Một dĩa cơm tấm như thế này mà không có dao!

Cứ mỗi lần như thế tôi phải hỏi người tiếp viên vậy làm sao ăn sườn nướng, thì họ thường chỉ vào cái … nỉa.  Hình như tiếp viên chưa bao giờ được huấn luyện cách ăn nói với khách, hay cách ăn uống và sử dụng công cụ ăn uống sao cho thích hợp.  Có lần vào quán TK, tôi hỏi xin một cái dao, tiếp viên thản nhiên nói … không có.  Tất nhiên là em này nói dóc.  Nói dóc một cách trắng trợn và không biết ngượng.  Tôi đành phải để lại bữa cơm, trả tiền sòng phẳng, và bình thản bỏ đi trong cái nhìn ngạc nhiên của mọi người chung quanh. Dĩ nhiên, xác suất tôi quay lại quán này lần thứ 2 trong đời có lẽ bằng 0!

Vấn đề 

Tôi vẫn tự hỏi tại sao một đất nước có văn hóa ẩm thực như Việt Nam ngày nay lại có duy trì những cách phục vụ ăn uống tùy tiện như mô tả trên.  Trước hết, nó thể hiện sự thiếu tinh tế trong cách trình bày món ăn.  Cái ngon là một khía cạnh quan trọng, nhưng hình thức trình bày cũng không kém phần quan trọng, bởi vì nó có thể làm tăng giá trị của món ăn. Tôi đã từng vào một nhà hàng Thái, món salad bắp chuối của họ được trình bày với rau xanh cực kì bắt mắt và nước chấm (nhưng “nội dung” chính chỉ là phân nửa cái bắp chuối) mà họ tính giá 15 đôla Mĩ.  Nói như thế để thấy cái “added value” của món ăn có khi còn quan trọng hơn cả cái ngon của món ăn.

Sự tùy thiếu tế nhị trong việc không cho con dao hay dùng giấy đi cầu làm giấy lau miệng chỉ có thể nói là vô văn hóa.  Và, tính vô văn hóa đó khó có thể biện minh được.  Có thể nó thể hiện cái văn hóa tiểu nông mà nhiều người nhắc đến (tức là làm qua loa, làm cho có, tủn mủn), nhưng tôi lại nghĩ nó thể hiện sự lười biếng trong suy nghĩ.  Người ta không chịu đầu tư thì giờ để suy nghĩ về sự tinh tế trong cách trình bày món ăn.

Tôi có cảm giác rằng một số món ăn truyền thống đang bị biến tướng thành những món ăn quá ngọt, mất cân đối âm dương, thiếu lành mạnh, và có hại cho sức khỏe.

Món ăn Việt Nam rất ngon và xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong ẩm thực thế giới.  Để có chỗ đứng đó, món ăn Việt Nam cần được bày trí một cách đẹp mắt, hài hòa. Không cần bày trí một cách cầu kì, phức tạp; cần đơn giản nhưng phải lịch sự và tinh tế.  Ngoài ra, cần phải đảm bảo mỗi công cụ ăn uống (thực cụ) phải thích hợp với từng món ăn.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Tiếng Anh: Historic và Historical

Thấy bức hình dưới đây trên trang web của basam.info, tôi có hứng viết đôi dòng về historic vàhistorical.

Bức hình chụp kílomet 0 trên đường Trường Sơn viết:
“NATIONAL HISTORICAL SITE HO CHI MINH ROAD EASTERN TRUONGSON TAN KY – LOC NINH
KM 0
[không thấy rõ] NOVEMBER 1972”
Có thể nói ngay rằng chữ historical dùng ở đây là không đúng.  Cả hai chữ historic và historical đều liên quan đến lịch sử, nhưng cách dùng và ý nghĩa thì khác nhau.
Historic có nghĩa là “có ý nghĩa lịch sử”, thường dùng để chỉ một sự kiện, cá nhân, hay một địa danh nổi tiếng hay quan trọng trong lịch sử. Ví dụ như người ta viết the historic spot on which the first pilgrims landed in America (chứ không viết “the historical spot …”).
Historical có nghĩa là có liên quan đến sự kiện trong quá khứ. Chữ này thường dùng cho một dữ liệu, hoặc sự kiện. Chẳng hạn như người ta viết it’s a historical fact, chứ không viết historic fact.
Như nói trên, cái khó là cả hai chữ đều có thể dùng để chỉ sự kiện (event), thậm chí cá nhân. Nhưng ý nghĩa thì khác nhau. Thử so sánh:
This is a historical event (sự kiện đã xảy ra trong quá khứ)
This is a historic event (sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử)
Phan Huy Lê is a historical scholar (Ông ấy là chuyên gia nghiên cứu lịch sử)

Nguyễn Trãi was a historic scholar (Ông ấy là một học giả quan trọng trong lịch sử)

Quay lại với bức hình, tôi nghĩ người dựng bia muốn nói đây là địa danh mang tính lịch sử, chứ không hẳn là địa danh trong quá khứ. Do đó, chữ historical sai ở đây.  Nên viết đúng hơn là:
NATIONAL HISTORIC SITE
(xuống hàng)
HO CHI MINH ROAD
(xuống hàng)
EASTERN TRUONG SON TAN KY – LOC NINH”
Vẫn chưa hài lòng mấy, nhưng để các bạn suy nghĩ thêm ... :-)
NVT


Ghi thêm: Cũng giồng như phải phân biệt classic và classical vậy.  Classic dùng để mô tả một sự vật (như tác phẩm) có chất lượng cao, như a classic novel, a classic work.  Classical cũng là tính từ, nhưng để nói đến sự vật theo phong cách xưa, cổ điển, truyền thống, nhưclassical music, classical theory.
Trong tiếng Anh, có nhiều tính từ có tiếp vĩ ngữ là ic hay ical, nhưng có cùng nghĩa, và sự khác nhau chỉ là cách viết theo trường phái Mĩ hay Anh.  Trường phái tiếng Anh kiểu Mĩ dùng ic, còn trường phái Anh thì thường dùng ical. Chẳng hạn như người Mĩ viết biologic significance, nhưng người Anh thì biological significance. Tương tự, những tính từ y khoa như epidemiologic / epidemiological, histologic / histological cũng chỉ khác nhau ở cách viết chứ không phải nghĩa.  Nhưng cần phải chú ý những từ như clinic (danh từ) khác với clinical(tính từ).

Hoa vàng mấy độ

Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết của tác giả Vĩnh Phúc (Sài Gòn) về nhân vật trong 2 ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: Hoa vàng mấy độNhư một lời chia tay. Ca khúc đã được sáng tác khoảng 30 năm trước, nhưng qua bài này, chúng ta sẽ gặp lại bóng dáng của mĩ nhân trong ca khúc và ngậm ngùi một thuở vui buồn.  NVT



Đêm Trịnh và Hoàng Lan “Hoa vàng mấy độ” (1)

Vĩnh Phúc

Trịnh đã đi rồi, mây trắng cuối trời nhưng những tình ca ngàn năm còn lại với nồng nàn. Thời gian lãng đãng thơm như rượu (2) và những dấu yêu ngày nào, một Diễm xưa, Ngô Thị Bảo Diễm, một Bống Hồng Nhung rồi Hoàng Lan của Hoa vàng mấy độ ...vẫn em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui.

Rằng con chim ở đậu cành tre còn Trịnh mưa nắng ở trọ bên trong mắt người. Cái tình của Trịnh bao giờ cũng hồn nhiên, thánh khiết mà ẩn mật Samadhi (3) không lấm lem tỳ vệt. Rồi một hôm, hòn đá lăn trên đồi không rớt xuống cành mai mà chạm một đóa hoàng lan vàng ánh lục để mộng mị cứ lên trời và ngày thơm phức những phố cùng phường:

Em đến bên đời hoa vàng một đóa
một thoáng hương bay bên trời phố hạ
nào có ai hay ta gặp tình cờ
nhưng là cơn gió em còn cứ mãi bay đi 

Là phố thơm hay hoa thơm, là tình cờ cơn gió hay ta ôm lòng đợi dưới chân cội nguồn? Câu trả lời của Trịnh là một giai điệu cung mi thứ với những quãng hai dìu dặt nở bung một chào mừng sinh nhật Hoàng Lan 25/4/1981. Với Trịnh, nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ mặc cho dặm dặm chân trần gót mỏi hoa rụng hoa tàn  mù mịt để cơn đau mịt mù .

em đến bên đời hoa vàng rực rỡ

nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù

Tình cờ những tình cờ cứ xô vào nhau, như thể, để nhân gian về trọ nhiều nơi /Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng. Sống có gì khác hơn là ngồi trong những ngày/ nhìn từng hôm nắng ngời, ngắm tóc xanh mấy mùa và đợi, vườn khuya chân ai về. Yêu thương là thông điệp cuối cùng Trịnh gửi lại chúng ta.

xin cho bốn mùa /đất trời lặng gió /đường trần em đi / hoa vàng mấy độ

những đường cỏ lá /từng giọt sương thu / yêu em thật thà .

Nhạc đã chuyển, ngày bỗng lay phay, cung mi trưởng lãng đãng bốn mùa cỏ lá gắp giấc mơ yêu em thật thà bay trong cõi mênh mông. Trái tim lớn của Trịnh ở đây, vì dù rằng những hẹn hò từ nay khép lại, thân vẫn nhẹ nhàng như mây. Dẫu phải nhai rau ráu những bi đát tồn sinh, dẫu phải ngậm bao nhiêu mưa móc buồn rầu, lòng Trịnh vẫn mở ra vô biên một nhận diện: 

Làm sao biết từng nỗi đời riêng

Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Yêu nồng nàn rồi nhắm mắt tay giăng ngửa mặt đón thiên hà, môi nụ cười tươi. Đó là chân dung sống động của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vâng, không cần đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, chỉ cần một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ,ngày qua...Như một tiên báo, hay một định mệnh rụng rời, ngày 1/4/2001, đúng hai mươi năm sau lời chào hoa vàng một đóa & Như một lời chia tay, Trịnh nằm xuống vì mệt quá thân ta này. Không, không có cái chết đầu tiên cũng đâu có cái chết sau cùng, Trịnh ơi !

Phạm Thị Hoàng Lan ( Hoa vàng một thuở)

***
Trịnh đã đi rồi nhưng hoa vàng một đóa Hoàng Lan còn ở lại và đêm nay, 19/1/2011, ba mươi năm sau của thuở nào tuệ cảm trắng phau Trịnh ôm tuổi hát có em ngồi (2), hoa vàng lại trở về chốn xưa vì còn bao điều chưa nói. Nói gì? Đôi mắt loang loáng sau cặp kính rộng vành bỗng như sâu hút xa xôi. Sài Gòn, 1980, gạo vẫn châu, củi vẫn quế nhưng kệ, hai anh em vẫn lang thang những chiều chân mây trắng, vẫn đêm nến sáp, guitare, thơ và âm nhạc. Yên sau chiếc PC màu vàng cam của anh Trịnh gần như là chỗ riêng của con bé giáo viên dạy múa bé tí. Sinh nhật hai mươi, anh viết riêng và hát tặng Hoàng Lan" Hoa vàng một thuở". Giọng anh khàn đục và như ngậm lấy câu kết một vết thương thôi riêng cho một người. "Không được-  hàng chân mày anh nhăn nhíu,- không thể để sinh nhật Hoàng Lan óc eo một dấu sẹo". Và mấy ngày sau đó, anh viết bài thứ hai, cung trưởng, nhưng lại là "Như một lời chia tay". Ôi, cái cung trưởng nó còn diết da âm sầm lịch kịch trăm vạn nỗi buồn hơn. Anh bảo, đành vậy và lại mỉm cười. Có nụ hồng ngày xưa rớt lại/Bên cạnh đời tôi đây/Có chút tình thoảng như gió vội/Tôi chợt nhìn ra tôi. Về sau lớn hơn, Hoàng Lan mới hiểu ra: Trịnh Công Sơn tuyệt nhiên không thuộc về ai và chính những mộng mị nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng của Trịnh.

Chiều xuống rồi, gió lắt thắt vạ vật những góc phố. Sài Gòn, tháng chạp, kim đồng hồ nhích dần về phút cuối, để kết thúc hay để bắt đầu? Khuôn mặt Hoàng Lan đăm đắm một cơn mơ cứ như muốn nhấp môi (2) vị ngọt/ đắng ngày xưa . 1982, Hoàng Lan lấy chồng và định cư ở nước ngoài. Đã có một đại dương khoảng cách ngun ngút khói, bài ca sinh nhật không còn là dự báo. "Như một lời chia tay" đã thành hiện thực. Có những lần nằm nghe tiếng cười/ Nhưng chỉ là mơ thôi. 

Mười năm sau (1992), cơ trời đưa đẩy gặp lại anh ở Montréal (Canada), mừng mừng tủi tủi. Anh gầy hơn xưa, tóc đã nhiều sợi bạc, thân run trong tuyết lạnh. 1998, sau khi vừa xuất viện hai ngày, anh vẫn lặn lội ra phi trường đón Hoàng Lan trở về. Lại lệ ngân ngấn, lại mi trầm mắt sâu và hát  Đường quen lối từng sớm chiều mong/ Bàn chân xưa qua đây ngại ngần. Chiều muộn hơn và tiếng của Hoàng Lan chỉ còn ri rí, một thú nhận đau xót: Hẹn anh sẽ về năm 2000 nhưng Lan thất hứa để không còn cơ hội nhìn mặt anh lần cuối.


Trương Nam Hương & Hoàng Lan trong đêm Trịnh

Đêm, cà phê "Một thuở" tái ngộ Hoa vàng một thuở. Đèn chấp chới, sóng hồ óng ánh, lung linh âm nhạc. Những bắt tay, chào hỏi, riu ríu hàn huyên. Hoa vàng ngồi giữa nhóm thân hữu: vợ chồng nhà thơ Trương Nam Hương, Ngô Mai Hà (phu nhân Ns Phan Trọng Cầu), Nhạc sĩ Lê Trung Tín, Lê Minh Hải, ca sĩ Quỳnh Như, nhà giáo Thu Tuyết, nhà báo Hoàng Nhân ... Đêm nay hồn Trịnh phiêu du trắng(2). Tưởng chừng Trịnh mỉm cười độ lượng với bao dung. Thời gian khốc liệt vẫn không thể điểm bạc mái đầu, làm nhăn nhíu hoa vàng một đóa thuở nào. Mắt vẫn sáng, môi vẫn tươi, nụ cười vẫn diễm tuyệt và khi Hoàng Lan cất tiếng hát "Hoa vàng một thuở", trời đất bỗng lặng im, tưởng niệm. Bài hát thứ hai " Như một lời chia tay", tưởng chừng nỗi xúc động không làm Hoàng Lan hát nỗi và tôi nghe Tình như nắng vội tắt chiều hôm/ Tình không xa nhưng không thật gần cứ lay nhay hoài trong không gian, trong tâm tưởng mọi người.

Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về

Và khi ca sĩ Quỳnh Như vút lên điệp khúc cao vút thì âm ba nồng nàn cứ lãng đãng the thắt nhớ thương. Tiếng hát của Thu Tuyết khép lại đêm Trịnh với "Tình xa" để  Đôi khi ta lắng nghe ta/ Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá/ Hồn ta gió cát phù du bay về. Vâng, là phù du bay về trên nóc cao thành phố , trong đêm lửng lờ mờ trăng nhạt nhạt. Có chăng vĩnh cữu là một tấm lòng !



Vĩnh Phúc- Hoàng Lan - vợ chồng Trương Nam Hương


Đêm đã xuống mênh mông và tấm lòng của Trịnh chỉ để gió cuốn đi, không chỉ cho riêng ai, không chỉ cho một người...

Sài Gòn 19/1/01 . VP


2- Bài thơ Hoa vàng một thuở của Trương Nam Hương viết tặng Hoàng Lan trong ngày trở lại.
Phục sinh thời hai mươi Lan ơi
Trịnh ôm tuổi hát có em ngồi
Thời gian lãng đãng thơm như rượu
Cứ sợ em về...lại nhấp môi
Trái tim thiếu phụ giờ xao xác
Tuyết cứ mang mang cả xứ người
Đâu biết hoa- vàng- em- một- thuở
Chưa buồn, đuôi mắt đã mưa rơi!
Đừng hỏi hoa vàng xa mấy nhớ
Ghi ta còn nhói phím vô thường
Đêm nay hồn Trịnh phiêu du trắng
Cứ sợ em buồn...thổn thức thương!

3- Samadhi: Theo Yoga Sutra (tương truyền là của đạo sĩ Patañjali, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bà-la-môn giáo, Phật giáo và Kỳ-na giáo), Samadhi là bậc thứ tám (bậc cao nhất) của thực hành thiền định. Ở bậc này, sự trầm tưởng và đối tượng của sự trầm tưởng trở thành một, không còn phân biệt. 

4-Các từ in nghiêng là ca từ của Trịnh Công Sơn

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm 6: linh tinh chuyện

Lại kể chuyện Việt Nam.  Lần này, xin hầu chuyện hải quan Việt Nam và Sydney, và vài cảm nhận của tôi về chuyện tuyên truyền ở Việt Nam ... 



Hải quan

- Anh là Nguyễn Tuấn Văn, hay Nguyễn Văn Tuấn?

Anh nhân viên hải quan họ Nông (tôi quên tên) hỏi câu trên, sau khi đã scan tờ passport, đưa mắt nhìn tôi (để xem có phải là người trong hình).  Tôi nói đùa rằng từ ngày sống ở ngoài người ta đã đảo ngược cách viết tên của tôi, thay vì Nguyen Van Tuan, bây giờ thì Tuan Van Nguyen.  Anh ta cười, không nói gì.  Thấy máy computer có vẻ chạy hơi chậm, tôi bắt chuyện với câu hỏi: Anh có bà con gì với ông Nông Đức Mạnh không.  Anh ta cười lớn hơn và nói: Ối giời ơi, ông ấy ngồi tuốt trên cao kia, tôi với làm sao tới, mà bà và chả con; không phải đâu, tôi chẳng có quan hệ gì với ông ấy.  Tôi hỏi sao máy computer chạy chậm quá mà hải quan không thay để tiện cho khách và cho cả anh, thì anh nói hải quan còn nghèo lắm.  Hải quan mà nghèo thì thật là đáng ngạc nhiên!  Câu chuyện của tôi chấm dứt khi anh làm xong thủ tục và trên màn hình máy hiện dòng chữ cho khách vào.  Từ lúc đến xếp hàng, trình passport và xong thủ tục chỉ trong vòng 10 phút.  Đó là một tiến bộ rất đáng kể.

Thật vậy, hải quan Việt Nam bây giờ đã có tiến bộ. Tiến bộ hiển nhiên nhất là ở khâu thủ tục đơn giản hơn và nhanh hơn.  Hành khách vào Việt Nam bây giờ không còn điền vào tờ giấy trắng có logo của ASEAN và Việt Nam.  Đó là một tinh giản thủ tục hành chính rất đáng hoan nghênh.  Khách chỉ vào trình passport cho nhân viên hải quan (hay công an cửa khẩu?) và ra ngoài lấy hành lí.  Hành lí vẫn phải chạy qua cái máy scan, nhưng nói chung là rất nhanh (nếu không có mang theo những thứ quốc cấm).

Tôi thấy nhân viên hải quan ngày nay cũng bắt đầu có nụ cười với khách.  Tuy nhiên, tôi có cảm giác họ không thạo tiếng Anh, cho nên có những cử chỉ có thể xem là mất lịch sự.  Chẳng hạn như thay vì nói cho khách xếp hàng có trật tự, thì họ lại múa máy tay chỉ bảo như là ra lệnh hay như là xua đuổi.  Tôi đoán rằng họ không thạo tiếng Anh, nên đành phải sử dụng ngôn ngữ … tay.  Cũng có vài trường hợp họ tỏ ra rất cứng nhắc với khách, rất vô cảm với những khó khăn của khách. Vấn đề xuất phát từ sự thiếu qui định cụ thể, và do đó, mỗi người có thể diễn giải qui định theo ý và cách hiểu của mình.

Nói đến hải quan Việt Nam thì cũng nên so sánh với hải quan Úc cho công bằng.  Trước đây, tôi từng phàn nàn tình trạng kì thị người Việt Nam của giới hải quan Úc vì họ nghi rằng người Việt Nam có tiềm năng tội phạm ma túy.  Cho đến nay, tình trạng kì thị này hình như vẫn chưa suy giảm, mà ngược lại còn có xu hướng gia tăng!  Lần nào về Úc tôi cũng đem theo quà cáp của người thân và bạn bè Việt Nam tặng, như khô cá, hàng mĩ nghệ làm bằng gỗ, và những dịp gần Tết thì có cả mứt.  Nhưng lần này tôi không đem theo gì cả, như là một thử nghiệm xem cách hành xử của hải quan Úc ra sao.  Do đó, trong cái form hải quan, tôi hoàn toàn “trắng”, hoàn toàn không có đem theo bất cứ một loại hàng hóa nào mà hải quan cần phải xét.  Nếu tôi là người Úc da trắng mắt xanh mũi lõ, tôi phải ra phi trường nhanh hơn những lần trước.  Nhưng tôi lầm, tôi phải tốn gần 20 phút để qua khỏi cái cổng hải quan, trong đó có đến 15 phút xếp hàng rồng rắn và 5 phút “ăn thua đủ” với hải quan.

Đang đứng chờ hành lí, mấy chú chó chạy loanh quanh ngửi hành lí xem có mùi gì đáng nghi ngờ.  Trong khi chó đang ngửi, nhân viên hải quan điều khiển mấy chú chó yêu cầu khách, dĩ nhiên là kể cả tôi, xuất trình form hải quan và passport để họ xem.  Nhìn passport họ biết mình là công dân nước nào.  Nhìn cái form hải quan họ biết mình đáp máy bay từ đâu.  Tôi đoán rằng họ nhìn passport để đánh giá xem “có phải là phe ta” (tức là công dân Úc), và nhìn cái form để quyết định có nên xoi mói hành lí hay không.  Trường hợp của tôi, họ đánh dấu T, chẳng hiểu là kí hiệu có ý nghĩa gì (nhưng tôi biết dấu Q có nghĩa là quarantine tức phải xoi mói).  Đến khi lấy hành lí xong, đứng xếp hàng một hồi, họ lại chỉ tôi sang cái cổng có quarantine!  Tôi phản đối nói rằng tôi chẳng có gì phải khai báo, sao lại đi cổng này.  Nhưng có lẽ vì nhân viên hải quan quá bận và các cổng đều đầy người, nên họ nói kiểu an ủi rằng vì bên này quá tải nên tạm qua cổng kia, cũng nhanh thôi, đừng thắc mắc!  Đến nơi, gặp anh chàng hải quan tuổi độ 40, người Úc, với mặt không mấy thân thiện.  Anh ta nhìn vào cái form và hỏi bâng quơ rằng tôi đi Việt Nam có vui không (tôi cũng làm mặt lạnh trả lời là đi công việc chứ không phải đi chơi), rồi anh ta rất lịch sự xin phép mở hành lí để xem.  Anh ta nhìn một đống sách chẳng thấy gì đáng nói, nhưng đến hộp thuốc dùng cho bệnh gout, anh ta nhìn qua nhìn lại có vẻ phân vân, và thấy vậy tôi nói thuốc điều trị bệnh gout chứ chẳng có gì đâu.  Sao nhiều thế?  Vì thuốc này ở VN rẻ hơn.  Đáng lẽ ông phải biết rằng ông không nên đem nhiều như thế.  Chà, muốn lên lớp hả - tôi nghĩ thầm, nhưng tôi lí giải rằng tôi cũng chính là bệnh nhân, nên phải chuẩn bị đó thôi.  Anh ta để lại và nói ok.

Nhưng tôi thì không ok.  Chờ anh ta để vào hành lí xong, tôi hỏi: tôi có thể hỏi ông 1 câu không?  Sure, chắc chắn rồi.  Ông và đồng nghiệp ông có kì thị người Việt Nam không?  Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng tôi không nên quá nhạy cảm và bực mình vì chuyện xét hành lí.  Tôi nói ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi, và hỏi lại nữa đùa nữa thật: ông hãy trả lời cho tôi là yes hay no.  Và tôi nói một mạch về những nhũng nhiễu của hải quan Úc đến người Việt nói chung, chứ không phải cá nhân tôi (mà thật ra là chưa lần nào bị nhũng nhiễu), và tôi diễn giải cũng như hiểu rằng đó là thái độ kì thị, trịch thượng, và không thích hợp.  Anh nhân viên hải quan nhìn tôi một hồi rồi nói: đó là cách ông hiểu, nhưng tôi chỉ làm việc của tôi, ông không hài lòng thì ông có quyền phàn nàn đến cấp trên và đây là địa chỉ, còn cá nhân tôi thì khẳng định là không có kì thị.  Thôi, tôi còn làm việc với người khác, chúc ông một ngày đẹp nhé.  Ra khỏi phi trường, nhìn đồng hồ, mới biết là mình đã tốn 20 phút trong phi trường!  Còn ở VN, tôi chỉ tốn khoảng 10 phút, 5 phút xếp hàng hải quan, và 5 phút xếp hàng để ra ngoài.  Ở VN không ai soi mói hành lí tôi như ở Sydney.

Sự đơn giản của hải quan VN rõ ràng là hơn Úc, nơi mà tôi cho rằng hệ thống hải quan đứng vào hạng tồi tệ nhất, dã man nhất, kì thị Á châu nhất, mất lịch sự nhất trên thế giới.  Chưa có một nơi nào tôi đi qua mà hải quan mất lịch sự và kì thị như ở Úc. Đã vài lần tôi “trực diện” với cách làm kì thị của hải quan Úc, nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì. Viết thư phàn nàn thì họ cũng nhã nhặn trả lời, nhưng họ vẫn khẳng định đó là … qui định.  Qui định kì thị chăng?  Rất nhiều người Việt Nam ở Úc xem Úc là “thiên đàng” hay phàn nàn về sự nhũng nhiễu của hải quan VN, nhưng họ không dám phàn nàn về cách hành xử kì thị của hải quan Úc đối với người Việt.  Đúng là có hiện tượng “khôn nhà dại chợ” ở đây.


Khẩu hiệu và tuyên truyền

Có lẽ nói không ngoa rằng Việt Nam là một xứ sở của khẩu hiệu, của tuyên truyền (propaganda).  Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu treo đầy đường.  Ngay tại Hà Nội, người ta căng biểu ngữ giữa những cây đại thụ hai bên đường, hay giữa những cột đèn.  Dọc đường đi các tỉnh lẻ cũng thấy biểu ngữ chen lẫn những quảng cáo.  Giữa những giây điện rối như màng nhện mà cộng thêm những biểu ngữ như thế thì thật là khó coi, vì nó càng làm cho đường xá thêm rối rắm.

Về nội dung thì biểu ngữ hoàn toàn mang tính tuyên truyền.  Nào là phòng ngừa bệnh AIDS, là kế hoạch hóa gia đình (mỗi nhà chỉ có 2 con hay đại khái thế), là đừng có ác ôn giết thai nhi nữ (con gái cũng như con trai đều là con), là kêu gọi người dân đóng thuế, là an toàn giao thông, v.v… Có điều đáng chú ý là hoàn toàn không có biểu ngữ nào chống tham nhũng, chống việc mua quan bán chức, chống nạn quan liêu, v.v… Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề liên quan đến người dân, chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân không được biết (hay không có quyền biết?)

Có lẽ chính vì thiết kế để nói với người dân, nên những biểu ngữ này thường có lời lẽ trịch thượng.  Đọc qua tôi có cảm giác như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe, hay thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân.  Hàm ý trong cách nói đó là một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về đạo lí xã hội và sức khỏe.

Mặc dù nội dung và văn phong trịch thượng như vậy, nhưng tôi vẫn thấy những biểu ngữ này chúng cũng phản ảnh một phần nào tình hình xã hội hiện nay.  Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng con trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối giới tính và giết thai nhi.  Tôi có đọc đâu đó rằng ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu nữ vị thành niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới.  Đó là một con số chẳng ai lấy làm tự hào.  Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình, chúng ta có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.

Tôi đoán rằng những biểu ngữ này xuất hiện trên đường phố chắc là sản phẩm của một cuộc vận động hay một phong trào nào đó.  Nhưng có nhiều cách vận động, vậy tại sao người ta chỉ dùng biểu ngữ?  Tôi nghĩ đó là cách tuyên truyền đơn giản nhất và là một cách làm lười biếng nhất.  Cứ giăng biểu ngữ để đó, rồi sau khi phong trào chìm xuống thì cũng là lúc những tấm vải kia phai màu và đến lúc … nghỉ hưu.

http://img.tintuc.vietgiaitri.com/2010/8/2/VietGiaiTri.Com-570543e8.jpg
Biểu ngữ treo trên đường phố Hà Nội

Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế có hiệu quả không?  Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của những cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không.  Tôi nghĩ chắc không, vì chưa thấy một tài liệu hay nghiên cứu nào cả.  Tôi thì nghi ngờ hiệu quả của cách tuyên truyền như thế.  Lí do đơn giản là tôi thấy rất ít ai để ý đến những biểu ngữ đó.  Có lẽ tôi chỉ là một trong những người lẩm cẩm hay để ý chung quanh, chứ tôi thấy người dân địa phương đang phải mệt mỏi đương đầu với nạn kẹt xe hàng giờ thì hơi đâu mà để ý đến những biểu ngữ đó.  Mà, có lẽ đối với họ cũng chẳng có gì mới (nhưng với tôi thì có cái gì đó … mơi mới, và vui vui).

Chẳng có gì sai trong việc tuyên truyền và giáo dục công chúng.  Giới chức y tế phương Tây vẫn làm hàng ngày.  Nhưng nghệ thuật tuyên truyền trong thế kỉ 20 và 21 đã tiến bộ rất nhiều.  Cứ hỏi những ông tổ tuyên truyền của Mĩ thì biết cách thức họ làm như thế nào để những thông điệp chính trị - xã hội đi vào người dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn, và nhất là bình đẳng.  Điều đáng tiếc là ở VN ta thì hình như chưa biết đến những tiến bộ đó, và cách tuyên truyền hiện nay rất trịch thượng, phản cảm, vô duyên, và có khi vô nghĩa.  Do đó, tôi nghĩ đã đến lúc các chuyên gia (ủa quên, quan chức) tuyên truyền VN nên học kĩ thuật tiếp thị (marketing) của giới tư bản để làm tuyên truyền bình đẳng hơn, tốt hơn, và có hiệu quả.

Chính trị hóa

Ở Việt Nam có một nghịch lí: chính trị bàng bạc khắp nơi, nhưng rất ít người bàn chuyện chính trị.  Đi đường nhìn những biểu ngữ ca ngợi Đảng vinh quang, ở đại học có hàng chục môn học chính trị cho sinh viên, nơi làm việc đều có chi bộ của Đảng, nhà sách thì đầy những sách có hai chữ “chính trị”.  Nhưng trong thực tế thì trong cộng đồng chẳng có mấy người bàn chuyện chính trị, ngay cả báo chí cũng chỉ đi những bản tin mà hàm lượng chính trị chẳng là bao.  Đó là một nghịch lí rất khó giải thích.

Có lẽ VN là một trong vài nơi trên thế giới mà bất cứ sinh viên nào cũng phải học chính trị.  Nhìn qua các chương trình đào tạo cấp cử nhân và cao học, dễ dàng thấy những môn học như triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v… Tôi tò mò làm thử một con toán thì thấy năm đầu tiên, sinh viên (bất cứ ngành nào) phải tiêu ra gần 30% để học những môn học này.  Nếu là sinh viên ngành chính trị thì chẳng có chuyện gì để bàn, nhưng sinh viên y khoa hay kĩ thuật mà cũng học những môn này thì quả là chuyện lạ.  Chẳng có trường đại nào ở các nước phương Tây bắt sinh viên ngành y phải học những môn chính trị.  Ấy thế mà gần đây có người phàn nàn rằng hàm lượng chính trị trong chương trình đào tạo cử nhân vẫn còn thấp, và theo đó, cần phải tăng cường giảng dạy chính trị cho sinh viên!  Lí do người ta phàn nàn là vì tình trạng suy đồi đạo đức trong sinh viên ngày càng trầm trọng, và chẳng hiểu từ một phép suy luận thần thánh nào đó, người ta cho rằng nguyên nhân là do chương trình giảng dạy chính trị học chưa đủ.  Nói như thế có nghĩa là giả định rằng có một mối liên hệ giữa hàm lượng chính trị trong đào tạo đại học và đạo đức xã hội, nhưng hình như chưa thấy ai chứng minh có mối liên hệ như thế ở Việt Nam.  Do đó, thật là phi  khoa học nếu tăng thời lượng chính trị học trong chương trình đào tạo đại học.
Chẳng những trong học đường, mà ngay cả huấn luyện tài xế lái xe người ta cũng chen vào nội dung chính trị. Nhớ hôm đi xe Mai Linh, qua nói chuyện với anh tài xế, tôi mới biết rằng ngay cả tài xế cũng phải học chính trị trước khi lái xe.  Tôi tò mò hỏi anh học gì, thì được biết học về lịch sử Đảng, tư tưởng bác Hồ.  Nhưng khi hỏi anh còn nhớ những ý chính của mấy môn học đó, thì anh cười hề hà rất dễ thương nói: nhớ chết liền.

Không biết nội dung giảng dạy trong các môn học chính trị là gì, nhưng tôi có cảm giác những người học chỉ có thông tin một chiều hoặc thông tin phiến diện.  Hỏi họ về kiến thức triết học ngoài hệ thống Mác Lê, hay hỏi họ về sử Việt Nam, thậm chí về những thông tin liên quan đến sử đương đại (như chuyện Lê Văn Tám, Hoàng Sa, Trường Sa, hay xa hơn chút những chuyện thời trước 1975) thì họ tỏ ra mù tịt.  Thật ra, việc tiếp thu thông tin một chiều cũng chẳng gây ngạc nhiên cho những người theo dõi thời sự trong nước.  Nhưng nếu học mà chỉ được thu nhận thông tin một chiều thì đó không phải là học nữa, mà là tuyên truyền, là chính trị hóa giáo dục.

Tin tức mà không có tin ...

Báo chí Việt Nam trong những ngày trước đại hội Đảng thật là … nhạt. Mở tờ bào nào cũng toàn là những tin mình không quan tâm; ngược lại những tin mình quan tâm thì không có.  Thật khó tưởng tượng một tờ tầm cỡ như Thanh Niên mà chạy cái tít “Tỉ phú sắp hết tiền … “ ngay trên trang đầu!  Có buồn không, khi thấy một tờ báo số 1 (mà tôi hay cộng tác) là tờ Tuổi Trẻ mà chạy cái tít “TP HCM chú trọng chất lượng tăng trưởng”, “yêu cuồng”, “đốt lửa chống rét”, “nhất kinh tế, nhì công nghệ”, v.v…. Tôi gọi đây là những tờ báo “hết lửa”.  Và, tôi cũng nói suy nghĩ đó cho các bạn Tuổi Trẻ.  Trả lời tôi, các bạn ấy nói đều biết những khen chê của người đọc (và đều đúng) nhưng họ cần … giữ cái thẻ nhà báo để kiếm cơm.  Thông cảm.

Tin tức báo chí đã thế, còn tin tức truyền hình thì vẫn chưa thay đổi gì so với thời kì bao cấp, cả nội dung lẫn cách trình bày.  Tôi vẫn thấy cả 70% các bản tin tựu trung quanh các lãnh tụ đi thăm vùng này, địa phương kia, nhà máy nọ, v.v...  Các vị lãnh tụ vẫn thường phát biểu, tuyên bố những câu nói chung chung, vô thưởng, vô phạt, trừu tượng; vẫn tươi cười (có khi gượng gạo) cho các ống kính.  Hầu như các ông lớn này, bà lớn nọ ở các nước khác viếng thăm VN đều được tường trình một cách cặn kẽ.  Phần còn lại là các tin tức về sản lượng, buôn bán của các nhà máy quốc doanh, mà đáng lẽ phải dành cho một chương trình tin tức về kinh tế hay thương mại thì hợp lí hơn. Phóng viên VN đã trở thành ông bà công chức thống kê từ hồi nào; họ đọc những con số thống kê về sản lượng một cách vanh vách và chính xác đến 0.001!  Tất nhiên, đối với một người dân thường và kẻ viết bài này, những con số này không có một ý nghĩa gì cả.  Những tin tức có liên quan đến đời sống hàng ngày hay ngay tại địa phương người xem đang cư ngụ hầu như là không có.
Một đặc thù nữa của TV Việt Nam là họ loan toàn những tin tốt, tin "positive", chứ không có tin nào mà có thể gọi là xấu cả.  Rất là khó tin trong một thành phố cả 10 triệu dân mà lại không có tin tiêu cực.  Thật ra, báo chí vẫn loan tin hàng ngày, nhưng đài TV thì không.  Thành ra, tin tức có mà cũng như không.

Cách trình bày tin tức cũng là một điều khác với các đài truyền hình ở nước ngoài.  Ở các nước phương Tây, người đọc tin (newsreader) chỉ giới thiệu bản tin và sau đó chuyển qua cho chính phóng viên trình bày.  Nhưng ở VN, tôi ít thấy người phóng viên ở đâu, mà chỉ toàn thấy cái miệng nhép nhép của cô xướng ngôn viên trên đài.  Cô ta đọc tin một cách cứng nhắc như người máy, cô ta không hề có một nụ cười tươi chút nào (chỉ thỉnh thoảng có nụ cười huyền bí của Elisa).  Hình như ở VN, người ta thích người đọc tin có ngoại hình đẹp, chứ không quan tâm đến tri thức của người đó!?

Tin tức thế giới ở VN cực kì nghèo nàn.  Báo chí chỉ dành đúng 1 trang cuối cho phần tin thế giới.  Toàn những tin … chán phèo.  Còn truyền hình thì phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là tin tức chuyển qua "hệ thống vệ tinh."  Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nào chối được đối với người hay xem tin tức.

Internet ở Việt Nam có nhiều người sử dụng, nhưng không phong phú mấy.  Các website “lề trái” như BBC, RFI, VOA, v.v… đều bị chặn.  Một số website khác dành cho khoa học và chuyên môn thì vào được nhưng rất chậm.

Do đó, những ngày ở VN, tôi cảm thấy như mình đói thông tin.  Cứ mỗi một bản tin quốc tế hay quốc nội đăng trên báo chí hay đài truyền hình Việt Nam, tôi đều tự đặt câu hỏi “có thật vậy không?”  Chẳng hạn như câu chuyện “Một nhân viên sứ quán Mĩ gây rối trật tự” (Thanh Niên 7/1/2011 đăng ở trang 4), tôi đọc xong mà vẫn phân vân, tự hỏi chẳng lẽ một nhân viên ngoại giao Mĩ mà vụng về như thế sao.  Nhưng không cách gì kiểm chứng được, và cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ.  Đến khi về Sydney thì mới biết câu chuyện đằng sau của vụ việc, và thấy rằng báo chí Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa.  Nói thế nghe trịch thượng quá.  Trong thực tế, phóng viên Việt Nam chẳng thua kém đồng nghiệp nước ngoài, nếu họ có được một môi trường tác nghiệp tốt và được phép viết những gì họ thấy và nghe.

(còn tiếp ...)

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm 5: Sài Gòn bây giờ

Tôi phân vân hoài cái tiêu đề cho entry thứ 5 về những ghi chép cuối năm. Bởi vì nói “Sài Gòn bây giờ” chỉ một vài trang viết thì đúng là chuyện … đùa giỡn. Làm sao nói hết được những thay đổi mà thành phố số 1 của Việt Nam đã trải qua. Thôi thì tôi chỉ ghi lại những cảm nhận rất cá nhân trong một thời gian “cưỡi ngựa xem hoa” vậy …


Chợt nhớ một ca khúc cũng xưa xưa rồi, mà tôi không còn nhớ tựa đề. Chỉ nhớ vài câu như Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau / Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu / Sài Gòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau. Đó là ca khúc mà tác giả viết lúc ông rời Sài Gòn đi định cư ở nước ngoài. Lời ca buồn, ray rức. Giai điệu chậm và buồn. Với tiếng hát của Khánh Ly và Elvis Phương thì ca khúc còn buồn hơn nữa.

Sài Gòn dĩ nhiên là đã “đổi họ thay tên”. Tên thành phố và nhiều tên đường đã thay đổi. Dù đã thay tên, nhưng người dân vẫn quen gọi là “Sài Gòn”. Tôi cũng thế. Những chuyến bay quốc tế cũng lấy SGN làm kí hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh. Có điều vui vui là dân miền Tây khi đi Sài Gòn chỉ nói ngắn là “Đi thành phố”. Tôi cũng đi thành phố nhiều lần, và lần nào cũng trải nghiệm những đổi thay đến chóng mặt.

Những địa điểm danh tiếng của Sài Gòn đang dần dần mất. Quán Givral (góc đường Lê Lợi và Tự Do), nơi ông Phạm Xuân Ẩn thu thập thông tin, nay không còn nữa. Trước đó thì “đồng môn” của Givral là La Pagode (góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do) cũng ra đi. Khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Tự Do và Lê Lợi đang là bãi chiến trường xây dựng, nghe nói là sẽ trở thành một trung tâm mua bán thương mại gì đó. Dù biết rằng không ai bước vào một dòng sông hai lần, và thay đổi là qui luật chung, nhưng tôi vẫn thấy tiếc cho những địa điểm quen thuộc đó.

Sài Gòn càng ngày càng kẹt xe. Hình như xe cộ càng ngày càng nhiều hơn, và tần số kẹt xe càng gia tăng theo cấp số nhân. Năm ngoái thì còn kẹt xe ở những giao lộ lớn và xảy ra vào những giờ cao điểm, nhưng năm nay thì tình trạng kẹt xe xảy ra hầu như mọi nơi và sau 8 giờ sáng là bắt đầu kẹt xe. Kẹt xe kinh niên. Nhiều lúc tôi thấy người ta lấn luôn lề đường dành cho người đi bộ, và rất nguy hiểm cho người đi bộ. Có thể nói rằng ở Sài Gòn ngày nay, đi bộ cũng không an toàn, vì nguy cơ bị xe gắn máy tông rất cao. Những khi mưa xuống, chỉ cần 5 phút sau là đường xá ngập nước thê thảm. Ngồi trong khách sạn nhìn ra ngoài thấy đồng hương mình lầy lội trên đường lộ đã thành sông mà nhói lòng, và cảm phục cho sự kiên nhẫn chịu đựng của người Việt Nam. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi tình trạng kẹt xe đến mức báo động như hiện nay mà hình như chẳng thấy giới chính quyền có ý kiến gì hay biện pháp gì.

http://media.thethaovanhoa.vn/2010/08/25/07/28/xe.jpg
Một cảnh kẹt xe ở Sài Gòn
Có nhiều khi tài xế lượn lách để qua những ngã tư, ngã năm, ngã sáu có vòng xoay, với một rừng xe gắn máy và xe bốn bánh mà tôi thán phục cho anh tài xế. Chẳng những thán phục mà còn thông cảm cho nỗi khổ của anh phải đương đầu với rừng xe sao cho tối thiểu hóa nguy cơ xe bị trầy hay tai nạn. Ai thì sao tôi không biết, chứ tôi thì đầu hàng trong cái môi trường xe cộ như thế. Sài Gòn bây giờ kẹt xe nghiêm trọng đến nỗi đài radio cũng có chương trình tường thuật những chỗ có vấn đề, giống như ở nước ngoài vậy. Nhưng thú thật, tôi không thể nào nghe được cái giọng nói của các cô các cậu xướng ngôn viên, cái giọng nói và cung cách nói sến làm sao, vô cùng cảm tính, và nó có cái gì đó như ẻo lả bắt chước giọng nói người miền Bắc. Thà nói giọng Bắc hay giọng Nam thì còn nghe được; đằng này Bắc thì chẳng ra Bắc, Nam chẳng ra Nam, Huế cũng chẳng phải là Huế, mà nó là một thứ pha trộn lai căng rất vô duyên của các cô cậu xướng ngôn viên. Người ngợm gì mà quái đản quá. Tôi không thể nào chịu nổi, cho nên cứ mỗi lần lên taxi mà nghe những cái giọng đó, tôi yêu cầu tắt ngay trong vòng 1 giây, chứ không thì tôi xuống xe. :-)

http://www.locvungdep.com/dtool/thumb/data/img206_081005002447-202-792_400x306.jpg
Ngập nước là chuyện thường ngày ở Sài Gòn
Cố nhiên, Sài Gòn cũng thay tên đường sau 1975. Thay đổi nhiều lần. Vì thế, nhiều khi quen với tên đường cũ, mà không để ý thì rất dễ bị lạc. Rất nhiều tài xế taxi trẻ lớn lên sau 1975 chẳng biết gì những tên đường cũ, nên nói chuyện với họ chẳng khác gì nói chuyện với người ngoại quốc. Sẵn đây, tôi sưu tầm những tên đường trước và sau 1975 để các bạn nào ít về Việt Nam có thể biết được.

Hiện nay Trước 1975
Đồng Khởi Tự Do
Nam Kỳ khởi nghĩa Công Lý
Cách Mạng Tháng 8 Lê Văn Duyệt
Nguyễn Thị Minh Khai Hồng Thập Tự
Lê Văn Sỹ Trương Minh Ký
Võ Văn Tần Trần Quý Cáp
Nguyễn Đình Chiểu Phan Đình Phùng
Phạm Ngọc Thạch Duy Tân
Lý Chính Thắng Yên Đỗ
Trần Quốc Thảo Trương Minh Giảng
Nguyễn Trãi Võ Tánh
Tôn Thất Tùng Bùi Chu
Điện Biên Phủ Phan Thanh Giản
Hồ Tùng Mậu Võ Di Nguy
Lý Tự Trọng Gia Long
Nguyễn Văn Cừ Cộng Hòa
Lê Thị Riêng Ngô Tùng Châu
Ngô Gia Tự Minh Mạng
Châu Văn Liêm Tổng Đốc Phương
Trần Phú Nguyễn Hoàng
Trương Định Đoàn Thị Điểm
Hoàng văn Thụ Võ Tánh

Tiệm sách nhiều, nhưng ít sách

Sài Gòn ngày nay có rất nhiều tiệm sách. Kể ra chắc không hết được, nhưng vài nhà sách lớn như Nguyễn Huệ (có tên dị hợm là Fahasa = phát hành sách!), Cửu Long, Phú Thọ, Minh Khai, v.v... Tôi lang thang trong hầu hết tất cả các nhà nhà sách lớn kể trên và ngay cả khu bán sách cũ. Tiệm sách nhỏ cũng nổi lên như nấm. Dọc theo đường 3/2 và Nguyễn Thị Minh Khai, tôi thấy nhan nhản tiệm sách lớn có, nhỏ có, có khi bên cạnh nhau. Thậm chí trong siêu thị cũng có bán sách, sách học hẳn hoi! Ngoài ra, họ còn bán văn phòng phẩm, tranh ảnh và nhạc (CD, tape và video).

Ở những nhà sách lớn, có nhiều khu sách riêng biệt như văn học, ngoại ngữ, kĩ thuật, trẻ em, v.v... Tôi thấy sách về văn chương, trẻ em và ngoại ngữ là khá phong phú, còn sách về kĩ thuật, y khoa, khoa học và kinh tế thì quả là QUÁ nghèo nàn. Phần đông các sách về những nghành này là dịch từ tiếng Anh. Cũng có vài cuốn được dịch từ tiếng Nga. Mà, nhìn qua thì chất lượng dịch cũng không tốt mấy. Có nhiều sách y khoa tuy đề tác giả là người Việt, nhưng chỉ cần đọc qua vài biểu đồ thì biết ngay đây là sách dịch!

Phần đông các nhà sách đều bán nhiều sách trùng nhau. Điều này không ngạc nhiên, vì thật ra ở VN cũng chẳng có bao nhiêu nhà xuất bản lớn. Các nhà xuất bản ở tỉnh cũng đua nhau in sách, phần đông là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các sách mà đã bị cấm trong thời "bao cấp". Nhìn qua thì nhiều, nhưng phần đông sách (có thể nói cả 90%) chỉ in có 1000 bản! Ngay cả cuốn "Từ Điển Việt Nam" mà cũng chỉ in có 7000 bản. Có những cuốn chỉ in 500 bản! Chẳng biết đây có phải là hình thức trốn thuế hay không? Ngay cả sách của tôi, tuy đề là 800 bản, nhưng trong thực tế thì chắc cỡ 3000 bản, đó là chưa kể những bản photocopy.Tôi để ý thấy quầy sách tiếng Anh được nhiều người chiếu cố nhất. Sách tiếng Anh được dịch ra từ các tủ sách nổi tiếng ở nước ngoài như Oxford, Longman, Collins, Webster cũng có rất nhiều. Nhưng chất lượng còn quá thấp, tạm bợ, thiếu cẩn thận. Ấy thế mà thằng em tôi nói là sách in thế là "khá hơn trước nhiều" rồi đó. Khu sách "Văn học" cũng có rất nhiều sách, nhưng nhìn kĩ hơn thì chả có gì là nhiều. Phần đông vẫn là những sách có tính cách giáo khoa. Tác phẩm mới rất hiếm hoi. Còn các sách cũ (xuất bản 5-10 năm trước) thì hầu như không có. Tôi tìm cuốn "Một thời để mất" của Bùi Ngọc Tấn, và hỏi mua, nhưng không có. Tìm khu sách cũ cũng không có. Có lẽ người ta không mặn mà với sách của tác giả này chăng?

Tuy nhiên, khu bán sách cũ có rất nhiều sách và khá phong phú. Tôi thấy rải rác đây đó có sách của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, v.v… Ngay cả những cuốn xuất bản trước năm 1975, sách in ở nước ngoài cũng có. Sách về kĩ thuật in từ những năm 1960s, 70s ở miền Nam cũng có luôn. Tuy nhiên, sách cổ (>100 năm) thì không thấy ở đâu cả. Chỉ kẹt là người mua phải bỏ công và thì giờ lục lọi ở những khu nhỏ hẹp.

Nhiều sách có nội dung chấp vá và có vẻ như lừa độc giả. Những cuốn bình giảng thơ văn của các tác giả nổi tiếng đều được in thành một cuốn sách riêng cho từng tác giả. Thành ra, phê bình văn của bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương, Lý Thái Tổ, v.v… đều được in riêng rẻ. Ngay cả trong từng cuốn như thế, nói là phê bình, nhưng kì thực là những bài viết về nhận định của các nhà nghiên cứu văn học được in rải rác trong các tạp chí như Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới ... Nhiều khi tựa đề một cuốn sách không nói lên được nội dung. Chẳng hạn như cuốn "Bình Luận Văn Chương" của Hoài Thanh. Nhìn qua, người ta nghĩ ngay cuốn sách này là một công trình phê bình văn chương do Hoài Thanh viết. Nhưng lật vài trang thì lại là một tập hợp nhiều bài viết của HT đã được đăng trên các báo thời 1930s và 1940s, thậm chí lời mỡ đầu trong cuốn Thi Nhân VN cũng được "nhét" vào quyển sách này.

http://img.vncdn.net/d/nha_sach_nguyen_hue--15446/oc/0/0/68/70043_Nha_sach_Nguyen_Hue_2.jpg

Nhà sách Nguyễn Huệ (FAHASA): coi hoành tráng nhưng ... ít sách

Ở VN, người ta có thói quen hay tách rời một pho sách thành hai ba quyển, mà đáng lẽ chỉ nên in một quyển là vừa đủ. Chẳng hạn như bộ "Nhà Văn Hiện Đại" của Vũ Ngọc Phan, bộ "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim mà họ cũng in hai quyển khác nhau, thay vì một. Có lẽ đây là hình thức tống tiền độc giả?

Giá cả sách tương đối rẻ so với đồng lương của dân VN sống ở nước ngoài, nhưng không rẻ chút nào đối với sinh viên học sinh ở VN. Một cuốn từ điển Anh-Việt giá khoảng 200,000 đồng trở lên, có cuốn cả 500,000 đồng, một số tiền khổng lồ cho giới học sinh. Sách kĩ thuật dịch từ tiếng Anh cũng đắt đỏ không kém. Chỉ có sách tiếng VN là rẻ tiền: những cuốn sách phê bình, tiểu thuyết giá chỉ 10,000 tới 40,000 đồng; cuốn Từ điển VN giá chỉ ~100,000 đồng; nguyên bộ Nhà Văn Hiện Đại thì khoảng 100,000 đồng. Tôi thấy nhiều học sinh chỉ dám nhìn các sách đắt tiền, chứ chưa dám mua. Nói đâu xa, hai đứa cháu tôi chỉ mân mê quyển sách trên tay, nhưng không dám hỏi tôi mua cho nó (tất nhiên là tôi mua). Còn nhiều em học sinh ở tỉnh lẻ hay không có thân nhân ở nước ngoài, thì chỉ đứng nhìn chứ làm gì dám mua.

Đến cung cách phục vụ 

Cung cách phục vụ của nhân viên ở đây thì chỉ có thể chê, chứ không khen được. Nhà sách có nhiều nhân viên lắm, nhưng họ hình như chẳng làm gì. Tiếng Anh gọi là “busy of doing nothing” = bận rộn không làm gì cả. Họ đứng ở các góc nhà sách, đưa mắt nhìn khách chọn sách, như là nhân viên bảo về sợ khách ăn cắp sách hay sao ấy. Một thái độ có thể nói là rất phản cảm ở một nơi mang có tính văn hóa. Họ không hề biết phục vụ khách là gì. Hỏi cái gì họ cũng hoặc là không biết, hoặc là “hết rồi”. Nói chung là một thái độ rất thụ động. Có lần tôi vào hỏi mua cuốn sách (của chính tôi), sau khi nói tên sách, em phục vụ thản nhiên nói “Hết rồi chú ơi!” Em không hề cố gắng đi tìm hay hỏi ai cả, làm như em thuộc lòng tất cả các sách. Tôi giả bộ hỏi thêm một cuốn khác, và lần này thì câu trả lời là “em cũng không biết nữa”. Tôi thấy cô này có vẻ không muốn bán sách, nên tự mình đi tìm. Sau vài phút tôi cũng tìm được hai cuốn sách mình tìm, đến khi ra quầy tính tiền, gặp cô ta đứng đó đưa mắt nhìn tôi và 2 cuốn sách, nhưng cô ta không hề cảm thấy mắc cỡ hay ăn năn gì cả. Đúng là vô cảm!

Thái độ phục vụ này ở VN làm tôi nhớ đến cung cách phục vụ bên Mĩ. Hôm ở Seattle, tôi vào nhà sách tìm mua một cuốn sách xuất bản cũng trên 10 năm rồi. Nhà sách không có. Thế là cô nhân viên bán hàng nhấc điện thoại gọi hết nhà sách này đến nhà sách khác, đến khi cô ta tìm được một nơi có bán sách, cô ta cẩn thận ghi lại địa chỉ, số điện thoại, và còn nói với tôi rằng cô ấy đã dặn nhà sách đó để cuốn sách ra ngoài để tôi đến nhận. Ôi, tuyệt vời. Đó mới là cách phục vụ khách hàng. Tôi có thể nói rằng cung cách phục vụ khách hàng của người Mĩ hơn VN cả trăm năm ánh sáng, hơn Úc cả 50 năm ánh sáng (Úc cũng thuộc vào loại tồi tệ trong phục vụ, nhưng còn hơn VN gấp nhiều lần).

Tuy nhiên, tôi phải thêm một phụ chú ở đây là ở Sài Gòn và VN nói chung đang có một thế hệ 8X hay 9X rất chuyên nghiệp. Tôi đã có dịp vào siêu thị, từ nhỏ đến lớn, và gặp những nhân viên bán hàng, quản lí, phục vụ, mà nhìn qua tôi nghĩ chúng chỉ cỡ tuổi 18 đến 25, tức là hàng cháu tôi. Điểm rất đáng chú ý và khen là những nhân viên này có cung cách làm việc rất Tây, nhanh nhẹn, không chèn ép khách hàng, sòng phẳng, đâu ra đó, chẳng khác gì siêu thị hay các shop bên Mĩ. Tôi vào những shop loại 7-Eleven (bán hàng chạp phô, mở của suốt ngày đêm) và gặp toàn nhân viên trẻ, các cháu ấy rất lịch sự, nói năng lễ phép, sẵn sàng giúp đỡ khách chọn hàng, tính tiền chính xác, và nếu có bonus thì cũng đưa ngay chứ không chờ khách hỏi. Họ làm việc hết sức chuyên nghiệp. Tôi đoán là họ đã được huấn luyện, nên cách phục vụ hoàn toàn khác với nhân viên của Nhà nước. Tại sao cũng là một con người đó, mà khi làm cho Nhà nước thì trở nên ù lì, quan liêu, lười biếng, còn làm cho các cơ sở quốc tế và tư nhân thì nhanh nhẹn, tháo vác, lịch sự, và cần mẫn?

Nghe nhạc ở bar Carmen
 
Ở Sài Gòn ngày nay có một số phòng trà lịch sự. Tôi cũng từng ghé qua hầu hết những phòng trà này, nhưng trong chuyến đi vừa qua thì có một bar nhạc rất thú vị mà tôi muốn ghi lại ở đây. Đó là Carmen, nằm ngay trung tâm thành phố, số 8 đường Lý Tự Trọng (tức đường Gia Long cũ). Tôi chỉ có thể nói đây là một địa điểm độc đáo, một nơi dành riêng cho những bạn nào thích nhạc Pháp, nhạc Flamanco, và nhạc nhẹ Việt Nam. Đi đến Sài Gòn mà không/chưa ghé qua Carmen là một thiếu sót. Có lẽ tôi quảng cáo quá nhiều cho Carmen chăng? Tôi không nghĩ như thế.

http://www.reachvietnam.com/FCKUploadedFiles/image/Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City(2).jpg

Bar Carmen, một địa chỉ cho những ai thích nhạc Latin và Pháp

Đến Carmen, tôi phải đi xuống tầng hầm bằng bậc thang tam cấp làm bằng đá [mới] nhưng thiết kế như rất cũ. Thế giới của Carmen là thế giới cổ xưa. Nhớ phải khom lưng nhé, kẻo đụng đầu đấy! Tôi bước vào một không gian tương đối chật hẹp, tường đá (như thời trung cổ), trang trí bằng đèn cầy và chai malibu! Khán giả ngồi chung quanh những bàn ghế cao, thiết kế cho các quán bar. Tiếp viên nam và nữ ăn mặc đồng phục bận rộn phục vụ khách. Anh bạn tôi cho biết chủ quán bar là một người còn trẻ lắm, từng là tiếp viên của Vietnam Airlines. Tôi cũng có cơ duyên gặp anh chủ, khi anh ta đi chào khách từng bàn. Đến bàn chúng tôi, vì là chỗ quen biết với anh bạn tôi, và vì tôi quan tâm đến Vietnam Airlines nên chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn và vui vẻ. Trông anh trong cái quần tây đen, áo trắng, tay cầm điếu thuốc, tôi thấy anh giống một người quản lí, chứ không phải chủ quán bar. Biết tôi đến từ Úc, anh cho biết đêm nay có một ca sĩ trẻ gốc Việt từ Melbourne trình diễn ở đây. Nghe nói anh này lớn lên ở Melbourne và sống ở đó hơn 20 năm, nhưng nay là thường trú nhân ở Sài Gòn, vì anh cho rằng ở Sài Gòn vui hơn Melbourne (và tôi đồng ý). Nhìn chung quanh tôi đoán khoảng phân nửa khán giả là người ngoại quốc, phân nửa là người địa phương. Nhìn qua cách ăn mặc casual của khách (quần jean, áo sơ mi cao) tôi đoán họ là những người thuộc giai cấp “up market” hay loại “well to do”, đến đây nghe nhạc nghiêm túc chứ không phải để nhậu nhẹt hay hò hét theo kiểu “hát cho nhau nghe”. (Hát cho nhau nghe cũng là một phong trào mới ở Sài Gòn, thường hay thấy trong các quán nhậu bình dân, nơi mà thực khách có thể đóng vai ca sĩ và được thực khách khác tặng hoa kèm theo tiền, nhưng số tiền này được tặng cho ban nhạc. Ban nhạc chỉ gồm có 3 người và chính là bầu sô của chương trình ca nhạc. Tôi đã từng ghé qua những quán này và thấy cũng vui vui).

http://cache.virtualtourist.com/1470627-Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City.jpg

Đèn cầy và malibu

Carmen chỉ mở cửa từ 9 giờ tối đến nửa đêm. Chương trình nhạc bắt đầu với những ca khúc Latin, sau đó đến phần nhạc Pháp thời thập niên 60s, 70s và 80s, nhạc Việt, và nhạc do khán giả yêu cầu. Các sĩ đến từ Phi Luật Tân và Việt Nam luân phiên trình diễn. Dĩ nhiên, tất cả ca sĩ đều trình diễn nhạc sống (chứ không phải ca nhép rất đáng ghét). Ca sĩ nào ca cũng có chất giọng tuyệt vời và kĩ thuật theo tôi là điêu luyện. Ban nhạc chơi nhạc rất điệu nghệ. Tất cả đều nói tiếng Anh lưu loát. Tôi rất ấn tượng với một anh người Việt, tuổi chắc cỡ tôi, độc tấu guitar và đơn ca những bài nhạc Pháp nổi tiếng một thời. Nhìn cách anh nói chuyện với khán giả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh lưu loát và tự tin, cách chơi đàn rất nghệ sĩ, tôi như thấy lại một hình ảnh Sài Gòn của một thời có văn hóa.

Thức uống và thức ăn cũng phong phú, ngon miệng, giá cả tương đối hợp lí. Tuy giá này có thể xem là đắt đối với người địa phương, nhưng với người nước ngoài thì rất hợp lí. Tiếp viên nam và nữ còn trẻ, cũng nói tiếng Anh rất tốt. Nói chung, bước vào không gian của bar Carmen, chúng ta có cảm giác như vào một không gian nhạc thời xa xưa, nơi mà khách và ca sĩ có thể cùng nhau thưởng thức những ca khúc một thời vang bóng. Riêng tôi, tôi đã có một buổi tối thật ý nghĩa, được bay bổng theo những ca khúc mình từng một thời yêu thích sau những ngày làm việccăng thẳng và trần thế. Cám ơn ông chủ Carmen và các ca sĩ đã làm được một việc rất có ý nghĩa để đưa Sài Gòn lên bản đồ du lịch thế giới.

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Một kỉ niệm với ông Nguyễn Phú Trọng

Thế là những suy đoán của “quần chúng” đã đúng: ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư (TBT) Đảng CSVN. Thấy người sang bắt quàng làm họ: người viết có một kỉ niệm nhỏ với ngài Tổng bí thư cách đây khoảng hai năm …

Theo báo VNexpress.net, ông Nguyễn Phú Trọng đã đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả này cũng đúng với những tiên đoán của giới bình luận thời sự vỉa hè ở Hà Nội và Sài Gòn. Do đó, đối với những ai theo dõi thời sự trong nước thì tin này không gây ngạc nhiên.

Kỉ lục 

Có ngạc nhiên chăng ông là một TBT “có tuổi” so với các TBT gần đây (trong vòng 14 năm). Tính từ năm 1930 cho đến nay, Đảng CSVN đã có 13 TBT, nhưng trong thực tế thì chỉ có 12 người giữ chức này (vì ông Trường Chinh 2 lần làm TBT). Tôi đã làm một thống kê tuổi của các TBT (bảng dưới đây), và thấy tuổi trung bình của các TBT là 57. TBT trẻ tuổi nhất là Trần Phú và Nguyễn Văn Cừ, cả 2 người lên chức này vào năm mới 26 tuổi. Người cao tuổi nhất được đắc cử chức TBT là ông Đỗ Mười (74 tuổi). Thật ra, ông Trường Chinh làm TBT lần thứ 2 lúc đã 79 tuổi, nhưng tôi không tính đến vì ông làm chỉ có vài tháng và làm lần thứ hai. So sánh với những TBT từ năm 1997 thì ông Nguyễn Phú Trọng thuộc vào nhóm “có tuổi”.


Tuổi đời của các tổng bí thư Đảng CSVN
Nhiệm kì Tổng bí thư (năm sinh, năm qua đời)
Tuổi lúc nhậm chức TBT
1930 – 1931 Trần Phú (1904 - 1931)
26
1935 – 1936 Lê Hồng Phong (1902 - 1942)
32
1936 – 1938 Hà Huy Tập (1906 - 1941)
30
1938 – 1940 Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941)
26
1941 – 1956 Trường Chinh (1907 - 1988)
34
1956 – 1960 Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
66
1960 – 1986 Lê Duẩn (1907 – 1986)
53
7/1986 – 12/1986 Trường Chinh (1907 - 1988)
79
1986 – 1991 Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998)
71
1991 – 1997 Đỗ Mười (1917 - )
74
1997 – 2001 Lê Khả Phiêu (1931 - )
66
2001 – 2011 Nông Đức Mạnh (1940 - )
61
2011 - Nguyễn Phú Trọng (1944 -)
67



Ông Nguyễn Phú Trọng điều hành một phiên họp tại Đại hội XI. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Phú Trọng điều hành một phiên họp tại Đại hội XI. Ảnh: TTXVN

Điều ngạc nhiên thứ hai là lần đầu tiên, có một tổng bí thư đảng cộng sản là giáo sư tiến sĩ. Ông Nguyễn Phú Trọng có bằng phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) về chính trị học, với chuyên ngành Xây dựng Đảng, từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Liên Xô cũ (viện này trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Năm 1992, ông được phong chức danh phó giáo sư, và 10 ma9m sau (2002) ông trở thành giáo sư. Không chỉ lần đầu tiên Đảng CSVN có một tổng bí thư là giáo sư tiến sĩ, mà trên thế giới có lẽ đây cũng là một trường hợp duy nhất từ trước đến nay trong các đảng cộng sản.

Một điều đáng chú ý khác là trình độ học vấn của các ủy viên Bộ Chính trị (BCT) trong khóa XI rất cao. Có tất cả 14 ủy viên BCT trong khóa XI, và theo báo VNexpress, “Trong số Ủy viên Bộ Chính trị có gần 10 người mang học vị tiến sĩ” (nhưng sao tôi đếm chỉ có 4 người, đó là các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Quang Nghị, và Trần Đại Quang). Cần nói thêm rằng trong một phân tích trước đây, tôi đã trình bày dữ liệu cho thấy trong khóa VIII (1996) và IX (2001), BCT chỉ có 1 ủy viên duy nhất có bằng tiến sĩ, nhưng đến khóa X (2006) thì có đến 5 người (tức 1/3 ủy viên BCT) có bằng tiến sĩ. Nay thì con số đó đã lên đến 10/14, tức là hơn 2/3! Có thể nói đây là một kỉ lục.

“Tôi cũng là trí thức”

Thấy người sang bắt quàng làm họ. Tôi từng có cơ duyên gặp ông Nguyễn Phú Trọng cách đây trên 2 năm ở Sydney. Nhân chuyến thăm chính thức theo lời mời của Quốc hội Úc, ông Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) có ghé qua Sydney. Ông có nhã ý gặp vài người Việt, và nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Úc làm cầu nối. Phần lớn những người ông muốn gặp là những người làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học của Úc, và thường về nước giảng dạy hoặc tham gia các dự án nghiên cứu. Chúng tôi gồm một nhóm thân hữu nhận lời mời đến gặp thân mật ông Chủ tịch Quốc hội và có một cuộc trao đổi cũng thú vị.

Hôm đó là ngày 15/3/2008. Địa điểm là lầu 25 (dành cho VIP), khách sạn 5 sao Sangri-La ngay tại cảng Sydney. Tôi cũng phải nói thêm rằng đây chính là khách sạn mà tôi đã làm phụ bếp trong những ngày tháng đầu tiên đến định cư ở Úc gần 28 năm trước đây. Hồi đó, tôi chỉ loay hoay trong nhà bếp, và thế giới của tôi là những rau quả, nồi niêu xoang chảo chứ làm gì có dịp ghé tầng 25. Chúng tôi được nhân viên an ninh Úc scan trước khi vào thang máy, và thang máy chỉ đi đến tầng 25. Đến tầng đó lại qua một kiểm tra an ninh nữa, mới gặp được sếp. Ông Nguyễn Phú Trọng đến bắt tay từng người, rồi hai bên tự giới thiệu. Ông là người có chiều cao trung bình, tóc hoa râm, đeo kính trắng, mặc veston màu nâu đậm, nhưng caravat thì được thắt chưa mấy đúng điệu. Tuy nhiên, cái mắt tay của ông ấm và đúng với cách làm của người lãnh đạo (chắc là kinh nghiệm lâu). Chúng tôi thì mỗi người tự giới thiệu, và sau đó ông giới thiệu đoàn của ông. Tôi còn nhớ hoài câu ông nói (sau khi chúng tôi tự giới thiệu): “Các anh là những người trí thức, tôi nghĩ tôi cũng là người trí thức”. Tôi hơi ngạc nhiên câu nói này, nhưng nghĩ đó là một giây phút thăng hoa của ông Chủ tịch. Nhưng nay thì tôi biết tại sao ông nói câu đó: tại vì ông là giáo sư có văn bằng tiến sĩ.


Gặp mặt ở Sydney, 15/3/2008
Sau đó là vào đề ngay, ông hỏi chúng tôi có nguyện vọng hay vấn đề gì cần nêu. Chúng tôi luân phiên nhau trình bày những vấn đề mình quan tâm. Riêng tôi thì nói nhiều về việc công nhân Việt Nam bị sát hại ở Mã Lai (lúc đó là chuyện thời sự) và phàn nàn rằng VN mình chẳng lên tiếng gì cả, và như thế là không được. Tôi cũng phàn nàn về tình trạng cơ sở hạ tầng, nhất là đường xá, của miền Tây còn quá kém. Ông cắt lời tôi và nói rằng đường xá miền Tây cũng “được” đó chứ, nhưng tôi nói rằng nếu ông đi bằng đường bộ sẽ thấy đường xấu như thế nào, và không tương xứng với sự đóng góp của nông dân vùng này cho sự thịnh vượng của quốc gia. Tôi chọc cười rằng phải đi xe đò miền Tây mới biết xe “đấm lưng” ra sao, và ai cũng cười. Ông có vẻ chú ý và bảo người thư kí ghi lại những ý này. Đáng lẽ thời giờ ông dành cho chúng tôi chỉ 1 giờ (vì ông có hẹn sau đó), nhưng ông tiếp chúng tôi đến 90 phút vì những trao đổi có liên quan đến nhiều vấn đề bức xúc. Trong khi chúng tôi thảo luận thì giới phóng viên ghi chép và đài truyền hình VTV thì thu hình. Cuộc gặp mặt có nhiều báo và tòa đại sứ tường thuật. Ngay cả em tôi ở bên nhà cũng nói là thấy hình tôi trên TV mà tưởng là tôi đang ở … Hà Nội!

Ấn tượng đầu tiên của tôi lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng là người dễ mến, giọng nói rõ ràng, nhưng cách nói thì rất … chính trị gia (tức là không có gì cụ thể cả). :-) Nay thì ông đã lên đến một chức cao tột đỉnh trong hệ thống chính trị, và chỉ hi vọng rằng ông thực hiện lời hứa cố gắng “tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.” Lại một kiểu nói rất … chính trị!

Ghi chép cuối năm 4: Chuyến xe miền Tây

Tôi yêu xe đò. Nhất là xe đò miền Tây. Chỉ cần nghe – và chỉ nghe – những câu chuyện hành khách thổ lộ cũng là những nhiệt kế thời sự rất đáng suy ngẫm. Lần này tôi chẳng những nghe mà còn gặp một vài hành khách rất vui, trong đó có mẹ của cầu thủ Lê Công Vinh.


Chuyến đi từ Cần Thơ về Kiên Giang hôm cuối năm 2010 là một chuyến đi rất vui với tôi. Thay vì đi xe bao, tôi chọn đi xe đò của hãng Mai Linh. Đã nghe dịch vụ xe đò của Mai Linh từ lâu, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp thử nghiệm qua cho biết. Khỏi nói thì ai cũng biết Mai Linh là một thương hiệu taxi uy tín nhất ở Việt Nam, nhưng Mai Linh còn là hãng xe đò uy tín số 1 ở miền Tây. Cần nói thêm rằng bây giờ Mai Linh đang gặp một đối thủ lợi hại: đó là hãng Phương Trang. Dù ra đời sau Mai Linh, nhưng dịch vụ của Phương Trang cũng chẳng kém gì [thậm chí có người còn cho là hơn cả] Mai Linh. Riêng tôi thì thấy hài lòng với dịch vụ của Mai Linh trong chuyến đi từ Cần Thơ về Rạch Giá.

Nhiệt kế thời sự 

Đi xe đò lần này nhớ xe đò ngày xưa. Hồi đó, tức là thời bao cấp, đi xe đò là một cực hình. Tôi còn nhớ những chuyến xe từ Rạch Giá về quê tôi nó cực khổ biết bao. Những chiếc xe từ thời trước 1975 còn để lại nhưng thiếu phụ tùng nên người ta phải chế ra để phục vụ cho việc đi lại của người dân miền quê. Những xe đò cọc cạch, chạy chậm rì, thậm chí có khi hành khách trai trẻ như tôi phải nhảy xuống xe để đẩy lên dốc. Đó là những chiếc xe mà hàng ghế hoàn toàn làm bằng gỗ (chứ không phải nệm êm như bây giờ), còn khách thì đông nghẹt từ trong xe đến mui xe. Trên mui xe còn lỉnh kỉnh bao nhiêu gà, vịt, thịt, cá, trái cây. Trong xe thì hành khách đứng ngồi đông nghẹt. Mùi dầu cù là, mùi mồ hôi, mùi thức ăn … hòa quyện thành một cái mùi rất đặc sắc chuyến xe miền Tây. Thời đó, xe không có cục đề (starter) như bây giờ; người lơ xe phải đem cái cần quay bằng sắt nối vào đầu máy và quay một mạch để khởi động máy xe. Có lẽ nhiều bạn đọc trẻ ngày nay không tưởng tượng nổi kiểu khởi động xe như thế đâu. Thời đó, mua được vé xe liên tỉnh là cả một vấn đề. Thuở ấy, tôi là nhân viên Nhà nước, và mỗi khi đi công tác ở Sài Gòn hay các tỉnh lân cận, tôi phải có giấy phép (gọi là “giấy giới thiệu”), và dùng giấy giới thiệu đó để đi mua vé xe. Cũng phải trầy trật lắm mới có một vé xe. Có khi người tài xế thương tình thấy tôi thư sinh (hồi đó tôi ốm tong teo vì ăn bo bo quá lâu) nên cho ngồi ghế gần tài xế. Còn bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường, thì sướng quá. Các hãng xe đò bây giờ cần khách, chứ đâu phải khách cần xe như hồi xưa nữa. Tôi chỉ cần điện thoại cho Mai Linh hẹn ngày đi. Thế là sáng sớm đã có xe trung chuyển của hãng đến đón tôi từ khách sạn để tập trung tại bến xe Cần Thơ, và chỉ chưa đây 10 phút ở bến xe, tôi đã lên xe đi Rạch Giá. Xe khởi hành đúng giờ. Không có tình trạng đón khách dọc đường. Tiếp viên vui vẻ và lịch sự với khách. Tài xế ăn mặc lịch sự, thắc càravát rất chỉnh chu. Xe có máy lạnh chạy khè khè, nhưng nhiều khách không chịu máy lạnh. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhịp nhàng, đâu ra đó, đúng là “danh bất hư truyền”.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/253/296253.jpg

Một cảnh ở bến xe đò

Lên xe tìm ghế ngồi (đã định sẵn) tôi thấy chuyến xe này cũng đông khách. Thật ra, không có ghế trống. Chỉ có điều tôi phàn nàn là hàng ghế của tôi đáng lẽ chỉ có 2.5 người (tức là 2 ghế chính và một ghế phụ khi cần), nhưng lại bị nhét thành 3 người. Thôi thì mình nên nhường nhau để mọi người cùng có phương tiện về thăm nhà trong những ngày cuối năm. Xe chạy một hồi tôi mới nhận ra xe này chạy theo tuyến đường ngã ba lộ tẻ, xuyên qua Tân Hiệp, rồi Rạch Giá (chứ không đi theo ngã Vị Thanh, Giồng Riềng, Rạch Giá). Cũng chẳng sao. Chắc là nhu cầu thị trường mà hãng phải đáp ứng thôi. Hành khách thì đủ tầng lớp cả. Đa số là người Kiên Giang đi thăm bà con Cần Thơ về, một số là học sinh hay sinh viên từ Cần Thơ về nhà nhân dịp cuối năm, một vài người là công tư chức. Anh ngồi bên cạnh tôi là kĩ sư đang làm một công trình xây dựng ở Tân Hiệp; anh kia ngồi phía trên tôi là chuyên viên về tiếp thị, có vẻ rất bận rộn, điện thoại reo liên tục, anh lúc thì bàn về chiến lược chiếm thị trường cùng đồng nghiệp, lúc thì chỉ hướng dẫn “quân” đi bán hàng hóa ở khắp miền Tây; còn 4 hành khách ngồi phía sau ghế của tôi là nữ, trong đó có 2 người nói tiếng Nghệ An.

Khoảng nửa giờ sau xe chạy, câu chuyện trên xe bắt đầu rôm rả. Người ta hỏi han để biết nhau, cũng là một cách tự giới thiệu rất … Việt Nam. Đại khái những câu hỏi anh/chị/em ở đâu, làm gì, đi Rạch Giá có chuyện gì, thậm chí làm lương bao nhiêu, v.v… Không ai cảm thấy bị “xâm phạm” vì những câu hỏi về “nhân thân” như thế, ai cũng vui vẻ trả lời. Tôi cũng thế. Tôi nói tôi là người đi thăm bà con ở Ô Môn về (sự thật là thế). Nhưng có người nói “Chắc anh ở ngoài về”, nên tôi đính chính ngay rằng “Tôi công tác ở Sài Gòn, chứ không phải ở nước ngoài” :-). Tôi chứng minh kiến thức về quê của mình, và dứt khoát không chen vào mấy tiếng Anh tiếng U để cho bà con thấy tôi là dân địa phương thứ thiệt. Tôi muốn nói như thế để hòa đồng cùng bà con, để sống lại những ngày đi xe đò miền Tây trong thời bao cấp ...

Sau phần tự giới thiệu như thế, đến phần chính là giải bày tâm tư của hành khách. Những câu chuyện làm ăn cực khổ ở các hãng xưởng Cần Thơ để có đồng tiền gửi về quê. Một chị ở U Minh đang bồng bế đứa con còn nhỏ nói chồng chị làm công nhân mỗi tháng chỉ có 1,5 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà và ăn uống, chỉ còn trên dưới 500 ngàn để gửi về nhà. Chị than thở ở miệt U Minh bây giờ chẳng biết làm gì ra tiền, vì ruộng thì bị nước mặn xâm nhập, còn việc làm thì không có vì đâu có ai đầu tư công nghiệp ở đó. Những câu chuyện thời sự cũng được đem ra bàn tán xôm tụ. Anh công chức ngồi cạnh tôi thì than về tình trạng hối lộ tràn lan trong ngành xây dựng. Vụ Vinashin và những vụ tương tự, vụ PMU18 xa xưa, vụ Đại lộ Đông Tây, v.v… được nhắc tới nhắc lui và cuối cùng vẫn chỉ là những lời than thở, bó tay. Câu chuyện không thể nào thiếu đại hội Đảng khi mà hai bên đường cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm treo đầy phố. Những lá cờ đỏ chói hai bên phố trong cái nắng chói chang hình như làm cho nhiệt độ mùa hè càng nóng hơn. Tôi đang nghĩ nếu mình là nhà thơ tôi sẽ sáng tác một vài câu thơ để mô tả cái cảm giác lúc đó, cũng giống như câu thơ của Trần Dần chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ ngày xưa. Không có mưa sa ở đây, chỉ có cái nóng bức của miền Tây hòa nhập cùng màu cờ đỏ. Một anh hành khách có dáng dấp nông dân ngồi ghế trên khơi màu câu chuyện về đại hội Đảng và hỏi có ai có ý kiến ai sẽ là tổng bí thư (TBT). Người thì nghĩ đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành TBT; người cãi lại rằng chức đó chưa bao giờ dành cho người miền Nam; người thì đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lên chức TBT; lại có người cho rằng người có vinh dự đó là ông Trương Tấn Sang. Có người thì thở dài rằng ai lên TBT thì cũng thế thôi, tình hình sẽ chẳng có gì thay đổi. Kinh tế phát triển sẽ vẫn phát triển. Tham nhũng thì vẫn tham nhũng. Giáo dục thì vẫn sẽ bê bết như hiện nay thôi. Điều đáng nói là chẳng ai hay biết vấn đề bauxite, cũng chẳng ai biết chuyện bọn “nước lạ” nó hành hung và giết ngư dân mình như thế nào, có lẽ do thiếu thông tin. Tôi nhìn quanh xe thấy chỉ có duy nhất một người đọc báo, mà là báo ... Công an Nhân dân! Thật ra, những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, hay SGTT chỉ đến thành thị, chứ không có trong quê hay thị trấn. Ngay cả thị trấn Minh Lương (gần xã tôi) mà tìm được một tờ báo đọc cũng đỏ mắt. Người dân thiếu thông tin kinh khủng. Thay vào đó là những cái loa phát thanh những thông tin mang tính tuyên truyền (một chiều) của chính quyền. Mà, tôi phải nói cách thức tuyên truyền của họ cũng rất thấp, chỉ làm cho người ta chán mà thôi. Có người nói đùa rằng đó là những cái loa làm ô nhiễm không khí, vì cứ "đến hẹn lại lên" nó phát ra những âm thành rè rè, nhão nhoẹt, và nội dung thì không nghe cũng biết. Thật ra, báo chí Nhà nước cũng ít khi nào nhắc đến những vấn đề "nhạy cảm" như bauxite hay vụ bọn sát nhân mang tên "nước lạ" nó đang giết dân mình. Tôi cũng chẳng muốn nói đến những chuyện đó làm gì, khi mà bà con chẳng có thông tin. Tôi có cảm giác người dân, ít ra là những người hành khách ở đây, có vẻ cam chịu những bất cập hiện nay và hi vọng cho một ngày mai tốt hơn. Hi vọng như thế nhưng họ không biết gì để biến hi vọng thành hiện thực. Họ chấp nhận tình trạng tham nhũng hối lộ như là “sống chung với lũ”. Họ cũng chẳng có thông tin để quan tâm đến sự sống còn của đất nước, bởi vì thông tin đó chỉ nằm trong tay những người có học hay những người có địa vị trong xã hội hay ở thị thành.

Từ chuyện xa đến chuyện gần hơn ở tỉnh tôi. Có người so sánh sự phát triển kinh tế giữa An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ. Điều thú vị là chị này chỉ ra sự khác biệt rất đáng chú ý mà làm tôi có khi thấy nhói lòng: Kiên Giang có nhiều điều kiện hơn An Giang để phát triển, nhưng Kiên Giang lại thua An Giang quá xa. Thật ra, trước đây nhân dịp Tết, trong một buổi họp mặt người Việt gốc Kiên Giang đang ở nước ngoài tại quán Năm Nhỏ (Rạch Giá), tôi cũng có phát biểu ý này và được đài truyền hình Kiên Giang thu lại (nhưng chẳng biết có phát sóng hay không). Tôi nói rằng Kiên Giang có ruộng, cò rừng, có biển, là một Việt Nam thu nhỏ, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của Kiên Giang thì còn thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Tôi có dịp đi Vĩnh Long và thấy rõ ràng rằng Kiên Giang còn kém hơn Vĩnh Long. Hôm đó có lãnh đạo cao cấp tỉnh ủy và ủy ban nhân dân ngồi dưới, và tôi đoán ý kiến của tôi chắc làm cho các vị ấy không vui. Nhưng tôi nghĩ thà mình nói thật còn hơn là nói những gì các vị ấy muốn nghe. Quay lại câu chuyện của chị hành khách, chị chỉ ra rằng đến Kiên Giang, người ta chỉ thấy hàng quán ăn nhậu, chẳng thấy gì khác; còn ở An Giang người ta có hãng xương công nghệ lớn, có chăn nuôi phát triển nhanh, có đại học đàng hoàng. Cần Thơ thì có vài đại học hoành tráng (chưa biết phía trong ra sao). Ngay cả Trà Vinh, Vĩnh Long mà cũng có đại học. Kiên Giang chẳng có gì cả. Kiên Giang đánh cá xong giao cho An Giang sản xuất, xuất khẩu, và thậm chí còn bán lại cho … Kiên Giang! Chị ấy còn chỉ ra một điều thú vị ở Rạch Giá là có 2 khu lấn biển, một khu mà người ta gọi là 16 ha (lấn biển trước 1975) và khu lấn biển mới. Khu 16 ha ngày xưa trước 1975 là sân vận động, là nơi dành cho công chúng, nhưng bây giờ bị biến thành khu “Trần Dư”. Là dân địa phương, tôi rất ngạc nhiên hỏi chị cái tên Trần Dư này xuất phát từ đâu, thì chị cười ha hả nói: Ủa, anh không biết hả, Trần Dư tức là Trừ Dân, tức là khu không có dân ở, chỉ có quan ở. À, thì ra là vậy! Tôi thì chỉ nghe cái tên này lần đầu, chứ trước đây thì người ta dùng chữ để phân biệt một khu lấn biển “nhiều quan” (tức 16 ha) và khu lấn biển “nhiều quán” (tức khu mới). Thật vậy, nhìn qua khu lấn biển 16 ha cũ bây giờ nhà cửa xây lên sát nhau, trông không đẹp chút nào cả, làm mất mĩ quang của thành phố biển; còn khu lấn biển mới thì toàn là nhà hàng, quán nhậu, karaoke, đêm đêm nhạc xập xình đinh tai nhức óc, chịu không nỗi. Còn An Giang? Nhìn qua cách người ta thiết kế đường xá, khu hành chính, khu thương mại, đâu ra đó, tôi phải nói là đồng ý một cách ngậm ngùi với chị hành khách. Kiên Giang tôi thua An Giang xa quá.

Đặc sản xứ Nghệ: làm cách mạng

Câu chuyện lan dần sang 2 người nữ hành khách nói tiếng Nghệ ghế sau. Dù không phải là người địa phương, nhưng 2 chị này rất vui vẻ tham dự những câu chuyện của hành khách khác. Điều tôi chú ý là có một chị chắc tuổi trên 50, có vẻ rất informed, đọc nhiều, và … thích thơ. Thỉnh thoảng chỉ đọc một câu thơ hay một câu ca dao để minh họa cho vấn đề đang bàn, làm nhiều người cười thoải mái. Chuyện trò một hồi, tôi mới biết chị đi từ Sài Gòn vào Cần Thơ thăm bà con bằng máy bay, rồi từ Cần Thơ đi Rạch Giá bằng xe đò này để ghé thăm thông gia của chị. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng thông gia của chị ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Rạch Giá, và có vẻ sợ xe chạy qua địa chỉ. Tôi trấn an rằng chị cứ yên tâm, Rạch Giá nhỏ lắm, dù cho xe có chạy qua thì vẫn có thể tìm địa chỉ dễ như trong lòng bàn tay thôi. Chị cho biết chị làm nghề giáo nhưng đã nghỉ hưu rồi, và đây là lần đầu tiên chị vào miền Tây. Xe đến đâu chị cũng trầm trồ nói “Đúng là miền sông nước”. Chị vui vẻ kể ra có mấy đứa con, bao nhiêu tuổi, đang làm gì. Có khách hỏi tiếp thì chị nói chị có một thằng con cũng khá nổi tiếng, và hỏi qua lại thì mới biết “nó” là Lê Công Vinh, cầu thủ bóng đá trong đội tuyển quốc gia. Chuyến đi này chính là ghé thăm ông bà già vợ của Vinh ở Rạch Giá. Vợ của Vinh là ca sĩ Thủy Tiên. Bây giờ tôi mới biết Thủy Tiên là người gốc Rạch Giá. Thú thật, tôi chẳng theo dõi bóng đá nên cũng chẳng biết ai là ai, cũng chẳng hạp với loại nhạc cô Thủy Tiên ca, nhưng vẫn thấy thú vị khi gặp một người khách vui tính như chị. Cũng như hôm tôi đi từ Sydney về Sài Gòn tôi gặp Chí Tài (và chuyến trước thì gặp Đàm Vĩnh Hưng ngồi bên cạnh tôi), nhưng không có dịp làm quen. Nói chung, tôi thấy những người nổi tiếng ở Việt Nam ngoài đời họ rất khiêm cung và vui vẻ. Tôi hỏi chị có thích loại nhạc mà con dâu của chị ca không, thì sau khoảng 1 phút ngần ngừ, chị nói "không". Ai cũng cười. Tôi cũng nói thật rằng tôi không phải là fan của những loại nhạc mà giới trẻ đang mê mẩn ngày nay. Tôi cũng giả bộ hỏi chị về quê hương và dòng dõicủa cụ Hồ Sĩ Tạo ở Nghệ An, và thấy rằng chị tỏ ra khá rành câu chuyện mà sử gia Trần Quốc Vượng từng viết trong cuốn Trong cõi. Tôi đoán câu chuyện về Hồ Sĩ Tạo chắc chỉ có chị ấy và tôi là hiểu, chứ các hành khách khác thì chẳng hiểu chúng tôi đề cập đến chuyện gì.

Chị làm cho hành khách xe nhộn nhịp hẳn lên với câu hỏi rất hay: Đặc sản của Kiên Giang là gì? Không ai tìm ra được câu trả lời, và chính tôi cũng hơi bất ngờ khi gặp câu hỏi này. Mỗi câu trả lời đều bị khách khác bác bỏ (phản biện). Lúa gạo và cá? Chả có gì gọi là đặc sản cả, vì tỉnh nào ở miền Tây mà chẳng có. Nghĩ một hồi, tôi đề nghị “Nước mắm Phú Quốc”, ai cũng cười ồ lên nói nước mắm thì có gì là tự hào. Nhưng tôi cãi lại vấn đề không phải là tự hào mà là “đặc sản”, đâu có nơi nào trên đất nước này sản xuất nước mắm ngon như Kiên Giang. Anh hành khách giám đốc tiếp thị nói thế còn nước mắm Phan Thiết thì sao, họ cũng nói sản phẩm của họ ngon. Tôi thì nghĩ nước mắm Phan Thiết không ngon bằng và qui trình sản xuất cũng không như ở Phú Quốc. Thế là mọi người có vẻ chấp nhận nước mắm Phú Quốc là đặc sản của Kiên Giang, và tôi không quên kèm theo câu: chị nhớ mua vài lít về Nghệ An làm quà nhé! Sẵn dịp, tôi hỏi chị vậy chứ đặc sản của Nghệ An là gì. Chị cũng lúng túng, và sau vài phút suy nghĩ, chị nói chắc đặc sản của Nghệ An là …. làm cách mạng. Nghệ An là quê hương của rất nhiều nhà cách mạng. Hành khách ai cũng cười ngất ngư với câu trả lời này.

Lâu lâu nghe giọng Nghệ An làm tôi nhớ đến một người bác dưới quê mà tôi xem như người trong nhà. Tôi không bao giờ biết họ, chỉ biết bác ấy tên là Cực. Bác là người từ Nghệ An vào Nam kháng chiến (tức như Ba tôi) trong thập niên 1940 hay 1950s. Không biết làng quê của bác ngoài ấy là gì, vì bác cũng ít khi nào nói đến. Sau hiệp định Geneve, bác không đi tập kết, mà ở lại Nam và định cư ở Kinh B trong một cái nhà nhỏ. Bác là người Nghệ duy nhất trong cái kinh toàn là người Nam và Bắc di cư, nhưng bác sống hòa đồng với mọi người, xem kênh B là nhà, là quê hương của mình. Căn nhà của bác nằm giữa đồng không hiu quạnh, tường làm bằng bùn, và mái nhà lợp lá. Phía sau nhà bác có cái đìa để nuôi cá, phía trước là con rạch nước lúc nào cũng màu nâu. Tôi còn nhớ nhiều lần đi kinh B, tôi ngủ ở nhà bác, trong cái căn buồng nhỏ nhưng mát mẻ lắm. Bác sống một mình với con cháu, vì bác gái qua đời đã lâu. Căn nhà của bác là nơi nuôi nấng cán bộ cách mạng. Tôi còn nhớ hoài những đêm tôi ngủ ở đó, có những cán bộ vào ăn uống xong hay được tiếp tế hàng hóa, sáng sớm thì đi mất. Những người này sau trở thành quan chức lớn của tỉnh. Nhưng tiếc một điều là ít ai còn nhớ đến bác Ba Cực của tôi, nên bác nghèo vẫn hoàn nghèo. Ấn tượng còn đọng lại trong tôi về bác là một người nhỏ, thấp, bàn chân chính tông Giao Chỉ, khuôn mặt khắc khổ với nhiều vết nhăn trên trán của người có tuổi, nhưng lúc nào bác cũng yêu đời. Bác hay mặc bộ đồ bà ba đã ngã màu bùn phèn, trên đầu lúc nào cũng quấn cái khăn sọc ca rô đen trắng đã bạt màu. Tôi không thể nào quên nụ cười lạc quan của bác. Ngay cả cái tên của bác là Cực, mà có người đọc đùa thành … Cức nhưng bác xem ra chẳng quan tâm, mà còn lấy đó làm chuyện vui. Bác xem Ba tôi như là em, thường xay bơi xuồng xuống nhà tôi đàm đạo, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chiếc xuồng của bác nhỏ lắm, vậy mà mỗi lần xuống nhà tôi, bác đem theo đủ thứ quà cáp cho bọn tôi. Cứ mỗi lần như thế bác nói huyên thuyên, chẳng cần người đối diện có hiểu tiếng Nghệ của bác nói gì hay không. Những lúc hứng, bác đọc thơ và giảng dạy truyện Kiều, cũng giống như mẹ của Công Vinh vậy. Cũng như cái chất giọng trọ trẹ khó nghe, trong tiếng cười của bác tôi cũng nghe được cái trọ trẹ, nghe được chất thuốc lào trong đó. Những lúc đó tôi chỉ ngồi bên cạnh để nghe. Bác hay vò đầu tôi rồi nói với Ba tôi “Tao coi số rồi, thằng này có số làm quan nay mai,” rồi quay sang tôi bác nói đùa “Này, mai mốt mày làm quan thì nhớ về giúp bác Ba đỡ nghèo nhé.” Tôi nhớ hoài cái câu sau đó, nhớ hoài cái giọng nói dấu sắt thành dấu nặng đó, nhớ giọng cười có âm hưởng Nghệ An pha trộn với thuốc lào. Bẵng đi một thời gian lâu tôi ra ngoài định cư, đến khi có dịp về thăm nhà thì nghe tin bác ba Cực qua đời ở độ tuổi 76 trong cái nghèo, cái nghèo đã đeo đuổi bác đến ngày bác chết. Bà con hàng xóm hùn nhau mua cho bác cái hòm và chôn đâu đó phía sau nhà. Sau 1975, mấy con cháu của bác lưu lạc khắp nơi, và chẳng có đứa nào khá giả cả. Tôi dự định một ngày sẽ quay lại và tìm ngôi mộ của bác để xây lại cho đàng hoàng hơn.

Miên man nghĩ ngợi một hồi thì xe đến khu ngã ba lộ tẻ. Tài xế dừng xe để bà con làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Tôi cũng vào quán Bảy Minh kêu một tô hủ tíu và một li cà phê. Hủ tíu dở quá, ăn không được. Cà phê thì tàm tạm để đánh thức mình trong chuyến đi tương đối dài. Đang ngồi ăn uống, có 2 hành khách chung chuyến mon men đến làm quen. Hai anh này quả quyết rằng thấy tôi quen quen và hỏi có phải báo Tuổi Trẻ có lần đăng hình của tôi, và nếu thế thì chắc chắn tôi là người định cư ở nước ngoài. Tôi nói có lẻ hai anh lầm tôi với ông nào trên Tuổi Trẻ, chứ tôi đích thị là người địa phương, làm ở Sài Gòn. Hai anh cười tỏ vẻ không tin, và nói người trong nước không ai đụng chút là nói “cám ơn”! Thì ra, đây là một điểm cần phải để ý, nếu muốn đóng vai người Việt. Qua nhận xét của hai anh bạn khách, tôi chợt nhớ đúng là ở VN người ta đối xử nhau không mấy lịch sự. Vào quán ăn hay quán nhậu, dễ bắt gặp những câu khách nói với tiếp viên như “Ê mày, bữa nay có gì đặc biệt”, “Nói cho tao nghe hôm nay mày có gì”, “Tao thấy bực mình với mày rồi đó, nãy giờ nói mà vẫn chưa hiểu hả, ông chủ đâu rồi”, v.v… Những câu nói rất kẻ cả, như là ông chủ nói với người làm thời phong kiến hay sao ấy. Có lần đem nhận xét này nói với một người bạn, anh ấy thản nhiên trả lời rằng ở đây phải thế, chứ không nó leo lên đầu ông nó ngồi đấy. Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục với kiểu biện minh như thế.

Xe chạy một hồi đến trạm thu phí Tân Hiệp. Ở Việt Nam bây giờ đi đâu cũng thấy người ta dựng nên những trạm thu phí. Sân bay, cầu, khu giải trí, xa lộ, v.v… đều có trạm thu phí. Cái trạm thu phí Tân Hiệp này đã tồn tại cả 20 năm nay, và nó vẫn tồn tại. Người dân không ngại đóng phí, nhưng người ta thắc mắc: tiền thu phí đi đâu? Câu hỏi này hoàn toàn hợp lí, bởi vì chính quyền chẳng bao giờ cho người dân biết tiền thu phí được chi tiêu như thế nào, và đường xá thì vẫn rất kém. Nếu thu phí để nâng cấp hay bảo tồn đường xá thì tại sao những con đường có thu phí vẫn còn ổ gà, gập ghềnh? Có bài báo phản ảnh rằng chính quyền địa phương có khi đơn phương dựng lên những trạm thu phí mà không có lí do gì thuyết phục. Tôi cho rằng trạm Tân Hiệp cũng là một trạm như thế, bởi vì lí do tồn tại của nó không ai biết. Có hành khách cho biết rằng cái trạm này cho Cần Thơ dựng lên, và bao nhiêu tiền thu được thì Cần Thơ nắm hết, Kiên Giang chẳng có một đồng nào. Nói gì thì nói, những trạm thu phí ở VN càng ngày càng nhiều, nhiều đến nổi nó làm nghèo người dân, mà hình như chẳng có ai chịu khó suy nghĩ hay đứng về người dân một chút.

Nhân một chuyến xe miền Tây làm tôi lan man nhớ bao nhiêu chuyện xưa, và liên tưởng đến chuyện đổi đời thời nay. Tôi nghiệm ra một điều hiển nhiên rằng trong đời người, cái khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa có và không có rất mong manh, và nó xảy ra có khi rất nhanh. Nhớ trước đây khi còn lưu lại bên Florence (Ý), đi máy bay hạng first class, ở khách sạn 5 sao, đi đâu cũng có người mở cửa khách sạn hay mở cửa xe, vậy mà chỉ 1 giờ sau đó sang Paris thì phải tự mình xách hành lí khệ nệ đi lên lầu 5 (khách sạn không có thang máy) mệt ná thở, lên đến phòng nằm ngay xuống để mắt thấy ... ngàn sao. Cũng có khi ở khách sạn 7 sao bên Ả Rập cả tuần, ăn uống cái gì cũng sang nhưng ... không có bia, và chỉ 3 ngày sau thì đã có mặt ở miệt quê Kiên Giang, ăn cá lóc nướng trui và thưởng thức rượu đế đến say nằm ngủ ngay bên bờ ruộng. Tôi thường nói đùa rằng cuộc đời này chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên chút nào cả. Cực khổ, có khi cùng cực, cũng đã trải qua, và cái sang trọng thì không mới. Hôm nay cũng thế, mới 2 tuần trước đây, còn đi đây đi đó toàn bằng máy bay, và khi xuống máy bay thì có người đưa kẻ đón, nay đến lúc mình đi xe đò, cũng lỉnh kỉnh hành lí như ai, cũng ổ bánh mì cầm tay như mọi người, và cái quần short áo thun ngả màu phong trần như người dân địa phương. Ấy vậy mà tôi thích như thế, thích được trải nghiệm sự đổi đời đột ngột như vậy để xem mình thích ứng ra sao. Từ Cần Thơ đi Rạch Giá chỉ là một đoạn đường trên dưới 100 km, ấy thế mà phải tốn đến gần 3 tiếng đồ hồ. Tôi ước gì phải chi Nhà nước xây đường cao tốc thì việc đi lại của bà con tiện lợi biết bao. Có thể nhìn những chuyến xe miền Tây ngày nay như là một thước đo về sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một cuộc đổi đời, từ bao cấp sang dịch vụ tư nhân, từ nghèo khổ sang thoải mái một chút. Đó là những chuyến xe càng ngày càng trật tự nề nếp hơn (cũng như kinh tế đang dần dần sắp xếp lại), nhưng đường xá còn quá xấu (hệ thống hạ tầng cơ sở còn quá kém), và người dân vẫn chưa chuẩn bị kịp cho một cuộc đổi đời đang diễn ra ngay trên quê hương mình.